VĨ ĐẠI HƠN BẤT CỨ ĐIỀU GÌ

“Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài!”.

Trong tác phẩm của mình, “Surprised by the Power of the Spirit”, “Ngạc Nhiên Trước Sức Mạnh của Thần Khí”, Jack Deere viết, “Tất cả chúng ta đều là những người thụ hưởng các truyền thống tốt đẹp, khôn ngoan, và đúng đắn; tuy nhiên, chúng ta cũng là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng ta là nạn nhân của những truyền thống kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”. Thật chí lý câu nói của Jack Deere! Thật trùng hợp, phụng vụ Lời Chúa hôm nay cũng nói đến truyền thống, nói đến những diễn giải của con người; qua đó, một sự thật được tiết lộ, Thiên Chúa luôn ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’ mà con người có thể tạo ra, cho dù, đó là một truyền thống tôn giáo lâu đời!

Bài đọc Cựu Ước cho biết, Salômon đã khởi xướng xây cất một đền thờ đồ sộ, nguy nga cho Thiên Chúa; Thánh Vịnh đáp ca bộc lộ tâm tình hân hoan của vua, “Lạy Chúa tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái”. Thế nhưng, trước một Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, Salômon, người được Ngài ban cho khôn ngoan và giàu có nhất trần gian đó vẫn cảm thấy nhỏ bé và yếu hèn, “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel! Trời cao thăm thẳm còn không chứa nổi Ngài, phương chi ngôi nhà con xây cất đây!”. Ý thức mình mỏng giòn, tội lỗi, Salômon thân thưa, “Từ thiên cung, nơi Chúa ngự, xin lắng nghe, lắng nghe và tha thứ!”.

Trong Tin Mừng hôm nay, các biệt phái và luật sĩ lên án các môn đệ Chúa Giêsu “không theo đúng truyền thống của tiền nhân”, vì họ không rửa tay trước khi ăn. Dẫu không chống lại việc rửa tay, Chúa Giêsu vẫn lên tiếng bảo vệ các môn đồ của Ngài. Điều Ngài chống lại giới biệt phái kinh sư là chủ nghĩa pháp lý; theo họ, chỉ cần tuân thủ một số hành động bên ngoài, con người sẽ được gọi là công chính! Ngài tuyên bố, “Các người đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ truyền thống của các người!”. Giới răn của Thiên Chúa, là Lời của Thiên Chúa, vốn quan trọng hơn truyền thống. Ngài muốn nói, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, không thể bị trói buộc trong bất kỳ truyền thống nào, dù truyền thống đó được tôn kính đến đâu. Truyền thống có ra là để giúp con người thể hiện tốt hơn mối tương giao của nó với Thiên Chúa, sống giới răn yêu thương Ngài dạy. Thế nên, một khi truyền thống trở nên “kém cỏi, thiếu khôn ngoan và thiếu vững chắc”, khiến “con người trở thành nạn nhân”, cản trở nó kính mến Chúa và yêu thương người, thì truyền thống đó cần được cải cách hoặc đổi mới.

Anh Chị em,

Với Chúa Giêsu, không phải mọi truyền thống đều đáng để giữ lấy. Tất cả truyền thống phải được đo lường bằng chính Lời Chúa; chúng ta phải xét xem truyền thống này, tập tục kia, có thực sự phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa vốn được tiết lộ trong Thánh Kinh hay không. Đó là lý do tại sao việc tiếp tục lắng nghe Lời Chúa là một điều không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Đây cũng là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô rất mực quan tâm; ngài đặc biệt nhắc nhở chúng ta phải đọc và học biết lắng nghe Lời Chúa qua các Phúc Âm một cách thường xuyên. Là Kitô hữu, chúng ta tin rằng, Thiên Chúa, Đấng ‘vĩ đại hơn bất cứ điều gì’, đã bày tỏ khuôn mặt đích thực của Ngài một cách độc đáo và trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha mà chúng ta đang tìm kiếm, đã tìm kiếm và phải tìm kiếm mỗi ngày. Hãy quay về với Chúa Giêsu, lấy Ngài làm chuẩn mực cho mọi đối chiếu; hãy để Lời ngài soi sáng tâm trí, bổ sức linh hồn; và như thế, chúng ta sẽ được bổ trợ để thấy rõ hơn điều gì là của Thiên Chúa và điều gì không thuộc về Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con ngày càng yêu mến việc đọc Lời Chúa và đào sâu Lời Chúa bằng việc cầu nguyện và chiêm ngắm; nhờ đó, Lời Chúa sẽ không trở nên vô hiệu nơi con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts