Cách đây mấy năm, Khiêm con trai tôi làm việc tại Sài Gòn có về thăm đưa cho cuốn“ Pháp Luân Đại Pháp” và nói hay lắm, ba nghiên cứu thử xem. Tôi đọc thoáng qua vài trang rồi…bỏ bẵng từ đó đến hôm qua ( 30/11/2022 ) nghe tin cái chết của Giang Trạch Dân, người đã tàn hại Pháp Luân Công bằng cách… bắt bỏ tù, mổ sống cướp nội tạng ! Tôi bèn tò mò mở trang mạng, đọc được một bài có cái tựa hấp dẫn:“ Tâm tình một người Công giáo gắn bó với Pháp Luân Công: Duyên Phận” của Trúc Lâm.
Tự giới thiệu là người Công giáo, được rửa tội từ thời còn ẵm ngửa và đã gắn bó với PLC hơn mười năm nay. Là một nhà báo Công giáo kỳ cựu, từng cộng tác với cả báo in lẫn báo mạng và để chứng minh cho…uy tín của mình, ông đã trưng dẫn nhiều bức ảnh chụp trong đó có bức tay trong tay thân mật với đức hồng y TGM Phạm Minh Mẫn và bức hình của ĐTC Gioan Phao Lô 2 có chữ ký đề tặng ( 3/11/1993 ) của ngài v.v…
Việc bỏ đạo Công giáo để theo PLC theo lời kể của ông này cũng rất chi là cam go: “ Dù là người rất gia trưởng và độc đoán nhưng tôi vẫn tự cho rằng ở mức độ chấp nhận được. Sau những phát hiện qua nhiều trải nghiệm cụ thể, thiết thân về PLC nhưng vì thiếu kiềm chế, tôi đã bị làm hại bởi tâm hoan hỷ ( Quá vui mừng, phấn khích ). Tôi bày tỏ ý định muốn dẹp bỏ bàn thờ Chúa. Dù chưa là giông bão nhưng ngay lập tức sóng gió đã nổ lên. Gia đình cho rằng, tôi đã bị điên loạn hoặc tâm thần đang có vấn đề và kịch liệt phản đối. Tôi đã biết mình sai lầm nghiêm trọng”.
Tác giả nói mình sai lầm nghiêm trọng, thế nhưng sai lầm ấy không phải do đã chọn PLC nhưng chỉ vì quá nôn nóng muốn…dẹp bỏ ngay Bàn Thờ Chúa tức bỏ đạo cách dứt khoát không chần chờ ??? Sau khi bị gia đình phản đối, ông đã thay đổi chiến thuật bằng cách tự nguyện làm những việc mà xưa nay chưa từng mó tay vào chẳng hạn như là rửa chén bát, quét nhà, giặt đồ và thực hiện những công việc linh tinh khác cách tích cực…
Với những hành vi bề ngoài như thế, dần dần ông đã… cảm hóa được bà vợ, theo ông là rất ngoan đạo nhưng bề trong thì ông đã hoàn toàn dứt khoát: “ Thời kỳ đầu, cùng với vợ, tôi vẫn đi lễ bình thường nhưng với tâm thể đang thực hiện một công việc, trong lòng vẫn thầm niệm Pháp. Đi, để phù hợp tối đa với xã hội người thường và cũng để…Nội Tướng vui lòng”.
Tuy bề ngoài như thế nhưng bà vợ vẫn chưa thực sự an tâm. Chính ông đã thuật lại nỗi niềm của bà ấy như sau: “ Tôi yếu lắm rồi và sẽ chết không nhắm mắt nếu ông vẫn từ chối ơn Chúa…Tôi thấy mình bị lừa bởi ông không thực hiện lời thề hứa trên Bàn Thánh năm xưa. Ông là Giu Đa phản bội là kẻ bán Chúa. Gia đình mình thật vô phúc khi ông bỏ Chúa, rối đạo. Làm sao giáo dục con cháu sau này ?”
Vẫn theo lời ông kể, bà vợ vì sợ chồng…mất linh hồn sa Hỏa Ngục nên vẫn hết lòng cầu nguyện nhưng ông vẫn kiên vững lập trường. Với tất cả tâm tình yêu thương ông giải thích cho bà về…cái đạo của mình: “ Này má Hương ( gọi theo tên con gái ) Tất cả các đạo luật và giáo lý với nhiều chương, nhiều khoản của mọi tôn giáo và tín ngưỡng đều nằm gọn trong 3 chữ Chân, Thiện, Nhẫn của Pháp Luân Công. Thực hiện cho tốt 3 chữ này là đủ. Đơn giản thế nhưng không hề là dễ dàng, phải học và thực hành vất vả suốt cả đời đó má Hương”
Bà vợ khuyên ông đi xưng tội, ông nêu ra những điểm…sai trái có tính hình thức của Đạo Công giáo và hết lời binh vực cho PLC: “ Trong Thánh Lễ khi đọc tới kinh sám hối, mỗi người đều tự đấm ngực ba lần và đọc rằng: Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…như một cái máy và rập khuôn, đầy tính hình thức không chút biểu cảm…
…Hỏi thật má Hương, trong cả trăm cái máy như thế có mấy người đủ dũng cảm, đủ chân thành để sáng suốt nhận lỗi về mình trong 3 lần đấm ngực rất tượng trưng kia ? Cái công thức đóng khung như thế, tôi đã thực hiện mấy chục năm rồi. Nay quá nản đến gần như sợ hãi không còn chút nào hứng thú…
…Này má Hương, khi tôi ngồi thinh lặng chính là lúc tôi nhìn lại mình, tự kiểm điểm bản thân để nhận ra những yếu kém và thiếu sót là quy chính bản thân đấy. Như vậy, tôi không chỉ xưng tội mỗi tuần hoặc mỗi tháng một lần mà là hàng ngày, hàng giờ”.
Về việc đền tội, ông giải thích: “ Đi luyện công cũng là…làm việc đền tội theo cách nói của bà. Vì khi ngồi thiền là “ Tiêu trừ nghiệp lực” Chân thường đau lắm như bà đã biết. Thánh Lễ chỉ khoảng một giờ còn luyện công ngày hai buổi, mỗi buổi 2 giờ 30 phút vậy là 5 giờ/ngày chẳng cần nói nhiều, má Hương tự hiểu”.
Chẳng biết bà vợ tội nghiệp của ông có hiểu cái lối giải thích của chồng hay không nhưng rồi ngày qua ngày, cả gia đình ông đều đã bỏ Đạo Công giáo để tu theo PLC. Về phần bà vợ, chẳng những chỉ ủng hộ quan điểm của chồng mà còn xưng tụng người sáng lập PLC như một ông thánh sống: “ Bà nhiệt tình khuyến khích: Ngài Lý Hồng Chí là một vị thánh do Chúa dựng nên. Như vậy vẫn thờ Chúa và cùng theo Ngài Lý Hồng Chí thì càng tốt chứ sao ?”
Bà vợ tuy xưng tụng Lý Hồng Chí nhưng vẫn tin…có Chúa, riêng ông thì không: “ Tôi thinh lặng không giải thích. Tôi nghĩ duyên phận của mỗi người là khác nhau. Bà không thể tin và cũng chẳng thể hình dung đó là vị thần vô cùng vĩ đại”
Theo ông này thì Lý Hồng Chí là một vị thần vô cùng vĩ đại, chỉ những ai có duyên phận mới có thể nhận ra: “ Xưa kia Chúa Giê Su và Đức Phật khi giáng trần chuyển sinh, ngay cả họ hàng và người thân đều không thể nhận ra. Cũng vậy, hôm nay vị thần vĩ đại kia đến trần gian không giống chút nào với suy nghĩ và cách hình dung của nhân loại nhưng chỉ những ai đủ duyên phận mới nhận ra Ngài mà thôi”
Lý Hồng Chí đã được một người nguyên là Công giáo hết lời ca ngợi cho rằng chỉ những ai có đủ duyên phận mới có thể nhận ra. Vậy chúng ta hãy thử tìm xem vị thần vĩ đại cũng là người sáng lập môn phái PLC là nhân vật như thế nào ?
Pháp Luân Công được Lý Hồng Chí sinh năm 1952 tại Cát Lâm – Trung Quốc sáng lập vào đầu những năm 1990. Là một phong trào tu luyện khí công mang màu sắc tôn giáo dựa trên 03 tiêu chí gọi là Chân – Thiện – Nhẫn. Phong trào này ra đời trong giai đoạn cuối của thời kỳ “ Bùng Nổ Khí Công” với sự xuất hiện hàng loạt những môn phái tu tập tương tự nhau với các đặc điểm là thiền định mang dáng dấp của cả Phật giáo lẫn Lão giáo. Sự pha trộn này cùng với các bài tập cử động chậm rãi, điều hòa hơi thở khiến cho PLC trở thành hấp dẫn với nhiều người.
Mặc dầu PLC ban đầu nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ một số lãnh đạo Đảng CS Trung Quốc nhưng từ giữa thập niên 1990, nhà cầm quyền ngày càng xem PLC như một mối đe dọa tiềm ẩn bởi số lượng hội viên tham gia ngày càng đông đảo. Con số ước lượng đến cuối những năm 90 đã lên tới con số 20 triệu người.
Cuộc biểu tình lớn nhất có sự tham gia của mười ngàn hội viên diễn ra gần khu nhà Trung Ương Chính Phủ ở Bắc Kinh được xem là chất xúc tác góp phần tạo ra những cuộc trấn áp dữ dội sau này. Vào ngày 20/7/1999 chính quyền khởi xướng một chiến dịch đàn áp trên toàn quốc và tuyên truyền nhiều mặt với mục đích triệt hạ PLC. Đang khi đó phong trào PLC tại đất nước CS này ngày càng phát triển và tuyên bố công khai chống lại nhà cầm quyền với danh nghĩa “ Vận động cho nhân quyền”
Trước sự đàn áp dữ dội, Lý Hồng Chí đã phải chạy sang Mỹ từ năm 1996 và tại đây ông đã lập cơ sở và hoạt động rất mạnh thu hút hội viên đến nay đã có gần trăm triệu người tham gia hầu như lan tràn khắp thế giới. Sở dĩ PLC có thể hấp dẫn nhiều người như thế là vì đã biết phối hợp Khí Công và Thiền. Mượn những khái niệm của Phật giáo như Nghiệp, Luân Hồi, Xả ly chấp trước v.v… để cao rao một thứ tôn giáo lấy Chân – Thiện – Nhẫn làm phương châm hành động !
Với chủ trương và quan niệm sống như thế, PLC đã được các tổ chức Nhân Quyền phương tây xếp hạng là tôn giáo và trao giải thưởng Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Free House năm 2001. Tuy nhiên Lý Hồng Chí còn muốn hơn thế nữa bằng cách tự tôn mình là đấng giáo chủ vượt hơn mọi tôn giáo khác kể cả Phật giáo lẫn Công giáo. Ông ta phát ngôn: “ Không có tôn giáo nào có thể cứu con người ngoài Đại Pháp tức Pháp Luân Công”.
Sở dĩ ông ta có thể…lớn lối như thế là vì đã “ Nắm rõ bí mật của vũ trụ” ( Sic ). Những người theo PLC tin rằng Lý Hồng Chí là bậc thánh nhân …không thể sai lầm và họ không được phép nghi vấn về những tuyên bố liên quan đến sức mạnh siêu nhiên và giáo lý của ông ta bao gồm cả những chủ trương phân biệt chủng tộc và chống lại ngành y khoa. ( Wikypedia Tiếng Việt ).
Trong khi Lý Hồng Chí luôn rao giảng Chân – Thiện – Nhẫn như một chân lý bất biến thì tín đồ của ông ta lại không có một chút khoan dung nào ngay cả những người trong cùng một nhóm. Một ví dụ cụ thể đã làm xôn xao và bất bình trong dư luận đã diễn ra tại Bình Dương ngày 19/5/2018. Có một nhóm PLC gồm 04 người do Phạm Thị Thiên Hà ( 31 tuổi ) vì bất đồng về phương pháp tu luyện nên đã dàn cảnh giết hại hai HV là Trần Ngọc Linh và Trần Trí Thành, dí điện cho chết rồi bỏ vào thùng nhựa, đổ bê tông kín mít để phi tang. Công an đã khám phá và truy tố ra tòa để trừng trị thích đáng !
Chỉ vì có sự bất đồng trong việc tu luyện mà đã nhẫn tâm giết cả người cùng nhóm. Điều ấy khiến chúng ta nghĩ sao về cái …đạo Chân – Thiện – Nhẫn này, phải chăng đó chỉ là một thứ…cuồng giáo không hơn không kém ???
Là cuồng giáo nhưng không nhận mình là…cuồng, trái lại còn hãnh diện về nó: “ Pháp Luân Công không phải là tôn giáo, còn được biết đến với những tên gọi khác là Pháp Luân Đại Pháp, Đại Pháp Vũ Trụ. Quả thật, tôi như một học sinh tiểu học bước vào môi trường Đại Học trên đường tâm linh khi gắn bó với PLC. Qua đó nhân sinh quan, vũ trụ quan từng bước đang dần cải thiện và thay đổi”
Với cái gọi là Pháp Luân Đại Pháp, Đại Pháp Vũ Trụ, thật ra chỉ là những khái niệm rỗng tuếch và dĩ nhiên theo lời ông nói nó chẳng phải là tôn giáo ! Đang khi đó tôn giáo cũng gọi là…đạo tức con đường thực hiện tâm linh. Con đường thực hiện tâm linh của người Công giáo chính là Đức Giê Su Ki Tô: “ Ta là đường là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ).
Chúa Giê Su khẳng định Ngài là con đường duy nhất đến với Đấng Cha và Đấng ấy…nội tại trong mỗi người: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là đạo đức tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Chúa Giê Su là Chúa và lòng ngươi tin Thiên Chúa đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10 ).
Để đến được với Đấng Cha thì phải qua trung gian tức là tin vào Chúa Giê Su Ki Tô. Đang khi đó PLC với 03 tiêu chí Chân – Thiện – Nhẫn chẳng hề có liên quan gì đến đức tin là cánh cửa mở vào Đạo. Điều này thật ra cũng dễ hiểu thôi bởi vì cái phái tu luyện này đã tự nhận mình không phải là tôn giáo ?
Đức tin là ánh sáng soi dẫn trên con đường thực hiện tâm linh. PLC không cần chi đến lòng tin và như vậy những bước đi của nó như Thiền, Luyện công v.v…thì cũng giống như người mù bước đi trong đêm tối không cách chi tránh khỏi sa hầm sụp hố ?
Vấn đề đặt ra ở đây có quan hệ đến đức tin của người Công giáo khi tiếp cận với các tôn giáo khác đặc biệt là môn phái tu luyện PLC. Với trường hợp của Trúc Lâm cho thấy ông ta có một người vợ sùng đạo ( CG ) và cũng rất mực quan tâm lo lắng cho phần rỗi của chồng. Thế nhưng sự sùng đạo ấy cũng giống như vô số người CG ngoan đạo khác, nó không hề được bén rễ trong đức tin. Điều này đã được Chúa Giê Su đề cập tới trong Dụ Ngôn Người Gieo Giống “ Hạt khác rơi nhằm chỗ có sỏi đá không có bao nhiêu đất liền mọc lên vì lấp không sâu. Khi mặt trời mọc lên thì bị cháy sém và vì ít rễ nên phải héo đi” ( Mt 13, 5 -6 ).
Như cây cối được xum xuê cành lá, cần có gốc có rễ. Gốc càng to, rễ càng nhiều thì cây mới có thể lớn lên và sinh hoa kết quả. Đối với đời sống đức tin cũng vậy, nó chỉ có thể trưởng thành khi có hai điều kiện. Một là có căn bản giáo lý vững vàng. Hai là có đường lối tu tập theo đúng chánh pháp.Kinh Mân Côi là một thứ chính pháp đúng hiệu.
Về sự quan hệ giữa đời sống đức tin và giáo lý, nhà Phật có câu:“ Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh. Trái lại người hiểu giáo lý mà không có lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Bởi vậy giáo lý và lòng tin cần đầy đủ mới có thể làm cội gốc cho việc tu hành” ( Kinh Niết Bàn ).
Phải thú nhận rẳng người Công giáo trong các thế hệ trước đây chẳng hạn như bà cụ vợ ông Trúc Lâm nay nếu còn sống thì cũng đã ngoài tám mươi và thời ấy các cụ chỉ được học Kinh Bổn chứ có biết chi về giáo lý. Còn ngày nay các em chỉ học giáo lý để xưng tội rước lễ, xong rồi mấy năm sau thì chịu Phép Thêm Sức. Tuy nhiên chịu phép Thêm Sức thì…sức chẳng tăng thêm mà lại…mất sức khi vào đời dù muốn hay không cũng phải tiếp xúc với đủ mọi hạng người: Vô thần, tôn giáo khác biệt và… PLC chẳng hạn.
Thêm sức nhưng rồi lại…mất sức và mất sức ở đây có nghĩa là mất ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Sống đạo mà không có ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần thì làm sao sống ? Chính bởi lẽ đó người Công giáo chúng ta dù trong bất cứ thành phần nào, giáo sĩ hay giáo dân cũng có thể bị lôi cuốn vào những con đường quấy quá, lầm lạc, nếu không có sự dìu dắt, đỡ nâng của Đức Maria bởi vì Ngài là Bạn Chí Thiết của Chúa Thánh Thần, cũng là Mẹ của những kẻ có lòng tin./.
Phùng Văn Hóa