Người viết đã đi tìm hình ảnh một cánh cửa mở cho đôi ba giòng viết của tuần này khi đón nhận và chia sẻ sứ điệp hàng tuần của Đức Thánh Cha ở mỗi buổi kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, nhưng lại bắt gặp hình ảnh tuyệt vời của cánh cửa mộ đá giây phút Đấng Phục Sinh bước ra và ngước mắt nhìn lên cao : – cái nhìn của sự cảm tạ tri ân dành cho Thiên Chúa Cha – Đấng trao cho Người sứ vụ hoàn trả lại cho con người môi trường sống trong lành, thánh thiện của thời khởi nguyên qua những tháng năm rao giảng để giúp con người biết cách mà duy trì sự tinh nguyên ấy, qua Thương Khó và Tử Nạn để thể hiện việc thanh tẩy con người cũng như môi trường sống của con người, và qua Phục Sinh khải hoàn để – một lần nữa – con người được trao quyền chủ nhân của Tạo Dựng và cùng nhau gìn giữ Tạo Dựng luôn trong lành, tinh khôi; – cái nhìn của sự tin tưởng vào sức mạnh hoán cải của Đấng Bảo Trợ Khác, Người không ngừng lên tiếng trong tâm hồn, trong lương tâm con người để thúc giục, để kêu mời con người, kêu mời nhân loại ngừng lại những chết chóc, ngừng lại những tham vọng, ngừng lại những chiếm hữu và chiếm đoạt, ngừng lại những đen tối gây giông bão và thảm họa cho mặt đất trần gian quá ư đẹp đẽ và dễ thương này…
Dựa vào trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXI/C của thánh sử Luca với lời mời gọi của Chúa Giêsu : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,24), Đức Thánh Cha diễn giải lời mời gọi này với ba ý tưởng Ngài muốn nhấn mạnh :
*Cửa Nước Trời hẹp nhưng mở cho tất cả…
Đức Thánh Cha cho rằng hình ảnh của “cánh cửa hẹp”…có thể làm ta ngại ngần, thậm chí sợ hãi, bởi nghĩ rằng – và có lẽ hầu hết những ai nghe công bố trích đoạn Tin Mừng này trong Thánh Lễ Chúa Nhật vừa qua – thì sẽ cho rằng Ơn Cứu Độ như thế là chỉ dành cho một ít người được chọn và là những người hoàn hảo cho nên hoặc là sợ hoặc là không muốn nghe và không muốn nghĩ đến…vì thấy giáo huấn này có vẻ như không cho phép mình thỏa mãn được những tham vọng dẫy đầy nơi bản thân từng ngày…Đức Thánh Cha dạy rằng: Cánh cửa của Ơn Cứu Độ tuy là hẹp đấy, nhưng vẫn mở rộng cho tất cả mọi người…
Đức Thánh Cha cho rằng việc Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh của cánh cửa hẹp này là bởi Người nghĩ đến những cánh cổng chính của bất cư Thành Quách nào trên trần gian này đều được hạ xuống và đóng lại mỗi buổi tối, nhưng vẫn còn cánh cửa hẹp mở rộng một bên để tất cả những ai muộn màng trong công việc bên ngoài vẫn có thể vào Thành và trở về nhà minh…Cũng thế, dù muộn màng đến mấy, thì vẫn luôn có những cánh cửa nhỏ và hẹp của Tình Thương Thiên Chúa cho tất cả – bất kể họ là ai và như thế nào…Miễn là họ muốn, họ có thể ngang qua đấy mà về Nhà – Nhà Chúa và cũng là Nhà mình…
*Giêsu là cửa Nước Trời…
Vâng, trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu mạnh mẽ khẳng định : “Tôi là cửa…Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9)…Cánh cửa của sự ra/vào của con người sống tinh thần Tin Mừng Chúa đã được xác định : đấy là chính Đức Giêsu nhập thế và nhập thể để loan báo và để cứu chuộc…Qua Người – cánh cửa của Tình Yêu – con người trần gian mong manh chúng ta đi vào sự sống của Thiên Chúa…Đón nhận Chúa và Lời Chúa ở mỗi ngày sống, thực hành Lời Chúa bằng sức mạnh của Mình Máu Thánh Chúa là cách chúng ta len mình qua cửa hẹp để vào và để về…Và Đức Thánh Cha dạy rằng : cửa hẹp không phải là để dành cho một số ít, nhưng là dành cho tất cả những ai thuộc về Chúa Giêsu, những ai đi theo Người, chấp nhận dấn thân để Tình Yêu của Chúa được tỏ bày cho tất cả; cửa hẹp là thánh giá của cuộc đời mà Chúa đề nghị cho mình và bản thân đã, đang và vẫn tiếp tục từng ngày để sống – đấy là đấu tranh với chính mình để “giới hạn không gian ích kỷ, giảm bớt sự tự phụ, hạ thâp đỉnh cao của kiêu ngạo, vượt thắng tính lười biếng để có thể sẵn sàng cho tình yêu dành cho nhau và cho mọi người, đồng thời bằng lòng kê vai gánh lấy thánh giá lớn nhỏ của từng ngày sống”…Lâu dần và quen dần, Thánh Giá sẽ chỉ là “những việc tử tế”…mà ai ai cũng thích làm, bởi nó mang lại cho con người mình – cả trong lẫn ngoài – niềm vui nhẹ nhàng, siêu thoát và thanh thản…
*Cử chỉ yêu thương hằng ngày là chọn cửa hẹp…
Thật ra thì – ở mỗi con người và nơi mỗi bổn phận – chúng ta vẫn đang cố để “len” mình vào cửa hẹp cố gắng để có những hành động cụ thể diễn tả tình yêu : tình yêu trong nỗ lực “từ bỏ thời gian cho riêng mình để quan tâm đến người khác”, chẳng hạn việc cha mẹ dành thời gian cho con cái, ông bà dành thời gian cho cháu chắt, bản thân mỗi chúng ta dành thời gian cho những người già, những người nghèo và dễ bị tổn thương”…”Len” vào của hẹp của sự “chấp nhận và chịu đựng những gian khổ, những hiểu lầm”…để dấn thân sống cho và sống vì người khác…”Len” vào cửa hẹp của sự khổ đau vì đức tin nhưng vẫn miệt mài “cầu nguyện và yêu thương” cho những người tìm cách bách hại mình…”Len” vào cửa hẹp của sự cố gắng tìm cách “đáp trả cái ác bằng việc tốt”, “tìm thấy sức mạnh để tha thứ” và sự “can đảm để bắt đầu lại”…
Và để kết luận, Đức Thánh Cha đặt ra một vài câu hỏi để chúng ta tự vấn chính mình : “Anh chị em thân mến, chúng ta đứng về phía nào ? Chúng ta thích con đường dễ dãi chỉ nghĩ đến bản thân hay cửa hẹp Tin Mừng, điều này thách thức lòng vị kỷ của chúng ta nhưng lại giúp chúng ta đón nhận sự sống đích thực đến từ Thiên Chúa ? Chúng ta đang đứng về phía nào ?”…
Và Đức Thánh Cha xin với Đức Nữ Trinh Maria – Đấng đã đi theo từng bước chân Thương Khó của Chúa cho đến đỉnh Sọ – xin Mẹ giúp chúng ta đo cuộc sống của mình bằng thước đo của Người để chúng ta có thể đi vào cuộc sống tràn đấy và vĩnh cửu…
Mới đây có một Thầy ngày xưa là chú giúp ở một Giáo Xứ người viết chăm sóc…đến thăm chào…để nhập Học Viện…Người viết rất vui khi nhìn thấy những thành quả ngày càng đậm đà trên quê hương và trong Giáo Hội Việt Nam yêu dấu này…Tuy nhiên việc nêu lên những “cửa hẹp” cần phải được những người tin quan tâm để “len” vào…là chuyện cần thiết…Bởi vẫn còn đó những chuyện không đâu làm đau đầu…và không mấy Tin Mừng đối với những anh chị em “bên ngoài Thành”…vẫn ước mong một “cánh cửa hẹp” nào đó có tính chứng nhân ở từng nụ cười, từng ánh mắt nhìn, từng lời nói nhẹ nhàng…để bản thân họ cũng vui vẻ mà “len” vào…
Lm Giuse Ngô Mạnh Điệp