Có thời cha Trần Đình Long được gọi là cha Long Lòng Thương Xót đã rất nổi tiếng không những từ nam ra bắc mà còn trên khắp thế giới. Sự nổi tiếng và hấp dẫn của vị linh mục này chính là nhờ ở tài thuyết giảng cũng như việc … đặt tay chữa bệnh. “ Tuy nhiên ông vướng vào nhiều cáo buộc liên quan đến việc cho người lên làm chứng các phép lạ chưa được giáo quyền kiểm chứng ngay trong Thánh Lễ cũng như việc ông đặt tay cầu nguyện xin ơn chữa lành và gieo rắc quan điểm giữ đạo vì phép lạ. Cũng có một số cáo buộc cho rằng ông làm giả nhân chứng để đánh bóng tên tuổi…
…Trước những cáo buộc này, giám quản Giu Se Đỗ Mạnh Hùng đã thuyên chuyển ông từ Giáo Điểm Tin Mừng nơi ông đang làm quản xứ để về TTMV của tổng giáo phận vào tháng 7 năm 2019” ( Wilkipedia ).
Có sự thật đó là một đàng nhờ khả năng thuyết giảng và đặt tay … chữa bệnh mà cha Long đã hấp dẫn lôi cuốn được nhiều người. Đàng khác, người ta tuốn đến với vị linh mục ấy cũng chỉ vì hy vọng được chữa cho khỏi bệnh ! Chữa và cầu xin được chữa bệnh đó là nhu cầu thiết thân của con người. Tuy nhiên đó không phải là mục đích của tôn giáo. Hơn thế nữa đó hoàn toàn cũng không phải là mục đích của Lòng Thương Xót mà Chúa Giê Su qua thánh Faustina muốn đem đến cho nhân loại hôm nay:
Chúa Giê Su phán: “ Con sẽ chuẩn bị thế giới cho lần đến sau cùng của Cha ( NK 429 ). Còn Đức Mẹ thì nói: “ Mẹ đã ban Đấng Cứu Độ cho thế giới còn con, con phải nói cho thế giới biết về lòng thương xót bao la của Người và chuẩn bị cho thế giới tiếp đón Người đến lần thứ hai, Người không đến trong tư cách Đấng Cứu Độ Nhân Lành nhưng trong tư cách Thẩm Phán Chí Công” ( NK 635 ).
Qua lời Chúa và Đức Mẹ đây cho thấy sứ mạng được trao của Thánh Faustina là để chuẩn bị cho Ngày Chúa đến và ngày ấy ai cũng biết đó là ngày kinh hoàng đã được báo trước trong Kinh Thánh: “ Liền sau cơn tai nạn của những ngày ấy thì mặt trời sẽ tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các từng trời bị rúng động. Bấy giờ điềm Con Người sẽ hiện ra ở trên trời. Mọi chi phái dưới đất sẽ đấm ngực than khóc và thấy Con Người lấy đại quyền, đại vinh ngự trên mây trời mà đến” ( Mt 24, 29 -30 ).
Ngày Chúa đến như vậy thật đáng kinh hãi, tuy nhiên với những ai còn có đức tin thì đó lại là ngày … hy vọng đợi chờ. Chẳng phải trong các Thánh Lễ hàng ngày cũng như khi đọc Kinh Tin Kính, người Công giáo chúng ta vẫn tuyên xưng và chờ đợi Ngày Chúa Đến hay sao ?
Nói đến … chờ đợi thì đương nhiên cần có sự chuẩn bị và để chuẩn bị cho ngày trọng đại ấy, Chúa Giê Su Ki Tô đã trao cho Thánh Faustina sứ mạng truyền bá Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót hầu thoát khỏi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa: “Chúa nói: Lời kinh này có thể làm nguôi cơn nghĩa nộ của Cha. Con hãy đọc kinh ấy trong chín ngày, lần theo Tràng Chuỗi Mân Côi và đọc theo cách này: Trước tiên con hãy đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng một Kinh Tin Kính. Sau đó với những hạt Kinh Lạy Cha con hãy đọc: Lạy Cha Hằng Hữu con xin dâng lên Cha, Mình và Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giê Su Ki Tô Chúa chúng con để đền vì tội tỗi chúng con và toàn thế giới. Khi gặp những hạt Kinh Kính Mừng con hãy đọc: Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê Su Ki Tô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Để kết thúc con hãy đọc ba lần câu: Lạy Đấng Chí Thánh là Thiên Chúa Toàn Năng hằng Hữu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới” ( NK 474 – 76 ).
Với những lời kinh trên đây cho thấy không hề có bất cứ ý nào xin Chúa…chữa cho mình khỏi bệnh hoặc ơn này ơn khác nhưng tất cả là để nài xin Lòng Thương Xót Chúa cho toàn thế giới. Thánh Faustina viết trong Nhật Ký: “ Ôi Thiên Chúa của con, con ý thức được sứ mạng của con trong giáo hội. Đó là phải luôn cố sức nài xin Lòng Thương Xót của Chúa cho thế giới. Con kết hợp mật thiết với Chúa Giê Su và đến trước Thánh Nhan Người như một hiến lễ hy sinh đền tạ vì thế giới. Thiên Chúa sẽ không khước từ điều gì khi con khẩn nài bằng tiếng nói của Con Một Người. Hy sinh của con tự nó chẳng là gì nhưng khi được liên kết với hiến tế của Chúa Giê Su Ki Tô nó sẽ trở nên toàn năng và có sức làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa” ( NK 482 ).
Tại sao khi đọc Chuỗi kinh Lòng Thương Xót lại có thể làm nguôi cơn nghĩa nộ của Thiên Chúa ? Đó là vì Thiên Chúa là Đấng … nội tại cũng là Bản Thể Tình Yêu ở nơi mỗi người “Hỡi kẻ yêu dấu, chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Sự thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Thiên Chúa đã sai Con Một Ngài đến thế gian hầu cho chúng ta nhờ Con mà được sống. Sự thương yêu ở trong điều này: Chẳng phải chúng ta đã yêu thương Thiên Chúa nhưng Ngài đã thương yêu chúng ta và sai Con Một Ngài vì tội lỗi chúng ta mà làm cuộc tế lễ vãn hồi” ( 1Ga 4, 7 -10 ).
Thiên Chúa, Bản Thể Tình Yêu ấy cũng chính là Đấng Cha mà Đức Giê Su Ki Tô mạc khải cho con người: “Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ). Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha nhưng cũng chính vì việc ấy, Ngài đã bị người Do Thái xưa kia tố cáo là lộng ngôn để rồi giết chết ( Lc 22, 70 -71 ). Còn ngày nay, thần học hay nói đúng hơn là các giới chức có thẩm quyền cao nhất trong giáo hội đã đang tâm phản bội Người. Trong một thị kiến, Chúa Giê Su nói với Faustina: “ Con hãy nhìn xem nhân loại trong tình trạng hiện thời. Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy những điều kinh hoàng: Các lý hình bỏ mặc Chúa Giê Su ở lại đó và có những người khác tra tay đánh đập Người, họ nắm chặt những chiếc roi tua và đánh đập Chúa một cách dã man. Những người này là các linh mục, các tu sĩ nam nữ và các vị có thẩm quyền cao sang trong giáo hội, điều này đã làm tôi thất kinh. Cũng có những giáo dân đủ mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh sống, tất cả đều trút những lời thóa mạ vào Chúa Giê Su vô tội. Nhìn thấy cảnh tượng này, trái tim tôi như lâm vào tình trạng hấp hối…
…Trong khi chịu những lý hình đánh đập, Chúa Giê Su vẫn im lặng và nhìn vào khoảng không nhưng khi những linh hồn mà tôi vừa nói đến đánh đập Chúa thì Người nhắm nghiền mắt lại và có tiếng rên rỉ thống thiết phát ra từ Trái Tim Người. Chúa Giê Su cho tôi biết tường tận về sự nặng nề xấu xa của những linh hồn vong ân bội nghĩa này. Con hãy coi đây là một cực hình còn ghê rợn hơn cả cái chết của Cha” ( NK 445 ).
Tại sao những đòn roi của bọn lý hình đã không làm Chúa đau khổ cho bằng sự phản bội của các linh mục, giám mục, hồng y, v.v…? Đó là vì những con người ấy đã được lãnh nhận những hồng ân lớn lao của Chúa hơn nữa họ đã được Thánh Hiến để phục vụ Dân Chúa nhưng không bước theo Con Đường Thập Giá Chúa Ki Tô: “ Vì lắm kẻ đã ăn ở như tôi đã ghe phen nói với anh em lại nay cũng khóc mà nói nữa rằng: Họ là thù nghịch với Thập Giá Đức Ki Tô, kết cuộc của họ là hư mất, thần của họ là cái bụng. Họ lấy sự nhơ nhuốc mình làm vinh hiển, họ chỉ chí hướng về những việc thuộc về đất” ( Pl 3, 18 -19 ).
Chí hướng những việc thuộc về đất, đó chẳng phải là… đưa giáo hội vào Con Đường Tục Hóa đó sao ? Gây nhân nào sẽ tạo quả đó và cái quả của nhân loại hiện nay đang gánh chịu đó là họa diệt vong đã gần kề với những thiên tai dồn dập, nguy cơ chiến tranh hạt nhân là điều khó tránh khỏi !
Chúa và Đức Mẹ vì lòng thương xót bao la qua Thánh Faustina đã ban lời cảnh báo cùng với những phương thế thực hiện hầu thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, thế nhưng liệu con người có tin hay không đó mới là vấn đề… Có tin Chúa mới thực hành Lời Chúa. Ngày nay lòng tin vào Chúa Giê Su hầu như đã cạn kiệt và nguyên nhân ấy chính là vì người ta đã không thực thi lời Ngài: “Sao các ngươi gọi Ta: Chúa, Chúa mà không làm theo lời Ta dạy bảo ?” ( Lc 6, 46 ).
Có vâng theo lời Chúa đem ra thực hành mới thấy đó là lời chân thật, hằng sống, ví dụ Chúa nói Bỏ Mình ( Lc 9, 23 ) mà vẫn không từ bỏ đố kỵ, tham lam, ganh ghét, gian lận v.v…thì làm sao Lời Chúa có thể sống động ở nơi mình ? Lời Chúa là để cho ta sống và muốn sống Lời Chúa là lời chân lý thì nhất thiết cần làm cuộc chuyển hóa ở nơi mình. Tại sao ? Bởi vì người ta dù có đọc, nghe, nghiên cứu, giảng giải lời Chúa nhiều đến đâu nhưng nếu không để Lời Chúa thay đổi cuộc đời mình thì Lời Chúa chỉ là những khái niệm chết khô chẳng chút chi ích lợi…
Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót do Chúa Giê Su truyền dạy Thánh Faustina với mục đích để van xin Lòng Thương Xót Chúa, bởi đó cho nó không thể chỉ có ở ngoài môi, ngoài miệng. Thánh Faustina cho biết giá trị thực của Chuỗi Kinh này: “Ôi, giá như các linh hồn chỉ lắng nghe ít là một chút tiếng nói của lương tâm và tiếng nói tức là những soi động của Chúa Thánh Thần. Tôi nói…ít là một chút, chỉ vì một khi chúng ta mở lòng cho tác động của Chúa Thánh Thần thì Người sẽ hoàn tất những gì còn thiếu nơi chúng ta” ( Nk 359 ).
Tác động của Chúa Thánh Thần là để … chuyển hóa. Thông thường chúng ta cầu nguyện chỉ với mục đích là để xin ơn này ơn khác mang tính vị kỷ. Điều đó không có gì là…không phải thế nhưng nó không thể khiến chúng ta được chuyển hóa bởi lẽ mọi chuyển hóa đều diễn ra ở nơi…Tâm.
Mặc dầu ai cũng thấy là mình sống với thân thể nhưng thật ra là sống với tư tưởng. Xác thân chỉ là vật trung gian để cho tư tưởng phát huy. Có tư tưởng ăn mới…ăn, cũng vậy có tư tưởng đi, đứng, nằm, ngồi … thì mới đi, đứng, nằm, ngồi. Nói tóm lại có tư tưởng mới có hành động, có tư tưởng lành thiện sẽ làm điều lành thiện mà làm điều lành thiện sẽ được hưởng an vui, hạnh phúc. Trái lại có tư tưởng xấu ác sẽ làm điều xấu ác mà làm điều xấu, ác sẽ gặp bất hạnh, khổ đau.
Đặt vấn đề chuyển hóa có nghĩa là làm sao chuyển tư tưởng từ xấu, ác sang lành, thiện. Tuy nhiên chuyển hóa như vậy là rất khó lý do bởi vì tư tưởng không được kiểm soát. Thánh Phao Lô nói: “Vậy tôi thấy trong tôi có luật này: Khi tôi muốn làm điều thiện thì điều ác lại cặp theo tôi. Vì theo người bề trong tôi vẫn vui thích luật pháp của Thiên Chúa nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một luật khác chiến đấu với luật trong tâm trí tôi, bắt tôi làm nô lệ cho luật của tội lỗi vẫn ở trong chi thể tôi. Ôi, tôi là kẻ khốn nạn dường nào ! Ai có thể giải cứu tôi khỏi thân thể của sự chết này ?” ( Rm 7, 21 -24 ).
Luật của tội lỗi ở đây chẳng qua đó là do cái Nghiệp xấu ác mà con người đã vướng vào, Nghiệp gọi đích danh đó là Nghiệp Thức, bởi như đã biết tư tưởng là cái quyết định cho mọi hành động. Một tư tưởng nào đó cứ được lập đi lập lại theo thói quen có chủ ý sẽ tạo thành cái Nghiệp của người đó. Trong lãnh vực tâm linh, việc lập đi lập lại ấy, Chúa Giê Su gọi là… chứa: “Người thiện do lòng chứa thiện mà phát ra điều thiện. Kẻ ác do lòng chứa ác mà phát ra điều ác. Vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” ( Lc 6, 45 ).
Nghiệp là do tích chứa nhưng nó không phải là cái gì cố định nên có thể chuyển từ mê sang ngộ, từ phàm sang Thánh. Chuỗi Kinh Lòng Thương Xót chính là phương thế để cho ta có thể làm cuộc chuyển hóa ấy với điều kiện là phải …kiểm soát được tư tưởng mình.
Việc thực hành Chuỗi Kinh LTX trước đây tại Giáo Điểm Tin Mừng Nhà Bè cũng như tại các giáo xứ hiện nay tất cả đều mang tính chất cộng đoàn và vì thế không thể tránh ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố ngoại lai. Chẳng hạn như về cơ sở vật chất, về thời gian về các phương tiện âm thanh v.v. Mặt khác và đây là vấn đề quan trọng, hoàn toàn không thích hợp cho việc chuyển hóa đó là sự chia lòng chia trí. Thật vậy, việc đọc kinh chung cùng với cộng đoàn khiến người ta có thể chia lòng chia trí cách nặng nề mà không hề hay biết. Chia trí tức là…phân tâm mà phân tâm thì sao có thể chuyển hóa ?
Muốn chuyển hóa thì phải kiểm soát được tư tưởng nhưng kiểm soát bằng cách nào ? Đó là nhờ phương pháp gọi là “Chủ, Khách”. Chủ là cái niệm tưởng tin cậy hằng giữ ở nơi mình. Còn khách là những niệm tưởng cần kiểm soát. Người đời thường bị các tư tưởng sai khiến bất kể chúng là thiện hay ác. Hành động chỉ theo thói quen, bất cập hoặc theo ý riêng mình. Tâm khi ấy giống như nhà không chủ, để mặc cho lòng tham, lòng ghen tương, đố kỵ lôi kéo đến khi phạm phải những điều xấu, ác thì sự … đã rồi.
Toàn bộ Chuỗi Kinh LTX là do Chúa mạc khải, thế nên nó được ví sắc bén như gươm hai lưỡi: “Vì lời Chúa là lời hằng sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy, biện biệt tư tưởng và ý định của lòng” ( Dt 4, 12 ).
Lời Chúa chứa đựng trong Chuỗi Kinh LTX là những lời van xin Lòng Thương Xót nhờ cuộc khổ nạn của Chúa Giê Su Ki Tô cho toàn thế giới bởi đó cho nên có năng lực rất lớn để thắng vượt những tư tưởng mê muội, tham lam, ganh ghét đố kỵ ở nơi con người. Mặt khác, lấy những lời kinh ấy làm chủ, chúng ta có thể kiểm soát được tư tưởng và khi tư tưởng được kiểm soát thì nó không thể tác hại được nữa. Nhà Thiền có câu: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì” ( Không sợ lòng tham, sân khởi, chỉ sợ giác ( biết ) chậm ).
Khi nhận biết được sự phát khởi của tư tưởng, chúng ta đã kiểm soát được chúng và nếu cứ tiếp tục thực hành Chuỗi Kinh như vậy đó là chúng ta đã chuyển hóa được mình. Điều này cần có sự nhất tâm có nghĩa không để cho những tạp niệm mà người Công giáo gọi là chia lòng chia trí xen vào. Nhiều khi sự chia trí ấy nặng nề đến nỗi nó xúi giục chúng ta không thể tiếp tục thời kinh v.v…
Nhất tâm, nói cách dễ hiểu gọi là một lòng một dạ và khi chúng ta một lòng một dạ trong việc kính mến Chúa, thực hành Lời Chúa thì chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời: “Vậy Thiên Chúa há chẳng thân oan cho tuyển dân Ngài là kẻ đêm ngày kêu cầu Ngài, dẫu Ngài đã nín nhịn họ quá lâu rồi ư ? Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ kíp thân oan cho họ. Dầu vậy, khi Con Người đến há sẽ tìm được đức tin trên đất này chăng ?” ( Lc 18, 7 -8 )./.
Phùng Văn Hóa