Đại dịch Covid ngày càng tỏ ra nguy hiểm và khó lường. Tính nguy hiểm ấy không chỉ tác hại đến toàn thể đời sống xã hội mà còn trong cả lãnh vực tâm linh. Riêng với Giáo Hội Công Giáo thì ảnh hưởng của dịch Covid còn lớn lao hơn nhiều.
Do việc giãn cách xã hội, giáo dân bị hạn chế tối đa, không được tham dự các Thánh lễ ngày thường cũng như Chúa Nhật. Thánh lễ là trung tâm đời sống của người Công Giáo và là nguồn mạch Ơn Cứu Độ, vì thế với sự tác hại của dịch bệnh, hẳn nhiên đức tin vào Bí Tích Cực Thánh này không thể không bị thử thách ?
Bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm đức tin nhưng ngay từ khi Chúa Giê Su tuyên bố thành lập thì người Do Thái và cả một số môn đệ đã không tin, họ tranh luận với nhau: “ Người này lấy thịt mình cho chúng ta ăn thế nào được ?” ( Ga 6, 52 ). Còn các mơn đệ thì nói: “ Lời này khó, ai mà nghe được ?” ( Ga 6, 60 ).
Người Do Thái cũng như vài môn đệ không thể vượt qua thử thách về đức tin và vì không tin nên cũng không thể…ở lại với Chúa bởi chưng để..ở lại với Chúa thì phải tin, ngoài Ngài không còn con đường nào khác có thể đem lại Sự Sống Đời Đời: “ Bởi cớ ấy có nhiều môn đệ trở lui, không còn đi với Ngài nữa. Vì thế Chúa Giê Su hỏi mười hai Tông Đồ: Còn các ngươi cũng muốn bỏ Ta mà đi sao ? Si Mon Phê Rô đáp: Thưa Chúa, chúng tôi biết đi đến cùng ai, Ngài có lời ban sự sống đời đời” ( Ga 6,67 -68 ).
Để tin và…ở lại với Chúa Giê Su thì cần phải tin rằng chỉ mình Ngài mới có thể đem lại Ơn Cứu Độ. Không có niềm tin ây thì không ai có thể đặt lòng tin nơi Chúa Giê Su Thánh Thể. Tin Chúa Giê Su Thánh Thể vì Ngài đem lại cho ta Sự Sống Đời Đời, đây mới là niềm tin chân thật. Thế nhưng niềm tin ấy dường như đã mất trong thời Tục Hóa: “ Bây giờ, mỗi người hầu như mọi người đều luôn luôn Rước Lễ và trong thời gian đó tức CĐ Vatican 2, sự hiểu biết về Thánh Thể đã có sự thay đổi. Sự hiện diện thực của Chúa Giê Su trong bánh và rượu được truyền phép đã giản lược để chỉ còn là sự hiện diện tượng trưng. Việc Rước Lễ trở thành giống như người ta hay nói: Mọi người khác đi, tôi cũng đi như đức giao hoàng Benedicto XVI đã nói, ngài là người cố gắng tái lập ý nghĩa đích thực của Thánh Thể bằng cách muốn giữa nhiều việc khác nữa: Các tín hữu phải quỳ gối và Rước lễ bằng lưỡi” ( Nguồn Lamhong.Org 16/10/2014 – Thật là một nan đề: Bất khả phân ly hay ly dị ? ).
Vấn đề Rước Lễ trên tay hay trên lưỡi đã được tranh luận nhiều nhưng rồi trong cơn đại dịch này thì chẳng còn ai nhắc tới nữa bởi lẽ nó là…bất khả kháng ? Tuy nhiên vấn đề hệ trọng hơn đó là người ta đã hoàn toàn đánh đổ đức tin nơi Bí Tích Thánh Thể khi cho người Tin Lành Rước Lễ có nghĩa chẳng cần chi tới đức !!!
Nguyên nhân tại sao đưa đến việc không cần lòng tin mà vẫn Rước lễ ? Đó là vì người ta không còn tin Bí Tích Thánh Thể có thể đem lại Sự Sống Đời Đời, Chúa nói: “ Như Cha Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống bởi Cha thì cũng thế, kẻ nào ăn Ta sẽ sống bởi Ta vậy. Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như thư tổ phụ các ngươi đã ăn rồi cũng chết. Kẻ nào ăn bánh này sẽ được sống đời đời” ( Ga 6, 57 -58 ).
Không thể tin nơi Bí Tích Thánh Thể nếu không tin rằng Bí Tích này sẽ đem lại sự sống đời đời tức vào được Nước Thiên Đàng. Có tin sự hiện hữu của Thiên Đàng thì mới tin vào Bí Tích Thánh Thể. Thế nhưng trong thời Tục Hóa này, người ta đâu tin có Thiên Đàng và vì thế tất nhiên quan niệm về Bí Tích Thánh Thể cũng thay đổi:
“ Diệu kỳ thay, Covid 19 cũng là một cảnh tỉnh khác cho Giáo Hội. Cuộc đánh thức đầu tiên đã đến vào đầu thập niên 1960 với CĐ Vatican 2. Bằng cách hủy bỏ các nghi lễ phụng vụ trong nhà thờ, người Công Giáo buộc phải đặt câu hỏi về cách họ cầu nguyện, thờ phượng và tuyên xưng đức tin. Nói cách khác họ được mời gọi rời bỏ Chủ Nghĩa Duy Tín sang một niềm tin phân định…
…Vậy họ nên phân định những gì ? Niềm tin của họ hôm nay nhất thiết phải trở nên liên tôn, nơi mà người Công Giáo tiếp cận với các tôn giáo khác trong việc thờ phượng và hoạt động phụng tự cũng như trong việc đối thoại với các tôn giáo bạn trong mối thân tình, trân trọng và hòa bình. Do vậy chúng ta cần một tinh thần lãnh đạo phổ quát…
…Có một nhu cầu cấp thiết để đáp ứng với những khát vọng của các nền văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh cũng như những khát vọng cho nữ giới và giới trẻ được thực thi năng quyền phục vụ và ngôn sứ” ( Nguồn GX An Phú – 07/4/2020 – NT Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng chuyển ngữ ).
Nếu niềm tin hôm nay cần phải…liên tôn thì quả thật lòng tin nơi Bí Tích Thánh Thể chẳng còn một chút ý nghĩa gì cả. Lại nữa phải chăng cũng chính vì …niêm tin liên tôn ấy mà người ta đòi phong chức Linh Mục cho phụ nữ, cho phép người Tin Lành Rước lễ, người đồng tính được kết hôn và chúc phúc ?
Chúa Giê Su thiết lập các Bí Tích nói chung và Bí Tích Thánh Thể nói riêng mục đích là để dẫn đưa các linh hồn vào Thiên Đàng là nơi hằng sống an vui đời đời. Nơi hằng sống ấy cũng chính là Nhà Cha mà Chúa đã hứa cho những kẻ có lòng tin: “ Lòng các ngươi chớ bối rối, đã tin vào Thiên Chúa thì cũng hãy tin Ta nữa. Trong Nhà Cha Ta có nhiều chỗ, bằng chẳng vậy Ta đã nói với cac ngươi rồi: Ta đi để sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi Ta sẽ trở lại tiếp các ngươi về với Ta hầu cho Ta ở đâu thì các ngươi cũng sẽ ở đó với Ta” ( Ga 14, 1 -3 ).
Thiên Đàng, Nước Thiên Chúa, Nhà Cha…vẫn chỉ là một, đó là Thực Tại duy chỉ đức tin mới có thể đạt tới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của Duy Lý, đức tin tôn giáo đã bị đánh đổ bởi chính cái gọi là “ Thần học về cái chết của Thiên Chúa” ( Theologie de la mort de Dieu ).
Thiên Chúa không thể bị…giết chết bởi vì Ngài là Đấng Hằng Sống: “ Thiên Chúa của Apraham, của Isaac, của Gia Cop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống bởi ai nấy đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38 ).
Kẻ sống ở đây chính là những kẻ tin vào mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Tin vào mạc khải của Đức Ki Tô tức tin Thiên Chúa là Đấng nội tại ở nơi mỗi người: “ Ai nấy đều vì Ngài mà sống”. Dù người ta có không tin nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng hiện hữu. Thế nhưng tin Thiên Chúa hiện hữu và quyết tâm trở về với Ngài đó mới thật là mục đích tối hậu của tôn giáo và chỉ trong tôn giáo, con người mới có thể đạt được mục đích này.
Sứ mạng thiên sai của Đức Ki Tô xuống thế rao giảng Tin Mừng cũng không ngoài mục đích để…chỉ ( Mạc khải ) cho con người về Đấng Cha ấy. Khi Tin và tiếp nhận được mạc khải thì sẽ phát khởi lòng Mừng vui lớn lao. Tuy vậy tin vào mạc khải của Đức Ki Tô là điều rất khó. Chính vì vậy Ngài đã phải hiến thân chịu chết, lấy Máu, Thịt mình để nên như một tấm bánh hầu dưỡng nuôi linh hồn con người trên bước đường tâm linh trở về Nhà Cha: “ Nếu ai ăn bánh ấy thì sẽ sống đời đời. Còn bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian ấy là thịt Ta” ( Ga 6, 51 ).
Chúa Giê Su đã trải qua một cái chết vô cùng đau thương để trở nên như một thứ …của ăn nuôi dưỡng linh hồn. Đây quả thật là việc…vô tiền, khoáng hậu không một giáo chủ đông tây kim cổ nào làm được.
Đức Ki Tô đã trở nên như một thứ của ăn thiêng liêng và ngoài lòng tin ra, Ngài còn đòi hỏi chúng ta lòng yêu mến. Chính lòng yêu mến đó mới chứng thực cho lòng tin. Trước khi trao trọng trách chăn giữ đoàn chiên, Chúa Ki Tô Phục Sinh đã gặng hỏi Thánh Phê Rô 03 lần về lòng yêu mến. Còn về phần chúng ta, những chi thể của Chúa cũng cần lòng yêu mến và chính cái lòng yêu mến ấy mới có thể gắn và khiến chúng ta …ở lại trong Thân Mầu Nhiệm.
Lời hứa của Chúa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ) thì sự…ở cùng ấy không thể chỉ ở nơi các Nhà Tạm trong các Thánh Đường nhưng là…ở cùng với các tâm hồn.
Nếu Chúa Ki Tô Phục Sinh chỉ…ở cùng nơi các Nhà Tạm không thôi thì có thể nói Công Cuộc Cứu Độ của Ngài làm sao có kết quả ? Ý nghĩa sâu xa của việc Rước lễ đó chính là mời Chúa ngự vào trong cung lòng mình. Đây là sự thật không thể nói cách nào khác. Thế nhưng sự thật ấy lại không hề được nhận biết nhất là trong cơn đại dịch Covid hiện nay: Người ta Rước Lễ cùng với những biện pháp phòng dịch mà không có chút lòng tin vào quyền năng của Chúa Giê Su Thánh Thể chứ đừng nói chi đến lòng yêu mến, cậy trông, phó thác ?
Một đàng Chúa muốn…ở cùng nhưng nếu chúng ta không muốn thì Ngài cũng không thể. Chúa chỉ …ở cùng với những tâm hồn xứng đáng tức không mang nơi mình tội trọng còn nếu đang mắc tội trọng mà Rước Lễ đó là Phạm Sự Thánh sẽ bị án phạt rất nặng nề. Chúa nói với Thánh Nữ Gridget: Trên trần gian này không có hình phạt nào tương xứng để trừng trị tội ấy” ( Lm Stefano Manelli O.F.M Conv – Yêu Mến Chúa Giê Su Thánh Thể ).
Tại sao mang tội trọng mà Rước Lễ sẽ phải án phạt nặng nề như thế ? Bởi vì Bí Tích Thánh Thể là nguồn Ơn Cứu Độ được thành tựu do cái chết cực kỳ đau thương của Chúa. Ấy vậy chỉ vì nghe sự xúi giục của Sa Tan cố tình phạm tội để phải trầm luân trong Hỏa Ngục đời đời.!
Trong nơi khốn nạn ấy, người ta sẽ tuyệt vọng bị lương tâm cắn xé vì đã từ chối biết bao ơn lành do Bí Tích Tình Yêu ấy đem lại. Được có Chúa…ở cùng trong Bí Tích Thánh Thể là một ơn trọng và để được ơn trọng ấy, Chúa đòi hỏi mỗi người cần phải tuân giữ các giới răn với lòng yêu mến: “ Nếu ai thương yêu Ta thì tuân giữ giới răn Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và lập cư với người” ( Ga 14, 23 ).
Chúa cần lòng yêu mến nhưng cũng biết sự yếu đuối của con người, bởi đó Ngài mới lập ra các Bí Tích hầu cho ta có thể cậy nhờ vào đó hầu sống trong Ơn nghĩa Chúa. Có ơn nghĩa với Chúa là do lòng ta năng nhớ đến Ngài. Chinh vì vậy Thánh An Phong Sô đã soạn ra Kinh Chịu lễ thiêng liêng: “ Lạy Chúa Giê Su con tin thật Chúa ngự trong Phép Mình Thánh. Con kính mến Chúa trên hết mọi sự và ước ao Chúa ngự vào trong linh hồn con…” để cho ta có thể thực hiện lòng ước muốn này.
Lòng tin, nhất là tin vào Chúa Giê Su Thánh Thể không phải ngẫu nhiên nhưng là do ta thực lòng muốn tin như thế. Chính cái lòng…muốn tin ấy rất đẹp lòng Chúa. Cũng chính vì cái lòng…muốn tin ấy, Thánh Francis de Sales đã dốc lòng thực hiện việc hiệp lễ thiêng liêng lâu nhất là 15 phút một lần.
Bí tích Thánh Thể là phương thế tối hảo Chúa dùng để Ngài được…ở cùng với con cái. Thế nhưng khốn thay nhân loại ngày nay lại không muốn cái sự…Ở Cùng” ấy để thay vào đó là Sa Tan, đứa lừa dối mà có lần Chúa Giê Su đã vạch mặt: “ Từ ban đầu nó là kẻ giết người, chẳng đứng trong sự thật vì trong nó chẳng có sự thật đâu. Khi nó nói dối thì tự mình nó nói vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha của sự ấy” ( Ga 8, 44 )
Lý do tại sao con người ngày nay cứ chạy theo sự lừa dối của Sa Tan để cự tuyệt Chúa Giê Su ? Đó là vì đã gạt bỏ vai trò Đồng Công Cứu Chuộc của Đức Maria trong Nhiệm Cục Cứu Độ. Có sự thật này là: Nếu đã nhìn nhận Đức Maria là Mẹ Chúa Giê Su thì tất nhiên Ngài cũng là Mẹ Chúa Giê Su Thánh Thể làm sao có thể khác được ?
Đức Maria cưu mang và sinh hạ Chúa Giê Su xét về mặt thể xác thì cũng giống như bao bà mẹ trần gian khác. Thế nhưng có điều hoàn toàn khác đó là trong lúc cưu mang, sinh hạ cũng như khi cho con bú mớm, chăm sóc, nâng niu tắm rửa, tập cho con những bước đi chập chững đầu đời cũng như khi đứng dưới chân Thánh Giá nhìn con hấp hối, Mẹ vẫn tin Người Con ấy là Đấng Cừu Chuộc muôn dân là Đấng Thiên Chúa cao cả của mình. Đức tin ấy chẳng phải đã vượt hết thảy thần thánh trên trời dưới đất hay sao ?
Đức Maria là Mẹ Chúa Giê Su Thánh Thể và khi Rước Lễ với lòng tôn kính, mến yêu thì khi đó chẳng phải chúng ta cưu mang Chúa để Chúa được sinh ra trong cung lòng chúng ta sao ?
Một khi Chúa được sinh ra qua việc Rước lễ thì cũng như Đức Mẹ chúng ta cần phải chăm sóc, dưỡng nuôi Chúa bằng những việc lành phúc đức để Ngài có thể lớn lên từng ngày cho đến khi có thể như Thánh Phao Lô nói: “ Tôi sống nhưng không phải tôi sống nhưng là Chúa Ki Tô sống trong tôi” ( Gal 2, 20 ).
Có Chúa trong cuộc đời là niềm hạnh phúc và bình an không chi sánh nổi nhưng hạnh phúc ấy sẽ còn lớn lao hơn nữa khi trong giờ phút lâm chung được gặp lại không phải Đấng nào khác mà là Chúa Giê Su Thánh Thể, Đấng chúng ta đã hết lòng yêu mến, tôn thờ./.
Phùng Văn Hóa