Khi có khách quí tới thăm, hoặc khi bạn bè lâu ngày gặp lại, chúng ta ra đón và thường nói : “Sao rồng đến nhà tôm thế này!”
Câu nói dân gian trên đây thường được các ông cha bà sơ diễn lại bằng một câu nói có mùi Kinh Thánh hơn : “Bởi đâu hôm nay tôi được Mẹ Chúa đến viếng thăm thế này !”
Câu trên được rút ra từ bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe : Lời bà Isave khi gặp Maria đến thăm. Theo sắp xếp của phụng vụ, Tuần IV Mùa Vọng là tuần của Maria (và Giuse) : thật dễ hiểu và hợp lý : nhắc tới Mẹ trước khi mừng đón người Con hai ba ngày nữa…
Hôm nay bài Tin Mừng nhắc đến Maria bằng một cuộc thăm viếng người chị họ, bà Isave, mà khởi đầu bằng 4 chữ “vội vã lên đường”: khi ấy Maria vội vã lên đường. Cha Nguyễn Thế Thuấn thì dịch : “đon đả lên đường,” nghe hay hơn, vì đon đả là vội vã pha hân hoan. Chúng ta cùng suy niệm về mấy chữ này bằng hai câu hỏi :
- Tại sao Maria lại vội vã lên đường?
a)Vì Maria vừa mới nói : “Này tôi là tôi tớ Chúa”
Tại sao câu nói này lại liên hệ đến việc vội vã lên đường ?
Cha Galot, dòng Tên đã so sánh rất hay : Khi tuyên bố mình là tôi tớ Thiên Chúa, thì Đức Maria cũng tỏ ra mình là tôi tớ loài người. Là tôi tớ Chúa, thì cũng phải làm tôi đồng loại. Hai mặt của một lòng mến. Như kiểu nói của thánh Gioan Tông Đồ : Nếu ai nói yêu Chúa mà không yêu người thì là kẻ nói dối. Nếu ai nói phục vụ Chúa (làm tôi Chúa) mà không làm tớ cho người, thì cũng không phải chân chính. Đức Maria vừa tuyên bố với sứ thần Gabriel “này tôi là tôi tớ Chúa,” thì để trung thực Maria cũng phải “này tôi là đầy tớ con người.”
Trong số những người Maria cần làm tôi, cần phục vụ, cần làm đầy tớ hơn cả, chẳng ai khác hơn là người chị họ. Thiên thần Gabriel đã cho Maria thoáng thấy bà chị Isave này đang cần giúp đỡ, đang cần người phục vụ, làm tôi, vì bà Isave đã mang thai được 6 tháng. Thiên thần không thôi thúc Maria, nhưng Maria hiểu được ý Thiên Chúa, nên người tôi tớ Chúa vội vã lên đường làm tôi tớ con người.
Nếu chúng ta nhận mình là tôi tớ Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải noi gương Mẹ Maria –vội vã phục vụ cho con người.
b)Vì hành trình xa xôi:
Lý do thứ hai, tại sao Maria lại vội vã lên đường, là vì đường xá xa xôi. Địa chỉ làm tôi, làm ôsin rất xa, nên phải vội vã. Khi đi đâu xa, chúng ta thường dậy sớm, đi nhanh, trong tư thế vội vã. Quãng đường từ Nazarét nơi Maria ở cho đến Ain Karim nơi bà chị sống, cách xa gần 150 cây số, mà phương tiện là đi bộ, sang hơn là cỡi lưà. Chắc Maria đi bằng lừa, nhưng đường sá khá xa. Chính Luca cũng ghi trong sách Tin Mừng : vội vã đi về miền núi. Lúc này Giuse chưa ở bên cạnh Maria, vì còn ở riêng, nên chắc Maria phải đi một mình. Lẽ ra Maria đã có khá nhiều lý do hoặc mấu cớ để vin vào mà không đi chuyến hành trình dài này.
-Như Maria nại đến việc từ nay cần phải chăm sóc sức khoẻ của mình và nhất là của đứa con mà cuộc hành trình dài thì mệt nhọc, hại sức khoẻ.
-Như : nại đến việc trên đường đi biết đâu gặp rủi ro tai nạn, hay cướp bóc, mẹ nằm xuống thì con sẽ ra sao ; chương trình của Thiên Chúa tất bị đảo lộn vì chuyến đi dài này và như vậy sẽ phá vỡ kế hoạch của Thiên Chúa.
Nhưng tất cả các lý do đó không cản nổi cô gái Maria giàu lòng bác ái này. Cô đã quyết thì phải đi ngay, và vì đường dài để lâu thấy ngại.
Trên đây là hai lý do chúng ta suy ra để trả lời : Tại sao Maria lại vội vã lên đường ? Vì Maria vừa mới nhận mình là “tôi tớ Chúa” nên cũng phải vội vã hành động trong tư cách “tôi tớ loài người.” Và vì địa chỉ đi làm tôi khá xa, nên cần vội vã lên đường ngay kẻo chậm trể gây e ngại.
- Còn chúng ta, chúng ta có cần noi gương Maria vội vã lên đường không?
Hỏi một câu thật dở, vì nhất thiết phải trả lời “có !” Nhưng noi gương Mẹ, vội vã lên đường thì mỗi người đều có cách vội vã lên đường của riêng mình. không cứ cất bước thì mới lên đường được.
Có một bà mẹ kia ước mơ trong đời mình được một lần lên đường hành hương Yêrusalem. Mỗi ngày khi chiều xuống bà đều lặp lại ước mơ đó. Khi con cái bà lớn lên, ăn nên làm ra, họ không quên ước mơ của mẹ. Nên họ bảo nhau làm một hộp đựng tiền ở ngoài đề chữ Yêrusalem, để khi dư dả bỏ tiền vào đó, dần dần cho đủ con số chi tiêu một chuyến đi xa (giống như quĩ tiết kiệm, con heo đất vậy).
Nhưng bà mẹ có ước mơ hành hương Yêrusalem này lại cũng là một bà mẹ giàu lòng bác ái. Vì thế con heo đất, hộp đựng tiền cứ bị móc ra đem chia sớt cho kẻ nghèo khổ. Hộp tiền không bao giờ đủ cho chuyến hành hương. cho đến ngày bà ngã bệnh nặng, không thể đi lại được nữa. Bên giường hấp hối của mẹ, đứa con út nói vào tai bà : Không biết làm sao chứ chúng con ai cũng biết mỗi ngày trong đời mẹ, mẹ đã từng bước hành hương Yêrusalem với Chúa Giêsu. Chữ Yêrusalem trên hòm tiền giờ đây mang ý nghĩa mới. Bà mẹ mất đi, nhưng các người con còn tiếp tục bỏ vào hòm tiền đó, để từng ngày, từng đồng bạc cùng với các kẻ nghèo hành hương đi khắp ngả. Đó là một trong những cách thức vội vã lên đường : Ngồi ở nhà mà vẫn vội vã lên đường được.
Có trăm ngàn cách để chúng ta vội vã lên đường như Maria xưa. Hôm nay chúng ta không cố ý liệt kê trăm ngàn cách. Chỉ muốn nói cần phải vội vã lên đường làm tôi mọi người nếu chúng ta tự nhận là tôi mọi của Chúa. Và vì ngày kỷ niệm Chúa sinh ra cũng gần kể, chúng ta phải vội vã lên đường. Chúng ta đừng ước mơ phải chi tôi được đến Châu Phi giúp đỡ những người Biaha đói khổ, những người Sudan, Maroc khẳng khiu. Phải chi tôi được tới miền núi, miền ngược làm tôi cho người Rađê, Roglai xấu số… Những ước mơ đó rất đẹp, rất cao. Nhưng không phải lúc nào cũng vội vã lên đường được. Xin Mẹ giúp chúng con làm những việc “vội vã lên đường”trong tầm tay chúng con. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm