KINH NGẠC TRƯỚC SỰ THA THỨ

“Ông này là ai mà lại tha tội được?”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

“Amazing Grace”, “Ân Phúc Diệu Kỳ”, một trong những thánh ca Mỹ nổi tiếng nhất. Được viết năm 1772 bởi John Newton, thuyền trưởng của một tàu buôn nô lệ. Lần kia, gặp bão, tàu sắp đắm; Newton trải nghiệm sự giải cứu kỳ diệu của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin thương xót!”, ông viết  trong nhật ký. Rời nghề hải hành, Newton trở lại, thành một mục sư. Ca khúc này độc đáo ở chỗ, chỉ có 5 nốt: Do, Fa, La, Sol & Rê. Thú vị hơn, ca sĩ ‘da đen’, Wintley Phipps tiết lộ, “Nó vẫn có thể được thể hiện chỉ trên ‘5 phím đen’ của dương cầm; phím đen của người nô lệ”, “Slaves’ scales”1.

Kính thưa Anh Chị em,

Kỳ thú thay! Tin Mừng hôm nay không kể lại huyền thoại một ‘bản thánh ca’ cảm hứng từ một tàu nô lệ được cứu qua cơn bão, nhưng kể lại một bữa ăn; trong đó, một linh hồn được cứu! Một bữa ăn mà Chúa Giêsu được mời, vốn cũng ‘khá ly kỳ’, sẽ đưa người đọc đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc khác. Kinh ngạc ‘người mời’, kinh ngạc ‘khách mời’, kinh ngạc ‘khách không mời’ và nhất là ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’ của vị ‘Khách Mời’ dành cho một tội nhân, “Ông này là ai mà lại tha tội?”; Ai mà dám quả quyết, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”.

Trước hết, kinh ngạc ‘người mời’. Thật lạ lùng, chủ nhà dọn bữa mời Chúa Giêsu là một biệt phái, một sự kiện khá hiếm hoi trong Tin Mừng; lẽ thường, người Pharisêu ít có cảm tình với Ngài, họ chỉ rình rập bắt bẻ; ở đây, Simon mời Ngài dùng bữa. Tiếp đến, kinh ngạc ‘khách mời’; ở đây là Chúa Giêsu, tuy nhiên, đồng bàn với Ngài, xem ra chỉ có các biệt phái; các môn đệ không được nhắc đến, khá bất thường! Bên cạnh đó, kinh ngạc ‘khách không mời’; kìa, một phụ nữ xuất hiện! Dưới cái nhìn của chủ nhà, vị ‘khách không mời’ này là một phụ nữ tội lỗi trong thành; nhưng dường như cô không quan tâm điều đó. Kinh ngạc hơn! Những gì cô dành cho Chúa Giêsu! Có đến 5 bước: Cô “đứng đằng sau Ngài”; cô “khóc, rửa chân Ngài bằng nước mắt”; cô “lau chân Ngài bằng tóc”; cô “hôn chân Ngài”; và cô “xức chân Ngài bằng một loại dầu thơm đắt tiền!”.

Hãy dừng lại trong chốc lát, thử tưởng tượng những gì đã xảy ra! Người phụ nữ tội lỗi này đã hạ mình, bộc lộ một tình yêu ‘không giống ai’ đối với Chúa Giêsu. Nếu hành động trìu mến này không phải là một hành động đau buồn sâu sắc, thống hối thực lòng và khiêm hạ thẳm sâu thì chúng ta không biết phải gọi cho đúng tên nó là gì! Đó là một hành động không lên kế hoạch, không tính toán, và cũng không vận dụng; thay vào đó, là khiêm tốn, chân thành, và ‘tất cả con người!’. Nói khác đi, cô ta hoà quyện những gì quý nhất của đời con gái, tiền bạc, mái tóc, nước mắt… với những hành động đẹp nhất, tôn kính nhất, để dành cho Chúa Giêsu. Qua đó, cô như muốn van xin lòng thương xót của Ngài mà không cần nói một lời. Và kinh ngạc nhất! Chúa Giêsu cũng không hề tỏ một thái độ nào, Ngài cũng chẳng có một phản ứng nào, ngoài việc đọc ‘lời xá giải’ cho cô, “Tội con đã được tha!”; “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”. Ôi! Sự tha thứ, lòng trắc ẩn của Ngài dành cho cô! Ngay cả với những người biệt phái cũng phải sững sờ đến nỗi họ thốt lên, “Ông này là ai mà lại tha tội?”. Họ bối rối, nhưng hơn bất cứ điều gì khác, họ trải qua một sự kinh ngạc thánh thiện, vốn có một tên gọi chính xác là, ‘kinh ngạc trước sự tha thứ!’.

Anh Chị em,

Chỉ với ‘5 nốt’ nhạc chuyên chở trọn tâm tình vỏn vẹn trong ‘5 chữ’, “Lạy Chúa, xin thương xót!”, thế giới biết đến một trong những thánh ca nổi tiếng nhất của người da đen. Chỉ với ‘5 hành động’ thiết tha của người phụ nữ đã lay động được lòng Trời; cô đã hát lên bài ca ‘5 chữ’ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’. Bài ca ấy vẫn mãi vang lên trong lòng người, với lời đáp của Ngài, “Đức tin con đã cứu con, con về bình an!”. Đó chính là “lời đáp” mà toàn thể nhân loại đang cần hơn tất cả mọi tiếng hát lời ca. Cũng thế, chúng ta hãy dệt đời mình bởi 5 nốt nhạc tình yêu ấy trong bài ca bất hủ ‘Giêsu, Đấng Hằng Xót Thương’. Hãy đặt mình vào người phụ nữ tội lỗi! Chúng ta có ngạc nhiên trước quà tặng một khi được tha thứ không? ‘Kinh ngạc trước sự tha thứ’ dành cho người phụ nữ này nơi những ai chứng kiến, và nơi chính bản thân cô, sẽ giúp chúng ta xét lại thái độ của chính mình trước lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy liên tục nuôi dưỡng cho mình sự kinh ngạc của họ; để từ đó, không bao giờ coi sự tha thứ là điều hiển nhiên. Đúng hơn, phải xem nó là một điều phi thường, luôn luôn mới; đem lại niềm vui, bình an; và mãi mãi là cảm hứng kinh ngạc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin lấp đầy tim con một sự ‘kinh ngạc trước sự tha thứ’ của Chúa. Cho lòng con luôn ngập tràn một niềm biết ơn sâu sắc, nhất là khi con trải nghiệm điều đó trong đời mình”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 
   

 

 

[1] Anh Chị em có thể nghe “Amazing Grace”, Wintley Phipps: https://bit.ly/2Xm0Pug

Chia sẻ Bài này:

Related posts