CUỘC  HÀNH  TRÌNH  TÂM  LINH…ĐI  VÀO  ĐỜI  SAU

          Có những điều chúng ta tuyên xưng và buộc phải tin nhưng trong thời nay niềm tin ấy đã bị…đặt lại hoặc cần giải thích theo chiều hướng khác: “ Lời tuyên xưng đức tin Ki Tô giáo đặt ra cho con người thời nay bao nhiêu là bài toán nan giải: Làm sao dung hòa những khẳng định đó với những quan điểm hiện nay về sự tiến hóa của vũ trụ ? Hỏi rằng chúng ta có thể hy vọng gì ở tương lai sẽ dẫn tới câu hỏi chúng ta có thể biết chắc chắn  về thế giới bên kia ? Phải chăng chúng ta lại quay về với những giả thiết ? Phải chăng những khẳng định trên lại chỉ là những phóng ngoại của những ước mơ và khát vọng của ta hay là những hứa hẹn mơ hồ đã đánh lạc hướng ta, kéo ta ra khỏi những trách nhiệm đối với thế giới  này và khiến ta  không còn tìm kiếm hạnh phúc ngay ở đời này nữa ? ( Lm Aug. Hoàng Đức Toàn – Cánh Chung Học ).

          Thật sự thì đức tin là đức tin, nó chẳng cần phải…dung hòa với những quan niệm của người đời trong bất cứ thời đại nào ! Tuy nhiên có điều không những thuộc về đức tin Công giáo nhưng đây là sự thật và sự thật ấy dù người duy vật, vô thần không tin vào thần thánh cũng phải chấp nhận đó là con người ai ai rồi ra cũng phải chết !!!

          Cái chết đã đặt ra cho các nền triết học đông tây, kim cổ như một nan đề không thể giải quyết. Đức Khổng Tử tỏ ra…tránh né khi nói: “ Chưa biết sống, làm sao biết chết ? ( Vị tri sinh, an tri tử ). Còn Jean Paul Sartre  thì thẳng thừng cho rằng: Chết là hết đời. Thế nhưng chính là với quan niệm chết là hết đó triết gia Hiện Sinh vô thần này cho rằng: Cuộc đời là nôn mửa và người khác là địa ngục cho tôi ???

          Dù là với quan niệm triết học nào, tránh né cái chết hay cho chết là hết  thì con người vẫn cứ sống và lo lắng tìm kiếm hạnh phúc cho mình ở đời này. Với tuyệt đại nhân loại  thì cho hạnh phúc ấy  là có đủ cơm ăn, áo mặc. Còn cao hơn thì lo làm giàu, danh vọng, địa vị, chức quyền…

          Tuy nhiên, dù lo theo cách nào thì cuối cùng con người cũng phải đối mặt với cái chết không sao tránh khỏi. Đạo sư  Drakpa Gyaltsen nói: “ Loài người trải qua suốt cả đời để lo lắng hết việc này tới việc khác  chỉ là để thình lình  bắt gặp đời sau mà họ hoàn toàn không chuẩn bị” ( Tạng Thư Sống Chết ).

          Phải chuẩn bị cái chết cho chính mình bởi vì tính chất bất ngờ của nó. Có anh thanh niên đang ngồi uống cà phê, nghe điện thoại tại quán bị sét đánh gục chết ngay tại bàn. Có những em học sinh ( Mỹ ) bị bắn chết khi đang ngồi học trong lớp. Có người chở vợ con trên xe máy đang đi ngoài đường, bị một chiếc thùng xe chở đầy cát đá đổ ập xuống chết hết cả nhà v.v…và v.v…

          Với những cái chết thương tâm và hoàn toàn bất ngờ đó, làm sao có kịp chuẩn bị và như thế thật nguy hiểm cho phần linh hồn. Mỗi người sống trên trần gian  đều có hai phần xác và hồn. Phần xác vì nhiều lý do mà chết còn phần hồn thì không thể chết. Tôn giáo có mặt chính là để chuẩn bị cho cái chết của mỗi người.

          Thực vậy, chỉ trong tôn giáo con người mới có thể nhận biết và có trách nhiệm về cuộc sống. Chính bởi lẽ đó, điểm khác biệt lớn lao giữa triết học và tôn giáo là ở chỗ. Một đàng thì lo giải thích về căn nguyên của sự sống. Một đàng thì sống cuộc sống  của chính mình. Trong lãnh vực tôn giáo thì sống cuộc sống của chính mình có nghĩa phải coi cuộc sống ấy như là cuộc hành trình…đi về đời sau.

          Thánh Anphongso, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế sau khi thất bại trong một vụ bào chữa, ngài quyết định từ bỏ danh vọng trần gian để dấn thân lo  cho những người nghèo khổ, bệnh tật. Nhưng ý Chúa lại dành cho ngài một hướng đi khác. Thế rồi trong lần kia, tại một bệnh viện người thanh niên rất trẻ ấy đã nghe được Tiếng Chúa:“ Ngươi làm gì ở thế gian này ? Nghe lời ấy, Anphongso bèn đi đến một nhà nguyện gần đó và thân thưa với Chúa: Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có cái chi con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.

          Với bậc thánh nhân thì vậy, còn mỗi người Công giáo chúng ta dù không nghe được Tiếng Chúa nhưng vào một lúc nào đó cũng cần  đặt ra cho mình câu hỏi: “ Ngươi làm gì ở thế gian này ?” Quả thật con người sống thì cần có mục đích, nếu không sẽ chỉ là người vô dụng cả cho xã hội cũng như  giáo hội ! Thế nhưng để  có được ơn ích lớn lao  thì mục đích ấy phải đem lại sự giải thoát như lời Đức Ki Tô: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghen ghét họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” ( Ga 17, 14 ).

          Nếu người có đạo không thuộc về thế gian  thì chắc hẳn phải thuộc về một thế giới khác và thế giới ấy trong niềm tin Công giáo đó phải là Cõi Thiên Đàng  đời sau ?

          Tin có Nước Thiên Đàng, tuy vậy trong thời Tục Hóa là điều  rất khó nếu không muốn nói là…bất khả. Có hai lý do khiến  trở ngại niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Đàng. Một là Thiên Đàng có nơi có chốn hay không và hai là làm sao để…đi đến được  chốn ấy ?

          Theo đức tin của người Công giáo trước đây vẫn một mực tin rằng Thiên Đàng là một với Nước Trời và  nước ấy thì ở…trên trời ! Bởi đó mới có lời cầu trong Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời. Hoặc Đức Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Không những đây chỉ là niềm tin của các tín hữu nhưng còn được ghi chép rõ ràng  trong Kinh Thánh, chẳng hạn thánh tử đạo Stephano nói: “ Này tôi thấy các tầng trời mở ra và Con người đứng bên hữu Thiên Chúa” ( Cv 7, 56 ) Hoặc  sự kiện Chúa Ki Tô Phục Sinh: “ Ngài phán như vậy rồi thì được cất lên đương lúc họ nhìn thì có đám mây tiếp Ngài khuất khỏi mắt họ” ( Cv 1, 9 ).

          Như vậy chẳng phải sự hiện hữu của Thiên Đàng là …ở trên trời tức trong không gian vật lý hay sao ? Thế nhưng niềm tin ấy hiện nay đã bị…bỏ qua  bởi nếu hiểu trời là khoảng không gian vật lý thì chẳng lẽ Thiên Đàng lại  có thể hiện hữu trong khoảng không gian ấy sao ? Lại nữa nếu Thiên Đàng là như vậy thì làm sao tín hữu có thể…đi lên trên đó ? Ngay cả với mặt trăng chỉ cách trái đất có hơn ba trăm ngàn CS mà người ta đã phải tốn hao bao nhiêu thời gian, tiền bạc cũng khó khăn lắm mới chỉ đưa lên trên đó được  hai người và rồi  trong  ít  giờ lại phải quay về….???.

          Những điểm phi lý ấy, thần học ngày nay không chấp nhận và đương nhiên Thiên Đàng hiểu như có nơi chốn đã bị bác bỏ: “ Trong buổi cầu nguyện với quần chúng ngày 21/7/1999, giáo hoàng Gioan Phao Lô II đã tạo nên vấn đề thời sự, ngài nói: Thiên Đàng là một trạng thái sống ( State of being ) chứ không phải là một nơi chốn ( place ) theo nhận thức của ngôn ngữ  loài người. Giáo hoàng còn nói rõ thêm: Thiên Đàng không phải là một khái niệm trừu tượng  hay là một địa điểm cụ thể trong những cụm mây nhưng là một lối sống, là mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là cuộc gặp gỡ Chúa Cha, diễn ra trong Chúa Ki Tô Phục Sinh, hiệp thông với Chúa Thánh Thần” ( Nguồn: Thánh Ca Việt Nam – Đỗ Trần Duy – Thiên Đàng Ở Đâu ? ).

          Nếu Thiên Đàng không có nơi chốn, chỉ là một trạng thái thì Hỏa Ngục cũng vậy ? Đang khi đó Đức Ki Tô trong các sách Tin Mừng đã nhiều lần khẳng định sự hiện hữu của Hỏa Ngục và nhắc nhở con người  đừng có phạm tội để khỏi phải sa vào chốn khốn nạn ấy: “ Nếu tay ngươi làm cho ngươi vấp phạm thì hãy chặt nó đi, vì thà có một tay mà được vào Cõi Sống còn hơn là đủ hai tay mà sa vào Hỏa Ngục trong lửa chẳng hề tắt, sâu bọ chẳng hề chết….” ( Mc 9, 43 -48 ).

\         Thiên Đàng – Hỏa Ngục hẳn nhiên có nơi có chốn. Tuy nhiên cái nơi, cái chốn ấy hoàn toàn không thể hiểu như là một nơi chốn nào trong không gian vật lý nhưng là trong Tâm Thức. Tâm Thức là cái vô hình, giác quan không thể cảm nhận ( Nghe, Nhìn…) nhưng chính nó quyết định cho đời sống cả về những hành vi bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, nói năng… cũng như những hoạt động bề trong…thiện ác, lành dữ v.v…

          Bởi vì Thiên Đàng, Hỏa Ngục hiện hữu ở nơi Tâm Thức thế nên giác quan  không thể cảm nhận. Mặc dầu không thể cảm nhận nhưng nó thực hữu với những ai đã mở ra con mắt tâm linh  hoặc được Chúa ban phép. Có không ít những vị thánh đã được  thị kiến về Thiên Đàng hoặc Hỏa Ngục. Thánh Phao Lô nói: “ Tôi biết một người,  mười bốn năm trước đây được cất lên tới tầng trời thứ ba hoặc trong thân thể hoặc ngoài thân thể tôi cũng chẳng biết, chỉ có Thiên Chúa biết. Tôi biết thể nào người đó hoặc trong thân thể hoặc ngoài thân thể tôi cũng chẳng biết chỉ có Thiên Chúa biết đã được cất lên tới Lạc Viên, nghe những lời không thể nói  mà người nào cũng không được phép nói ra” ( 2C 12, 1 -4 ).

          Thánh Phao Lô nói mình đã được cất lên tới tầng trời thứ ba. Điều ấy có nghĩa ngoài tầng trời đó  ra, tất nhiên cũng  có  các tầng trời…thấp hoặc cao hơn nữa. Một khi đã có các tầng trời ( Dĩ nhiên  trong tâm thức ) thì chẳng phải  Hỏa Ngục, Thiên Đàng hay còn gọi là Lạc Viên  thực sự có nơi có chốn hay sao ?

          Tin có Nước Thiên Đàng, tuy nhiên đó cũng chỉ là niềm tin…xuông chẳng ích chi cho việc sống đạo  nếu không sống niềm tin ấy ?: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là hy vọng vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

          Việc sống đạo của chúng ta thể hiện ở sự nhẫn nại, đợi trông  qua ba nhân đức Tin, Cậy, Mến:

          1/- Đức Tin

          Ba nhân đức Tin, Cậy, Mến còn được gọi là các nhân đức…đối thần nhưng “ Thần” ở đây không phải là thứ Thần…ngoại lai mà là Đấng Thiên Chúa…nội tại ở nơi mỗi người. Nếu hiểu như thế thì đức tin cần yếu nhất đó là tin vào Đức Giê Su Ki Tô, Đấng  mạc khải về Cha: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).

          Lý do cần phải đặt hết lòng tin nơi Đức Ki Tô  bởi vì trong cuộc hành trình vào với Đấng Cha này không thể không gặp rất nhiều trở ngại và trở ngại lớn nhất đó là Ngã Chấp tức chấp cho rằng có một “ Cái Tôi” độc lập, tự tánh.  Cũng vì cái chấp đó, con người không thể tin sự hiện hữu của Thiên Đàng cũng như Hỏa Ngục !

          2/- Lòng Cậy Trông

          Cần có lòng Cậy Trông bởi vì sự cứu rỗi của chúng ta tất cả đều nhờ vào công nghiệp Chúa Ki Tô: “ Để chẳng một xác thịt nào có thể khoe khoang trước mặt Thiên Chúa nhưng ấy là nhờ Ngài  mà anh em được ở trong Chúa Giê Su Ki Tô là Đấng  đã làm nên sự khôn ngoan , sự công chính, sự nên Thánh và cứu  chuộc cho chúng ta  hầu như có chép rằng: Ai khoe khoang hãy khoe khoang trong Chúa” ( 1C 1, 29 -31 ).

          Triết/thần học không bao giờ có thể tìm và gặp được Thiên Chúa, Đấng Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) bởi vì họ đã cậy dựa vào khôn ngoan thế gian: “ Vì tại thế gian  cậy sự khôn ngoan mình  chẳng do sự khôn ngoan Thiên Chúa  cho nên Thiên Chúa vui lòng dùng sự ngu dại của đạo chúng ta mà cứu những kẻ tin” ( 1C 1, 21 ).

          3/- Lòng Mến

          Lòng mến chính là nhân đức yêu thương cần có để nhận biết Thiên Chúa: “ Chúng ta biết và đã tin sự yêu thương của Thiên Chúa vẫn có đối với chúng ta. Thiên Chúa là Tình  Yêu, ai ở trong tình yêu thương  thì ở trong Thiên Chúa  và Thiên Chúa cũng ở trong người ấy. Nhơn đó  sự thương yêu được trọn vẹn trong chúng ta hầu cho chúng ta  được dạn dĩ  trong Ngày Xét Đoán bởi vì Ngài thể nào thì chúng ta cũng thể ấy trong thế gian này” ( 1Ga 4, 16 -17 ).

          Trong ba nhân đức thì đức mến là hệ trọng nhất bởi vì trong ngày sau hết, với ơn nghĩa Chúa chúng ta sẽ nhận biết sự thật: “ Khi là con trẻ, tôi nói như con trẻ, xét đoán như con trẻ nhưng khi đã trưởng thành tôi bèn bỏ đi những việc trẻ con. Bây giờ chúng ta thấy mập mờ  như trong một  tấm gương nhưng  khi ấy mặt đối mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn nhưng mai sau tôi sẽ được biết như Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến đều tồn tại nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” ( 1C 13, 11 -13 )./.

Phùng  Văn  Hóa

 

 

 

 

 

         

Chia sẻ Bài này:

Related posts