Hôm nay Chúa Giêsu kể một câu chuyện dụ ngôn ngắn gọn với những hình ảnh liên quan đến thái độ của chúng ta đối với tiền bạc, khiến chúng ta bị đụng chạm – bởi vì tất cả chúng ta, giầu hay nghèo, nhiều hay ít tiền của, đều là người quản lý cuộc sống của mình. Dụ ngôn mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta là cố tình gây sốc, nhắm thẳng vào mối bận tâm thường xuyên, “sát sườn” trong từng ngày sống và suốt cuộc đời của mỗi người: tiền bạc và của cải vật chất.
Dụ ngôn nhằm mục đích thách thức chúng ta bằng cách đưa ra một tình huống không hề là kiểu mẫu. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng tiền bạc hoàn toàn có thể làm lòng người ra gian dối, biến tiền bạc thành ông chủ tối cao dẫn đến việc tôn thờ tiền bạc như ngẫu tượng, vì lợi nhuận làm chai sạn tâm hồn dẫn đến coi khinh Thiên Chúa đích thực và người lân cận, như tiên tri Amốt đã cảnh báo trong Cựu ước:
“Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
Các ngươi thầm nghĩ:
“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;
bao giờ mới hết ngày sabát, để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;
cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”
Thiên Chúa đã lấy thánh danh
là niềm hãnh diện của Giacóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng”
(Amốt 8: 4-7).
Câu chuyện dụ ngôn này đặt câu hỏi cho chúng ta, là những người quản lý Nước Thiên Chúa: “Mình sẽ làm gì đây?” (Lc 16: 3). Thiên Chúa cho chúng ta sinh ra làm con người, giao thời gian và mọi điều kiện vật chất, tinh thần, gia đình, xã hội, nghề nghiệp… cho chúng ta và mời gọi chúng ta làm cho nó sinh hoa kết quả. Chúng ta phải làm việc thế nào để của cải của chúng ta, tức là mọi điều kiện Thiên Chúa ban không trở nên cớ cho “Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông” (Lc 16: 1). Dụ ngôn này khiến chúng ta liên tưởng đến dụ ngôn người con hoang đàng của tuần trước: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (Lc 15,12-13). Rồi giống như trong dụ ngôn này, chúng ta phải đối mặt với một tình huống nguy cấp “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (Lc 16: 2). Chúng ta trước sau sớm muộn gì thì cũng phải “tính sổ” với Thiên Chúa về cung cách quản lý đời mình “để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ” (Lc 16: 4). Thế thì, điều gì là thực sự căn bản trong cuộc đời của chúng ta?
Trong dụ ngôn, người quản gia, dù đang ở một tình huống khó khăn, nhưng bằng một hành động lanh ý biết tận dụng các mối quan hệ, đã lèo lái xoay chuyển tình thế, lấy lại sự tự tin để bằng một cách khác huy động những gì anh ta sẽ mất. “Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (Lc 16: 4). Người ấy có một ý tưởng khôn khéo, một hành động táo bạo và mau lẹ đáng kể: “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ôliu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi” (Lc 16: 5-7).
Một số nhà chú giải đã giải thích cho điều có vẻ rất ngạc nhiên đối với chúng ta. Đối với một số nhà chú giải, người quản gia này biết nhận ra các trường hợp khẩn cấp và đối mặt với chúng bằng sự quyết đoán. Anh ta đã sử dụng quyền lực tạm thời của mình để tạo ra một sự an toàn lâu dài mai sau cho bản thân. Theo những nhà chú giải khác, anh ta đã trả lại công bằng xã hội cho các con nợ của ông chủ và tạo nên các mối quan hệ bạn bè cho mình.
Tất nhiên, đây là chuyện “không trung thực”, nhưng nhà phú hộ vẫn khen ngợi người ấy: “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (chứ không phải khôn ngoan! Lc 16: 8).
Nhưng sự ngưỡng mộ của người chủ, và của Chúa Giêsu, không phải vì hành động bất lương của người quản gia, mà là vì tính cách khôn khéo và phản ứng mau lẹ tức thời của người bị dồn vào đường cùng, khiến anh ta dám sử dụng phung phí của cải của ông chủ để tạo ra các mối quan hệ bạn bè vốn có thể sẽ đem lại lợi ích cho bản thân, bằng việc sử dụng quyền hành vẫn còn trong tầm tay của mình.
Chúa Giêsu nhận thấy rằng “con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16: 8). Đối với chúng ta, những người mà Ngài đang ngỏ lời, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta biết áp dụng sự khôn khéo của con cái đời này khi họ giải quyết một vấn đề nhỏ, vốn chỉ là những gì bên ngoài, vào lãnh vực tinh thần, là của cải đích thật của chúng ta: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè” (Lc 16: 9).
Dựa trên lời này của Chúa Giêsu, có thể một số người sẽ nói ngay:
- Kim ngân phá luật lệ – Nén bạc đâm toạc tờ giấy.
- Giàu tiền tài, nhân nghĩa tận – Của làm hại người.
- Chị em hiền thật là hiền, động đến đồng tiền mất cả chị em.
Có thể là Chúa Giêsu sẽ không đồng ý với họ. Vì Chúa Giêsu khi còn ở Nadarét, tiếp nối công việc thợ mộc của cha nuôi mình là Thánh Giuse, hẳn biết rõ sự tự hào chính đáng của người kiếm sống bằng công việc tay mình làm ra. Ngài biết cái giá xứng đáng của một công việc được hoàn thành tốt, và giống như bất cứ người thợ thủ công tận tâm nào, Ngài trông đợi vào tiền công của mình và biết rõ rằng Mẹ Marie cũng đang trông đợi vào tiền công đó dù Mẹ không nói một lời nào.
Hơn nữa, khi một nhóm đệ tử được lập ra: họ phải chi tiêu dè sẻn, gần như dựa vào mấy đồng xu của Ngài, đó là sự thật. Chúng ta cũng hãy nhớ đến những người phụ nữ ít ỏi đã theo Đức Giêsu, từ thuở ban đầu ở Galilê, và “Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Chúa Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,3). Mười ba người đàn ông, không thể sống mà không có nhu cầu thiết thực hàng ngày! Chắc chắn, Chúa Giêsu đánh giá cao sự giúp đỡ của những người phụ nữ này, và không bao giờ nói với họ: “Tiền của các bà, cứ giữ lấy đi, nó bất chính, của làm hại người!”
Vậy, trong mắt Chúa Giêsu, “tiền của bất chính” là gì? Tất nhiên, đó là sự chiếm đoạt không trung thực; tiền đó trở thành một thứ quyền lực mù quáng của sự bất công hoặc áp bức, và trên hết tiền bất chính làm cho những người sở hữu nó hoặc những người ham muốn nó thành nô lệ cho nó. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không dùng từ bình thường để gọi tên tiền bạc, mà dùng từ mâmôn, mà trong đạo Do Thái vào thời Chúa Giêsu dùng để chỉ của cải, những gì đạt được nhưng thường là lợi bất cập hại, nhưng cũng dùng để chỉ những sự an toàn ảo tưởng của thế gian, đối nghịch với lòng tin tưởng của “những người nghèo” của Israel vào Thiên Chúa của họ.
Theo nghĩa đó, đoạn Tin mừng này cho chúng ta một bản tóm tắt về tất cả lời dạy của Chúa Giêsu về tiền bạc.
Trước hết, tiền bạc phải được sử dụng để tạo nên bạn hữu cho chúng ta, những người sẽ tiếp đón chúng ta như anh em trong cuộc sống mai sau, nơi tiền bạc sẽ không còn cần thiết, đối với chúng ta cũng như đối với họ. Điều này có lẽ kết hợp với một lời khác của Chúa Giêsu: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6,19-21).
Rồi thì, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng sự lương thiện của chúng ta trong những việc trần thế cho phép Thiên Chúa tin tưởng giao phó cho chúng ta những việc thuộc về Nước Trời: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?” (Lc 16: 10-11). Trước tiên, là những người quản lý của cải của trần thế này, chúng ta dần dần cộng tác với Thiên Chúa trong công việc cứu chuộc vĩ đại. Đây là “của cải chân thật”, tài sản của chúng ta, là con cái, những người thừa tự của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Chúa Kitô.
Cuối cùng, Chúa Giêsu nói: “không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ” (Lc 16: 13). Không thể làm tôi hai chủ: bởi vì lòng dạ con người sẽ không thể quy hướng trọn vẹn về cả hai chủ. Lời cảnh báo của Chúa Giêsu rất thông thường: hai chủ có thể vừa là Thiên Chúa vừa là vinh quang của con người, Thiên Chúa và lòng tự yêu bản thân, Thiên Chúa và tính ích kỷ, Thiên Chúa và lạc thú, Thiên chúa và cuộc sống dễ dãi, hoặc lại là Thiên Chúa và thói ham quyền lực; nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh vào một ví dụ cụ thể: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16: 13), nghĩa là vừa làm tôi Thiên Chúa vừa chạy theo những mối lợi bất cập hại, những sự an thân nhất thời.
Một ngày nào đó chắc chắn tất cả tài sản của chúng ta sẽ trở nên vô dụng, và tất cả những gì phục vụ cho tiền bạc đều không nghĩa lý gì; nhưng điều này không được làm giảm lòng tin cậy của chúng ta nơi Thiên Chúa hoặc lòng nhiệt thành của chúng ta phục vụ Ngài trong cuộc sống hàng ngày mà Ngài ban cho chúng ta. Điều quan trọng là “dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật” (Lời nguyện nhập lễ Chúa nhật thứ 21) .
Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,34). Khi chúng ta ý thức được rằng lòng mình không còn ở với Chúa, không còn thuộc về Chúa, hoặc chỉ còn thuộc về Chúa một cách thoáng qua, câu hỏi tự đặt ra cho bản thân sẽ là: đâu là điều khát khao đang chiếm giữ lòng tôi? Kho tàng khác của tôi ở đâu?
Phêrô Phạm Văn Trung