Ngày 21/12/2021, đánh dấu một dấu ấn quan trọng của lịch sử Giáo hội Campuchia. Một trang sử đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, cha François Ponchaud, một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris, sau 56 năm truyền giáo tại Campuchia, ở tuổi 82, đã trở về Pháp, tiếp tục sứ vụ truyền giáo trong cầu nguyện tại nhà hưu dưỡng ở Paris.
Cha François đặt chân đến Campuchia vào năm 1965, chỉ một năm sau khi được thụ phong linh mục. Không biết gì về Campuchia, cha bắt đầu học tiếng Khmer và nghiên cứu văn hoá Phật giáo Campuchia.
Từ năm 1969 đến năm 1975, nhà truyền giáo phục vụ tại Hạt Phủ doãn Tông toà Kompong Cham, phía đông bắc Phnom Penh, dọc theo sông Mekong. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh. Ngày 8/5/1975 cùng với những người nước ngoài khác, cha bị trục xuất. Cha Ponchaud là một trong những người cuối cùng rời đất nước. Chứng kiến những gì Khmer Đỏ đã làm, cha viết cuốn sách về nạn diệt chủng Khmer Đỏ “Campuchia năm không”, xuất bản năm 1977. Cuốn sách là một câu chuyện thành công trên toàn thế giới và tiết lộ cho mọi người biết mức độ tội ác của Khmer Đỏ. Mục tiêu chính của cha là đánh thức nhận thức. “Tôi không thể giữ im lặng về những gì tôi đã thấy và những gì Khmer Đỏ đã làm. Đây không phải vì lý do ý thức hệ, nhưng đơn giản vì những gì được báo cáo là không đúng”, cha nói trong một hội nghị tại trung tâm văn hóa Pháp ở Phnom Penh vài ngày trước khi rời Campuchia.
Đức cha Olivier Schmitthaeusler, đại diện Tông tòa của Phnom Penh cho biết. “Khi tôi đến Campuchia vào năm 1998, ba nhà truyền giáo đã đợi tôi ở sân bay. Một trong số họ là cha Ponchaud, và ngài đã đưa tôi đến thẳng Trung tâm Văn hóa Công giáo Campuchia. Tôi bắt đầu học tiếng Khmer tại đây với một giáo viên người Campuchia, và học các thuật ngữ tôn giáo tiếng Khmer với cha Ponchaud”.
Đức cha nói thêm: “Chúng tôi rất biết ơn cha Ponchaud vì cha đã làm việc cần mẫn, dịch Kinh Thánh sang tiếng Khmer. Cha cũng đã dịch các văn kiện của Công đồng Vatican II. Cám ơn cha rất nhiều. Cha đã giúp chúng tôi đặt câu hỏi: Làm thế nào để nói về mầu nhiệm Thiên Chúa trong văn hoá Khmer? Làm thế nào để nói về Chúa Giêsu cho người Campuchia? Làm thế nào để làm cho người dân nghiệm thấy tình thương của Chúa dành cho chúng ta? Mặc dù không phải tất cả đều trở lại Công giáo, nhưng họ hiểu rằng cuộc sống có giá trị. Thiên Chúa là Cha trao ban cho chúng ta niềm hy vọng”.
“Tôi đến Campuchia không phải để cải đạo dân chúng nhưng nhằm giúp người dân Campuchia hiểu giá trị của tôn giáo của họ”, cha giải thích và nói thêm rằng cha rất vui khi người ta trở thành Công giáo, nhưng đó không phải là mục tiêu của cha. Cha nói: “Mục tiêu chính là giúp mọi người hiểu rõ ràng những gì Đức Phật đã dạy và những gì Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng, đồng thời giúp họ sống với nhau và yêu thương nhau. Cuộc sống của chúng ta có giá trị, ngay cả khi chúng ta nghèo khó. Chúng ta có thể cùng nhau tiến bước. Đó là Tin Mừng mà hiện nay chúng tôi đang loan báo ở Campuchia”.
Một Thánh lễ tiễn biệt đã được cử hành vào ngày 19/12/2021 tại Nhà thờ Thánh Giuse ở Phnom Penh. Mọi người đều nhìn nhận những đóng góp của cha cho xã hội Campuchia, trong các lĩnh vực giáo dục và phát triển xã hội.
Ngọc Yến – Vatican News