Dân Do Thái xưa kia là dân du mục, vì vậy hình ảnh con chiên và kẻ chăn chiên thường được Kinh Thánh nhắc tới cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước. Chúa Giê Su nhận mình là người chăn tốt ( Mục Tử ): “ Ta là người chăn tốt. Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha vậy. Ta vì chiên mà bỏ mạng sống mình” ( Ga 10, 11 ).
Về chữ “ Biết” trong Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta mang một ý nghĩa sâu mầu bởi vì cái “ Biết” ấy hoàn toàn không phải một thứ…tri thức triết học hay sự cảm nhận của người đời.
Có nhận ra như thế mới hiểu được lời Đức Ki Tô: “ Quả thật, Ta nói với các ngươi Ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước Ta đều là quân trộm kẻ cướp. Nhưng chiên không nghe chúng. Ta là cái cửa, nếu ai bởi Ta mà vào thì chắc được cứu và sẽ ra, vào gặp đồng cỏ” ( Ga 10, 7 -9 ).
Về những kẻ đã đến trước, Chúa Giê Su muốn ám chỉ những ai ? Xin thưa đó chính là các triết gia Hy lạp cổ thời như Thales ( phỏng 624 – 546 ) Phytagor ( 570 – 496 ) Heraclit ( 544 – 484 ). Tiếp đó là Socrate ( 470 TCN ) và 02 học trò nổi danh của ông là Platon ( 427 – 347 ) và Aristote ( 384 – 322 ).
Tất cả những triết gia Hy Lạp này, tuy mỗi người mỗi khác về quan điểm nhưng đều có chung một ý hệ đó là tìm cho biết về căn nguyên sinh thành vũ trụ vạn vật.
Với Platon thì cho Căn Nguyên ấy là Những Lý Tưởng, Còn Aristote lại cho đó Đấng Tạo Hóa. Hai triết gia này có ảnh hưởng hết sức sâu đậm đến thần học Công Giáo sau này với câu định nghĩa của thần học Kinh Viện ( Scholastique ): Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philosophi est la science des choses par leurs causes supreme ). Nguyên Nhân Tối Cao ấy chính là Đấng Tạo Hóa và Đấng Tạo Hóa của Platon được gọi là Những Lý Tưởng, còn của Aristote là Đệ Nhất Nguyên Nhân hay Đệ Nhất Động Cơ.
Thần học đặc biệt chịu ảnh hưởng của Aristote khi nhìn nhận triết gia này là Tiền Hô của Đức Ki Tô: “ Proecurior Christi in rebus naruralibus si cut Joannes baptista in rebus gratituitis” ( Tiền hô của Đức Ki Tô trong những gì thuộc lãnh vựa thiên nhiên không khác gì Gioan Baptista trong lãnh vực ân sủng – L. T. Nghiêm – LSTH Tây Phương – Q.2 ).
Lấy Aristote để làm Tiền Hô cho Đức Ki Tô trong lãnh vực thiên nhiên, còn Gioan Baotixita trong lãnh vực ân sủng . Như vậy chẳng hóa ra có hai Đức Ki Tô sao ? Đang khi đó Thánh Phao Lô khẳng định chỉ có một mà thôi: “ Đức Ki Tô, hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời vẫn y nguyên là một” ( Dt 13, 8 ).
Đức Ki Tô trước sau vẫn chỉ là một và là Đấng Trung Gian: “ Vì chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng Trung Gian ở giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc mọi người là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( 1Tm 2, 5 -6 ).
Đức Ki Tô là Đấng Trung Gian Duy Nhất giữa Thiên Chúa và loài người đồng thời cũng trong tính chất trung gian ấy, Ngài nói: “ Ta là cửa chuồng chiên”. Cái cửa là để đóng vào hay mở ra, nó vừa có mục đích để bảo vệ đoàn chiên khỏi kẻ trộm hoặc sói rừng nhưng cũng để …mở ra cho đoàn chiên đến với đồng cỏ xanh tươi, uống nước suối trong…
Cái cửa đóng vào để bảo vệ đoàn chiên đó chính là các Giới Răn trong Đạo Chúa và trong thời Tân Ước đó là Giới Răn Yêu Thương: “ Điều răn của Ta đây này: Đó là các ngươi hãy yêu thương nhau cũng như Ta đã yêu thương các ngươi. Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là vì bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo điều Ta đã truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì tôi tớ chẳng biết điều chủ mình làm. Song Ta gọi các ngươi là bạn hữu vì Ta từng tỏ cho các ngươi mọi điều Ta đã nghe biết nơi Cha Ta” ( Ga 15, 12 -15 ).
Giới răn chính là một thứ luật pháp để bảo vệ Dân Chúa trên con đường tìm kiếm chân lý nhưng nếu giữ Luật chỉ vì Luật ( Vụ Luật ) thì chẳng những không thể gặp…mà ngày càng xa rời chân lý giống như dân Do Thái khi xưa: “ Dẫu vậy, đã biết rằng người ta được nên công chính chẳng phải bởi công việc của luật pháp nhưng duy chỉ bởi đức tin đến Chúa Giê Su Ki Tô mà thôi” ( Gal 2, 16 ).
Tin nơi Chúa Giê Su Ki Tô nhưng không…dừng lại ở nơi Ngài mà là để đến với Đấng Cha và đây cũng chính là ý nghĩa của việc cánh cửa…mở ra cho đoàn chiên. Nếu cánh cửa đóng vào tức Giới Luật để bảo vệ đoàn chiên thì cánh cửa ấy cũng phải…mở ra để chiên có thể đến với đồng cỏ xanh tươi với suối nước mát trong…
Cánh cửa…mở ra đó chính là các Bí Tích nhất là Bí Tích Thánh Thể, Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng nhân trần: “ Nếu Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là Bánh từ trời xuống, chẳng phải như thứ tổ phụ các ngươi đã ăn và rồi cũng chết. kẻ nào ăn bánh này sẽ sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).
Cánh cửa…mở ra để cho chiên đến với đồng cỏ, suối mát thật ra đó chỉ là hình tượng cho ta dễ tiếp thu nhưng thật sự đó là để ám chỉ về Đấng Cha hay Nước Trời mầu nhiệm. Cũng vì ý nghĩa đó mà thay vì…đi ra, Đức Ki Tô lại nói là…đi vào:“ Luật pháp và tiên tri đến Gioan Baptist là hết. Rồi từ đó Tin Mừng của Nước Thiên Chúa được rao giảng ra và ai nấy đều phải nỗ lực mà vào” ( Lc 16, 16 ).
“ Vào” ở đây chỉ có thể là…vào chính nội tâm mình, nơi có Đấng Cha ngự trị. Chính vì Đấng Cha ấy ngự trị ở nơi nội tâm thế nên Đức Ki Tô truyền dạy khi cầu nguyện thì phải xoay cái Tâm trở vào bên trong mà cầu: “ Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 5, 6 ).
“ Vào” cũng có thể được làm bằng cách bố thí với Tâm vô phân biệt: “ Còn ngươi khi bố thí thì đừng cho tay tả biết việc tay hữu làm” ( Mt 6, 3 ). Hoặc có thể bằng Giới Răn Yêu Thương: “ Các ngươi đã nghe phán: Hãy yêu thương kẻ lân cận và ghét kẻ thù nghịch. Nhưng Ta nói cùng các ngươi, hãy yêu thương kẻ thù nghịch các ngươi và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi hầu cho các ngươi được làm Con của Cha các ngươi trên trời, bởi vì Người khiến mặt trời soi trên kẻ ác cùng người thiện. Mưa cho kẻ bất chính cùng người công chính” ( Mt 5, 43 -45 ).
Đấng Cha mà Đức Ki Tô đề cập ở đây là Đấng Vô Phân Biệt, soi trên kẻ ác cùng người thiện, mưa cho kẻ bất chính cùng người công chính. Đức Ki Tô đến để mạc khải cho con người về Đấng Cha Vô Phân Biệt ấy. Trái lại triết/thần học với bản chất chủ về phân tích, chia chẻ thế nên Thiên Chúa của họ đạt được chỉ có thể là một thứ khái niệm chứ không phải Đấng Thiên Chúa Tình Yêu: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy thương yêu nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai
thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian hầu cho chúng ta nhờ Người Con ấy mà được sống” ( 1Ga 4, 7 -9 ).
Thiên Chúa là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mỗi người. Để tìm về Bản Thể ấy thì không có con đường nào khác ngoài Con Đường Tình Yêu mà Đức Ki Tô đã vạch ra bằng cách tự hiến mình chịu chết trên Thập Tự Giá để cho ta được sống và sống dồi dào.
Chỉ có Tình Yêu mới có thể…đáp lại Tình Yêu. Thế nhưng Con Đường Tình Yêu ấy nay hầu như đã bị phế bỏ để thay vào đó là đường…Tục Hóa ( Laicite’ ) của triết/thần học Duy Lý: Lấy việc tìm kiếm cái căn nguyên sinh thành vũ trụ thay cho con đường Trở Về với Cha của Đức Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chúa Giê Su Ki Tô là Con Đường, và là Cánh Cửa để cho chiên ra vào. Cánh cửa ấy đồng thời cũng là một với Giáo Hội Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo, Tông Truyền do Đức Ki Tô thiết lập. Chỉ trong và với Giáo Hội đó chúng ta mới có thể gặp được Đấng Cha Hằng Hữu. Hãy suy gẫm và suy thật kỹ lời Thánh Cypriano ( 210 – 258 ): “ Người không có Giáo Hội làm Mẹ thì cũng không thể có Thiên Chúa làm Cha” ( Habere non protest Deum Patrem qui Eccleisiam non habet Matrem )./.
Phùng Văn Hóa