Sơ Catherine Wybourne qua đời vào ngày 24/02/2022, hưởng thọ 68 tuổi. Tin tức về cái chết của sơ Catherine tràn ngập trên các mạng xã hội trong những ngày này. Sơ được biết đến và yêu mến nhiều do hoạt động loan báo Tin Mừng trên các mạng xã hội từ đan viện.
Sơ Catherine sinh năm 1954, ở Catham, Anh. Sơ đã từng theo học và tốt nghiệp tại đại học Cambridge, rồi tiến thân trong vai trò là giám đốc ngân hàng.
Năm 1981, ở tuổi 27 Catherine đã quyết định rời bỏ thế giới tài chính để bước vào đời sống tu trì trong Đan viện Stanbrook.
Khi được giao nhiệm vụ điều hành xưởng in, nữ đan sĩ Biển Đức nhanh chóng quan tâm đến công nghệ. Năm 2004, sơ Catherine thành lập Đan viện Chúa Ba Ngôi, nay là Đan viện Howton Grove, ở Herefordshire. Lúc này, sơ cảm thấy được thôi thúc muốn có một sự hiện diện trực tuyến của đời sống đan tu với thế giới bên ngoài, vì vậy sơ cùng với các nữ đan sĩ khác tạo một trang web, trong đó có podcast, video, diễn đàn và các cuộc trò chuyện trực tuyến. Sơ trở thành một bình luận viên nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông của Anh, viết nhiều vấn đề về đức tin, và cộng tác cho một chuyên mục hàng tuần của đại học.
Năm 2009, sơ Catherine đã có mặt trên Twitter và được biết đến với cái tên “Digital-nun”. Với hơn 28.000 người theo dõi, sơ thường viết trên Twitter về cuộc sống của một nữ đan sĩ và những diễn biến của thế giới. Nội dung của những dòng Twitter hàng ngày của sơ là những ý chỉ xin cầu nguyện của những người theo dõi Twitter của sơ, và lời cầu nguyện của sơ cho thế giới. Văn phong của sơ là những tư tưởng sâu sắc nhưng không thiếu phần hài hước về các sự kiện của thế giới rộng lớn bên ngoài và thế giới nhỏ bé nội cấm bên trong bốn bức tường của đan viện Biển Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2015 với báo The Telegraph của Anh, sơ nói: “Sống trong đan viện không có nghĩa là bạn phải có một tâm hồn khép kín, hoặc nội cấm có nghĩa là đóng kín trước mọi thứ. Chúng tôi mô tả Internet như thể bức tường thứ tư của đan viện và chúng tôi mở cửa cho mọi người”.
Với hoạt động loan báo Tin Mừng như vậy, sơ Catherine đã giúp đưa nhiều người trở lại với Chúa, mang niềm ủi an cho những tâm hồn gặp khó khăn buồn phiền.
Sơ làm việc cần mẫn như thế cho đến khi bị bệnh nặng. Mặc dù phải chịu đau đớn, nhưng sơ vẫn đón nhận điều này với niềm vui và lạc quan, và trong những giờ sau cùng sơ vẫn tiếp tục viết Twitter. Một trong những dòng này là bày tỏ sự đau buồn trước cuộc xâm lược Ucraina của Nga.
Tháng 12/2021, sơ Catherine nhận được tin từ bác sĩ thông báo rằng họ không thể làm gì hơn cho sức khoẻ của sơ, và như thế cái chết đang đến gần. Lúc này sơ viết: “Công giáo có thể là một tôn giáo khó sống nhưng là một tôn giáo đẹp khi cái chết đến”.
Sơ tiếp tục viết những lời tạ ơn Chúa: “Thiên Chúa, Đấng tôi tin, vĩ đại và tràn đầy niềm vui hơn những gì tôi để cho mình được hưởng. Tôi tạ ơn Chúa vì đã gọi tôi trở thành nữ đan sĩ Biển Đức, đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi tạ ơn Chúa vì tình bạn mà chính Người đã truyền cảm hứng cho tôi và những ân sủng mà Người đã dành cho tôi bất chấp sự bướng bỉnh và thiếu cộng tác của tôi”.
Sơ viết thêm: Tôi cũng tạ ơn Chúa vì những khó khăn tôi đã trải qua trong cuộc đời, nhưng tôi đã không đón nhận với lòng đạo đức. Tôi thú nhận điều này và tôi biết Chúa hiểu tôi. Tôi xin lỗi vì những lần tôi đã làm tổn thương hoặc xúc phạm mọi người. Tôi nghĩ rằng tôi có thể thành thật khẳng định không bao giờ cố ý làm như vậy và mong các bạn sẽ tha thứ cho tôi. Tha thứ và hòa giải đem lại nhiều ích lợi hơn là sự chia rẽ, lên án hay xúc phạm. Những gì thế giới của chúng ta cần bây giờ chắc chắn là ý thức sống động hơn về nhân loại chung của chúng ta và sẵn sàng thay đổi.
Trong những dòng chia sẻ, sơ còn cho biết niềm vui của sơ là thơ ca và âm nhạc. Và mặc dù phải đau đớn thể xác nhưng sơ xác tín mọi hành động, tâm trí có thể chậm lại nhưng sơ vẫn thích tham gia vào các ý tưởng và lập luận. Nữ đan sĩ nói sơ yêu thích đời sống đan tu được lặp lại mỗi ngày, đó là sợi ngang và sợi dọc của cuộc đời, đem lại hương vị và niềm vui trong cuộc sống.
Nói về cuộc đời của sơ Catherine, tiến sĩ Pete Phillips, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CODEC về Thần học Kỹ thuật số nhận xét: “Sơ Catherine là một ngôn sứ của thần học kỹ thuật số. Một đan sĩ giỏi về mạng xã hội. Niềm vui, lòng trắc ẩn và lòng nhiệt thành của sơ đối với kỹ thuật số đem lại cho thế giới này một màu sắc của tình yêu thương”.
Ngọc Yến – Vatican News