ĐỨC GIÁO HOÀNG NHẤN MẠNH GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN LINH MỤC

Đức Giáo hoàng Phanxicô tham dự Hội nghị thần học quốc tế về chức linh mục, tại Thành phố Vatican, ngày 17 tháng 2 năm 2022. (Ảnh của FABIO FRUSTACI / EPA / MaxPPP) 

Đức Phanxicô tập trung vào bốn trụ cột của đời sống linh mục, mà Ngài mô tả là “bốn hình thức gần gũi” – gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với các linh mục đồng sự và với Dân Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài diễn văn khai mạc tại Hội nghị Chuyên đề Thần học Quốc tế về Chức Linh mục đã kêu gọi các linh mục trân trọng “ân huệ” độc thân mà Ngài nói phải bắt nguồn từ “các mối tương quan lành mạnh.”

Đức Thánh Cha nói: “Độc thân là một ân huệ mà Giáo hội Rôma gìn giữ, nhưng nó là một món quà, được sống như một phương tiện nên thánh, đòi hỏi những mối tương quan lành mạnh, những mối tương quan có lòng quý trọng và sự tốt lành thực sự bắt nguồn sâu xa từ Chúa Kitô,”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói.”Tôi cũng muốn nói thêm rằng khi tình huynh đệ linh mục phát triển và tồn tại các mối tương quan của tình bạn chân chính, thì tương tự như vậy, người ta có thể trải nghiệm cuộc sống độc thân một cách thanh thản hơn.”

Đức Giáo Hoàng nói chuyện với khoảng 500 giám mục, linh mục và nhà thần học Công giáo tham dự hội nghị chuyên đề ngày 17-19 tháng 2 ở Rôma: “Nếu không có những người bạn thực sự và không có lời cầu nguyện, độc thân có thể trở thành một gánh nặng không thể chịu đựng nổi và phản chứng cho vẻ đẹp của chức linh mục.”

Hội nghị chuyên đề do Bộ Giám mục Vatican tổ chức với tiêu đề “Hướng tới Thần học Căn bản về Chức Linh mục”, tập trung vào chủ đề “Đức tin và Chức Linh mục ngày nay.”

Trong bài diễn văn của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã rút kinh nghiệm từ hơn 50 năm đảm nhiệm chức vụ linh mục của mình để giúp các linh mục ngày nay “cảm nghiệm được sự bình an và hoa trái mà Chúa Thánh Thần mong muốn trao ban.”

Những lời nhận xét của Ngài không chỉ dành cho những linh mục “vốn dĩ qua cuộc sống và chứng tá của họ, mà tôi đã thấy từ những năm đầu tiên làm linh mục của tôi, suy tư về khuôn mặt của Người Mục Tử Nhân Lành có ý nghĩa như thế nào” mà còn với “những anh em linh mục” mà Ngài đã từng phải đồng hành với họ  “vì họ đã đánh mất ngọn lửa tình yêu đầu tiên của họ, là các linh mục mà “tác vụ của họ đã trở nên cằn cỗi, lặp đi lặp lại vô nghĩa.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, trong thời kỳ “thay đổi mang tính thời đại”, các linh mục phải học cách đối phó với thách thức không phải bằng cách lùi vào quá khứ, tìm kiếm “một cách bảo vệ mình khỏi rủi ro”; cũng không phải bằng một “sự lạc quan cường điệu” mà phớt lờ những khó khăn của sự thay đổi. Ngài nói: “Tôi thích cách hành động phát sinh từ việc chấp nhận thực tế một cách đáng tin cậy, được neo giữ trong truyền thống khôn ngoan và sống động của Giáo hội, cho phép chúng ta “đi vào vực sâu” mà không sợ hãi. 

“Bốn hình thức gần gũi”

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Ngài muốn tập trung vào những gì mang tính “quyết định” đối với cuộc đời của một linh mục ngày nay, “những thái độ nâng đỡ chúng ta với tư cách là các linh mục.” Ngài tập trung vào “bốn trụ cột của đời sống linh mục của chúng ta,” mà Ngài mô tả là “bốn hình thức gần gũi”: gần gũi với Thiên Chúa, với giám mục, với các linh mục đồng sự và với Dân Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng các linh mục được kêu gọi “trước hết” là để gần gũi với Thiên Chúa, điều này giúp linh mục  “thu hút tất cả sức mạnh cần thiết cho chức vụ của mình.” Đức Thánh Cha nói: “Sự gần gũi với Thiên Chúa cho phép linh mục chạm vào những tổn thương trong trái tim chúng ta, mà nếu được ôm ấp, những tổn thương sẽ giảm thiểu đến mức chúng ta có thể có một cuộc gặp gỡ”. Sự gần gũi này phải được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, và bằng cách im lặng chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Đồng thời, nó khiến các linh mục đến gần dân của họ; từ đó đưa linh mục đến gần Thiên Chúa hơn.”

Đức Giáo Hoàng cũng nói về mối tương quan thích hợp giữa một linh mục và giám mục của mình – để linh mục chấp nhận quyền giám mục và giám mục chân thành lắng nghe những mối quan tâm của các linh mục.

Đức Giáo Hoàng nói: “Sự vâng lời cũng có thể là thảo luận, chú ý lắng nghe và trong một số trường hợp cũng có căng thẳng. Điều này nhất thiết đòi hỏi các linh mục phải cầu nguyện cho các giám mục của mình và cảm thấy được tự do bày tỏ ý kiến ​​của mình với sự tôn trọng và chân thành. Điều đó cũng đòi hỏi các giám mục phải thể hiện sự khiêm tốn, khả năng lắng nghe, tự phê bình và để bản thân được giúp đỡ.” Đức Giáo Hoàng mời các linh mục cầu nguyện cho các giám mục của mình, Ngài đảm bảo với các linh mục, “Nếu chúng ta có thể giữ gìn mối liên kết này, chúng ta sẽ tiến tới một cách an toàn trên con đường của chúng ta.”

“Tình huynh đệ khăng khít”

Đức Phanxicô nói về sự cần thiết các linh mục phải có mối tương quan lành mạnh với nhau, rằng họ phải tránh những lời đàm tiếu, đố kỵ và những lời ngụy biện khác và coi nhau như anh em. “Chính trên nền tảng của sự hiệp thông mà mối liên kết thân thiết thứ ba xuất hiện, đó là sự gần gũi của tình huynh đệ.” Tình huynh đệ linh mục này liên quan đến việc “tự ý chọn theo đuổi sự thánh thiện cùng với những người khác, chứ không phải một mình.”  Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng “Nếu có một điều mà một linh mục có thể khoe khoang, thì đó là lòng thương xót của Chúa … Ý thức về tội lỗi, sự yếu đuối và giới hạn của chính mình, từ kinh nghiệm, các linh mục biết rằng nơi nào tội lỗi nhiều thì ân sủng đầy tràn hơn.”

Đức Giáo Hoàng đã suy tư về mối tương quan của các linh mục với mọi người, điều mà Ngài mô tả không phải là một bổn phận, mà là một ân sủng. Đức Giáo Hoàng nói: “Vì lý do này, vị trí thích hợp của mỗi linh mục là ở giữa dân chúng, trong mối quan hệ mật thiết với những người khác.” Điều này có nghĩa là can dự vào “cuộc sống đời thực” của những người khác, hơn là chỉ che chở họ khỏi những khó khăn và khốn khổ mà ai cũng gặp phải.

Đức Giáo Hoàng kêu gọi các linh mục, vốn thuộc quyền Giám Mục Rôma, noi gương phong cách của Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành – “gần gũi, từ bi và dịu dàng”.

ĐTC Phanxicô kêu gọi các giám mục và linh mục hãy tự hỏi: “Tôi đang thực hành những cách thức gần gũi này như thế nào?”

Đức Giáo Hoàng nói rằng: “Một trái tim linh mục cần hiểu biết về sự gần gũi, bởi vì hình thức gần gũi chính yếu của linh mục là gần gũi với Chúa.”

ĐTC Phanxicô kết thúc bài suy tư của mình và nói rằng “những hình thức gần gũi mà Chúa đòi hỏi không phải là một gánh nặng thêm vào: chúng là một ân huệ mà Ngài ban cho chúng ta để giữ cho ơn gọi của chúng ta sống động và có hoa trái […]chúng là những tấm biển chỉ đường để trân trọng và nhen nhóm lại lòng hăng say truyền giáo của các linh mục.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “sự gần gũi này của linh mục là “sự gần gũi theo “phong cách” của chính Thiên Chúa, là Đấng luôn luôn gần gũi với chúng ta, với lòng trắc ẩn và tình yêu thương dịu dàng.”

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

từ international.la-croix.com, 17/02/2022.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts