Lại một lần nữa, Hội Thánh cho ta suy niệm câu chuyện Người Samaritanô nhân hậu. Bức tranh của câu chuyện trình bày nhiều khuôn mặt chính diện và phản diện: Người Samaritanô, tư tế, Lêvi, bọn cướp, chủ nhà trọ, người bị hại…
Thông thường, những người có trách nhiệm giảng dạy hay khai thác hình ảnh nhân vật người Samaritanô để nêu gương lòng bác ái, sự không vô cảm và tình yêu quan tâm để truyền cảm hứng cho người nghe, nhằm thúc đẩy mọi người hãy sống tình người, thể hiện tình mến với Chúa qua nghĩa cử mà chúng ta dành cho nhau.
Chúa dạy, sống bác ái với anh chị em là thể hiện lòng yêu mến Chúa. Và muốn cụ thể hóa lòng yêu mến dành cho Chúa, chúng ta phải tương trợ và yêu thương anh chị em, nhất là những ai sống gần cận với ta.
Nhưng hôm nay, chúng ta hãy nói với nhau về “người bị hại”. Ai là người bị hại – kẻ bị đánh đến dở sống dở chết trong cuộc đời này?
Còn nhớ giây phút cảm động trong chuyến tông du của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Philippines, giây phút một câu hỏi bất ngờ được cất lên từ miệng của một trẻ em: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”.
Đó là lời bé gái Glyzelle Iris Palomar 12 tuổi, hỏi Đức Giáo hoàng. Em cùng một bé trai 14 tuổi là Juan Chura, đại diện những trẻ bụi đời đang được viện Tulayng Kabataan nuôi dưỡng, và là một trong nhiều nhân chứng được chọn để trình bày những hiện trạng và thách đố của xã hội lên Đức Phanxicô, trong buổi gặp gỡ dành riêng cho thanh thiếu niên, tổ chức tại Giáo hoàng Học viện Santo Tomas.
Đó là ngày 18 tháng 1 năm 2015. Đang phát biểu chào mừng Đức Thánh Cha, – sau khi kể hoàn cảnh mình là một bé gái bị bỏ rơi, bị vất ra ngoài lề xã hội; từng sống lang thang như bao nhiêu trẻ bụi đời; quá nhiều lần chứng kiến đồng bạn bị cha mẹ bỏ, rồi sa vào cạm bẫy của sự dữ: nghiện ngập, mãi dâm, cướp bóc, tù tội, bị giết hại, bị mọi người lên án, bị chà đạp nhân phẩm, bị chà đạp quyền sống… – em đã không thể đọc tiếp bài dọn sẵn.
Nhìn lên Đức Thánh Cha, em bất ngờ đặt câu hỏi như trên. Nhắm nghiền đôi mắt, cô bé Glyzelle Iris Palomar nức nở. Cố gắng lắm, em kết thúc bằng một câu hỏi khác: “Và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế?”. Người ta đã phải dỗ em trước khi đưa em lên bắt tay Đức Giáo hoàng. Ngài đã đứng dậy, bước xuống nửa đường để ôm em vào lòng.
Hình ảnh một vị Giáo hoàng rưng rưng nước mắt và bé Palomar gục mặt mình vào lòng của ngài, là hình ảnh đẹp không thể nói hết. Hình ảnh đó lập tức được loan tải rộng rãi trên tất cả các hệ thống truyền thông. Nhiều tờ báo đánh giá đây là giây phút cảm động nhất của chuyến tông du.
“Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”. Đó là câu hỏi của một em bé. Từ câu hỏi đắng lòng, chúng ta phải thấy những câu hỏi khác: Tại sao một trẻ thơ, một chồi non của thế giới phải ngậm ngùi cất lên câu hỏi đầy thương đau? Thế giới đã làm gì, con người đã làm gì, Hội Thánh đã làm gì cho những kẻ ngày đêm sống trong đau khổ? Đặc biệt, tất cả chúng ta có thấy trách nhiệm của mình trước đau khổ của con người, để đến nỗi, một em bé phải xót xa cất lên lời hỏi đầy thách đố cho đức tin, cho ý thức tôn giáo của cả Hội Thánh?
Chúng ta hãy ra khỏi vỏ bọc đạo đức của mình. Chúng ta hãy quan sát thế giới. Chúng ta hãy liên đới với người bị đau khổ xâu xé. Chúng ta không được đứng ngoài những gì diễn ra trong thân phận nghiệt ngã của người xấu số.
Thế giới không được phép vô cảm. Hội Thánh không được phép vô cảm. Giáo xứ và các cộng đoàn không được phép vô cảm. Từng tín hữu Kitô không được phép vô cảm.
“Em ngươi đâu?” (St 4, 9), là câu hỏi Chúa đang tra vấn từng người. Vì đó là lời Chúa hỏi, chúng ta phải luôn ghi tâm khắc cốt mà sống, mà hành động để trả lời cho Chúa, nhờ nỗ lực dấn thân của chính mình. Hãy chiến đấu để chiến thắng sự ác vẫn hằng tồn tại trên thế giới, thậm chí nơi mỗi con người.
“Em ngươi đâu?” là câu hỏi tra vấn của Cựu Ước. Ngày nay, Chúa Giêsu tiếp tục lên tiếng tra vấn chúng ta cũng bằng câu hỏi tương tự như Thiên Chúa đã từng tra vấn: “Theo ngươi nghĩ, ai trong ba người đó là ANH EM của người bị rơi vào tay bọn cướp?” (Lc 10, 36).
Dựa trên Lời Chúa dạy, mỗi chúng ta phải trả lời cha bằng được: AI LÀ ANH EM CỦA TÔI? NHỮNG NGƯỜI ANH EM ĐÓ ĐANG Ở ĐÂU TRONG CÕI LÒNG TÔI?
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG