“Cả hai, chúng sẽ nên một thân xác”.
Trong một tác phẩm của mình, A.W. Tozer, viết, “Thập giá cũ giết chết con người, thập giá mới cứu sống nó; thập giá cũ kết án con người, thập giá mới làm vui nó; thập giá xưa huỷ diệt niềm tin vào thân xác, thập giá mới khích lệ nó, tiết lộ ‘một kế hoạch cho thân xác’ từ Thiên Chúa!”.
Kính thưa Anh Chị em,
Tư tưởng của A.W. Tozer, một lần nữa, toát lên trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Thánh Vịnh đáp ca, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”; lời thánh Giacôbê, “Chúa đầy lòng thương xót và lân mẫn” cho thấy tình yêu ngàn đời của Ngài đối với con người! Thiên Chúa tạo dựng loài người có nam, có nữ; và Ngài có ‘một kế hoạch cho thân xác’ của nó, “Chúng sẽ nên một thân xác”.
Các biệt phái trong Tin Mừng hôm nay đến đặt vấn đề với Chúa Giêsu, ‘Rẫy vợ hay không rẫy vợ?’. Câu hỏi này không đúng! Câu hỏi đúng là, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu như thế nào?”. Sự khác biệt nằm ở trạng thái của trái tim! Người cởi mở và yêu mến Thiên Chúa sẽ tìm biết ý muốn của Ngài; người khép kín, thường là nô lệ của tội lỗi, thiếu tự do để tìm kiếm hoặc tìm biết sự thật. Mục tiêu duy nhất của họ là biện minh cho những gì họ muốn. ‘Rẫy vợ’ có thể được biện minh, đó là bởi Môisen. Tại sao? Bởi vì trái tim họ chai cứng, họ không sẵn sàng để sống trọn vẹn tình yêu thực sự mà Thiên Chúa nhắm đến; điều Thiên Chúa nhắm đến trong hôn nhân là hai người nam nữ “sẽ nên một thân xác”. Bởi lẽ, Thiên Chúa đã có ‘một kế hoạch cho thân xác’ của họ! Chúa Giêsu nói lên sự thật này và ban ân điển để chúng ta sống điều đó. Ngài thách thức chúng ta vượt quá những điều tối thiểu, vượt quá biên giới của điều “Ngươi không được” để tiến xa hơn, đó là khao khát những gì Thiên Chúa muốn.
“Thân xác”, “Xác thịt” mà Thiên Chúa tạo ra là thánh, đó là một quà tặng; đúng hơn, một đền thờ của Thiên Chúa vốn được định cho sự sống vĩnh cửu. Chính Chúa Giêsu cũng đã trở nên “xác thịt” và sau đó, hiến tặng chúng ta xác thịt Ngài, bởi chúng ta đã đánh mất sự hiểu biết giá trị đích thực của nó, cũng như sự thánh thiêng của nó. Có thể chỉ trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta mới có thể tìm lại được chân lý của xác thịt cũng như ý nghĩa ơn gọi yêu thương của mình, đó là hiến thân. Chúa Kitô bị đóng đinh phá tan khuynh hướng tự mãn nơi chúng ta; thay vào đó, “một xác thịt”, một thân xác, được hiến trao vì sự sống người khác. Từ đó, sự nên một và bất khả phân ly của hôn nhân công bố chìa khoá của tình yêu, “Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”, một cuộc sống, một sở thích, một ơn gọi. Như Chúa Giêsu không còn có thể nói về “sự sống riêng của Ngài” sau khi ban Bí tích Thánh Thể; cũng thế, một đôi vợ chồng không còn có thể nói về “bản thân tôi”, mà chỉ có thể nói về quà tặng “những gì Thiên Chúa đã kết hợp hai chúng tôi”. Đó là ‘một kế hoạch cho thân xác’ mà Thiên Chúa nhắm đến!
Anh Chị em,
Một khi đã đến trước bàn thờ Chúa, thì “Cả hai, chúng sẽ nên một thân xác”; và Thiên Chúa chúc phúc cho sự kết hợp này, nhờ đó, hai người được nên thánh. Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải tự hỏi, “Thiên Chúa muốn chúng ta yêu như thế nào?”. Nhìn vào thập giá của Chúa Kitô, nơi mang thân xác tả tơi và khô đét của Ngài, chúng ta sẽ nghe được tiếng thì thầm, “Yêu nhau như Thầy đã yêu”, và “Ngài đã yêu đến cùng”. Đúng thế, thập giá và Thánh Thể Chúa Kitô “khích lệ và tiết lộ ‘một kế hoạch cho thân xác’ từ Thiên Chúa!”. Quả vậy, trung thành với ơn gọi của mình, dẫu sống đời hôn nhân hay đời thánh hiến, ai cũng phải trải qua một cuộc chiến triền miên. Tự sức con người, chúng ta không thể làm được; thế nhưng, đừng quên, “Chúa là đấng từ bi nhân hậu”. Hiểu thấu sự khốn cùng và yếu đuối của chúng ta, Ngài đã chuẩn bị thần dược cho chúng ta là Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta hãy thường xuyên đến với Ngài mà kín múc nguồn sức thiêng hầu có thể yêu đến cùng như Ngài đã yêu; và nhờ đó, hoàn tất ‘một kế hoạch cho thân xác’ của mình mà Thiên Chúa hằng mong mỏi.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, trong Thánh Thể, Chúa cho con hiểu được ‘một kế hoạch cho thân xác’; xin thanh tẩy lòng kính trọng của con trước sự thánh thiêng của “Thân Xác” Chúa, thân xác con và của người khác”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)