Có khi nào chúng ta đã tự đặt mình vào số những người vây quanh Chúa Giêsu mỗi khi Ngài rao giảng không? Và thái độ của chúng ta lúc đó như thế nào: Hăm hở nghe lời Ngài, suy tôn và thần tượng Ngài về những lời giảng dạy khôn ngoan; hoặc ngược lại, cảm thấy chói tai, mỉa mai Ngài rồi bỏ đi?
Đối với nhiều người thì câu hỏi trên là một câu hỏi khó trả lời, vì cũng phải tùy thuộc vào bài giảng, nội dung của nó ra sao, và phản ứng chung của những người nghe hôm đó? Và nhất là nó có động chạm đến ai không? Thí dụ, có lần Ngài mắng bọn giả hình: “Khốn cho các ngươi bọn ký lục, Pharisiêu giả hình. Các ngươi bề ngoài trông như những mồ mả quét vôi đẹp đẽ, nhưng bên trong chứa đựng toàn xương người chết, hôi thối.” (Mt. 23:27-28) Những lời như thế quả động chạm không ít đối với rất nhiều người trong đó có tôi. Phải chăng Ngài đi quá xa khi kết án như vậy? Và phải chăng vì những lời này đã lột tả sự thật phũ phàng về chính tôi?
Nhưng trong những giờ phút yên lặng một mình nhìn vào nội tâm, tôi thấy Chúa đã nói đúng, mặc dù “sự thật mất lòng”. Những hình ảnh Ngài nêu lên liên quan tới những ngôi mộ sơn phết đẹp đẽ bên ngoài đã khiến tôi suy nghĩ đến một ngôi mộ: Ngôi mộ của Giuse thành Arimathea. Trong ngôi mộ này là nơi chứa đựng thân xác chịu đóng đinh của Chúa. Chỉ khác một điều là ngôi mộ ấy không được sơn phết, và thân xác được đặt vào đó chỉ lưu lại một thời gian rất ngắn, để rồi sau đó đã phục sinh ra khỏi mộ. Ngôi mộ duy nhất trong đó không chứa xương người chết, không hôi thối. (x. Mc. 15: 42-46, Lc. 24:5-6, Mt. 28:5-7)
Calvary Loang Máu *
Theo Tân Ước, Golgotha là tên của nơi mà Chúa Giêsu bị đóng đanh. Địa điểm chính xác Golgotha ở đâu thì vẫn còn đang trong vòng tranh luận.
Vào khoảng thế kỷ thứ tư, Thánh Đường Mồ Thánh đã được xây trên Golgotha hiện nay được biết đến do Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantine. Nhưng vào thế kỷ 19, các nhà khảo cổ bắt đầu tranh luận về địa điểm này, một số cho rằng Thánh Đường Mồ Thánh ở bên trong bức tường thành, mà nay là Thành Cổ của Jerusalem. Do đó, Golgotha đáng lý ra phải ở bên ngoài theo phong tục của người Roma và người Do Thái, điều này cũng hợp với những gì các Thánh Sử đã ghi là Chúa Giêsu bị đóng đanh ngoài thành [1]. Tóm lại, Golgotha tọa lạc thực sự ở đâu lúc này vẫn đang được các học giả nghiên cứu và phân tích.
Tuy nhiên, vẫn theo một số các nhà nghiên cứu khác, Golgotha bây giờ được xác định là nơi có Thánh Đường Mộ Chúa. Nơi đây là nơi Chúa Giêsu bị đóng đanh. Không xa, là huyệt mộ ông Giuse đục vào đá cũng là nơi mai táng Chúa sau khi Ngài được đưa xuống khỏi thánh giá. [2]
Golgotha, tiếng Aramaic có nghĩa là “sọ”, cũng được gọi là Calvary vì ngọn đồi này có hình một sọ người ở Jerusalem. Trong Tân Ước, Thánh Gioan ghi: “Vì thế họ bắt Chúa Giêsu, và Người đi ra, vác thánh giá, đến một nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Aramaic gọi là Golgotha. Ở đó họ đóng đanh Người cùng với hai người khác, mỗi người một bên, còn Chúa Giêsu thì ở giữa.” (19:16-18)
Hành hương đến Jerusalem viếng thăm Đất Thánh mà không lên đồi Golgotha là một thiếu sót. Ngọn đồi này là tài sản thiêng liêng vô cùng quí giá của Công Giáo và Chính Thống Giáo. Nó bao gồm những thánh tích mang ý nghĩa lịch sử và công trình kiến trúc đặc biệt. Nhưng để vào được đền thờ Mồ Thánh, được động chạm đến nơi Chúa bị đóng đanh, bị treo trên thập giá, và táng trong mồ là một sự nhẫn nại, chờ đợi. Đây không phải là nơi mà ai muốn vào, muốn ra, muốn đến, muốn đi lúc nào cũng được. Trung bình phải chờ đợi một hoặc hai tiếng. Khách hành hương phải đứng sát với nhau thành từng đoàn, nhích đi từng bước trong kiên nhẫn chờ đợi. Không khí im lặng một cách thiêng liêng và huyền nhiệm. Nếu để tâm trí hướng về buổi trưa hôm đó, cách đây hơn 2.000 năm, và cũng trên đồi này, ngay tại nơi đây, ta có thể nghe như những tiếng búa của bọn lý hình đang đóng mạnh vào những chiếc đinh làm xuyên qua tay, chân Chúa. Chắc chắn là Chúa đau đớn lắm, quằn quại theo từng tiếng búa, và từng tấc đinh đi vào thân xác Ngài. Và ta cũng còn nghe thấy những tiếng cười nhạo của các thượng tế, kỳ lão, cùng với dân chúng qua lại: “Nó đã cứu được người khác mà không cứu được lấy mình!” (Mc. 15:31)
Rồi sự nhẫn nại, chờ đợi cũng được tưởng thưởng. Mỗi người chỉ được khỏang 1 phút qùy trước chiếc hố mà lý hình đã đào để dựng thập giá. Các phụ nữ thì khóc sướt mướt. Mọi người đều cố thò tay mình xuống sâu dưới hố để cảm nhận về cái chết đau đớn của Chúa Giêsu, và múc lấy cho mình những hồng ân chan chứa đến từ cuộc khổ nạn của Con Thiên Chúa. Tôi không nhớ lắm mình có thò tay xuống hố, nhưng tôi nhớ rất rõ là đã đặt một nụ hôn tại nơi này.
Xong rồi còn phải đi vào trong hang nơi táng xác Chúa nữa. Cũng lại phải xếp hàng, phải nhẫn nại, chờ đợi. Và mỗi người cũng không được quá một phút để chạm tay mình, để đặt môi hôn lên nơi mà xác thánh Chúa đã được mai táng. Ngôi mộ trống, nhưng nó chính là tiếng nói lịch sử của sự sống lại hiển vinh của Chúa Giêsu phục sinh.
Đồi Golgotha, nơi Con Chúa bị đóng đinh nhắc nhở cho chúng ta về một sự hy sinh cao cả của Chúa Giêsu. Chỉ duy hy lễ hiến tế của Người mới có thể đền bù được tội lỗi nhân loại và giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. [3]
Thấy và tin
Suy niệm về những nghi thức phụng vụ vọng Phục Sinh, tôi đã hồi tưởng lại ngôi mộ nơi đặt xác thánh Chúa, đồng thời nghĩ đến một ngày không xa thân xác tôi cũng được nằm trong một ngôi mộ. Liệu Chúa Giêsu có nói về tôi, về ngôi mộ của tôi như Ngài đã nói về những ngôi mộ mà các thánh ký đã ghi lại trong Phúc Âm, bề ngoài tuy đẹp đẽ mà bên trong chứa đựng nắm xương khô hôi thối!
Và điều mà tôi phải làm là để Chúa Kitô phục sinh thay đổi đời tôi. Tình yêu, sức mạnh và ánh sáng phục sinh của Ngài phải chiếm đoạt, chiếu tỏa và thay thế tình yêu xác thịt, sức cuốn hút và ánh sáng hào nhoáng của thế gian, những thứ khiến lòng người say mê, tìm kiếm, để rồi dẫn tôi đến mồ chôn tội lỗi và án chết đời đời!
Sau cùng, tôi tự hỏi phải chăng tôi có nhận ra Chúa Kitô phục sinh ngay cả khi tôi đã vào ngôi mộ Ngài như môn đệ Gioan xưa khi nhìn vào bên trong ngôi mộ trống của Thầy mình: “Rồi người môn đệ khác, người đã đến mồ trước cũng vào. Và ông đã thấy và đã tin.” (Jn. 20:8)
____________
* Trích Hồi Ký Tìm Về Dấu Chân Chúa, 2019 của tác giả.
- Mc. 15:20; Mt. 27:31ff; Gioan 19:17ff
- Marcel Serr and Dieter Vieweger in the May/June 2016 issue of Biblical Archaeology Review.
- Do Thái 10:12; Tông Đồ Công Vụ 4:12.
Tiến Sĩ Trần Mỹ Duyệt