Lễ Chúa Kitô Vua được Đức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 với mục đích khẳng định vương quyền của Chúa Kitô. Sau việc cải tổ lịch phụng vụ do Công đồng Vatican II yêu cầu, lễ này mang một tên khác, được đặt trong Sách lễ Rôma năm 1970: CHÚA KITÔ, VUA VŨ TRỤ: và có một ý nghĩa khác.
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ không còn là Chúa nhật cuối cùng của tháng 10, nhưng là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ: như thế Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ trở thành đỉnh cao của năm phụng vụ và được được xếp vào bậc lễ trọng.
Do đó, và bằng cách đặt Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ vào Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, như một kiểu gộp vào Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cuộc cải tổ của Công đồng Vatican II đã biến đổi sâu sắc ý nghĩa của việc cử hành này và mang lại một chiều kích cánh chung cơ bản,
Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ rất phong phú với các bài đọc giải thích ý nghĩa và đối tượng của ngày lễ. Lễ này cho chúng ta cơ hội để nhìn lại một năm đã qua để tự hỏi bản thân mình rằng liệu Chúa Giêsu Kitô đã ngự trị trong cuộc sống của chúng ta như thế nào và giúp chúng ta bắt đầu một năm phụng vụ mới như thế nào.
Trong ngày lễ trọng này, phụng vụ cho phép chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc vượt qua của Ngài để thực hiện vương quyền của mình, vì lợi ích của những ai giống như người ăn trộm tốt lành đã biết cầu xin Ngài tha thứ và cứu vớt: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !”
Hiến chế về Phụng vụ giải thích rõ ràng rằng bất cứ cử hành phụng vụ nào cũng hiện thực hóa công cuộc cứu độ bằng cách đặt việc tưởng niệm vượt qua vào trung tâm của đời sống Kitô hữu, trung tâm của đức tin Kitô giáo. Bởi vì sự chết của Chúa Kitô trong cuộc vượt qua và sự sống lại của Ngài làm nên nội dung đời sống hàng ngày của Giáo hội và bảo đảm về Lễ Vượt qua vĩnh cửu của Giáo hội, nhiệm vụ đầu tiên của phụng vụ là đưa chúng ta trở lại con đường Vượt qua một cách không mệt mỏi do Chúa Kitô mở ra, nơi chúng ta bằng lòng chết để được vào sự sống:
“Chúa Kitô được Chúa Cha sai đi thế nào, thì chính Ngài cũng sai các Tông Ðồ đầy tràn Thánh Thần đi như vậy, không những để trong khi rao giảng Phúc Âm cho mọi thụ tạo, các Ngài loan báo Con Thiên Chúa đã dùng cái chết và sự sống lại của Người để giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, đồng thời dẫn đưa chúng ta vào nước Chúa Cha, nhưng còn để các Ngài thực thi công cuộc cứu chuộc mà các Ngài đã loan báo, nhờ Hiến Tế và các Bí Tích, trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ. Như vậy, nhờ phép Rửa Tội, con người được tháp nhập vào mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: cùng chết, cùng chịu mai táng, cùng sống lại, được lãnh nhận tinh thần dưỡng tử, “do đó chúng ta xưng hô Chúa là Abba, Cha (Rm 8,15)” (Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Ðồng Vaticanô II, chương I, khoản I, số 6, câu 14-17).
Bằng cách duy trì ký ức về Cuộc Vượt Qua khổ giá này, phụng vụ đề cao quyền năng của Chúa Kitô biểu lộ nơi Cuộc Khổ Nạn. Theo lời yêu cầu của mẹ các con trai ông Dêbêđê “Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một người ngồi bên hữu, một người bên tả Thầy trong Nước Thầy ” (Mt 20,21), Đức Giêsu đáp: “Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” (Mt 20:22), điều này gợi lên Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Và Ngài làm như vậy bằng cách xác định rằng Ngài không có quyền ban những gì họ yêu cầu: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được”(Mt 20,23). Phần còn lại của bản văn, nhấn mạnh sự ganh tị giữa các môn đệ, cho thấy cần có sự biến đổi cơ bản trong mối tương giao với Chúa Kitô, mà Ngài mang lại, mối tương giao ấy không được nhắm đến quyền lực:
“Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20, 25-27).
Tuy nhiên, điều này không nên chỉ được hiểu như một lời khuyến khích lối sống khiêm tốn, nhưng đó đúng là căn tính của người môn đệ Đức Kitô, Đấng vốn là Chủ nay đã trở thành tôi tớ: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28). Đây là lý do tại Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, được cử hành vào Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, diễn tả một cách cụ thể mối tương quan mà phụng vụ thiết lập giữa vương quyền của Chúa Kitô và mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. [1]
Thánh Phaolô khẳng định: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo… là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Côlôsê 1: 15-18). Ngài “nắm giữ quyền tối thượng trong mọi sự” (Côlôsê 1:17). Chúa Giêsu, con vua Đavít, đã đến để đem lại bình an, bởi vì Ngài muốn hòa giải mọi sự bằng cách thiết lập bình an nhờ dòng máu của Ngài trong cuộc vượt qua, và nhất là từ trên thập giá: “Nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Côlôsê 1: 20).
Chúa Giêsu Kitô là Đấng cai trị trái đất, như thị kiến trong sách Khải Huyền tuyên bố: “Ngài là Thủ Lãnh mọi vương đế trần gian” (Khải huyền 1: 5), “Đó là quyền mà chính Ta đã được Cha Ta trao cho” (Khải huyền 2: 28).
Ngay Cựu Ước cũng đã tiên báo về vương quyền của Con Người. Vương quyền này là sự ứng nghiệm lời tiên tri về thời cánh chung: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến. Ngài tiến lại gần bên Đấng Lão Thành và được dẫn đưa tới trình diện. Đấng Lão Thành trao cho Ngài quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài” (Đaniel 7: 13-14). Quyền thống trị của Ngài là quyền thống trị đời đời, sẽ không qua đi, và vương quyền của Ngài là một vương quyền sẽ không bị tiêu diệt: “Quyền thống trị của Ngài là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; vương quốc của Ngài sẽ chẳng hề suy vong” (Đaniel 7: 14).
Trong Tin Mừng theoThánh Mátthêu, chính Chúa Giêsu nói rõ ràng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18). Đứng trước tổng trấn Philatô, Chúa Giêsu đã tuyên bố “Tôi là Vua” (Ga 18: 37)
Nhưng Thánh Gioan nhấn mạnh sự khác biệt giữa các quyền lực của thế gian này và điều mà Chúa Giêsu đã tuyên bố trước mặt Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Gioan 18,36).
Nhưng trên hết, mối quan hệ giữa Cựu ước và Tân ước là duy nhất “trước sau như một”, không thay đổi. Tác giả thánh vịnh hát: “Chúa là Vua ngự trị muôn đời” (Thánh vịnh 29:10), và: “Hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Ngài chọn làm gia nghiệp. Từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế” (Thánh vịnh 33: 12-14). Theo truyền thống Kitô giáo, biểu tượng vương quyền đã được hoàn thành nơi Chúa Giêsu Kitô, là Đấng cứu thế, Con vua Đavít và Con Thiên Chúa: “Ngôi báu Thiên Chúa tặng ban cho Ngài sẽ trường tồn vạn kỷ, vương trượng Ngài, vương trượng công minh; Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài đã tôn phong Ngài vượt trổi các đồng liêu mà xức cho dầu thơm hoan lạc” (Thánh vịnh 45: 7-8)
Ngày hôm nay, chúng ta tôn thờ Chúa Kitô, Vua vũ trụ, Đấng đã đến để làm chứng cho sự thật như thánh Gioan thuật lại: “Ông Philatô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao?” Chúa Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Gioan 18: 37).
Chúng ta tạ ơn Chúa Kitô, Vua vũ trụ, vì Ngài đã cho phép chúng ta khám phá tất cả các khía cạnh mầu nhiệm của công trình tạo dựng trong suốt năm phụng vụ. Chúng ta cầu xin Chúa Kitô, Vua vũ trụ, tha thứ vì chúng ta đã không đặt Ngài đầy đủ ở trung tâm sự hiện hữu của chúng ta trong suốt năm qua: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Ngài nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Luca 23: 42-43). Và chúng ta hãy hiến dâng bản thân mình cho Ngài như Thánh Phaolô mạnh mẽ thúc dục chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12,1) để trong năm sắp tới chúng ta nhận ra quyền năng của Ngài và không ngừng tôn vinh Ngài là Vua, theo lời Kinh Tiền Tụng của ngày lễ:
Chúa đã xức dầu hoan lạc tấn phong Con Một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con làm linh mục đời đời và làm vua vũ trụ, để khi hiến thân trên bàn thờ thập giá làm lễ phẩm hoà giải và tinh tuyền, người hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng con. Khi đã bắt mọi loài quy phục quyền bính mình, Người trao lại cho Chúa là Ðấng uy linh cao cả, một vương quốc vĩnh cữu và vô biên: vương quốc đầy tràn sự thật và sự sống, đầy tràn ân sủng và thánh thiện, đầy tràn tình thương, công lý và bình an.
Vì thế, cùng với toàn thể Thiên thần và các thánh, chúng con không ngừng hát bài ca chúc tụng Chúa vinh hiển và tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh!…
Cùng với Mẹ Maria, Nữ Vương Trời Đất, cùng với tất cả Thần Thánh, toàn thể Hội Thánh lữ hành trên trần gian, các linh hồn nơi luyện ngục và muôn vật trong vũ trụ, chúng ta cùng tung hô:
“Lạy Trái Tim Chúa Giêsu là Vua cai trị mọi loài, xin Trái Tim Chúa làm Vua cai trị lòng con suốt đời”
(Bài hát: Tôn Vương Thánh Tâm, sáng tác: Thiên Phước).
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] liturgie.catholique.fr.