“Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.” (Gioan 13:). Với những lời này, Tin Mừng Gioan mở đầu trình thuật về cuộc Khổ nạn, sự hoàn thành cuộc đời dành cho nhân loại trong việc chia sẻ và yêu thương, vâng phục hoàn toàn đối với Chúa Cha cho đến sự trao ban cao cả chính bản thân mình. “Thế là đã hoàn tất!” (Gioan 19:30), Chúa Giêsu nói trên thập giá, như một dấu ấn trên một của lễ không biết gì là dè giữ. Một số thủ bản của bản Tin Mừng Vulgata – bản Phổ thông đã thêm hai chữ “tất cả”, để rõ nghĩa hơn: “Tất cả đã hoàn tất!” theo nghĩa là kế hoạch cứu độ, được mặc khải trong Kinh thánh, bắt đầu khởi động bằng việc Nhập thể, được hoàn tất trên Thập giá trong một hành vi yêu thương cao vời.
* * *
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thập giá, ý nghĩa đầy đủ của lời Ngài trở nên rõ ràng: “Ta làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Ta, để thế gian biết rằng ta yêu mến Cha” (Gioan 14:31). Sự hoàn tất đầy ấn tượng của một cuôc sống được sống trong sự vâng phục Chúa Cha giữa dân Ngài là sự mặc khải chói sáng nhất về tình yêu của Thiên Chúa đối với Chúa Con và đối với chúng ta. Và đó là một tình yêu không dè giữ, không chờ đợi sự đáp lại nào khác hơn là được người ta đón nhận. Thư thánh Phaolô gửi Titô cho biết: “Chính Ngài đã hiến thân vì chúng ta” (Tt 2,14; Gl 1: 4; 1 Tm 2: 6). Thánh Phaolô nói rõ: “Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôì” (Galát 2,20). Và không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu này, là hiến mạng sống mình cho tất cả mọi người: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Ngài phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rôma 5: 7-10; 1 Gioan 4:10). Vì vậy, sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu được thực hiện để giải cứu “những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.” (Gioan 13: 1), tức là các môn đồ, nhưng đó là một thực tại bao trùm toàn thể nhân loại và từ đó chỉ có sự từ chối của chúng ta mới có thể loại trừ chúng ta. Thật vậy, thực tại đó nằm trong chính bản chất của tình yêu, tình yêu đó không thể bị áp đặt.
Thư gửi tín hữu Rôma làm sáng tỏ chiều sâu của ân ban của Chúa Kitô: tình yêu của Ngài được bày tỏ trên Thập tự giá là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta. “Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Ngài cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Ngàii phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.” ( Rôma 5: 8-10). Sau đó, thánh Tông đồ trở lại chủ đề này, suy nghĩ về sự phán xét cuối cùng. Chúa Giêsu không đến để lên án hay phán xét chúng ta, nhưng “Ngài đã chết, vâng, Ngài đã sống lại, ngự bên hữu Thiên Chúa, và cầu thay cho chúng ta.” (Rôma 8:34). Và như vậy: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,35-39).
* * *
“Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rôma 8:34): thánh Phaolô liên kết ngay cái chết của Chúa với sự phục sinh. Đây không phải là một chi tiết không liên quan, vì trong sự phục sinh, sự nhục nhã của thập giá hoàn toàn được cứu chuộc.
Rốt cuộc, Chúa Giêsu sẽ ra sao đối với chúng ta nếu các sách Tin Mừng kết thúc bằng cái chết và việc chôn xác của một người bị đóng đinh? Đó sẽ là một mẫu gương về tinh thần đoàn kết, cảm đảm sống đến cùng và điều đó xuất hiện như một mất mát đau buồn, như diễn ra trong quá trình bình thường của mọi việc. Cuộc đời của Ngài hẳn đã là cuộc đời một nhà tiên tri tương tự như cuộc đời của các nhà tiên tri vĩ đại của Ítraen, cũng giống như cuộc đời của những người có lòng nhân từ và những nhân vật vĩ đại của thời đại chúng ta, những người đã dành cuộc đời mình cho người khác với lòng can đảm và sự cống hiến tuyệt đối. Vậy thì lời loan báo về sự Phục sinh thêm gì cho con người của Chúa Giêsu, và nhờ đó thêm gì cho rất nhiều người khác, những người có ý thức hay không ý thức, đã sống giống như Ngài?
Trong Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, Chúa Cha tuyên bố rằng cuộc đời của Chúa Kitô là sự trao ban toàn bộ chính mình, ngoài sự tưởng như thất bại (thập giá), cuộc đời đó là dấu hiệu của sự chiến thắng: sự sống được trao ban cho người khác cho đến cùng và cho đến cái chết là để sống liên đới với anh chị em của mình, không phải là kết thúc của mọi sự, nhưng là hạt giống của một sự sống mới, một sự sống được cứu chuộc, một lời loan báo tiên tri mà Đức Kitô đã mang trong thân xác mình và trong lịch sử của chính Ngài. Dụ ngôn về hạt lúa mì giải thích điều đó: “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.” (Gioan 12: 24-25). Trên thực tế, cuộc sống là tình thương đang lớn lên và đang phát triển bằng sự trao ban bản thân, và do đó trở nên đơm hoa kết trái trong một cuộc sống mới.
* * *
Dưới ánh sáng này, có thể hiểu lời của Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì đức tin của chúng ta cũng vô ích” (1Côrintô 15,14). Mỗi người chúng ta nghe lời công bố của Chúa Kitô Phục sinh: điều này có thể có ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta?
Không có công thức nào có thể diễn tả đầy đủ ý nghĩa của một thực tại vĩ đại như vậy, mà thay vào đó, thực tại đó phải được tìm kiếm, phải được sống, phải được yêu thương trong suốt cuộc đời và là hoa trái của cuộc gặp gỡ cá nhân với mầu nhiệm Chúa Kitô.
Mỗi người trong chúng ta đều có những trải nghiệm của riêng mình về thất bại và cái chết và chúng ta gặp chúng vào những thời điểm khác nhau: chúng ta thấy chúng trong sự bất an hàng ngày, trong sự mong manh, cô đơn, thiếu hiểu biết, thất bại, bệnh tật, sợ hãi và khốn khổ. Đặc biệt là ngày nay, trong thời đại coronavirus, chúng ta khám phá ra nỗi nhục nhã do sức mạnh của cái ác mang lại: con người bị tấn công bởi một căn bệnh đen tối, căn bệnh tiến triển không thể tránh khỏi, không biết giới hạn hay ranh giới, vượt ra ngoài những bức tường và hàng rào thép gai, dường như toàn năng và thâm nhập mọi nơi trên thế giới, không phân biệt. Mỗi người trong chúng ta đều nhận thức sâu sắc về tình trạng dễ bị tổn thương của chính mình, nghèo đói, bất lực, một sự thật đáng kinh ngạc khiến chúng ta kinh hãi.
Chúa Kitô Phục Sinh đến gặp chúng ta trong mỗi hoàn cảnh này: không chỉ – và không quá nhiều – để loan báo cho chúng ta niềm vui về một cuộc sống tương lai đầy đủ hơn, mà còn để nói với chúng ta rằng hãy can đảm gánh lấy những gánh nặng mà cuộc sống mang lại cho chúng ta, hãy luôn cởi mở. yêu thương và đoàn kết, tự cuộc sống đó đã có sẵn dấu hiệu của chiến thắng. Bất chấp mọi thất bại có thể xảy ra, sự sống trỗi dậy trong Chúa Kitô giờ đây chính là lời công bố vui mừng rằng Chúa Cha yêu thương chúng ta và cứu độ chúng ta trong Chúa Kitô: Thiên Chúa đã không hối hận vì đã tạo dựng chúng ta.
* * *
Vì vậy, dụ ngôn Người chăn chiên của Gioan cho chúng ta khả năng hiểu và đi đến cảm nghiệm về tình yêu hiển linh của Thiên Chúa: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.” (Gioan 10: 11-18).
Phêrô Phạm văn Trung, theo laciviltacattolica.