“Chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa…Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.” (Galát 5;1, 13-18).
Bài đọc trên đây nói về tự do. Đây là chủ đề bị hiểu lầm nhiều hơn bất cứ chủ đề nào khác! Tự do thường được mô tả là khả năng làm những gì tôi muốn, bất cứ khi nào tôi muốn, bất cứ cách nào tôi muốn. Khi mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, tự mình lựa chọn, không bị ảnh hưởng bởi người khác, tức là tôi có tự do. Và khi tôi không thể làm điều đó, thì sự tự do của tôi bị kìm hãm.
Mặc dù ngày nay có một điều gì đó là sự thật khi suy nghĩ như vậy, nhưng tự do thực sự là một điều gì đó rất khác. Lấy ví dụ, lái xe ô tô. Nếu bạn lái xe bên trái đường, và tôi lái xe bên phải đường và không có biển báo giao thông hoặc đèn dừng, chúng ta có thực sự tự do không? Đó không phải là tự do; đó là sự vô luật pháp. Hay ví dụ về việc chơi piano – tôi có thể ngồi sau cây đàn piano và yên tâm gõ bất cứ những phím nào tôi muốn, bất kể điều đó có thể tạo ra được một loạt những âm thanh đáng được gọi là một khúc nhạc hay không! Nhưng khi một nhạc sĩ được đào tạo trường lớp bài bản ngồi sau cây đàn piano, anh ta sẽ không đánh bất cứ phím nào mà không có sự cân nhắc về các nguyên tắc cơ bản của âm nhạc. So sánh điều đó khiến tôi tự hỏi: ai tự do hơn, nhạc sĩ hay là tôi?
Thiên Chúa và Giáo hội thường được coi là kẻ thù của tự do, kẻ thù của hạnh phúc. Thiên Chúa và Giáo hội nói với chúng ta tất cả những điều mà chúng ta thấy khó có thể làm. Thiên Chúa là người hạn chế rất nhiều chuyện. Hãy nhìn vào tất cả các luật lệ, các quy tắc, các điều răn. Tất cả những điều đó biến tất cả chúng ta thành nô lệ khốn khổ, phải thế không? Thế mà, thực tế thì Thiên Chúa hạnh phúc nhất trong tất cả mọi hữu thể. Và Ngài đã tạo ra chúng ta để chúng ta được hạnh phúc. Ngài không muốn chúng ta làm nô lệ, nhưng Ngài muốn chúng ta được tự do. Ngài muốn chúng ta được tự do thực sự, chứ không phải để theo đuổi một thứ tự do giả tạo mà thực chất chỉ là nô lệ ngụy trang. Thánh Phaolô đã nói như vậy, rằng Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta, đơn giản là để chúng ta được tự do: “Chính để chúng ta được tự do mà Chúa Kitô đã giải thoát chúng ta. Vậy, anh em hãy đứng vững, đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa…Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do” (Galát 5:1.13). Nhưng Thánh Phaolô nói rằng đừng sử dụng tự do như một cơ hội cho xác thịt để làm bất cứ điều gì tôi muốn: “Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Galát 5:14). Thánh Phaolô lập ra mối liên hệ giữa tự do và lề luật.
Khi chúng ta nghe thấy từ ngữ “lề luật”, chúng ta tự nhiên thấy có một mối ác cảm đối với nó. Nó là một thứ gì đó nói cho chúng ta biết phải làm gì, phải làm thế nào, không được phép làm điều gì. Tự do và luật pháp dường như đối lập nhau. Tuy nhiên, vấn đề là hầu hết chúng ta không hiểu rõ về những gì lề luật thực sự đang cố gắng mang lại. Rõ ràng là hầu hết chúng ta đã học biết Mười Điều Răn khi còn nhỏ, như một danh sách để ghi nhớ. “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ…Chớ giết người…Chớ làm sự dâm dục…” có lẽ đã được ghi vào ký ức của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không còn nhớ Mười Điều Răn nữa, chúng ta hầu như chắc chắn nhớ được những chữ “Chớ” đó. Và chúng ta không thích chữ ấy. Bởi vì đó là tất cả những gì chúng ta biết – “Chớ lấy của người…Chớ làm chứng dối…Chớ muốn vợ chồng người…Chớ tham của người…”. Đó là một bức tranh không đầy đủ về bản chất của lề luật, lề luật dẫn chúng ta đến đâu, và quan trọng nhất, ai là người đưa lề luật ấy cho chúng ta. Cũng giống như luật giao thông, hay các nguyên tắc âm nhạc hướng dẫn nghệ sĩ piano, lề luật đang cố gắng dẫn dắt chúng ta đến một nơi nào đó.
Có một câu quan trọng mà chúng ta thường quên. Điều Răn Đầu Tiên, trong Xuất Hành chương 20, không thực sự bắt đầu bằng chữ “Chớ…” hoặc “Ngươi không được…” nhưng bắt đầu theo cách này: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập, khỏi cảnh nô lệ” (20:2). Thiên Chúa ban những giới răn này cho một dân tộc mà Ngài vừa giải cứu khỏi kiếp nô lệ hơn 400 năm. Một Thiên Chúa mong muốn chúng ta hạnh phúc, muốn chúng ta tự do, ở phía bên kia của những lề luật đó, không cố gắng hạn chế chúng ta nhưng cố gắng chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến tự do thực sự.
Nếu tôi không tin điều đó, thì tôi sẽ luôn đặt câu hỏi về những gì đang được trình bày. Tại sao tôi không thể làm điều này điều kia? Tại sao tôi không thể nói lời tạm biệt với gia đình mình, như trong sách các Vua: “Xin cho con về hôn cha mẹ để từ giã, rồi con sẽ đi theo ông” (1 Vua 19: 20) và bài Tin Mừng: “Chúa Giêsu nói với một người khác: “Anh hãy theo tôi!” Người ấy thưa: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã.” Chúa Giêsu bảo: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa.” Một người khác nữa lại nói: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã” Chúa Giêsu bảo: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Luca 9:59-62)? Tại sao tôi không thể trả thù kẻ thù của mình, mà lại phải “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”? (Lc 6, 28). Tôi sẽ không bao giờ được hài lòng.
Giáo sư Nguyễn Khắc Dương viết: “Sở dĩ ta thường có cảm tưởng Thiên Chúa hạn chế tự do của con người vì Thiên Chúa được xem như là một nhà lập pháp: thiết lập ra một hệ thống ràng bụộc vô điều kiện, tuyệt đối theo kiểu “mệnh lệnh tuyệt đối” (impératif catégorique) của Kant! Không! Thiên Chúa của chúng ta không phải là một nhà lập pháp. Như thánh Phaolô đã dạy rõ là Lề luật chỉ có giá trị tương đối của những phương tiện có tính cách giai đoạn, chứ không có tính cách của những ràng buộc tuyệt đối; chúng chỉ là bờ rào ngăn cản chứ không phải là con đường, là Đạo (xem Rm 7,1-25; Gl 4,21-29 v.v…). Con đường đi, Đạo, là một ngã vị mà yếu tính là Tình Yêu chờ đợi sự đáp ứng tự do của những ngã vị có tình yêu: Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. … (Ga 14,6)” [1]
Nếu tôi tin rằng có một vị Thiên Chúa “mà yếu tính là Tình Yêu” (1 Gioan 4: 16) thực sự mong muốn sự tự do của tôi đang dẫn dắt tôi bằng cách cho tôi thấy cuộc sống thực sự tự do và hạnh phúc sẽ như thế nào, thì tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết. Bởi vì đó là những gì mà con người, nhất là cõi lòng tôi, được dựng nên để trực nghiệm. Tự do không chỉ là làm bất cứ điều gì tôi muốn mà còn nhiều hơn thế. Tự do là sống theo cung cách mà Thiên Chúa muốn tôi sống khi Ngài tạo dựng ra tôi. Hạnh phúc không phải là một niềm vui mau qua, nhưng là một sự bình an lâu dài chỉ có được trong sự hiệp thông yêu thương với Chúa Giêsu. Thánh Phaolô nói, Thánh Thần sống trong tất cả cõi lòng chúng ta, đang hướng dẫn chúng ta đến sự tự do đích thực đó: “Trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể, cho dù là Do Thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do, tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thánh Thần duy nhất” (1Cr 12, 13). Ngài còn nói rõ: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Galát 5; 13). Chúng hãy sống cho sự tự do mà Thiên Chúa muốn chúng ta cảm nếm khi Ngài tạo dựng nên chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Chúa Giêsu muốn giúp những người nghe Ngài tiếp cận cách đúng đắn các quy luật của các Điều răn đã được ban cho ông Môsê; Ngài thúc giục họ mở lòng, sẵn sàng đối với Thiên Chúa, Đấng giáo dục chúng ta về tự do và trách nhiệm thực sự thông qua Lề luật. Đó là sống Lề Luật như một công cụ tự do, giúp chúng ta không trở thành nô lệ cho những đam mê và tội lỗi. Khi chúng ta đầu hàng những cám dỗ và đam mê, chúng ta không còn là chủ và nhân vật chính của cuộc sống, nhưng bị mất khả năng điều hành nó bằng ý chí và trách nhiệm… Chúa Giêsu ý thức rằng không dễ để sống các Điều Răn theo cách sâu sắc và toàn diện này. Đây là lý do tại sao Ngài giúp đỡ chúng ta bằng tình yêu của Ngài: Ngài đến thế giới không chỉ để kiện toàn Lề luật, nhưng còn để ban cho chúng ta ân sủng của Ngài, để chúng ta có thể làm theo ý Thiên Chúa, bằng cách yêu Chúa và các anh chị em của chúng ta. Đó là vấn đề tin tưởng và phó thác chính mình cho Ngài, đón nhận đôi bàn tay mà Ngài không ngừng đưa ra với chúng ta, để những nỗ lực và dấn thân cần thiết của chúng ta có thể được nâng đỡ bởi sự trợ giúp vô cùng tốt lành và thương xót của Ngài. Hôm nay Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tiến bước trên con đường tình yêu mà Ngài đã chỉ cho chúng ta và là con đường xuất phát từ trái tim. Đây là con đường cần theo để sống như các Kitô hữu. Xin Đức Trinh nữ Maria giúp chúng ta đi theo con đường được Con của Mẹ vạch ra để đạt đến niềm vui thật sự và truyền bá công lý và bình an đến mọi nơi.” [2]
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] Nguyễn Khắc Dương, IV. THIÊN CHÚA VÀ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI, http://www.simonhoadalat.com/hochoi/namthanh/ductin/62KhoaHoc-LyTri04.htm
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, SỐNG LỀ LUẬT NHƯ MỘT CÔNG CỤ TỰ DO, Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô, Chúa Nhật ngày 16 tháng 02 năm 2020.