SÁM HỐI VÀ HOÁN CẢI ĐỂ DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN

Các bài đọc nghe rất tương phản! Đầu tiên là tiên tri Isaia. Ông gợi lên một thế giới mới, được biến đổi hoàn toàn. Bằng cách đó, ông củng cố niềm hy vọng của những người đương thời: Đấng Thiên Sai đang đến! Ngài sẽ rất khác với các vua trần gian:

Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài,

cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói

(Isaia 11: 3)

Dù nguồn gốc của Đấng Mêsia sẽ rất yếu ớt và mỏng manh, giống như một nhánh cây mọc ra từ gốc cây bị đốn hạ:

Từ gốc tổ Giétsê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ,

từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non

(Isaia 11: 1),

nhưng Thiên Chúa sẽ làm điều gì đó vĩ đại cho những nỗi khốn khổ và sự nghèo khó của chúng ta:

Nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng,

và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở.

Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở,

hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà.

Đai thắt ngang lưng là đức công chính,

giải buộc bên sườn là đức tín thành

 (Isaia 11: 4-5).

Do đó, Isaia mô tả thế giới hòa bình hạnh phúc “như trong mơ” sẽ tiếp theo sau việc Đấng Mêsia đến:

Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ.

Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau,

một cậu bé sẽ chăn dắt chúng.

Bò cái kết thân cùng gấu cái,

con của chúng nằm chung một chỗ,

sư tử cũng ăn rơm như bò.

Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục,

trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.

Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá

trên khắp núi thánh của Ta,

vì sự hiểu biết Chúa sẽ tràn ngập đất này,

cũng như nước lấp đầy lòng biển

(Isaia 11: 6-9).

Tất cả việc này sẽ được Thiên Chúa thực hiện khi mầm non Giétsê xuất hiện và đứng lên:

Đến ngày đó, cội rễ Giétsê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân.

Các dân tộc sẽ tìm kiếm Ngài,

và nơi Ngài ngự sẽ rực rỡ vinh quang

(Isaia 11: 10).

 

Ngược lại, trong Tin Mừng Mátthêu, Gioan Tẩy Giả đưa ra những lời khó lọt tai thính giả của ông, “nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa”, và có lẽ cả chúng ta ngày nay, khi ông nói về Đấng Thiên Sai sắp đến: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” (Mt 3:7). Đấng Mêsia được hứa là Chúa Giêsu: “Ngài sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11).  Thời điểm nghiêm trọng và cấp bách: “Tay Ngài cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Mt 11:12). Ngày giờ phải hoán cải đã đến, đã đến lúc thay đổi cách sống, suy nghĩ và yêu thương: “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối” (Mt 3: 11). Cái rìu đã kề vào gốc cây nào không sinh trái tốt: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3: 10), nhưng quay về với Chúa vẫn chưa muộn, vì sứ mệnh của Gioan Tẩy giả là “đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” bởi vì “ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mt 3: 3).

Isaia nói với những người cùng thời với ông đang bị lưu đày về lời hứa của Thiên Chúa, là lời loan báo về kế hoạch vĩ đại của Ngài dành cho nhân loại. Dự án này đã hình thành kể từ khi Chúa Giêsu đến xác nhận rằng Nước Thiên Chúa đã rất gần. Thiên Chúa đang hoạt động ở mọi nơi: trong Giáo hội, trong xã hội và trong mỗi người chúng ta, một cách kín đáo và không phô trương. Đây là cách hành động thông thường của Thiên Chúa, không áp đặt bằng vũ lực và sợ hãi. Chung quanh chúng ta không thiếu những cảnh huống bình thường hàng ngày, nhưng lại giống như những chồi non bé nhỏ của cuộc sống, qua đó chúng ta có thể nhận ra dấu chỉ của “Nước Trời đã đến gần” (Mt 11: 1). Vì vậy, chúng ta đừng tiếp tục sống trong một thứ “hoang địa miền Giuđê” (Mt 11: 2) với tâm thế khô khan nguội lạnh của những người thờ ơ hững hờ và vô vọng, không còn biết “tìm kiếm Thiên Chúa, và nơi Ngài ngự sẽ rực rỡ vinh quang” (Isaia 11: 10). Ngược lại, chúng ta hãy nuôi dưỡng trong trái tim mình sự khát mong Nước Trời. Đó là luôn luôn hoán cải, chuẩn bị gặp gỡ và đón nhận Đấng Mêsia, Đấng Cứu Tinh, trong  hoàn cảnh sống của mình. Tất cả mọi Kitô hữu đều đã gặp được Chúa Kitô ngay từ khi lãnh nhận Phép Thánh Tẩy. Nhưng cuộc sống với vô vàn đa đoan và nhiễu nhương của nó thường xuyên khiến cho chúng ta quên mất cuộc gặp gỡ này! Do vậy, hoán cải là dọn lòng tìm về với Đấng mà ta đã hơn một lần gặp gỡ: “dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mt 3: 3). Hoán cải là chuyện mong tìm lại được giây phút gặp gỡ ban đầu. Hoán cải là một cuộc hành trình suốt đời, một cuộc hành trình trở về với yêu thương, với “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Gioan 4: 16). “Chỉ khi gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống trong Chúa Kitô, chúng ta mới biết thế nào là sự sống. Chúng ta không phải là sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của quá trình tiến hóa. Mỗi người chúng ta là kết quả của một ý nghĩ của Chúa. Mỗi chúng ta đều có ý chí, mỗi chúng ta đều được yêu thương, mỗi chúng ta đều cần thiết. Không có gì đẹp hơn là ngạc nhiên trước Tin Mừng, trước cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Không có gì đẹp hơn là được biết Ngài và nói với người khác về tình bạn của chúng ta với Ngài.” (Bài giảng khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng của ĐTC Bênêđictô XVI, tại Quảng trường Thánh Phêrô, Chúa nhật 24 tháng 4 năm 2005). Đó là việc lớn của một đời người. Hôm nay là thời điểm không thể bỏ lỡ để thay đổi.

Và luôn chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi! Thay đổi đòi hỏi sự quyết tâm chủ ý, sáng suốt, sức lực và sự liên tục trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện các nghi thức tôn giáo như chịu phép Rửa tội, nhưng theo kiểu rửa tội ở sông Giócđan, là chưa đủ nếu không có lòng sám hối và hoán cải, thay đổi cuộc sống bê tha trong tội lỗi, và nếu không để cho Chúa “làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11).  Đừng tự mãn rằng chúng tôi là thành viên của một nhóm các tín hữu đạo đức: “Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Abraham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham” (Mt 3:9). Hành động phải thực hiện trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, các nghi lễ chỉ là những cành khô không trái và bị đốt cháy, chẳng là gì ngoài rơm rạ vô dụng không sinh ra hạt lúa mì nào.

Trong Nước Thiên Chúa, mọi cánh cửa đều rộng mở. Chúa không từ chối một ai. Ngài không phải là người tiều phu chặt liều bất cứ cây nào. Ngọn lửa của Thiên Chúa không phải là sự hủy diệt. Đó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, ngọn lửa của sức sống và sức mạnh.

Mùa Vọng là thời gian hoán cải của chúng ta, thời gian để thay đổi tâm hồn chúng ta, để có thái độ phục vụ, tiếp đón người khác và biểu lộ lòng thương xót đối với rất nhiều người bị tổn thương trong cuộc sống. Vào thời điểm các cộng đoàn tín hữu đầu tiên thành hình, một số Kitô hữu có gốc gác là Do Thái giáo, những Kitô hữu khác có gốc gác ngoại giáo, điều này không tạo điều kiện thuận lợi cho sự thống nhất. Do đó, Thánh Phaolô mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy đón nhận nhau và coi nhau là bình đẳng, bày tỏ sự kiên nhẫn đối với những khác biệt nơi mọi người và đón nhận họ với tâm tình hiệp nhất: “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 15: 5-6).

Do đó, sự hoán cải của chúng ta không chỉ diễn tả bằng lời, mà thực sự là bằng tất cả những cử chỉ cụ thể này mà chúng ta muốn thực hiện để biểu lộ sự thay đổi đã diễn ra trong chúng ta: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa” (Rm 15: 7).

Hôm nay chúng ta hãy chú ý đến lời kêu gọi khẩn cấp của Gioan Tẩy giả để rời khỏi con đường sự chết và chọn con đường sự sống. Đằng sau những lời giận dữ gay gắt của ông, lại là sự dịu dàng quá dư của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không thể chấp nhận để bất cứ người con nào của mình bị lạc mất, dù họ là dân riêng của Ngài trong Cựu ước, “những người được cắt bì”, hay “các dân ngoại” là chúng ta ngày nay, như Thánh Phaolô xác quyết: “Thật vậy, tôi xin quả quyết: Đức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì, để thực hiện những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ, đó là do lòng trung thành của Thiên Chúa. Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Ngài, như có lời chép: Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa” (Rm 15: 8-9).

Vì vậy, suốt trong Mùa Vọng này, và suốt cả cuộc đời, chúng ta hãy nhắc lại quyết tâm của chúng ta: “Hãy dọn sẵn con đường cho Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi” (Mt 3: 3).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts