NHỮNG CUỘC TRỞ VỀ ĐẦY NƯỚC MẮT!

Ngồi trong 4 bức tường của Tu Viện nhưng lòng vẫn đau đáu hướng về những người nghèo.

Trong thân phận làm người, chẳng ai muốn mình phải rơi vào cảnh ngộ bi thương. Trong cảnh bi thương ấy, đại dịch Covid đã làm cho không biết bao nhiêu gia đình rơi vào cảnh đời cay đắng.

“Bỏ thì thương mà vương thì tội”. Sau nhiều lần cân nhắc, anh chị em di dân không gồng gánh nổi các chi phí đã đành phải “chia tay” cái Sài Gòn mà bấy lâu nay đã ôm ấp họ. Tiền nhà trọ không đủ đóng, sinh hoạt phí cũng chẳng còn. Vá víu cũng chỉ được dăm ba bữa. Thôi thì về quê cho “rảnh nợ”.

Nhìn đoàn người lũ lượt kéo nhau về quê sao mà thương quá. Có người đến được đèo Hải Vân mệt quá đành dựng xe vào gốc cây và lăn ra ngủ vùi. Giữa cơn ly hương phải trở về của nhiều anh chị em, ta chợt thấy nặng lòng với những người có hoàn cảnh như vậy.

Trong cuộc trở về quê hương, có người may mắn được xe đưa xe đón, đa phần anh chị em phải trở về trên con “ngựa sắt” thân yêu đã ôm ấp cả gia đình từ quê vào thành thị. Nay trở về họ cũng nhờ những chú “ngựa sắt” đưa về.

Có những người trở về không còn đồng nào dính túi như chàng thanh niên kia đã phải dán cái bảng xin đi nhờ xe ở đường Võ Văn Kiệt! Thương thay có chuyến xe nghĩa tình đã “cẩu” anh về quê hương.

Trước khi đi, chàng thanh niên cứ ngỡ mình sẽ được gì đó nơi đất khách quê người. Thế nhưng rồi cơn dịch bùng đến. Nơi trọ không có mà chỗ làm việc cũng không tìm ra. Thế là đành phải xin đường nhờ xe về quê sinh sống.

Chạnh lòng thương, nhiều nơi đã tổ chức chương trình xăng tình xăng nghĩa cho người về quê.

Ấm lòng lắm khi nghe “người quen” Ksor Bơ Khăp cùng đơn vị công an Thị Xã nơi Bơ Khăp đang phụ trách cũng đã chung chia với anh chị em di dân với những bình xăng nho nhỏ. Của ít mà lòng thì nhiều nên rồi Bơ Khăp đã sống trọn tình vẹn nghĩa với cái tên cha mẹ ước muốn nơi Cô là Yêu Thương (ngôn ngữ Jrai Bơ Khăp là yêu thương)

Sáng gọi điện mừng Lễ Thánh Tổ dòng Chúa Giêsu miền Gia Lai, lòng của Cha Bề Trên Phêrô Ngô Phan Đình Phục cũng như cộng đoàn đau đáu hướng về người nghèo: “Mình có dọ ý những người có trách nhiệm để anh em trong Dòng có những phần ăn dành cho đoàn người đang trở về quê nhà. Ý tưởng đưa ra nhưng đang còn dọ dẫm. Nhìn đoàn người ly hương đang trở về quê thấy thương lắm Cha ơi!”

Hai vợ chồng nào đó đã vui vẻ bán những ngân khoản bằng vàng mà gia đình họ có để mua xăng chia sẻ. Nhìn 2 vợ chồng trong bộ đồ phòng hộ đổ từng lít xăng cho anh chị em di dân đố ai không khỏi chạnh lòng thương.

Vậy đó! Ai mà không thương người nghèo, ai mà không thương những người tha phương cầu thực nay phải đành bỏ nơi ôm ấp mình mà trở lại quê nhà.

Giữa sự dữ, sự ác, sự tàn phá của lòng người khi chế tạo ra con virus thì ta lại thấy được tình người đối diện cơn sóng dữ. Người người, nhà nhà bảo nhau cứ chia cơm sẻ áo và đổ xăng hay chút lộ phí cho người đi đường.

Chiếc xe con đậu dọc đường với hộp giấy chứa những phong bì tình nghĩa sao  mà thương quá! “Mỗi người đi xe máy về quê vui lòng nhận phong bì 500 k”

Tưởng nghĩ người chia sẻ này chắc cũng chả phải là đại gia có hột xoàn cả rổ hay sổ đỏ cân cả ký. Họ chắc cũng là những người nghèo nhưng may mắn hơn bao người khác để rồi họ chia sẻ. Họ không nói nhưng họ đã làm, họ làm trong âm thầm và trong khả năng nhỏ bé họ có được.

Trở về lần này không như những lần khác là mang theo trà rượu bánh mứt như những kỳ nghỉ Tết hay nghỉ xả hơi. Trở về lần này là nhọc nhằn nặng gánh của kiếp người với 2 bàn tay trắng.

Phận người là vậy đó! Long đong vất vả ngược xuôi cuối cùng chả mang theo được gì. Dẫu khó khăn nhưng vẫn mang về được cái thân hình còm cõi nhọc nhằn tìm kế sinh nhai còn đỡ hơn là những người ra đi nhưng không nói được lời ly biệt.

Những ngày này, mỗi chúng ta cũng được mời gọi để trở về: trở về với lòng mình, trở về với Chúa và trở về với anh chị em của chúng ta.

Cuộc trở về nào cũng mang đậm ý nghĩa nếu như chúng ta trầm lắng để nhìn như là dấu chỉ Chúa muốn nói gì đó với mỗi người. Những ước mong mỗi người hãy chọn cho mình những suy nghĩ tích cực và nhất là những tâm tình tích cực để đón những người di dân xa xứ nay trở về. Mỗi người hãy đón nhận họ trong vòng tay yêu thương dù họ có nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh. Mỗi người cùng hiệp ý để cầu nguyện cho mọi người được bình an.

Đứng trước cảnh trở về của anh chị em gặp gian nan khốn khó. Có thể không giúp được họ gì về vật chất thì cũng hay giúp thêm lời cầu nguyện để cuộc trở về của anh chị em chúng ta được thượng lộ bình an.

Virus không loại trừ một ai để rồi ta cũng không được loại trừ bất kỳ ai đó đang sống bên cạnh ta.

Ngày áp Lễ Thánh Anphongsô – Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế.

Lm. Anmai, CSsR

Hẹn gặp lại

Chia sẻ Bài này:

Related posts