BỮA TIỆC ĐÊM

Tình cờ tôi đọc được một lời nguyện cho người câm điếc như sau: “Lạy Chúa, người ta thường có thiện cảm với kẻ mù, người què, nhưng nổi nóng, bực bội với kẻ điếc, nên người điếc luôn phải ẩn tránh bạn hữu và ngày càng phải sống cô đơn…”. 

Lời kinh này phần nào cho thấy nỗi khổ tâm của những người câm điếc. Đó là sự bất hạnh lớn, có thể nói còn lớn hơn cả người bị mù. Vì dẫu cho đôi mắt không thấy gì, người ta vẫn có thể tiếp xúc với mọi người, vẫn có thể nghe và nói để bày tỏ tình cảm, bày tỏ suy nghĩ riêng của mình.

Nhưng người câm điếc không nói được, cũng chẳng nghe được, tự thân đã khiến họ khó hiểu thế giới bên ngoài, và thế giới bên ngoài cũng khó hiểu họ.

Anh chị em cứ tưởng tượng mà xem, nếu một người vừa câm vừa điếc mở radio họ có biết radio nói gì không? Bật truyền hình, dẫu là nhìn thấy hình, nhưng có hiểu gì đâu. Hay nói một cách gần gũi hơn, chẳng hạn khi chúng ta nói chuyện với nhau, người câm điếc có thể nhìn thấy miệng ta nói, nhưng làm sao họ biết ta nói gì, nói về ai…?

Các cánh cửa cuộc đời đều bị khoá chặt đối với họ. Cho nên không lạ gì người câm điếc dễ bực tức, nóng nảy hơn chúng ta. Bởi thế, anh chị em câm điếc cần nơi những người lành là thái độ thông cảm, tôn trọng, yêu thương.

Hôm nay, Tin Mừng thánh Marcô cho biết, Chúa Giêsu chữa lành một người câm và điếc. Dù hành động chữa lành này mang nhiều ý nghĩa, vì điều quan trọng ẩn trong những phép lạ, đó là luôn luôn Chúa Giêsu chứng tỏ mình là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa. Qua phép lạ, quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ.

Hay trong chính bài tường thuật hôm nay, từ ngữ mà thánh Marcô sử dụng: “mở ra”, “hết buộc lại”, còn cho thấy Chúa có quyền cầm buộc và tháo cởi vận mạng đời đời của nhân loại, nghĩa là Ngài có quyền tha tội nhưng cũng có quyền không tha tội cho anh chị em và cho tôi.

Nhưng bên cạnh những ý nghĩa đó, người ta không thể không nói tới lòng thương yêu mà Chúa dành cho người bị tật.

Thông thường, trước khi chữa lành cho ai, Chúa đòi họ, hoặc nếu họ không nói được, Chúa đòi kẻ chịu trách nhiệm của họ tuyên xưng đức tin. Lần này, thánh Marcô cố ý nhấn mạnh lòng thương xót của Chúa. Thánh nhân cho biết, ngay khi thấy người ta dẫn người bị câm điếc đến, Chúa như ngay lập tức thấu nỗi cô đơn của anh. Chúa không bỏ mặc, hay chờ anh năn nỉ, cầu xin mình. 

Trái lại, Chúa nắm lấy tay và dắt anh ra khỏi đám đông, Chúa động chạm đến con người của anh khi đặt ngón tay vào lỗ tai anh, bôi nước miếng vào lưỡi anh. Và quả thực như nhận xét của những người Do Thái lúc đó: “Ngài làm mọi sự thật tốt đẹp, Ngài làm cho kẻ điếc nghe đựơc và người câm nói được”. 

Chúa Giêsu cho anh một cơ hội để anh hội nhập với cộng đoàn, để từ nay anh có thể hiểu mọi người, mọi người hiểu anh, anh sẽ sống như một con người bình thường.

Lòng yêu thương của Chúa Giêsu là bài học cho chúng ta. Nếu Chúa đã yêu ta thì Chúa cũng dạy ta phải yêu anh em mình. Yêu như  Chúa yêu. Nghĩa là Chúa yêu như thế nào, ta cũng phải yêu thế ấy. Điều này khó lắm, vì thế ta phải học tập, phải rèn từng ngày trong cả cuộc đời mình.

Vậy làm thế nào để ta có thể thực tập sống yêu thương? Tôi xin kể cho anh chị em câu chuyện “Bữa tiệc đêm trong nhà vệ sinh” của Chu Hải Lượng (Trung Quốc), như một bằng chứng giúp chúng ta sống lòng yêu thương. Câu chuyện như sau:

“Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoài ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn…

Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm. Ông chủ bảo: Ngày mai có tiệc nên rất việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không? Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi. Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến đây luôn nhé.

Hôm sau chị mang theo con trai đến. Đi đường chị nói với nó rằng: Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm. Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu và kẻ nghèo. Chị âm thầm mua hai chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện. Chị rất bận rộn, không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình.

Sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người, cuối cùng chị cũng tìm ra cách: đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ nhà. Đó có vẻ là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.

Đặt hai miếng xúc xích vào đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với đứa con: Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu!

Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch, thơm tho, đẹp đẽ quá mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và nghêu ngao hát.

Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp, ông hỏi và chị trả lời ấp úng: không biết nó đã chạy đi đằng nào. Ông chủ nhận thấy chị như có vẻ giấu diếm điều gì khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm đứa bé.

 Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, sửng sốt đến ngây người, ông hỏi: Cháu nấp ở đây làm gì? Cháu biết đây là chỗ nào không? Thằng bé hồ hởi: Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng cháu ngồi đây cùng ăn cơ!

Ông chủ nhà thấy sống mũi cay xè, cố kìm nước mắt, ông nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp: Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc xin mọi người cứ tự nhiên, còn ông đang bận tiếp một người khách đặc biệt.

Ông bỏ một ít thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông lịch sự gõ cửa phòng. Thằng bé mở cửa. Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé. Thằng bé vui sướng lắm. 

Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát…

Nhiều năm tháng qua đi. Cậu bé ngày xưa, bây giờ đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Anh không bao giờ quên giúp đỡ những người khó khăn chăm chỉ.

Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tin của một đứa bé, để hôm nay, anh cũng lại trở thành một ông chủ với tất cả sự độ lượng và tình yêu con người…”.

 

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts