Tại Đức cách nay 500 năm ( 2022 – 1521 ) đã xảy ra cuộc ly giáo của Tin Lành hay còn gọi là…Thệ Phản ( Protestant ) cùng với lời nguyền của Martin Luther ( 1483 – 1586 ), người sáng lập: “ Việc đã quyết định xong. Đời đời tôi sẽ không bao giờ làm hòa với La Mã” ( Xem Lm Bùi Đức Sinh O.P – Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo ).
Thế nhưng lời nguyền có vẻ…quyết liệt ấy nay đã được gỡ bỏ trong một Tuyên Ngôn Chung giữa giáo phái Tin Lành và Giáo Hội Công Giáo:“ Ngày nay, chúng ta phải công nhận rằng có khả năng nhìn mọi sự một cách đứng đắn và thanh thản hơn (…): Trong các cuộc đối thoại đại kết theo sau CĐ Vatican II càng ngày càng trở nên rõ ràng rằng những lời trách cứ này không còn được duy trì bởi phái Tin Lành Luther nữa”. Bản văn nêu rõ, trước khi nhắc lại những lời đề nghị chính yếu của các thập niên vừa qua: Kết quả này là Martin Luther ngày xưa bị buộc tội là lạc giáo có lẽ được hiểu đúng hơn như một “ Chứng Nhân Của Chúa Giê Su Ki Tô” như đã được trình bày trong Tuyên Ngôn của ủy ban hỗn hợp Tin Lành Luther và Công giáo Rô Ma – 1983 ( Nguồn GP Kon Tum – 26/5/2021 Các thần học gia Đức muốn bỏ vạ tuyệt thông của Martin Luther ).
Xưa Luther bị kết tội…lạc giáo.( Phải nói…Bội Giáo ( Apostasy ) mới đúng ) bởi Luther vốn là linh mục dòng Augustin hơn nữa còn là giáo sư Kinh Thánh, nay lại được nhìn nhận là “ Chứng Nhân Của Chúa Giê Su Ki Tô”. Điều ấy chẳng phải dưới đánh giá của CĐ Vatican II, Luther chưa bao giờ là kẻ… Bội Giáo ?
Thật vậy với chủ trương Đại Kết của CĐ Vatican II thì không ai hoặc nhóm nào có thể bị kết tội…bội giáo. Một ví dụ cụ thể là Con Đường Công Nghị Đức( Synodaler Weg ), họ đã công khai quyết nghị những vấn đề hoàn toàn chống trái với kỷ luật và tín lý Công giáo vậy mà Giáo Hội vẫn cứ…làm ngơ !
Theo đức hồng y Gerhard Muller, nguyên bộ trưởng Bộ Giáo Lý & Đức Tin thì trong phiên họp toàn thể về“ Tiến Trình Công Nghị Đức” cách đây một tuần ( Ngày 06/2/2022 ). Những người tham gia đã bỏ phiếu tại cuộc họp đó cho một loạt những quan điểm bất đồng với tín lý và kỷ luật Công Giáo gồm những lời chúc phúc cho các kết hợp đồng giới. Những thay đổi đối với giáo lý về đồng tính luyến ái. Phong chức Linh Mục cho phụ nữ. Bãi bỏ luật độc thân Linh Mục trong giáo hội La Tinh và cho giáo dân tham gia vào việc bầu các tân giám mục” ( Nguồn Vietcatholic News 12/2/2022 – Đặng Tự Do – Đối với những người CG trung thành – Đây là thời gian đau khổ và bị khủng bố tâm lý ).
Với những biểu quyết mang tính nghiêm trọng như thế, xét ra cái gọi là “ Tiến Trình Công Nghị Đức” còn nguy hại hơn rất nhiều việc ly giáo của Tin Lành trước đây. Lý do bởi vì nó sẽ đánh đổ toàn diện Mạc Khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha.
Mạc khải của Đức Ki Tô là về Đấng Cha chưa ai từng thấy biết bao giờ ( Ga 1, 18 ). Và để có thể…đến với Đấng Cha ấy thì nhất thiết cần có các Bí Tích do Đức Ki Tô thiết lập. Đang khi đó mục tiêu của “ Tiến Trình Công Nghị Đức” là nhằm triệt hạ chức Tư Tế Linh Mục.
Đức hồng y Muller nhấn mạnh rằng đây cũng là những người muốn “ tiêu diệt” chức Tư Tế Bí Tích, trước hết bằng cách chống lại luật độc thân Linh Mục và sau đó phủ nhận tính cách siêu nhiên của Bí Tích này. Họ muốn …tương đối hóa chức Tư tế Bí Tích để giản lược chức Tư Tế thành “ Nhân Viên Xã Hội” khiến căn tính Linh Mục bị trống rỗng và dễ bị phá vỡ. Vào ngày 4 tháng 2,“ Tiến trình Công nghị Đức” cũng ủng hộ lời kêu gọi nới lỏng luật độc thân Linh Mục trong GH La Tinh, thúc giục đưa ra chủ đề này trong một Công Đồng Đại kết trong tương lai” ( Nguồn Vietcatholic News 12/2/2022 đã dẫn ).
Căn tính Linh Mục sẽ trở nên… trống rỗng nếu nó không mang nơi mình sứ mạng cao cả của một Ki Tô Khác ( Alter Christus ). Sứ mạng ấy như đã biết đó là làm cho con người nhận biết Thiên Chúa là Đấng Cha của mình. Đức Ki Tô đã trao cho Giáo Hội tức các Linh Mục sứ mạng cao cả ấy đồng thời ban cho họ năng quyền tuyệt đối. Chúa nói với Si Mon Phê Rô vị giáo hoàng tương lai: “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi. Sự gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Sự gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 16, 19 ).
Năng quyền Chúa trao cho Giáo Hội đã được xử dụng trong suốt những thế kỷ qua cho đến tận CĐ Vatican II mới không được thực thi cùng với chủ trương Đại Kết. Với Đại Kết thì việc ra vạ tuyệt thông cho các lạc giáo chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Sở dĩ Giáo Hội hiện nay không kết án lạc giáo là do nơi quan điểm “ Cùng Nhau Đi Trên Cùng Một Con Đường Công Nghị Tính” ( Synodalita ) “ Mở rộng giá trị của CĐ Nicea cho công cuộc Đại Kết. Đức hồng y Kurt Koch, CT/HĐ Hiệp Nhất Ki Tô giáo nhấn mạnh CĐ Nicea cũng có liên quan lớn về mặt Đại Kết theo một quan điểm khác. Nó cung cấp tài liệu về cách thức Giáo Hội giải quyết các vấn đề gây tranh cãi và được thảo luận mang tính Công Nghị trong một Công Đồng. Trong tiếng Hy Lạp “ Công Nghị Tính” có nghĩa là cùng nhau đi trên cùng một con đường. Theo nghĩa Ky Tô giáo từ này biểu thị cuộc hành trình chung của những người tin vào Chúa Giê Su Ki Tô Đấng đã tự mạc khải mình là“ Con Đường”và chính xác hơn là“ Đường, sự thật và sự sống ( Ga 14, 6 ) ( Nguồn: GP Phú cường 08/2/2021 – Cùng nhau bước đi trên cùng một con đường Công Nghị Tính theo quan điểm Đại Kết ).
Điều sai lầm nghiêm trọng của “ Con Đường Công Nghị Tính” chính là ở chỗ cho rằng Đức Ki Tô đã…tự mạc khải mình là con đường và con đường này tất nhiên chỉ có thể là…đường cụt vì nó không dẫn đưa con người tới đâu cả. Đang khi đó Đức Ki Tô khẳng định mình là con đường dẫn tới Đấng Cha “Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Nói Đức Ki Tô…tự mạc khải mình là con đường. Điều đó chẳng những hàm hồ mà còn ngang nhiên phủ nhận mạc khải của Ngài về Đấng Cha khiến gây nên cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu về Thiên Chúa trong Giáo Hội: “ Người ta muốn có một thứ tôn giáo nào đó huyền bí hay gì gì đó nhưng lại không chấp nhận một Thiên Chúa có thể nói với tôi, biết tôi và đã dạy tôi một số điều cũng như có thể đòi hỏi tôi, uốn sửa con người tôi. Nghĩa là người ta muốn giữ cảm thức tôn giáo nhưng lại không muốn đặt mình vào một Thượng Đế nào đó. Xem thế ngày nay chúng ta đang gặp khủng hoảng về Thiên Chúa chứ không phải khủng hoảng về tôn giáo, bởi vì tôn giáo vẫn còn đang mọc lên như nấm”( Nguồn: Simonhoa – ĐTC Benedicto XVI – Chúa thì được, Giáo Hội thì không ).
Con người vẫn muốn giữ cảm thức về tôn giáo bởi tôn giáo không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Mặc dù như thế nhưng người ta lại không muốn đặt mình vào một Thượng Đế hoặc Thiên Chúa nào đó bởi đơn thuần đó chỉ là một thứ khái niệm…chết khô chứ không phải Thực Tại Hằng Sống. Chỉ có Thực Tại hằng sống mới có thể nói với tôi, biết tôi và đã dạy tôi một số điều… Thế nhưng đáng tiếc thay, thần học từ bao thế kỷ nay đã không tìm kiếm một Đấng Thiên Chúa Chân Thật để rồi quay sang tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa thuần chỉ là khái niệm.
I/- Công cuộc tìm chứng lý của thần học
Về danh xưng Ki Tô giáo ( Christianisme ) cho đến nay vẫn chưa được xác định có phải là một tôn giáo hiểu theo nghĩa là có cơ cấu tổ chức như một Giáo Hội hay không ? Câu trả lời là không, bởi có ai thấy bộ mặt của Giáo Hội Ki Tô giáo ấy nó như thế nào !
Chính vì Ky Tô giáo không phải là…tôn giáo vì thế không thể nào có mối liên hệ giữa Do Thái giáo và Ki Tô giáo ( Judeo – Christianisme ). Tuy nhiên không ai lại có thể phủ nhận được mối liên hệ khăng khít giữa Đạo Cũ ( Cựu Ước ) còn gọi là Đạo Mai Sen và Đạo Mới ( Tân Ước ) tức Đạo Công Giáo Tông Truyền ngày nay.
Để có thể nhận ra mối liên hệ giữa Đạo Cũ Mai Sen và Đạo Mới Công Giáo, chúng ta không thể không biết đến vai trò trung gian của Đức Giê Su Ki Tô:“ Vì chỉ có một Thiên Chúa và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người là Đức Giê Su Ki Tô cũng là người. Đấng ấy đã phó chính mình làm giá cứu chuộc mọi người là điều có chứng cớ tỏ ra đúng kỳ” ( 1Tm 2, 5 -6 ).
Chính là nhờ có sự trung gian tức mạc khải của Đức Ki Tô, chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa thực là Đấng Cha của mình. Trái lại, thần học vì đã chối bỏ mạc khải thế nên cái mà họ nhận được chỉ là một thứ khái niệm về Thiên Chúa chứ không phải là Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Tự Hữu ( Ego sum qui sum – Xh 3, 14 ) như Ngài là.
Vấn đề cốt thiết xưa nay của thần học vẫn là tìm cho biết cái chi là căn nguyên của vũ trụ, vạn vật và căn nguyên ấy được cho là Đấng Tạo Hóa hay còn gọi là Nguyên Nhân Tối cao. Do vậy, Kinh Viện Học ( Scholastique ) mới đưa ra câu định nghĩa thế này:“ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những Nguyên Nhân Tối Cao để giải nghĩa chúng” ( la philosophie est la science des choses par leurs causes supreme ).
Việc giải nghĩa hay còn gọi là chú giải ( Thánh Kinh ) ở đây trước hết và quan trọng nhất là của Philon thành Alexangdria. Ông là người Do Thái nhưng xuất thân từ giới học giả Hy Lạp. Mục đích việc chú giải này là để xây dựng một nền thần học về Logos Thần Linh tức Đấng Tạo Hóa sao cho người đương thời có thể chấp nhận được…
Nên nhớ vào thời đó, thời các Giáo Phụ, trào lưu chống Ki Tô giáo nổi lên cách mạnh mẽ đặc biệt là Celse, một triết gia ngoại giáo ( Tk thứ II ) tố giác Ki Tô giáo là kẻ thù của lý trí.
Mặc dầu sự chống đối là điều tất nhiên không sao tránh khỏi. Thế nhưng chính cái việc muốn…giải tỏa sự chống đối ấy bằng cách đưa ra những chứng lý về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa mà đã gây nên những cơn khủng hoảng triền miên cho Giáo Hội Chúa Ki Tô sau này.
Một trong những chứng lý quan trọng nhất là của St Anselme nằm gọn trong câu:“ Không thể quan niệm cái gì lớn hơn nó được ( Quo majus nihil cogitari protest ). Theo đó phải hiểu rằng Thiên Chúa là một Ý Niệm vĩ đại vô cùng, trí khôn ta không thể quan niệm một ý niệm nào vĩ đại hơn nữa. Một Ý Niệm như thế không thể có trong trí óc ta mà phải có thực trong thực tại” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q.II ).
Dù trí khôn không thể quan niệm một cái gì lớn hơn nó được thì chung quy đó vẫn chỉ là một ý niệm thôi. Với một Thiên Chúa của ý niệm như thế thì cần gì phải tìm kiếm mà không tìm thì sao có thể gặp ?
Chứng lý thứ hai là “ Hữu Thể Luận” của St Thomas cũng quan trọng không kém:“ Trong vạn vật ta thấy muôn vàn sự vật khác nhau. Cái này tốt hơn, đẹp hơn , đáng giá hơn v.v…những cái khác. Chính vì vậy cần phải có một cái gì tuyệt đối thiện, tuyệt đối đẹp và giá trị…vượt trên tất cả và do đó Hữu Thể một cách tuyệt đối. Vì vậy, phải có một Hữu Thể làm nguyên nhân cho hữu thể sự thiện hảo và mọi hoàn hảo khác cho tất cả mọi sự vật. Hữu Thể đó chúng ta gọi là Thiên Chúa” ( L.T.Nghiêm – LSTHTP Q. II ).
Tất cả những cái gọi là…tốt hơn, đẹp hơn, thực hơn v.v…thực ra chỉ là do tôi cho nó ( chấp ) là như thế chứ đâu phải là thực tại…nó là. Cho là cần có một cái nguyên nhân cho những cái…tôi tưởng ấy dù có gọi là Thiên Chúa đi nữa thì theo triết Kant nó vẫn chỉ là cái Tôi Tưởng ( Le je pense ).
Thiên Chúa là Thực Tại cần hết lòng tìm kiếm mới gặp chứ không thể dựa vào chứng lý thần học. Chỉ dựa vào chứng lý thì cái có được chỉ có thể là một quan niệm nào đó mà thôi. Quả thật Thiên Chúa là một Thực Tại cần hết lòng tìm mới gặp. Tuy nhiên việc tìm gặp ấy không thể cậy dựa vào lý trí. Đức Mạnh Tử nói: “ Dùng luận lý để hòng đạt tới siêu việt thì cũng chẳng khác gì việc trèo cây tìm cá” ( Duyên mộc cầu ngư ).
Quả Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt như chúng ta thường nghĩ. Tuy nhiên tính chất siêu việt ấy lại không hiện hữu bên ngoài con người trong một không gian vật lý nào đó nhưng lại…ở sâu trong tâm khảm mỗi người. Thánh Augustin nói: “ Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung tâm hồn tôi” ( Deus intimior intimo meo ). Bởi vì Thiên Chúa là Đấng… thẳm sâu như thế nên chúng ta không thể tự mình tìm mà phải cậy nhờ đến mạc khải của Đức Ki Tô.
II/- Mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha
Chúng ta nên hiểu câu nói của Thánh Augustin:“ Thiên Chúa còn sâu thẳm hơn chính thẳm cung tâm hồn” như thế nào, đó chẳng phải là Bản Tâm Chân Thật ( Chân Tâm ) ở nơi mỗi người hay sao ?
Người đời ai cũng nghĩ là mình sống và tồn tại với thân thể nhưng thật ra là sống với, sống bằng tư tưởng. Nói rõ hơn, thân xác chỉ là vật trung gian cho tư tưởng phát huy. Để cho dễ hiểu, có thể ví thân xác giống như chiếc xe hơi, còn tư tưởng là người tài xế. Chiếc xe chạy bon bon trên đường, hoặc quẹo phải, sang trái là do người tài xế bên trong điều khiển chứ không phải tự chiếc xe nó chạy hay quẹo phải, sang trái…
Có người…dân tộc ở vùng sâu vùng xa, chưa bao giờ trông thấy chiếc xe hơi, khi về thành phố, thấy những chiếc xe hơi chạy trên đường thì cứ tưởng tự những chiếc xe nó chạy mà không biết rằng có người tài xế ngồi kín mít bên trong điều khiển. Qua ví dụ này cho thấy người dân tộc ấy quá là ngây ngô nhưng thật ra cái việc chấp cho xác thân là mình thì cũng không khác gì, đó cũng là nỗi vô minh sâu dày của nhân loại chẳng những với người đời mà ngay đến cả F. Nietzhe ( 1844 – 1900 ) ông tổ của triết Hiện Sinh Vô Thần cũng vậy. Ô ta đã bác bỏ sự tin tưởng của người Công Giáo vào Nước Thiên Đàng đời sau một cách đầy khinh miệt:“ Đau khổ và bất lực, đó là căn nguyên đã sinh ra những “ Đời Sau”. Đó là hạnh phúc của những con người đau khổ, sự mệt nhọc muốn nhảy một cái đến tận cùng. Chính cái sự mệt nhọc này đã tạo nên các thần linh và các Thiên Đàng đời sau…Chính những kẻ bệnh tật và những kẻ ốm yếu đã khinh chê thân xác và trái đất này. Họ đã tạo ra những sự trên trời” ( T.T. Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).
Bao lâu còn chấp cho thân xác là mình thì không thể sống đời sống tâm linh. Tại sao ? Bởi vì để sống đời sống ấy thì cần có đức tin vào Đấng Thiên Chúa Hằng Hữu Chân Thật: “ Vả không có đức tin thì chẳng ai có thể đẹp lòng Ngài. Vì kẻ đến cùng Thiên Chúa thì cần phải tin rằng Ngài thực hữu và là Đấng ban thưởng cho những kẻ hết lòng tìm kiếm Ngài” ( Dt 11, 6 ).
Thiên Chúa là Đấng Thực Hữu và sự thực hữu ấy chẳng có ở đâu khác ngoài bản tâm mỗi người. Mặc dầu Thiên Chúa là Đấng Thực Hữu ở nơi mỗi người nhưng không một ai nhận biết ngoại trừ Đức Ki Tô. Trước giờ tử nạn, Chúa Giê Su đã khẩn cầu với Chúa Cha: “ Cha Công Chính ơi ! Thế gian chẳng từng biết Cha. Song Con đã biết Cha và những kẻ này ( Các Tông đồ ) cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho họ biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho họ biết Danh Cha, lại còn tỏ cho họ biết nữa, hầu cho sự thương yêu của Cha đem lòng thương yêu Con được ở trong họ và Con cũng ở trong họ nữa” ( ga 17, 25 -26 ).
Đức Ki Tô được sai xuống thế gian mang theo sứ mạng cao cả để mạc khải Đấng Cha cho con người. Thế nhưng cũng vì sứ mạng đó mà Ngài đã bị thế gian ghét bỏ và rồi cuối cùng đã bị giết chết: “ Người Do Thái lại lấy đá để ném Ngài. Chúa Giê Su phán: Ta do Cha Ta mà tỏ nhiều việc lành cho các ngươi. Vậy vì việc nào trong đó mà các ngươi ném đá Ta ? Người Do Thái đáp: Ấy chẳng phải vì việc lành nào mà chúng ta ném đá ngươi đâu mà vì lộng ngôn và vì ngươi là người lại dám tự tôn là Thiên Chúa. Chúa Giê Su đáp lại: Trong luật pháp các ngươi há chẳng chép rằng: Ta đã nói các ngươi là Thần ( Mà KT không thể bác bỏ ) thì Ta đây là Đấng đã được biệt ra Thánh và sai xuống thế gian nói rằng Ta là Con Thiên Chúa cớ sao các ngươi lại cho Ta là nói lộng ngôn ? ( Ga 11, 31 -36 ).
Chúa Giê Su đã làm nhiều phép lạ cả thể: Cho người mù được sáng, kẻ què đi được, người chết sống lại v.v…Ấy vậy chỉ vì Ngài xưng mình là Con Thiên Chúa được sai xuống thế gian mà cũng bị cho là …nói lộng ngôn ! Điều ấy chứng tỏ sự mê chấp của con người thật nặng nề khi cứ cho mình chỉ là cái xác thân ô trọc này.
Đức Ki Tô mạc khải về Cha và ý thức đến sự nguy hiểm do sứ mạng ấy đem lại, bởi đó Ngài luôn nhắc nhở về cái chết sẽ xảy đến cho mình nhưng các Tông Đồ dường như…chưa hiểu ! Sau khi nghe lời tuyên xưng của Phê Rô và trao chìa khóa Nước Trời cho ông. Chúa Giê Su đã “ Khởi tỏ cho các môn đệ biết Ngài cần phải đi lên Giê rusalem, chịu khổ nhiều nỗi bởi các trưởng lão, các thầy tế lễ cả cùng các văn sĩ và bị giết rồi đến ngày thứ ba sẽ sống lại. Phê Rô đem Ngài ra mà trách rằng: Chúa ơi ! Thiên Chúa nào có nỡ vậy. Sự đó hẳn chẳng xảy đến cho Chúa đâu ! Nhưng Ngài quay lại mà phán cùng Phê Rô: Ớ Sa Tan, hãy lui ra đằng sau Ta. Ngươi làm cớ vấp phạm cho Ta. Vì tâm ý ngươi chẳng chăm về việc Thiên Chúa. Song chăm về việc loài người” ( Mt 16, 21 -24 ).
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha và để có thể…đến được với Đấng Cha ấy thì ngoài lòng tin, các môn đệ cần phá được hai cái chấp. Một là chấp cho xác thân là mình. Hai là chấp tâm tưởng, nghĩ suy là mình. Chúa quở trách Phê Rô cách nặng nề lý do là bởi Tông Đồ này chỉ…chăm về việc loài người tức còn nặng nề trong hai cái chấp đó. Để phá hai cái chấp cho đến tận căn, Chúa truyền dạy phải Bỏ Mình đi: “ Ai muốn theo Ta thì phải vác thập tự giá mình hàng ngày mà theo” ( Lc 9, 23 ).
Theo Chúa tức là bước đi trên con đường siêu xuất thế gian nhưng xuất thế không có nghĩa là phải từ bỏ cõi trần này để đi đến một thế giới nào khác nhưng là để trở về với Đấng Cha…nội tại nơi mình. Tuy nhiên nỗi thao thức của các môn đệ Chúa là muốn Ngài …chỉ Đấng Cha cho. Phi Lip nói: Thưa Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi. Chúa phán: Philip ơi ! Ta ở cùng các ngươi lâu dường này mà các ngươi há chưa biết Ta sao ? Ai đã thấy Ta tức là thấy Cha. Sao ngươi lại nói xin chỉ Cha cho chúng tôi ? Ngươi há không tin rằng Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha sao ? Lời Ta nói với các ngươi chẳng phải tự Ta nói, bèn là Cha ở trong Ta làm việc của Ngài” ( Ga 14, 8 -10 ).
Đức Giê Su Ki Tô không còn ở thế gian, Ngài đã về ngự bên hữu Chúa Cha trên Nước Hằng Sống. Nhưng Ngài có lời hứa: “ Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” ( Mt 28, 20 ). Sự…ở cùng của Chúa vẫn hiệu nghiệm khi chúng ta tin và lãnh nhận các Bí Tích, tin nơi các Linh Mục là hiện thân của Đức Ki Tô vẫn hằng hiện diện ở nơi ta: “ Về phần anh em, anh em không tin rằng Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng cư ngụ trong anh em sao ? ( 2C 13, 5 )./.
Phùng Văn Hóa