PHÊRÔ – PHAOLÔ, HAI VỊ TÔNG ĐỒ ĐƯỢC THA THỨ VÀ HOÁN CẢI

Lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô đưa chúng ta vào trung tâm của mầu nhiệm Giáo hội; không chỉ vì hai ngài là 2 trụ cột chính của Giáo hội, mà hơn hết là vì trách nhiệm mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Phêrô: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Luca 16: 18-19).

Vì vậy, nhìn ngắm cuộc đời của hai vị thánh vĩ đại của chúng ta thì thật thú vị và bổ ích. Các ngài cho chúng ta biết điều gì là quan trọng đối với chính Giáo hội.

Cuộc sống của hai ngài nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội trước hết là Giáo hội của lòng thương xót, Giáo hội của sự tha thứ: “Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Luca 16: 19). Chúa Giêsu nói với Phêrô. “Bất cứ điều gì anh cầm buộc”;  người ta có thể nghĩ về tình yêu, về hôn nhân. Tất cả mọi thứ mà Tình yêu đã ràng buộc trên trái đất sẽ vẫn bị ràng buộc ở trên trời.

Bất cứ điều gì anh cầm buộc dưới đất”: người ta có thể nghĩ về tất cả những gì sẽ được giải quyết, được cởi trói. Ở đây chúng ta có thể nghĩ đến sự tha thứ. Có nghĩa là Giáo hội có quyền cởi trói này, giải thoát khỏi tội lỗi. Và Chúa Giêsu đã giao sứ mệnh cao cả này cho ai? Cho Phêrô! Cho người đã kinh nghiệm nơi chính mình sự tha thứ của Thiên Chúa. Cho người đã ba lần chối Chúa Giêsu. Nói theo kiểu con người, người đứng đầu Hội Thánh không phải là người cao siêu hơn những người khác; vị ấy cũng giống như những người khác; vị ấy thậm chí còn “tệ hơn” so với những người khác! Chúa Giêsu đã giao cho Phêrô sứ mệnh quan trọng nhất; và ông sẽ chối bỏ Chúa Giêsu! Nhưng, ông sẽ đón nhận sự tha thứ của Chúa Giêsu! Không phải ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu hỏi ông ba lần: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy  không?” (Gioan 21: 15-17).  Đó là bởi vì Chúa Giêsu cho ông cơ hội ba lần chuộc lại sự hèn nhát của mình! Cảnh tượng này đã được báo trước vào tối Thứ Năm Tuần Thánh khi Chúa Giêsu muốn rửa chân cho các môn đệ. Ai từ chối? Phêrô của chúng ta. Và vì lý do gì: “Tôi không xứng với điều đó!” Sách Tin mừng của thánh Gioan kể lại khá chi tiết: “Vậy, Chúa Giêsu đến chỗ ông Simôn Phêrô, ông liền thưa với Ngài: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao? ” Chúa Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu! ” (Gioan 13: 6-10).

Và Chúa Giêsu đã bóp chết lòng kiêu hãnh của ông! “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Nói cách khác: nếu anh không chấp nhận tôi tha thứ cho anh, anh không thể đảm nhận sứ mệnh mà tôi giao phó cho anh, để chủ tọa sứ vụ tha thứ trong Giáo hội của tôi.

Giáo hội vốn được đại diện bởi Thánh Phê rô và bởi Thánh Phaolô không phải là một Giáo hội giáo điều, nhưng có một điều đáng tiếc là đôi khi người ta thích biếm họa Giáo hội; Giáo hội là một Giáo hội giàu lòng thương xót, hoàn toàn dành chỗ cho tội nhân, nhưng trên hết là dành chỗ cho sự tha thứ tội lỗi và sự hoán cải! Giáo hội này không phải là Giáo hội của sự hoàn hảo và trong sạch, nhưng là Giáo hội của những tội nhân được hoán cải.

Hình ảnh thứ hai của Giáo hội hiện ra qua lễ trọng này là hình ảnh của Giáo hội Tình yêu: “Phêrô, anh có yêu mến Thầy  không?” (Gioan 21: 15-17). Chúa Giêsu hỏi Phêrô ba lần. Chúa Giêsu hỏi Phêrô xem ông có yêu mến Ngài không; nhưng Ngài cũng yêu cầu Phêrô yêu mến Ngài. Ba lần! Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu yêu cầu Phêrô tiến triển trong Tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc trao đổi này cho chúng ta thấy rằng một trong những sứ mệnh đầu tiên của Giáo hội là yêu mến Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và làm cho Ngài được yêu mến. Giáo hội có nhiều việc phải làm; nhưng nhiệm vụ đầu tiên của Giáo hội là làm cho người ta yêu mến Chúa.

Thật là thú vị khi xem xét những động từ Chúa Giêsu dùng để nói với Phêrô. Hai động từ đầu tiên, đó là động từ “Agapéo” được sử dụng, có nghĩa là tình yêu chiêm ngắm, hình thức cao nhất của tình yêu, tình nghĩa nhất, tinh khiết nhất. Nhưng Phêrô đáp lại bằng cách sử dụng động từ “philéo”, có nghĩa là tình yêu trìu mến, tình bạn. Do đó, có một khoảng cách giữa Tình yêu mà Thiên Chúa muốn dẫn dắt chúng ta “agapéo” và tình yêu mà chúng ta tự xác định cho mình một cách bình thường nhất có thể: “philéo”. Chúng ta nhận thấy ở đây lời kêu gọi lớn lên trong Tình yêu, xuất phát từ tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, mang chúng ta đến một tình yêu mà ở đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa nhiều hơn, không phải vì những gì Ngài ban hay mang đến cho chúng ta, nhưng vì những gì là chính Ngài. Và đó cũng là sứ mệnh của Giáo Hội là làm cho chúng ta lớn lên trong tình yêu này.

Cuối cùng, hình ảnh cuối cùng về Giáo hội vào ngày này khi chúng ta mừng lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô là hình ảnh của một Giáo hội truyền giáo. Thánh Phaolô nói như thế này vào cuối cuộc đời của mình: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin.” (1Timôthê 4: 7). Sứ mạng của Giáo Hội bắt nguồn từ việc tuyên xưng Tình Yêu Thiên Chúa: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Gioan 21: 15).  Điều này có nghĩa là: sứ mệnh mục tử của bạn bắt nguồn từ Tình yêu. Sứ mệnh của Giáo hội, cũng như việc điều hành trong Giáo hội, cũng như quyền bính, bắt nguồn từ tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho dân Ngài, và là phục vụ tình yêu của đoàn chiên. Không có tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài, đối với đoàn chiên của Ngài, thì việc truyền giáo, quyền bính, việc điều hành trong Hội Thánh chẳng là gì nữa cả; chúng không còn hữu ích nữa! Chúng trống rỗng ý nghĩa và không có bản chất! Hơn nữa, sứ vụ điều hành này: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Gioan 21: 15- 19)  nhắc nhở chúng ta rằng các mục tử phải gương mẫu, không cần phải hoàn hảo, bởi vì không ai ở dưới trần gian này có thể tự cho mình là hoàn hảo, nhưng gương mẫu trong việc đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Vào ngày lễ kính thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta không được quên cầu nguyện cho tất cả các mục tử, đôi khi không may lại là những người phản chứng Tin mừng, trở nên gương mẫu trong việc đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.

Trong bài đọc đầu tiên của Thánh lễ vọng, Thánh Phêrô đã cho chúng ta thấy kho tàng mà Giáo hội mang đến cho thế giới. Đối với một người tàn tật đang bố thí, Thánh Phêrô trả lời: “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Chúa Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi!” (Công vụ Tông đố 3:6). Món quà lớn nhất mà Giáo hội có thể ban cho thế giới là mang lại Tin mừng; đó là mang ánh sáng của Chúa đến cho nhân loại chúng ta. Thánh Phaolô là một kiểu mẫu theo quan điểm này: một kiểu mẫu của sự hoán cải: ngài đã hăng hái trong việc bắt giữ và giết hại các Kitô hữu; nhưng ngài đã trở thành tông đồ dân ngoại đầu tiên của Giáo hội sánh vai cùng với Thánh Phêrô. Là một hình mẫu của sự năng động truyền giáo: ngài đã thực hiện hơn ba chuyến đi lớn lao khắp lưu vực Địa Trung Hải trong một thời gian, nắm bắt mọi cơ hội để loan báo Tin Mừng.

Vào thời điểm mà Giáo hội đang cảm nghiệm nhiều hơn về sự nghèo nàn của mình, về sự giảm sút số lượng tín hữu của mình, ít nhất là ở phương Tây, vào thời điểm mà Giáo hội của chúng ta đang suy ngẫm về nội dung của một cuộc truyền giáo mới, chúng ta đừng đánh mất tầm nhìn rằng kho tàng được trao phó cho Giáo hội là Tin Mừng mà Giáo hội có nhiệm vụ phải loan báo mọi lúc và mọi hoàn cảnh.

Xin Thánh Phêrô và Thánh Phaolô giúp chúng ta trên con đường phúc âm hóa này và thức tỉnh các Kitô hữu. Xin hai Thánh đặc biệt ban phúc cho tất cả các người dân của các xứ sở được dâng hiến cho các ngài. Ước mong phúc lành của hai Thánh tràn ngập trên các giáo xứ và Giáo hội của chúng ta. Amen!

 

Tác giả: LM Julien PALCOUX, paroisse-verneuil-sur-avre.com.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts