Thật sự thì không có sự phân biệt nào giữa triết và thần học bởi như Duns Scots nói: Cả hai cùng có chung một đối tượng là Hữu Thể Tuyệt Đối. Một khi đã có chung một…đối tượng như thế thì dĩ nhiên không thể phân ra hai hướng khác nhau, đây là triết học còn kia là thần học. Điều này có thể ví như để đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, chúng ta có thể sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như xe hơi, máy bay hay tàu thủy nhưng cái hướng thì chỉ có một mà thôi.
Để lý giải tại sao cùng có chung một hướng ( Đối tượng ) lại phân ra triết và thần học như thế, người ta đưa ra lập luận thế này: “ Thần học dựa trên nền tảng mạc khải nhưng nó cũng có một lịch sử lâu dài dùng các mô hình tri thức và phương pháp suy tư phê phán của triết học. Vì thần học muốn kết nối “ mạc khải” với “ Lý Trí” cho nên sứ mệnh của thần học mang tính nước đôi: Vừa tìm hiểu nội dung của đức tin ( mythos ) nhưng lại dùng phương pháp phê phán của lý trí ( Logos ). Do đó có thể hiểu thần học là đức tin tìm kiếm sự hiểu biết ( Fides quaerens in intellectum ). ( Nguồn: ĐCV Thánh Phanxico Xavie – Fr Joseph Nguyễn Đoàn Tân O.F.M – Mối tương quan giữa triết học và thần học ).
Thật ra không có gì gọi là…nước đôi ở đây hết bởi như đã biết triết và thần học cùng có chung một đối tượng là Hữu Thể Tuyệt Đối tức Đấng Thần Linh Tạo Hóa thuần chỉ là khái niệm đã bị chính thần học…khai tử ( Theologie de la mort de Dieu ). Với một thứ khái niệm như thế thì làm gì có cái gọi là tìm hiểu nội dung của đức tin ( Mythos ).Người ta chỉ…sống đức tin chứ có ai lại đi tìm hiểu nội dung của đức tin bao giờ ?
Tôn giáo cần được hiểu như là Con Đường Thực Hiện Tâm Linh và vì thế không thể đồng hóa nó với triết hoặc thần học. một đàng đòi hỏi tri thức một đàng đòi hỏi đức tin. Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu ngay trong những thế kỷ đầu tiên và còn kéo dài mãi cho tới tận ngày nay chung quy cũng chỉ vì giáo hội đã lấy tri thức để hòng thay thế đức tin.
Vì hoàn cảnh lịch sử cũng như địa lý, cuộc gặp gỡ giữa Ki Tô Giáo ( Chritianisme ) và triết học Hy Lạp là điều không sao tránh khỏi nhưng cũng chính từ cuộc…gặp gỡ đó mà đã nảy sinh một vấn đề hết sức gay go, phức tạp đó là làm sao để có thể…dung hòa giữa một bên là Lý Trí một bên là Đức Tin.
Đức tin ở đây là tin vào mật khải Do Thái Giáo về Đấng Tạo Hóa còn Lý Trí tức triết học Hy Lạp. Cuộc dung hòa ấy được khởi xướng bởi Philon d’Alexangdria cũng gọi là Philon le Juif, ông là triết gia Do Thái nhưng lại sinh trưởng ( Phỏng năm 20 TCN ) và chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi triết Hy Lạp.
Theo Philon thì Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ) đề cập tới Đấng Tạo Hóa như là căn nguyên của việc sáng tạo vũ trụ vạn vật và chính cái căn nguyên này cũng phù hợp với học thuyết “ Những Lý Tưởng” của Platon. Theo học thuyết này thì…” Những Lý Tưởng” không phải chỉ là những ý niệm có trong tư tưởng mà là cái gì đó có thực tại tự nội ở bên ngoài và biệt lập với trí khôn con người.
Ảnh hưởng của Platon trong thần học kéo dài mãi sau này với phái Tân Platon nhưng sâu đậm nhất vẫn là Aristote đến nỗi thời đó ( Tk 12 ) người ta nói Aristote là thế giá ở dưới gầm trời còn mật khải Do Thái là thế giá ở trên trời cao !
Mặc dầu thế giá của Aristote quan trọng như thế nhưng quan niệm về Thiên Chúa của ông lại khác với giáo hội đương thời. Thiên Chúa của Aristote không hoạt động trên vũ trụ như một nguyên nhân tạo dựng ( Une cause efficiente ) mà chỉ hoạt động bằng sự lôi cuốn tự nhiên của mình nghĩa là như một nguyên nhân chủ đích ( Cause final ).
Dù là với nguyên nhân nào thì Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa vẫn được quan niệm như là đấng hiện hữu… bên ngoài vũ trụ. Thế nhưng đây lại là quan điểm của giáo hội sử dụng để chống lại các lạc giáo phiếm thần thời đó để rồi Aristote đã được tuyên xưng như là Tiền Hô của Đức Ki Tô trong lãnh vực thiên nhiên cũng như Gioan là tiền hô trong lãnh vực ân sủng ( Preocurso Christi in rabus naturalibus sicut Joannes baptista in rebus gratituitis ).
Aristote ảnh hưởng đến giáo hội đặc biệt là với St Thomas Aquino trong quan niệm Đấng tạo Hóa. Tuy nhiên mỗi khi nói đến Công Cuộc tạo Hóa, St Thomas thường phải nhắc đến một luận điểm tiên quyết nan giải đó là “ Vấn Đề Khởi Điểm” ( Commencement ) của vũ trụ: Vũ trụ này đã có từ thuở đời đời hay mới bắt đầu trong khoảng thời gian nào đó ?
Nếu vũ trụ này đã có từ thuở đời đời thì tất nhiên không thể có nguyên tổ Adam – Eva cũng như tội tổ tông truyền. Điều ấy không thể chấp nhận bởi vì nó hoàn toàn trái với chân lý Thánh Kinh. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vũ trụ này được tạo dựng trong thời gian thì lại không thể được khoa học chấp nhận bởi lẽ đơn giản là vì các khoa địa chất, cổ sinh vật học, thiên văn đã chứng minh trái đất này đã tồn tại từ 6 đến 7 tỷ năm. Đang khi đó năm 1774 trong quyển Lịch Sử Vạn Vật do Buffon chủ trương trái đất đã có khoảng 70.000 ( Bảy mươi ngàn ) năm thế mà đã bị giáo hội thời đó coi là một xúc phạm lớn lao và tác phẩm đã bị cấm đoán. Lại nữa khi Darwin chết, người ta vẫn còn dạy rằng vũ trụ được tạo dựng 4963 năm trước kỷ nguyên và cuốn tự điển Larousse xuất bản năm 1882 ghi rằng đó là niên kỷ duy nhất được chấp nhận trong các trường học ( BS Nguyễn Văn Thọ Lecomte du Nouy và Học Thuyết Viễn Đích ).
Vũ trụ có được tạo lập từ thuở đời đời hay trong thời gian, điều đó thực sự chẳng có quan hệ chi đến chân lý Thánh Kinh về việc tạo dựng con người là Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26 ). Được tác tạo là Hình Ảnh Thiên Chúa nên con người mang nơi mình nhu cầu thâm sâu là tìm kiếm hầu gặp được Đấng đã tạo dựng nên mình. Việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi ở bên ngoài nhưng là tìm về với đấng ở nơi chính mình: “ Cốt để họ tìm kiếm Thiên Chúa hầu mong gặp được Ngài dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” ( Cv 17, 27 ).
Như vậy, mục đích tìm kiếm là để trở về với Thiên Chúa Đấng ở nơi mình chứ không như là những Tri Thức Luận của Platon hay Aristoe về một thứ Căn Nguyên vô bổ nào đó ở bên ngoài con người. Trong cuộc hành trình trở về của Dân Chúa trải dài suốt từ thời Cựu Ước sang Tân Ước luôn đòi hỏi cần có sự từ bỏ:“ Đức Chúa Giehova nói với tổ phụ Apram: Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến Xứ Ta sẽ chỉ cho” ( St 12, 1 ).
Xứ sẽ được chỉ cho trong thời Cựu Ước đó là đất hứa Canaan. Còn trong Tân Ước đó là mạc khải của Đức Ki Tô về Đấng Cha:“ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Biết Cha ở đây không phải là cái biết của tri thức phân biệt nhưng là cái biết của Tình Yêu vô phân biệt. Chính cái biết này sẽ đưa chúng ta đến với Đấng Cha: “ Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 7 ).
Đạo Chúa là Con Đường Tình Yêu và ai nấy đều phải bước đi trên con đường này để được sống: “ Vậy nên phải nhận biết rằng Giehova Thiên Chúa ngươi ấy là Thiên Chúa thành tín, giữ sự giao ước và nhân từ cho những ai yêu mến, vâng giữ các giới răn Ngài và Ngài sẽ báo ứng nhãn tiền cho những kẻ ghét Ngài mà hủy diệt chúng nó đi” ( Đnl 7, 9 -10 ).
Sự khác biệt triệt để giữa triết/thần học và tôn giáo chính là ở nơi Con Đường Tình Yêu này đây. Yêu mến thì được sống, trái lại thì phải chết. Tuy vậy cái lẽ Nhân Quả Báo Ứng này chỉ có thể nhận ra nếu chúng ta cố gắng bước đi trên con đường bỏ mình theo Chúa: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 22 ).
Bỏ mình tất nhiên không phải là bỏ đi cái xác thân vật chất này nhưng là bỏ đi hai cái chấp về thân và tâm. Bỏ đi cái chấp về thân tuy cũng là điều khó nhưng còn khó hơn gấp bội đó là bỏ đi cái chấp về Tâm bởi chưng đây chính là cái Sở Tri Chướng trong triết và thần học.
Ngay từ khi mới tuyên bố thành lập, Đức Ki Tô đã báo trước về những hoạn nạn giáo hội phải gánh chịu nhưng đồng thời Ngài cũng đưa ra lời trấn an: “ Cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thể thắng được nó” ( Mt 16, 17 -19 ). Nguyên nhân khiến giáo hội gặp nhiều hoạn nạn bởi vì đây là con đường xuất thế: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian lại ghét bỏ vì họ không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi sự ác” ( Ga 17, 14 -15 ).
Chúa Giê Su đã cầu xin Cha cho chúng ta tránh khỏi sự ác nhưng sự ác ấy chỉ có thể trừ diệt nếu giáo hội biết hết lòng cậy nhờ vào Người Nữ Maria bởi Ngài là Đấng đạp giập đầu rắn Sa Tan ( St 3, 15 )./.
Phùng Văn Hóa