THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG CÓ ĐẦY AI XUỐNG HỎA NGỤC KHÔNG ?

Thiên Chúa không “lựa chọn” bắt ai xuống hỏa ngục. Sự lựa chọn đó thuộc về mỗi cá nhân.

Giáo lý Giáo hội Công giáo, số1037 nói: “Thiên Chúa không tiền định cho ai xuống hỏa ngục (DS 397; 1567). Ai tự ý lìa bỏ Thiên Chúa bằng một tội trọng và chai lì đến cùng, sẽ phải xuống hỏa ngục. Trong phụng vụ Thánh Thể và trong kinh nguyện hằng ngày của tín hữu, Hội Thánh khẩn cầu Thiên Chúa từ bi, Đấng “không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người ăn năn hối cải” (2 Phêrô 3,9).”

Thư 2 Phêrô 3: 9 đầy đủ là: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Ngài chậm trễ. Kỳ thực, Ngài kiên nhẫn đối với anh em, vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.”

Ý tưởng về việc một Thiên Chúa vốn yêu thương lại chọn cách tra tấn con người trong hỏa ngục muôn kiếp không chỉ khó chấp nhận, mà đơn giản còn là không đúng Lời Chúa. Kinh thánh dạy rằng Thiên Chúa là tình yêu, nhưng điều đó cảnh báo rằng những ai cương quyết chọn cách từ chối lời đề nghị cứu độ của Thiên Chúa thì sẽ phải đối mặt với án phạt đời đời. Bởi vì con người được ban cho ý chí tự do, con người tự mình chọn chấp nhận Chúa Giêsu hay không. Do đó, họ chọn nơi mà họ sẽ trải qua trong cõi đời đời. Đừng nhầm lẫn, Thiên Chúa muốn mọi người yêu mến Ngài. Khi chúng ta chọn chấp nhận Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ, cuộc sống của chúng ta được biến đổi. Chúng ta được chấp nhận vào Vương quốc của Thiên Chúa và lời hứa về cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên đàng trở thành cuộc sống của chúng ta.

Điểm khởi đầu tội lụy của con người.

Bạn đã bao giờ xem trẻ em chơi đùa chưa? Thông thường thì chúng rất vui, nhưng sớm hay muộn, bất đồng bắt đầu nảy sinh. Không ai cần dạy một đứa trẻ nên ích kỷ hoặc không vâng lời – vì điều đó đến với chúng ta một cách bản năng. Kinh thánh nói rằng tất cả mọi người đều đã phạm tội – đi theo con đường riêng của chúng ta thay vì con đường của Thiên Chúa: “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Thiên Chúa đã đổ trên đầu Ngài tội lỗi của tất cả chúng ta.” (Isaia 53: 6). Chúng ta không thể tự mình sống theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình như thư Rôma viết: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” (Rôma 3:23). Tiền công, hoặc sự trả công, cho sự hèn nhát đó là cái chết: “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban cho nhưng không, là sự sống đời đời trong Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rôma 6:23) và nếu không có Ai Đó giúp đỡ chúng ta, chúng ta đã bị kết án: “Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Gioan 3:18).

“Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?” (Rôma 7: 24)

Thiên Chúa không muốn ai phải xuống hỏa ngục. Tin Mừng theo thánh Gioan 3:17 cho chúng ta biết “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ”. Thiên Chúa hào phóng cung cấp cho con người một con đường giúp họ thoát khỏi bị kết án. Ngài đã sắp đặt để Một Người Khác trả án tử thay cho chúng ta: “Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Thiên Chúa đã đổ trên đầu Ngài tội lỗi của tất cả chúng ta.” (Isaia 53: 6). Người đó là Chúa Giêsu. Thiên Chúa muốn chúng ta chọn Thiên đàng – ân huệ nhưng không của sự sống vĩnh cửu – qua Chúa Giêsu: “Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban cho nhưng không, là sự sống đời đời trong Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rôma 6:23 ). Làm sao chúng ta biết ai có cuộc sống đó? Những ai có Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, thì có sự sống đó: “Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống.” (I Gioan 5:12)

Đây là cách duy nhất để giải quyết tội lỗi. Điều lạ lùng sẽ xảy ra khi người ta nhận biết Chúa Giêsu Kitô và tiếp nhận Ngài vào cuộc đời của họ. Khi đó bệnh tật bắt đầu được chữa lành. Chúng ta biết rằng Ngài xuất hiện để tẩy xóa tội, và nơi Ngài không có tội lỗi, như Thánh Gioan nói: “Thế mà anh em biết: Đức Giêsu đã xuất hiện để xoá bỏ tội lỗi, và nơi Ngài không có tội lỗi” (1 Gioan 3: 5).

Đây là mục đích lớn lao của việc Chúa Giêsu Kitô đến thế gian. Cùng với mục đích đó là quyền năng lớn lao của Ngài, vì: “nơi Ngài không có tội lỗi”, vì “Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Luca 4; 34). Chỉ Đấng Thánh mới có thể cứu giúp được các tội nhân. Chỉ có một cách này mà thôi. Cũng giống như không khí là thứ duy nhất để thở. Người ta cần phải theo cách này để thoát khỏi tình trạng tội lỗi này của con người, vốn sớm muộn gì cũng sẽ đưa đến cái chết thể lý, và có thể đưa đến cả án phạt đời đời của linh hồn nữa. Chỉ có một con người từng xuất hiện trong lịch sử loài người mới có thể cởi bỏ tội lỗi. Đây là Tin Mừng của hy vọng vinh quang. Thánh Phaolô trong thư gửi ông Timôthê đã nói: “Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Chúa Kitô Giêsu. Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người. Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi” (1Timôthê 2, 3-6). Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu độ duy nhất cho mọi người. Ngài vừa là Thiên Chúa thật vừa là người thật và là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, là Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá bỏ tội trần gian: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Gioan 1,29).

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tuyên ngôn Dominus Jesus, [1] khẳng định vai trò trung gian duy nhất của Chúa Giêsu Kitô: “Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất, không những thiết lập Hội Thánh như một cộng đoàn gồm các môn đệ nhưng đã tạo nên một Giáo hội như một mầu nhiệm cứu rỗi; chính Ngài ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong Ngài (Galát 3, 28; Ep 4, 15-16). Do đó, sự viên mãn của mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Kitô cũng thuộc Giáo hội liên kết không thể phân ly với Chúa của mình…” (số 16).

Thiên Chúa thực hiện điều đó như thế nào?

Ngài không làm điều đó bằng một hành động ma thuật. Ngài không vẫy cây đũa thần của phù thủy hoặc thốt ra một số lời thần chú tôn giáo nào đó kiểu “Hô biến!” thì vấn đề được giải quyết ngay lập tức. Đột nhiên tôi thoát khỏi tội lỗi, lối sống phóng túng biến mất, và tôi sẽ không bao giờ gặp bất cứ vấn đề gì với lối sống vô luân bừa bãi đó nữa. Nếu đó là ý tưởng của chúng ta về đức tin Kitô giáo, thì chúng ta đã nhầm to. Ngài làm điều đó như thế nào? Ngài làm điều đó bằng việc trao ban sự sống, bằng việc bật ánh sáng lên, bằng việc khơi dậy tình yêu. Đây là những giải pháp cho những lối sống phóng túng, là lối sống hủy diệt sự sống, phát sinh ra cái chết; dập tắt ánh sáng, khiến bóng tối ngập tràn; xúc phạm và hủy hoại tình yêu thương, gieo rắc hận thù.

Chúa Giêsu Kitô trao ban điều gì?

Ngài trao ban sự sống thay cho cái chết, ánh sáng thay cho bóng tối, và tình yêu thay cho hận thù. Khi người ta tiếp nhận Chúa Giêsu Kitô, đó mới chỉ là sự khởi đầu. Đời sống Kitô hữu trọn vẹn sẽ diễn ra sau đó. Đó là một quá trình lớn lên và trưởng thành, nhưng kết quả tất nhiên là như nhau: trừ khử tội lỗi, loại bỏ cách ăn nết ở phóng túng, phục hồi sự ngay thẳng và bình an trong tâm hồn.

Điều đó đã được minh chứng trong suốt lịch sử nhân loại. Liên tục trong mọi thế hệ, những trường hợp cứng lòng nhất đã có hiệu quả với phương thuốc tuyệt vời này – người nghiện rượu, nghiện ma túy, nghiện tình dục, giết người và trộm cắp. Thậm chí nhiều trường hợp cứng lòng hơn đã thuận theo Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban sự sống đích thực – những người kiêu ngạo, tự hãnh trí thức, cay đắng, hoài nghi, những người trẻ nổi loạn, những người già đầy cố tật. Và luôn luôn có những người bị tổn thương tinh thần, những người đánh mất hy vọng, trở nên tuyệt vọng, những người thảm hại, những người đáng thương, và những người bơ vơ lạc lối, tan nát tâm can, trôi nổi trong cuộc đời. Cho dù người ta sống ở đâu hay vào thời nào, thì câu chuyện cuộc đời mỗi người vẫn luôn là một câu chuyện giống nhau, luôn luôn cần một sự giải thoát giống nhau, luôn luôn nhắm đến một mục đích giống nhau: đó là chữa lành cuộc sống bê tha trong tội lỗi.

Người ta có thể chọn Thiên đàng như thế nào?

Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng chúng ta có thể chọn Thiên đàng bằng cách tin vào Chúa Giêsu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3:16). Hãy tin Lời Chúa Giêsu nói Ngài là ai – là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ trần gian: “Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Ngài thật là Đấng cứu độ trần gian.” (Gioan 4:42). Hãy phó thác nơi Chúa Giêsu số phận đời đời của chúng ta: “Đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi, bởi vì Thiên Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Ngài cứu độ tôi.” (Isaia 12: 2). Bằng đức tin, hãy tiếp nhận Chúa Giêsu vào cuộc sống của chúng ta với tư cách là Chúa của bạn: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa.” (Gioan 1:12).

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, con tin Chúa là Thiên Chúa. Con tin Chúa đã trả giá khi gánh chịu khổ hình thập giá vì tội lỗi của con. Xin hãy cứu con khỏi tội lỗi và hỏa ngục. Con xin mời Chúa bước vào cuộc đời con để làm Chúa và Đấng Cứu Độ của con. Xin hãy ban cho con ân huệ nhưng không của Chúa là sự sống đời đời để con cảm nếm cuộc sống có Chúa ngay bây giờ và được ở cùng Chúa trên Thiên đàng mai sau. Amen. [2]

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.

Chú thích:

[1] Tuyên Ngôn Dominus Jesus – Chúa Giêsu – đề cập đến đặc tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội, được Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Ðức Tin và Ðức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, tổng thư ký Thánh Bộ đã họp báo để giới thiệu sáng thứ ba 5/9/2000. Văn kiện đã được ấn hành bằng 8 thứ tiếng La Tinh, Ý, Anh, Pháp, Ðức, Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha và Ba Lan dài trung bình 36 trang. Ngoài phần nhập đề và kết luận , tài liệu được chia thành 6 chương, gồm tổng cộng 23 đoạn. Tuyên ngôn đã được Ðức Thánh Cha phê chuẩn vào ngày 6/8/2000 và được ấn ký bởi Ðức Hồng Y Ratzinger ngày 16/6/2000.

[2] How Can a Loving God Send Anyone to Hell? Dựa theo godlife.com.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts