Tin Mừng đến với dân tộc Việt Nam 500 năm, thì hết 300 năm, Hội Thánh Việt Nam thấm đẫm dòng máu các anh hùng tử đạo. Giai đoạn bách hại nặng nề nhất là thế kỷ 19, trong các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Cuộc bách hại để lại một trang sử đầy nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam: những người Việt Nam tàng nhẫn sát hại nhau. Chính những đồng bào Việt Nam chung cội, chung nguồn lẽ ra phải yêu thương nhau, lại quay mũi kiếm giết nhau hàng loạt.
Thật vinh phúc cho Hội Thánh Việt Nam, dù non trẻ, nhưng lại căng tràn sức sống, đạp trên đầu sóng ngọn gió, vượt thắng mọi thử thách, mọi đau đớn, mà cho đến nay, dẫu đã qua đúng một thế kỷ, thời gian đủ bình tĩnh để suy niệm, sao vẫn còn nghe hãi hùng, vẫn còn nghe nhức nhối tâm can, làm lặng đi mọi tư tưởng, mọi lời nói, mọi thanh âm.
Những người con đất Việt tưởng như gục ngã không thể gượng dậy nổi dưới bàn tay tàn bạo của làn kiếm, mã tấu, gông cùm, tù đày, lửa nung, bá đao, tùng xẻo, xiết cổ, chém bay đầu…, lại là sức mạnh ngàn đời của một đức tin không gì lay chuyển nổi. Bởi Thân xác các thánh Tử đạo dù bị giết, nhưng đức tin của các ngài thì không ai giết được.
Một Hội Thánh địa phương còn non trẻ, lại có sức chịu đựng sự giày xéo quá sức tưởng tượng của người đời. Giờ nhìn lại sự nhiệm mầu của sức chịu đựng, ta chỉ còn có thể bật thốt lên như thánh nữ Têrêsa: “Tất cả là hồng ân”.
Hồng ân nhận được không chỉ là một quà tặng, nhưng còn là một quà tặng vinh dự, một quà tặng của niềm kiêu hãnh thánh thiện.
Hồng phúc tử đạo không chỉ là một hành động dâng hiến tận cùng mà còn là một dâng hiến vinh thắng tận cùng.
Đó không là vinh phúc lớn hay sao! Một vinh phúc lớn lao mà một Hội Thánh còn non trẻ như Hội Thánh Việt Nam, lại có thể cùng Hội Thánh hoàn vũ đã qua mấy ngàn năm, vẽ thêm vào đó một đường lịch sử của đức tin không bao giờ mệt mỏi, không bao giờ dừng lại.
Các thánh Tử đạo đã viết sử bằng máu của mình. Còn chính Thiên Chúa đã làm cho Hội Thánh Việt Nam được khai sinh, lớn lên và phát triển nhờ dòng máu các thánh.
Nếu cuộc bách hại để lại một trang sử nghiệt ngã cho dân tộc Việt Nam, thì đối với đức tin, đó lại là trang sử hùng tráng cho Hội Thánh Việt Nam nói riêng và Hội Thánh hoàn vũ nói chung: Bởi những người con đất Việt càng yêu mến quê hương, yêu mến bản thân mình, luyến tiếc cuộc đời, luyến nhớ người thân… và điều đặc biệt: yêu mến các vua quan là những người bên trên mình, thì càng yêu mến đức tin khôn cùng.
Chính cái chết của các thánh Tử đạo là lời nói xác quyết và chung quyết cho mọi lời tuyên xưng đức tin rằng: Không có bất cứ cái gì có thể ngang bằng đức tin…
Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ vượt trên tất cả, dẫu là chính bản thân các vua quan hay lệnh truyền của các vua quan đi nữa, không có gì sánh ví được với Đức Chúa mà lẽ ra các vua quan cũng phải tôn thờ, các thánh Tử đạo đã chối từ một cuộc sống dễ dãi.
Hiểu rất rõ Chúa Giêsu, Đấng mà mình tôn thờ là Đức Chúa của mình, vì thế, dẫu chỉ là hai que củi vắt chéo trên mặt đất, bình thường chỉ là hai que củi không hơn không kém, nhưng để biểu lộ đức tin, thì bất cứ bàn chân giẫm đạp nào, bất cứ lời lụy mạ nào, bất cứ một hành động nào đối lại đức tin khi đứng trước hai que củi ấy, tất cả đều là sự chà đạp đức tin, chà đạp Hội Thánh, chà đạp chính Đấng mà mình tôn thờ.
Ngược lại, bất cứ một hành động hay một lời nói nào để tuyên xưng đức tin mà phải tôn trọng hai que củi hình chữ thập ấy, điều đó không còn đơn thuần là hai que củi hình chữ thập nữa nhưng là hình tượng Thánh Giá, hình tượng của lòng tin, hình tượng của một tâm hồn quả cảm quyết một lòng tôn thờ Đức Chúa của mình!
Hiểu rất rõ điều đó, dù chỉ đối điện với hai que củi vắt chéo hình chữ thập, các thánh Tử đạo không chỉ đứng trước hai que củi, nhưng là đối diện với nỗi giằng co mạnh bạo, đối diện với sự chọn lựa không khoan nhượng, nhưng dứt khoát: đức tin hay cuộc sống trần thế.
Cái giá phải trả cho sự chọn lựa đứng về phía đức tin là bị tước đoạt tất cả những gì đang có trong cuộc trần. Bị tước đoạt cả sự sống, cả đến giọt máu sau cùng.
Máu các thánh Tử đạo Việt Nam đã dệt đỏ thắm dòng lịch sử Giáo Hội Việt Nam, vì thế, các thánh Tử đạo mãi mãi vẫn xứng đáng sống trong lòng Hội Thánh và nơi từng người tín hữu Việt Nam.
Vượt trên tất cả mọi tấm gương, vượt trên mọi bài học, máu các thánh phải là chính cuộc sống của những người Việt Nam Công giáo hôm nay, khi làm người Việt Nam giữa dân tộc mình, và làm người giữa đời.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG