Bạn trẻ mến,
Giấc mơ…thì ta thường “nghe” và cũng thường “thấy”… ”Nghe” về những giấc mơ của người khác…và “thấy” những giấc mơ của chính mình…
Thế nhưng “thị kiến”…thì khác…Đấy là một từ chuyên biệt để chỉ một “đặc sủng” dành cho một số người tuyển chọn và trong những trường hợp khác thường…
+ Đức Thánh Cha đã mượn hai từ ấy trong tiên tri Giôen để cùng bạn trao đổi : “Ta sẽ đổ thần khí của Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành các tiên tri; người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3,1;x.Cv 2, 17)…Và Ngài bảo đảm rằng hai sự việc ấy – giấc mơ của người già và thị kiến của người trẻ – nếu cả đôi bên “đều mở lòng đón nhận Thánh Thần, họ sẽ là một sự kết hợp tuyệt vời” …Kết hợp làm sao và như thế nào…thì đấy là câu chuyện Ngài muốn chia sẻ với bạn – người bạn trẻ thương mến [192]…
Trước khi cùng bạn đi sâu vào cuộc trao đổi này, người viết muốn bạn chú ý một chút về tấm hình minh họa cho câu chuyện về “Những giấc mơ và những thị kiến” người viết lục tìm và gửi đến tặng bạn…Bạn thấy hai cánh tay vươn lên đấy chứ ? Một đã lớn tuổi và một còn non…Những cánh chim bồ câu trắng vừa là biểu tượng của Thánh Thần trong “thị kiến”, vừa là biểu tượng của “những giấc mơ đẹp”…Hai cánh tay vừa như “thả” những giấc mơ, vừa như “đón nhận” Thánh Thần…
Và thưa bạn,
+ Đức Thánh Cha bảo rằng “người cao tuổi thường có những giấc mơ được dệt nên từ những ký ức và hình ảnh mang dấu ấn những trải nghiệm qua dòng thời gian họ từng trải”…Và vì vậy, “nếu người trẻ biết bén rễ mình trong những giấc mơ ấy của người già, thì họ sẽ có thể thấy được tương lai, có được những thị kiến mở rộng tầm nhìn đến chân trời và tìm được những lối đi mới”…Cho nên – Ngài kết luận – “nếu người già không mơ, người trẻ sẽ không còn có thể nhìn thấy rõ được chân trời”…là đích tới của mình !!!” Nhưng như thế nghĩa là sao ? Nghĩa là – trong những giấc mơ của người cao tuổi đã chứa sẵn những trải nghiệm, những thành công và thất bại, những kế hoạch, những dự tính và cả những cách thế để có thể “đối phó” khi chạm mặt với thử thách…Người trẻ lần từng bước trong những giấc mơ có thể là đã thành hiện thực…và cũng có thể còn là mơ, họ sẽ nhận ra rằng tất cả như đã là “vốn sẵn”…và – với sự soi sáng của Thánh Thần – họ “thị kiến” mình sẽ phải làm gì với cái vốn sẵn ấy…để thành công trong tương lai…”Thị kiến”…như thế rồi, bạn trẻ, – như Archimède – bạn cũng sẽ la lớn: EUREKA ! Tìm Ra Rồi ! Tôi Có Nó ! [193]…
+ Và đầu tiên là những giấc mơ của cha mẹ, của ông bà nội ngoại chúng ta…Đức Thánh Cha chia sẻ với bạn niềm vui tuyệt vời khi – qua những gì ông bà, cha mẹ ta lưu giữ được trong ký ức – người trẻ có thể tìm thấy được “kỷ niệm nào đó” giúp “hình dung được về những giấc mơ mà ông bà nội ngoại đã từng mơ về chúng ta”…”ngay cả trước khi chúng ta sinh ra”…Phải, thưa bạn – “ngay cả trước khi sinh ra, thì mỗi chúng ta đã nhận được từ ông bà – cả nội lẫn ngoại – những ước mơ đong đầy tình yêu và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn”…Và các ngài chúc lành cho chúng ta cùng với những ước mơ ấy…Đức Thánh Cha cho chúng ta biết là – những ước mơ tốt lành của thế hệ tổ tiên, ông bà dành cho con cháu – cũng là ước mơ của Thiên Chúa Tạo Hóa – Cha trên trời của chúng ta – dành cho chúng ta khi Người đi trước và đồng hành với con cái Người trong cuộc sống từng ngày…Đức Thánh Cha ước mong sao chúng ta – những người trẻ – chúng ta trân trọng ký ức và phúc lành ấy của tổ tiên, ông bà chuyển giao lại cho mình…và – đến phiên mình – chúng ta cũng có bổn phận phải chuyển giao lại cho các thế hệ về sau [ 194]…
+ Và – một trải nghiệm dễ thương của Đức Thánh Cha…mà Ngài muốn chia sẻ với người trẻ chúng ta, đấy là bạn hãy “kiên nhẫn” với những “kể lể” của ông bà, cha mẹ chúng ta khi các ngài có dịp để nói và chúng ta nghe…Dĩ nhiên rồi, người trẻ chúng ta rất “ngán” với những kể lể ấy, bởi nó dài và dẫy đầy những chi tiết thoáng nghe có vẻ như chẳng ăn nhập gì với cái “hôm nay” của chúng ta…Thế nhưng, thưa bạn, như Đức Thánh Cha nói: “ Thực ra – những kể lể ấy – chúng là những giấc mơ của người già” và thường thì những giấc mơ ấy “chứa đầy những kinh nghiệm quý báu, với những biểu tượng hùng hồn và những thông điệp ẩn chứa dưới đó”…Cho nên bạn “hãy kiên nhẫn” : kiên nhẫn lắng nghe…và kiên nhẫn nghiền ngẫm…để kiên nhẫn khám phá…Dĩ nhiên sự kiên nhẫn này là khó đối với chúng ta – thế hệ netizen – bởi thói quen của chúng ta là “lướt”…Và tất cả những gì “lướt”…thì đều…là “thoáng qua”…Bản thân người viết cũng đã có thời muốn dủng facebook để có chút không gian chia sẻ, nhưng khi thăm dò một số bạn trẻ là đệ tử, là chủng sinh…và nghe các bạn thú nhận là “không đủ can đảm” để đọc một bài viết nào dài quá “một mặt màn hình điện thoại”…thì người viết đành bằng lòng với những bài viết ba, bốn trang…với ước mong chỉ dăm ba người đọc…là cũng tốt rồi, bởi dăm ba người đủ “kiên nhẫn”…thì hơn hàng hàng lớp lớp những đầu óc “thoáng qua” !!! [195]
+ Đức Thánh Cha chia sẻ với chúng ta một số câu hỏi đáp từ những suy tư đã được Ngài cô đọng trong tác phẩm “Sự khôn ngoan của thời gian” Ngài đã xuất bản, chẳng hạn câu hỏi : “Tôi xin gì với các vị cao niên, thuộc nhóm thế hệ của tôi?”…Và Ngài đưa ra câu trả lời : “ Tôi xin chúng tôi – tức những vị cao niên cùng thế hệ với Ngài – chúng tôi là những người lưu giữ ký ức”…Và Ngài tâm sự tiếp : “Chúng ta – những người ông người bà – cần phải lập một ca đoàn. Tôi hình dung – hay là mơ – những người già như một ca đoàn thường trực của một ngôi đền thánh thiêng liêng quan trọng, ở đó các lời cầu nguyện khẩn nài và những bài thánh ca chúc tụng nâng đỡ toàn thể cộng đồng đang làm việc và chiến đấu trong cuộc sống”…Thật là tốt đẹp khi nam thanh nữ tú, bô lão cùng nhi đồng, cùng ca tụng thánh danh Đức Chúa” (Tv 148, 12 – 13) [196]…Ngôi Đền thánh thiêng liêng ấy là Giáo Hội và là Mặt Đất trần gian này…Sự cầu nguyện và nhịp thăng trầm từng ngày của cuộc sống người cao niên là bản thánh ca tạ ơn và mang lại sức mạnh cho giới trẻ và cho mọi người…
+ Hay câu hỏi : “Chúng ta, những người cao niên, chúng ta có thể truyền lại những gì cho thế hệ trẻ ?”. Câu trả lời, đấy là “ Chúng ta cò thể nhắc cho những người trẻ hôm nay, những người đang sống những tham vọng táo bạo và cả những bất an, rằng một cuộc sống thiếu vắng tình yêu là một cuộc sống cằn cỗi”…Hoặc là Ngài đặt vấn đề : “Chúng ta có thể nói gì với họ ?” Câu trả lời là: “Chúng ta có thể nói với những người trẻ đang sợ hãi rằng họ có thể vượt qua những lo lắng về tương lai”…”Chúng ta có thể dạy họ điều gì ? – Chúng ta có thể dạy những người trẻ, vốn quá bận tâm về bản thân mình, rằng cho đi thì vui hơn là nhận lãnh. Rằng tình yêu không chỉ thể hiện bằng lời mà còn bằng hành động nữa.”…Lý thú đấy chứ bạn – cuộc “đối thoại tự biên tự diễn” này…Nó nói lên sự am hiểu người trẻ và con người bên trong của người trẻ…để rồi – với trải nghiệm của một người ông – có lẽ là ngoại – Ngài đưa ra những chỉ dẫn và những khích lệ [197]…
Lang thang trên mạng, người viết gặp được “những cánh hạc ước mơ” của một bạn thơ có tên là Nguyên Bạch, và người viết muốn ghi lại để tặng bạn :
Em gấp con hạc trắng, ước gì ?
Một buổi đến trường có gói xôi
lót bụng để cười trong nắng mới,
tung tăng sân nhỏ buổi lên mười…
Em gấp con hạc vàng, gởi đi…
Con bò gầy gởi cho nụ cười,
đám cỏ xanh gởi mùi thơm ngát,
gót chân chai em gửi chút bùn quê…
Em gấp con hạc tím, gởi đi…
Sân chơi là bãi rác khổng lồ,
Dòng sông mẹ váng đầy chất thải…
Hạc của em muốn tung cánh xa !!!
Em gấp con hạc xanh, gởi đi…
Tên em nắn nót viết cho tròn,
bao hy vọng gởi vào cánh bé,
gởi đến “người” – những ước mơ con !!!
Gởi đến “người” – nghĩa là tôi, là bạn, là con người chúng ta…và đặc biệt là những ai vốn “bất cẩn” hoặc “xấu bụng” làm cho môi trường sống ngày càng xấu đi…Và gởi gì ? Gởi con hạc tím “chết chóc” vì lớp trẻ còn biết chạy nhảy đùa chơi ở đâu nữa khi rác rến chất đống mọi nơi và những dòng sông váng đầy chất thải ???
Cho nên những ước mơ “không lớn” là có được một sân chơi đúng nghĩa, có được những dòng sông quê trong lành – ước mơ của con hạc xanh…với tên các em được nắn nót cho “tròn” ước mơ…
Thế nên người viết mới “tức cảnh sinh tình” :
Ta gấp con hạc hồng (khổng lồ), gởi đi…
Sân chơi thủa nào là cánh đồng rạ thơm,
Bể bơi quê nhà là dòng sông tuổi trẻ,
Lòng người đồng hương say nắng vàng ươm…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp