CÓ THỂ TẠO NÊN MỘT SỰ KHÁC BIỆT

“Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”.

Một triết gia nhận định, “Không một tiến bộ vĩ đại nào đã được thực hiện trong khoa học, chính trị và tôn giáo mà không gây tranh cãi! Cũng không một con người nào có thể thắp sáng thế giới, truyền cảm hứng cho thế giới, ảnh hưởng nhất đến tâm trí loài người trên thế giới; để sau cùng, cứu lấy thế giới… cho bằng “Giêsu”, một con người cũng gây tranh cãi nhất thế giới!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, Tin Mừng ngày lễ Lập Tông Toà Phêrô hôm nay cho biết, “Giêsu”, con người gây tranh cãi nhất thế giới ấy, muốn thăm dò dư luận về Ngài; và quan trọng hơn, “Giêsu” đó, yêu cầu mỗi cá nhân chúng ta xác nhận Ngài, “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, một xác nhận ‘có thể tạo nên một sự khác biệt!’.

Công bằng mà nói, cách chúng ta trả lời câu hỏi “Thầy là ai?” sẽ quyết định cách chúng ta sống chính cuộc đời mình: các giá trị và niềm tin của chúng ta, niềm hy vọng cho cuộc sống mai sau của chúng ta, lòng bác ái và sự phục vụ hiện tại của chúng ta. Tất cả những điều này được gợi hứng bởi một niềm tin chúng ta có về Ngài. “Thầy là ai?”, một câu hỏi nhất thiết liên quan đến một cam kết quan trọng từ phía chúng ta; việc trả lời câu hỏi này đòi hỏi một sự thay đổi trong thái độ và hành vi của mỗi người, một thái độ và hành vi vốn ‘có thể tạo nên một sự khác biệt!’.

Với Phêrô, ông đã trả lời, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống!”. Phêrô hiểu rằng, Đấng Kitô không chỉ là một tiên tri hay một thầy dạy khai sáng các lẽ thật, nhưng là ‘một Ai đó’, ‘một Điều gì đó’ hơn thế nữa! Ngài là Đấng Kitô, tức là Đấng Cứu Thế; không chỉ là Đấng Messia, nhưng còn là Con Thiên Chúa Hằng Sống. Ôi, một Giêsu Kitô ngang hàng với Thiên Chúa trong mọi sự! Câu trả lời này đã đổi thay cuộc đời Phêrô, một câu trả lời thực sự đã cởi mở trái tim Phêrô để có thể đón nhận ân sủng của Thánh Thần. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng niềm tin của Phêrô; mỗi khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, chúng ta cùng đáp lại lời Phêrô: ‘Chúng con tin Ngài là Con Thiên Chúa; ngoài Ngài ra, không có ơn cứu độ nào khác!’.

Lời tuyên xưng của Phêrô lúc đó, có lẽ ông chưa hiểu rõ, nhưng dần dà, nhờ Chúa Thánh Thần, Phêrô hiểu, đây không phải là câu trả lời đơn giản của trí tuệ cho một câu hỏi, nhưng là nhận lấy một vị trí, một lập trường dứt khoát trước Thiên Chúa và trước thế giới. Phêrô chấp nhận lẽ thật về Đấng Kitô; đổi lại, Chúa Kitô cũng đã trao Hội Thánh cho Phêrô coi sóc. Qua thư của mình hôm nay, Phêrô căn dặn các Kỳ Lão, những mục tử đã được cắt đặt, hãy hy sinh cho đoàn chiên, “Không phải như người chuyên chế lộng hành, nhưng phải nên gương sáng cho đoàn chiên”. Nhờ đó, đoàn chiên Chúa được chăm sóc, mỗi con chiên cảm nghiệm, Chúa đang chăm sóc mình, “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca.

Phêrô sẽ là “đá”, nền tảng của Hội Thánh mà Chúa Kitô là Đá Tảng Góc Tường. Chính Ngài đã ban cho Phêrô sự bảo đảm rằng, Hội Thánh sẽ trường tồn mãi. Khi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Ngài, Chúa Kitô cũng giao cho chúng ta một nhiệm vụ; được làm “tông đồ”, và được cử làm “sứ giả của Đấng Kitô” cho thế giới và dĩ nhiên, ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’. Lập trường của chúng ta trước sự thật này kéo theo một cam kết, cũng là một hậu quả: Chúng ta phải kiên định với đức tin của mình mỗi ngày bằng cả cuộc sống. Phải, bằng cả cuộc sống!

Anh Chị em,

“Giêsu”, một con người gây tranh cãi nhất thế giới! Và còn hơn thế nữa, “Giêsu” ấy đã làm cho thế giới, toàn thể vũ trụ và nhân loại trong đó, trở về trật tự ban đầu trong công trình tạo dựng. Vì thế, chính nhờ mối tương quan cá vị của mỗi người với Chúa Giêsu, nhờ ân sủng Thánh Thần của Ngài, chúng ta sẽ thay đổi cách sống, lối nghĩ, và phương thức hành động. Hãy để niềm tin của mình trở thành một lối sống vốn có thể làm chứng cho Ngài trước thế giới. Như vậy, trong mọi đấng bậc, mỗi chúng ta sẽ ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’ khi quyết nên giống Đấng kêu gọi mình. Lời gọi ấy có thể là thập giá, bắt bớ… những gì Phêrô đã trải qua; nhưng biết rằng, phần thưởng mai ngày dành cho chúng ta, như đã dành cho Phêrô, thật trọng hậu!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin trở nên trung tâm của đời con, trở nên mục tiêu dấn thân của con trong Giáo Hội và trong xã hội; ở đó, con cũng ‘có thể tạo nên một sự khác biệt’. Tại sao không?”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts