TRÚT BỎ

Đúng nghĩa của cắm trại, nhất là trại huấn luyện, là hòa hợp cùng thiên nhiên, sống hết mình cho thụ tạo, thở hơi thở của hoang dã, sống sức sống của ngàn xanh, đi vào lòng tự nhiên khám phá siêu nhiên, đắm mình với tự nhiên để vươn hồn tới siêu nhiên, gọi về lòng biết ơn thụ tạo đã cho nhau sự sống và dâng muôn muôn lời cảm tạ Tạo Hóa ân ban cho muôn loài sự sống…

Cắm trại đồng nghĩa với trút bỏ một cách tự nguyện mọi ràng buộc không cần thiết. Càng trút bỏ bao nhiêu có thể và giữ lại những gì cần thiết đúng mức, người ta càng thanh thoát, nhẹ nhõm, không vướng bận, lo toan điều gì.

Hành trang trại viên càng nhẹ, tinh thần khiêm nhường, nghèo khó càng lớn, ta càng dễ hết mình với phút hiện tại, với không gian, thời gian… Nhất là dễ hòa với tự nhiên, dễ trở về Nguồn Cội Vĩnh Cửu, Đấng tác sinh mọi loài.

Hiểu “trút bỏ” cần cho trại sinh, ta sẽ hiểu hơn mệnh lệnh lên đường Chúa Giêsu trao cho môn đệ. Mệnh lệnh ấy cũng đồng thời với mệnh lệnh trút bỏ.

Còn hơn sự “trút bỏ” của trại sinh, môn đệ của Chúa phải trút bỏ đến trở nên nghèo khó, một cái nghèo đúng mức, nghèo trọn nghĩa: “Ngài truyền cho các ông lên đường, đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo”.

Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho người nghèo, Tin Mừng của người nghèo. Do đó chỉ có người nghèo mới có thể nên chứng nhân cho Tin Mừng ấy, mới có thể loan báo Tin Mừng ấy hữu hiệu.

Chúa Giêsu không dạy gì mà Chúa đã không sống lời dạy ấy. Cả cuộc đời trần thế của Chúa là bài học lớn cho người môn đệ về sự nghèo khó.

Chúa Giêsu trút bỏ hoàn toàn. Sự trút bỏ đúng nghĩa (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Chúa không tự dành riêng điều gì: Mang phận Thiên Chúa, nhưng trở nên người phàm, một sự trút bỏ không thể tưởng tượng. Vậy mà Đấng Thiên Chúa làm người lại chấp nhận sống nghèo, nghèo đến không còn gì.

Chúng ta không giàu, nhưng khi sinh ra, chắc không sinh nơi chuồng thú, nằm trên rơm rạ xót xa. Dẫu nghèo, ta vẫn còn mái nhà ấm áp, chiếc nôi xinh… Nếu mai này, ta có chết, chắc cũng chết trong điều kiện tươm tất.

Nhưng Chúa Giêsu, cả một đời, từ lúc bắt đầu sinh ra tới khi trưởng thành, chối từ sự sang giàu đã vậy, đến lúc sinh thì, ngay đến manh áo cuối cùng cũng không có, chết trần treo giữa trời giữa đất, chết chung với kẻ trộm cướp, cùng chịu một hình khổ ngang hàng với kẻ trộm cướp…

Chúa Giêsu trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến khi trao hơi thở sau cùng, Chúa lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng.

Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa Kitô, nhà truyền giáo đại tài, đã trút bỏ để Tin Mừng Tình yêu lớn lên. Chúa chính là bài học lớn lao cho những ai là môn đệ của Chúa.

“Đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo”. Hôm nay khi nghe lại lời dạy ấy của Chúa Giêsu, bạn và tôi nghĩ gì?

Chúa cũng đang mời gọi ta trút bỏ những gì cồng kềnh, cản trở, khiến lời rao giảng Tin Mừng thiếu chứng tá, công cuộc rao giảng bị khựng lại.

Như người cắm trại, trút bỏ mọi cái không cần thiết, họ sống hết mình cho ý nghĩa cắm trại. Cũng vậy, người gieo Lời Chúa, để Lời cắm sâu trong lòng người, càng phải trút bỏ mọi vướng bận để việc phục vụ Lời đạt kết quả.

Bởi thế, Chúa sai chúng ta ra đi, nhưng hành trang của người môn đệ không là gì khác ngoài đức tin dâng hiến và lòng phó thác. Dâng hiến đến trút bỏ hoàn toàn. Phó thác đến mức trở nên nghèo khó, đến không còn gì.

Chỉ có thế, người rao giảng Lời mới trở nên chứng tá cho Lời. Vì chứng tá cho Lời quan trọng hơn nói về Lời. Chỉ có một lối đường duy nhất là sự trút bỏ: mặc lấy tinh thần nghèo khó, sống lối sống nghèo của Chúa Kitô, chúng ta mới hy vọng nên chứng tá gieo Lời đạt kết quả.

Thánh Phaolô đã có lần đúc kết bài học trút bỏ của người môn đệ Chúa Kitô bằng những lời rất chân thành và lạc quan: “Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2Cr 7, 8 – 10).

Nếu đồng cảm với thánh Phaolô, ta cũng sẽ hiểu rằng trút bỏ là đánh mất, nhưng kỳ thực, không hề mất mát bất cứ điều gì.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts