CÁCH HIỂU CỰU ƯỚC BÁO TRƯỚC TÂN ƯỚC, THEO THÁNH BONAVENTURA

Thánh Bonaventura nhìn thần học với lăng kính triết học, nhưng cũng giúp chúng ta hiểu Kinh thánh.

Giovanni di Fidanza, hay còn được gọi là Thánh Bonaventura, là một giám mục và hồng y dòng Phanxicô, cùng thời với Thánh Tôma Aquinô, và là một trong những nhà thần học vĩ đại nhất trong lịch sử Giáo hội. Giống như Thánh Tôma Aquinô, vị đồng cấp dòng Đa Minh của mình, Thánh Bonaventura được nhớ đến như một mẫu gương điển hình về cách tiếp cận thần học theo lối kinh viện (nghĩa là tiếp cận theo cách triết học) trong thời kỳ trung cổ. Cũng như đối tác của ngài, việc làm này có xu hướng làm lu mờ các bài chú giải Kinh thánh của ngài, vốn trình bày một khía cạnh rất khác trong tâm trí của Thánh Bonaventura.

Mặc dù các dấu vết của cách tiếp cận lôgic, có tính hệ thống này vẫn còn hiện diện trong các bài bình luận của Thánh Bonaventura về các sách Kinh thánh khác nhau, một phương thức chú giải khác cũng đang được tiến hành: một điều gì đó giống như các Giáo phụ của Giáo hội, một cách đọc mang tính tâm linh sâu sắc, sử dụng ẩn dụ, biểu tượng và các lập luận xuất phát từ tính tương hợp.

Các Giáo phụ đã phát triển cách đọc Kinh thánh này như một cách giải quyết một vấn đề hóc búa mà Hội thánh sơ khai phải đối mặt: làm thế nào để chúng ta đọc cả Cựu ước và Tân ước cùng một lúc? Nếu Chúa Giêsu Kitô thực sự là Lời của Thiên Chúa, làm thế nào chúng ta tìm thấy Ngài trong các sách viết hàng trăm năm trước khi Ngài ra đời? Một số người, như Marcion, khẳng định chúng ta không thể tìm thấy Chúa Giêsu Kitô, vì Thiên Chúa của Cựu Ước là một đấng hoàn toàn khác với Cha của Chúa Giêsu Kitô. Những người khác, từ Thánh Phaolô trở đi, đã thấy những hình bóng, lời tiên tri và những điềm báo về Chúa Giêsu Kitô xuyên suốt Cựu ước.

Chúng ta chỉ thấy một tinh thần làm việc như vậy trong các bài bình luận Cựu Ước của các thời kỳ Trung cổ vĩ đại. Một ví dụ rõ ràng có thể được tìm thấy trong bài bình luận của Thánh Bonaventura về Sách Khôn ngoan.

Sách Khôn ngoan được viết vào khoảng 50 năm trước khi Chúa giáng sinh, rất có thể ban đầu bằng tiếng Hy Lạp. Vì nó có nguồn gốc gần đây và không phải tiếng Do Thái, nên một số nhóm người Do Thái không coi Sách Khôn ngoan là Kinh thánh. Tuy nhiên, đối với những Kitô hữu, cuốn sách dường như không chỉ là một tác phẩm xuất sắc trong loại sách Châm ngôn hay Sirach, mà một phần cụ thể có thể được đọc như một lời tiên tri về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

Bài bình luận của Thánh Bonaventura giúp chúng ta nhìn ra các mối liên hệ.

Chương thứ hai của Sách khôn ngoan 2: 12-24 mô tả một âm mưu chống lại “Đấng công chính”, là người chống lại hành động của kẻ gian ác và phán xét họ:

Ta hãy gài bẫy hại tên công chính,

vì nó chỉ làm vướng chân ta,

nó chống lại các việc ta làm,

trách ta vi phạm lề luật,

và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.”

Thánh Bonaventura viết rằng “Đấng công chính” được hiểu là Chúa Kitô, trích dẫn các ví dụ từ Tân Ước cho thấy rằng Chúa Kitô thực sự công chính hoặc vô tội (ví dụ: 1 Phêrô 2:22— “Ngài không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Ngài nói một lời gian dối.”), cũng như các trường hợp khác. những lời tiên tri từ Cựu Ước đề cập đến Đấng Mêsia theo cách này (ví dụ như Giêrêmia 23: 5— “Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực.”). Do đó, tập hợp các bằng chứng từ cả hai bản Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước, Thánh Bonaventura cho thấy rằng Sách khôn ngoan ở đây nói về Chúa Kitô.

Sách khôn ngoan cũng nói rằng kẻ gian ác ghét người công chính vì “Nó tự hào là mình biết Thiên Chúa, xưng mình là con của Đức Chúa” (2: 13). Một độc giả Kitô giáo sẽ dễ dàng nhận ra mô tả này nói về Chúa Giêsu. Tuy nhiên, đi một bước xa hơn, Thánh Bonaventura còn chỉ ra cách mà lời tiên tri này từ Sách Khôn Ngoan không chỉ mô tả lời của Chúa Giêsu, mà còn là lời của những người tố cáo Chúa Giêsu, như trong Gioan 5:18, “lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.”

Và đây, những người tố cáo trong Sách Khôn Ngoan nói:

Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,

để biết nó hiền hoà làm sao,

và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.

Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,

vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm”.

Thánh Bonaventura cho biết hoàn cảnh của cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu phù hợp với điều này như thế nào: sự mắng nhiếc, xỉ vả, cái chết bị đóng đinh của Ngài, tại nơi bêu đầu của những người bị chặt đầu (như vậy là nói về Golgotha, “núi sọ”). Nhưng Thánh Bonaventura không chỉ cho thấy Sách Khôn Ngoan cho thấy trước cuộc khổ nạn của Chúa Kitô như thế nào; ngài cũng cho thấy những lời tiên tri khác trong Cựu ước đã cho thấy trước Sách khôn ngoan như thế nào! Ví dụ, ngài kết nối Sách khôn ngoan 2:15 “Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị.” với Isaia 55: 8 “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”, và Sách khôn ngoan 2:16: “Nó coi ta như bọn lọc lừa” với Xôphônia 3:18 “Những kẻ lọc lừa đã lìa khỏi luật pháp, Ta sẽ nhóm chúng lại với nhau.”

Thói quen này của Thánh Bonaventura và các Giáo phụ chứng tỏ một chân lý của đức tin Công giáo: đó là Sách Thánh không chỉ là một tập hợp các quyển sách, mà tự nó là một tổng thể tích hợp. Không chỉ “cái mới tiết lộ cái cũ, và cái cũ che giấu cái mới,” nhưng dưới ánh sáng của Chúa Kitô, chúng ta có thể kết nối các phần khác nhau của Cựu ước với nhau mà trước đây chúng ta không thể.

Đây là cách tiếp cận của Công giáo đối với Kinh thánh: để nhìn thấy Chúa Kitô trên mọi trang, và mọi trang được kết nối với nhau trong Chúa Kitô. Các tác phẩm của Thánh Bonaventura chỉ cho chúng ta cách để làm điều này.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ

theo Aleteia.org.

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts