Vào mỗi thời đại đều có những vị thánh cho mình. Trong thời phôi thai có thánh giáo phụ Augustino, người đầu tiên khai phá con đường nội tâm. Tiếp đến trong thời khởi phát của Duy Lý đe dọa đức tin Công giáo thì xuất hiện hai thánh Đa Minh và Phanxicô Assisi. Sau đó trong các TK 14, 15 khi giáo phái Tin Lành đưa đến phá hủy giáo lý tông truyền thì hai thánh Ignatio de Loyola và Anlphong sô de Liguori Đấng sáng lập Dòng Tên và Dòng Chúa Cứu Thế ra đời.
Các vị thánh vừa nêu trên đều là những đấng sáng lập dòng để quy tụ những con người nam, nữ sống đời tu trì thánh hiến. Thế nhưng có một vị xuất hiện ngay trong thời đại có thể nói là suy đồi nhất gọi là thời Tục Hóa muốn chối bỏ hoàn toàn con đường Thánh Thiêng của giáo hội đó chính là Josemaria Escriva de Balaguer ( 1902 – 1975 ). “ Thánh Gioan Phao Lô II đã gọi ngài là vị thánh của đời thường và sứ điệp của ngài cho rằng tất cả các tín hữu đều có thể đạt được sự thánh thiện và trở nên một vị thánh. Thánh Josemaria đã dạy rằng sự thánh thiện hàng ngày như vậy có thể cho phép vô số người gặp gỡ Chúa ngay tại nơi họ đang ở…
…Lời kêu gọi nên thánh này có thể đạt được. Chúng ta đôi khi chùn bước trước điều này. Chắc chắn chúng ta biết đó là những lời dạy về đức tin của chúng ta nhưng điều đó có vẻ như là mẹ đẻ của tất cả những cú sút xa khó trúng đích. Thậm chí một vài năm trước, tôi có thể sẽ nhăn nhó khi nghĩ về sự thánh thiện cho mọi người. Tôi nghĩ ái chà chắc chắn rồi nếu đó là sự thật thì tại sao thế giới lại chia năm xẻ bảy như thế ? Chiến tranh, tham nhũng, chết chóc v.v…Nếu sự thánh thiện quá dễ dàng, vậy tại sao thế giới lại tồi tệ như vậy ? ( Nguồn: Conggiao.Info 24/5/2022 Lm Phê rô Phạm Văn Trung – chuyển ngữ – Bài học về sự thánh thiện hàng ngày từ thánh Josemaria Escriva ).
Thánh Josemaria, đấng sáng lập phong trào Opus Dei ( Công trình của Thiên Chúa ) đã mở ra một linh đạo hoàn toàn mới trong giáo hội, thúc đẩy mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội tìm kiếm con đường nên thánh và làm việc Tông Đồ bằng cách thánh hóa công việc hàng ngày trong chính bậc sống của mình.
Quan niệm nên thánh trong đời thường ngay trong bậc sống của mình, sở dĩ hoàn toàn mới bởi vì từ trước tới giờ người ta vẫn cho rằng việc nên thánh chỉ để dành cho những bậc tu trì, hãm mình trong các nhà dòng, tu viện phải vượt qua biết bao cam go, trở ngại v.v…
Mặc dầu mới và cũng không dễ được chấp nhận…như những cú sút xa khó… trúng đích nhưng thật ra con đường nên thánh này cũng có cơ sở của nó và cơ sở ấy chính là nhận ra phẩm giá Con Thiên Chúa ở nơi mình ( St 1, 25 ). Trong bài giảng lễ mừng thánh Josemaria Escriva ngày 26/6/2020 tại TTMV Tgp Sài Gòn, đức ông Barnaba Nguyễn Văn Phương chia sẻ: “ Nền tảng của linh đạo Opus Dei là ý thức về vị thế con cái Thiên Chúa. Khi bạn ý thức được mình là Con của Chúa thì mọi suy nghĩ, hành xử và việc làm của bạn đều hướng về Chúa vì Chúa và cho Chúa. Có một giai thoại về thánh Josemaria cho thấy ngài cảm nhận một niềm hạnh phúc làm Con Chúa một cách đơn sơ và mãnh liệt như sau: Một ngày nọ trong lúc đi xe bus, thánh nhân đang chìm đắm trong suy tư và cầu nguyện. Bất chợt ngài cảm nhận một niềm hạnh phúc lớn lao vì được làm Con Thiên Chúa. Thế rồi không thể chờ lâu hơn nữa, khi xe vừa dừng ở trạm kế tiếp, thánh nhân đã vội vàng xuống xe nhảy lên vui sướng trên vỉa hè và reo to: “ Aba ! Cha ơi ! Cha ơi !”.
Giống như Thánh Phao Lô, Josemaria Escriva đã cảm nhận được Thiên Chúa đích thực là Cha của mình: “ Lại vì anh em đã là con nên Thiên Chúa đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta kêu lên rằng: Aba ! Cha…Dường ấy ngươi không còn là tôi mọi nữa bèn là Con và nếu ngươi là Con thì cũng là kẻ thừa kế bởi Thiên Chúa” ( Gal 4, 6 -7 ).
Từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, hết thảy tín hữu đã được trở nên là con cái Thiên Chúa. Thế nhưng chúng ta có sống với phẩm giá cực cao quý đó hay là vẫn sống trong thân phận nô lệ cho Sa Tan ?
Với Opus Dei, thánh Josemaria đã mở ra con đường Nên Thánh mà trước đây chưa từng có: “ Trong một cuộc họp mặt, cha thánh nhận xét rằng: Người luôn nói CÓ với mọi thứ, rốt cuộc sẽ cho thấy rằng ngoài bản thân anh ta, mọi thứ khác chẳng có gì quan trọng. Ngược lại người biết mình đang mang một kho tàng trong lòng sẽ thấy cần phải chiến đấu chống lại bất cứ điều gì xâm phạm tới nó. Vì thế, trên hết nói “ KHÔNG” có nghĩa là ràng buộc mình với những điều thiện hảo khác đó cũng là xác lập vị trí của mình trong thế giới, khẳng định trước người khác thang giá trị cách hiện hữu và cách hành động của mình. Cuối cùng nói “KHÔNG” cũng có nghĩa là muốn hình thành tính cách, muốn liên hệ bản thân với những gì mình cho là có giá trị thật sự và thể hiện chúng bằng hành động” ( Trích Con Đường – Way ).
“ Người luôn nói “CÓ” với mọi thứ tức là người chỉ cảm nhận bằng giác quan ( Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân đụng chạm, ý suy nghĩ ) và cho tất cả đều là…thật có.Bởi cho tất cả là…thật có nên mới nổi lòng tham, tham được thì càng tham mãi. Trái lại tham không được thì nổi lòng sân hận, ganh ghét, đố kỵ v.v…Ngược lại người nói “KHÔNG” là người biết tất cả những gì là đối tượng của giác quan đều là giả trá, điên đảo, chóng qua không thật…
Sở dĩ người nói “KHÔNG” như thế là vì người ấy biết mình đang mang kho báu trong người. Kho báu ấy chính là phẩm vị Con Thiên Chúa hay còn gọi là Nước Trời: “ Chớ dồn của báu cho mình ở dưới đất là nơi có sâu mọt, ten sét làm hư nát và kẻ trộm đào khoét vào lấy được nhưng phải dồn chứa của báu cho mình ở trên trời là nơi chẳng có sâu mọt, ten sét làm hư mất cũng chẳng có kẻ trộm đào khoét vào lấy. Vì chưng của báu của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” ( Mt 6, 19 -21 ).
Phải dồn của báu cho mình ở trên trời thì…trời ở đây không phải là cõi không gian vật lý nào đó nhưng chính Chân Tâm thường hằng bất sinh bất diệt mà Thiền Đạo gọi là “ Tâm Bình Thường”. Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có thiền truyện thuật lại cuộc hỏi đáp giữa Triệu Châu và Nam Tuyền như sau:
- Triệu Châu hỏi Nam Tuyền: Thế nào là Đạo ?
- Đáp: Tâm Bình Thường là Đạo.
- Hỏi: Lại có thể nhằm tiến đến chăng ?
- Đáp: Nghĩ nhằm tiến đến là trái.
- Hỏi: Khi chẳng nghĩ làm sao biết là Đạo ?
- Đáp: Đạo chẳng thuộc biết và chẳng biết. Biết là vọng giác, không biết là vô ký. Nếu thật đạt Đạo thì chẳng nghi ví như hư không rỗng rang đâu thể nói phải quấy ?
Nghe lời này Triệu Châu ngộ lý, bèn đi thọ giới” ( Nguồn: Quảng Minh – Sơ quát về Bình Thường Tâm Thị Đạo qua Duy Thức Học )
Chữ “ Tâm” có hai nghĩa: Một là Vọng Tâm, hai là Chân Tâm. Vọng Tâm là cái Tâm luôn thay đổi, sanh diệt còn Chân Tâm là cái Tâm chân thật không biến đổi sanh diệt dù chỉ trong một sát na. Chính cái Chân Tâm ấy, thiền sư Nam Tuyền gọi là “ Bình Thường Tâm” Bình ở đây là bình an, bình hòa, tĩnh lặng…Thường là thường hằng bất biến.
Sau khi nghe Nam Tuyền trả lời Bình Thường Tâm là Đạo thì Triệu Châu hỏi tiếp làm sao để có thể tiến đến Đạo ấy không thì Nam Tuyền nói rằng nghĩ đến là trái ( Không đúng ).
Tại sao nghĩ đến Đạo là trái ? Bởi vì Đạo là cái không thể nói, không thể gọi tên: “ Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường Danh” ( Đạo ( mà ta ) có thể nói được thì không còn phải là Đạo thường. Danh ( mà ta ) có thể gọi được thì đó không phải là Danh thường – Lão Tử ĐĐK chương một ).
Chữ “ Đạo” ở đây chỉ gượng mà nói thế thôi chứ nó là một thực tại vượt ngoài ngôn ngữ khái niệm. Bởi“ Đạo” không thể nói, không thể gọi thế nên…nghĩ đến là trái là sai. Xưa nay ai cũng nghĩ như Triệu Châu cho rằng cần suy nghĩ để đến được “ Đạo”. Thế nhưng không phải vậy bởi vì suy nghĩ chẳng qua cũng chỉ là một thứ vọng tưởng mà trong triết học Kant gọi là “ Cái Tôi Tưởng” ( Le je pense ).
Như đã nói cái Tâm Bình Thường ấy là Đạo và cũng là Nước Trời Mầu Nhiệm, không thể dùng lý trí nghĩ suy để tìm kiếm mà phải… nên như con trẻ tức là dứt bỏ đi cái Tâm đối đãi phân biệt, chấp trước kia đi: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi: hễ ai chẳng nên như con trẻ thì chẳng được vào đó” ( Lc 18, 17 ).
Nên như con trẻ có nghĩa phải bỏ đi cái tâm chấp trước phân biệt, có bỏ được cái Tâm phân biệt ấy đi thì mới vào được Nước Trời cũng là cái Tâm Bình Thường: “ Người Pharisi hỏi Chúa Giê Su về Nước Thiên Chúa chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Thiên Chúa đến cách mắt không thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được: Đây này hay đó kia vì này Nước Thiên Chúa ở trong ( Lòng ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Về Nước Trời ấy không thể nói: Đây này hay đó kia bởi vì đó là một Thực Tại mầu nhiệm vượt cả không gian lẫn thời gian. Với Thực Tại ấy chúng ta chỉ có thể…sống chứ không thể suy mà đạt được. Trong cái thời Tục Hóa tức Giải Thiêng ( De’sacralisation ) này, con người chỉ chuộng vật chất, lấy tiền tài, danh vọng làm thước đo cho mọi giá trị. Phong trào Opus Dei trình bày Con Đường Nên Thánh bằng cách trong tất cả mọi hành vi, lời nói, việc làm con người cần phải luôn nhớ đến Chúa là Đấng Hằng Hữu ở nơi mình.
Trong Thánh Lễ phong Hiển Thánh cho chân phước Josemaria Escriva, đức thánh giáo hoàng Gioan Phao Lô II nói: Việc nâng thế gian lên Thiên Chúa và biến đổi nó từ bên trong là ở chỗ này đó là lý tưởng được vị sáng lập thánh thiện này muốn nói với anh chị em, những người hôm nay đang hân hoan vì ngài được tôn vinh lên bàn thờ. Ngài nhắc nhở chúng ta về nhu cầu không được để cho mình khiếp sợ trước nền văn hóa vật chất là những gì đe dọa làm mất đi căn tính chân thực nhất của thành phần làm môn đệ Chúa Ki Tô. Ngài thiết lập lại một cách cương quyết là đức tin Ky Tô giáo ngược lại với khuynh hướng cầu an và trì trệ nội tâm”.
Phải thú thật rằng đời sống của đa số người Công Giáo chúng ta chỉ có phần hình thức đúng như đức thánh Giáo Hoàng vừa trích dẫn: Cầu an và trì trệ nội tâm. Đang khi đó từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã mang phẩm vị Con Thiên Chúa thì phải sống đúng với địa vị cao quý ấy giống như những con đại bàng cần tập luyện để mỗi ngày được bay cao trên bầu trời chứ không như những con gà quẩn quanh trên mặt đất để rồi…chết như gà !!! ( Bài giảng lễ của đức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn ngày lễ kính Thánh Josemaria Escriva 18/6/2018 tại TTMV )./.
Phùng Văn Hóa
# ỏHHH