Chúa Nhật III Mùa Vọng năm nay, khi dừng lại để đọc Lời Chúa, thực hành cầu nguyện và suy ngẫm, người tín hữu sẽ tìm thấy được rất nhiều niềm an ủi vui mừng. Chúng ta có thể đọc Lới Chúa hôm nay như một lời nhắc nhở về cách Thiên Chúa giữ lòng thành tín với chúng ta qua việc Ngài làm cho lời tiên tri ứng nghiệm – và chúng ta tìm thấy hy vọng nơi những lời hứa của Thiên Chúa.
Theo truyền thống, Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật Gaudete. Gaudete là từ ngữ tiếng Latinh có nghĩa là “vui mừng”. Chúa nhật này được đặt tên như vậy vì “Hãy vui mừng” là từ đầu tiên trong bài ca nhập lễ cho Thánh lễ hôm nay trích từ Philíp 4:4 – 5: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến!” Hôm nay chúng ta được mời gọi suy niệm về niềm vui mà chúng ta có được nhờ niềm tin vào Chúa Giêsu. Một trong những đặc điểm nổi bật của những người theo Chúa Kitô là thái độ vui tươi của họ. Chúng ta đừng để những khó khăn trong đời cướp đi niềm vui lớn lao mà chúng ta có được nhờ Chúa Giêsu. Người tín hữu diễn tả niềm vui của Chúa Nhật này trên vòng hoa Mùa Vọng của họ bằng một cây nến màu hồng thay vì một cây nến màu tím. Các linh mục cử hành thánh lễ Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay có thể mặc áo lễ màu hồng, mầu của niềm vui. Chúa nhật này là một lời nhắc nhở vui mừng rằng sự cứu độ của chúng ta đã gần kề.
Trong bài đọc đầu tiên, tiên tri Isaia kêu gọi dân Chúa “vui lên nào” khi cho họ thấy trước một “vùng đất hoang đồng khô cỏ cháy nay lại tưng bừng trổ bông” nơi Thiên Chúa của chúng ta cai trị trong “ánh huy hoàng và vẻ rực rỡ”:
“Vui lên nào, hỡi sa mạc và đồng khô cỏ cháy,
vùng đất hoang, hãy mừng rỡ trổ bông,
hãy tưng bừng nở hoa như khóm huệ,
và hân hoan múa nhảy reo hò.
Sa mạc được tặng ban ánh huy hoàng của núi Libăng,
vẻ rực rỡ của núi Cácmen và đồng bằng Saron.
Thiên hạ sẽ nhìn thấy ánh huy hoàng của Chúa,
và vẻ rực rỡ của Thiên Chúa chúng ta”
(Isaia 35: 1-2).
Tâm tình mong chờ Chúa đến phải được biểu lộ ra trong niềm tín thác, trông cậy vào Thiên Chúa trong mọi sự, như lời cầu nguyện với Thiên Chúa trong Thánh vịnh 146:
“Ngài là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời,
xử công minh cho người bị áp bức,
ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Chúa giải phóng những ai tù tội,
Chúa mở mắt cho kẻ mù loà.
Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên,
Chúa yêu chuộng những người công chính.
Chúa phù trợ những khách ngoại kiều,
Ngài nâng đỡ cô nhi quả phụ,
nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân.
Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở,
Xion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời”
(Tv 146: 6-10).
Trong khi mong chờ ngày “Chúa Trời hiển trị ngàn đời”, Dân Chúa được kêu mời chờ đợi, và sự chờ đợi đòi hỏi sự kiên nhẫn. Bài đọc thứ hai từ Giacôbê khuyến khích chúng ta kiên nhẫn. Vì vậy, trong thời gian bận rộn trước lễ Giáng Sinh, thỉnh thoảng chúng ta nên hồi tâm và dành thời gian suy nghĩ về những gì chúng ta đang kiên nhẫn chờ đợi: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa quang lâm. Kìa xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá: họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới. Thưa anh em, anh em đừng phàn nàn kêu trách lẫn nhau, để khỏi bị xét xử. Kìa Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa. Thưa anh em, về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa. Kìa xem: chúng ta tuyên bố: phúc thay những kẻ đã có lòng kiên trì! Anh em đã nghe nói đến lòng kiên trì của ông Gióp và đã thấy mục đích Chúa nhắm, vì Chúa là Đấng từ bi nhân hậu” (Gc 5: 7-11).
Gioan Tiển Hô đã chờ đợi Đấng Mêsia, vì vậy khi ở trong tù, ông đã sai sứ giả đến gặp Chúa Giêsu để hỏi “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11: 3). Chúa Giêsu trả lời rằng họ nên nhìn vào các dấu hiệu: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11: 4-5). Chúa Giêsu mang lại sự chữa lành về thể chất và tinh thần cho thế giới đúng như Isaia đã tiên báo rằng những việc này sẽ xẩy ra khi Đấng Mêsia đến:
“Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.
Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai,
miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Vì có nước vọt lên trong sa mạc,
khe suối tuôn ra giữa vùng đất hoang vu.
Miền nóng bỏng biến thành ao hồ,
đất khô cằn có mạch nước trào ra.
Trong hang chó rừng ở sậy, cói sẽ mọc lên”
(Isaia 35: 5-7).
Vì vậy, Chúa Giêsu là sự ứng nghiệm lời tiên báo đầy hy vọng của Isaia. Đây là thời gian vui mừng của sự cứu rỗi.
Chúa Giêsu muốn nói với Gioan Tẩy giả, qua các môn đệ của ông, và với chúng ta ngày nay rằng chúng ta phải nhìn vào những gì chúng ta thấy nơi Ngài, lời nói và việc làm của Ngài, để đưa ra quyết định của riêng mình: tin nơi Ngài.
Đó là một lời nhắc nhở rằng sự khởi đầu của sự cứu độ đã hiện diện một cách nhiệm mầu với chúng ta, nhưng chưa hoàn thành. Ơn cứu độ đã ở giữa chúng ta như được biểu lộ qua những việc làm kỳ diệu của Chúa Giêsu và trong Giáo hội. Nhưng sự cứu độ cũng phải được hoàn thành trong triều đại sắp tới của Thiên Chúa. Ngay cả khi chúng ta quan sát thế giới ngày nay, chúng ta có thể thoáng thấy những công việc của Thiên Chúa giữa chúng ta. Hơn nữa, chúng ta cần phải bắt tay vào việc dọn đường cho vương quốc của Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm của mình. Thông điệp này thực sự là một lý do để vui mừng.
Chúng ta có thể tìm thấy hy vọng nơi sự chữa lành mà Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta và cho thế giới của chúng ta. Hy vọng không phải là sự lạc quan kiểu thế gian này. Thực ra, xét từ góc độ hoàn toàn tự nhiên, chúng ta khó mà lạc quan về kiếp người sinh lão bệnh tử! Thánh Vịnh 90 nói đến cái mau qua của thời gian:
“Ngàn năm Chúa kể là gì,
tựa hôm qua đã qua đi mất rồi,
khác nào một trống canh thôi!
Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng,
như cỏ đồng trổi mọc ban mai,
nở hoa vươn mạnh sớm ngày,
chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”
(Tv 90: 4-6).
Quả thật, cuộc sống trôi qua để lại làn da với nhiều lớp nhăn, đuôi mắt đầy chân chim, tuổi tác già nua, thân xác bệnh tật … là “dấu tàn phá của thời gian”. Nhìn thực tế chóng qua của dòng thời gian, người ta chỉ còn biết kêu lên:
“Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi,
mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,
cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi”
(Tv 90: 10).
Thật đáng tuyệt vọng nếu con người không biết hướng về Thiên Chúa là chủ của thời gian để cầu xin với một niềm tin tưởng lạc quan:
“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”
(Tv 90: 12)
và mỗi sớm mai thức dậy biết dâng lời nguyện xin:
“Từ buổi mai, xin cho đoàn con được no say tình Chúa,
để ngày ngày được hớn hở vui ca”
(Tv 90: 14).
Hy vọng là nhân đức siêu nhiên điều khiển ước muốn của chúng ta hướng về những điều thuộc về Thiên Đàng. Điều mà ngôn sứ Isaia nói đến trong bài đọc thứ nhất không phải là một kỳ vọng sẽ được thực hiện ở dưới trần thế này, nhưng chỉ trong một thế giới được biến đổi ở trên cao. Chủ đề của các bài đọc này là niềm hy vọng hân hoan: Thiên Chúa cứu dân Ngài. Chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài không bao giờ quên chúng ta. Trong suốt các thời đại có những rắc rối, nhưng Chúa mang đến cho chúng ta sự bình an và sự sống. Ngài giải thoát chúng ta không phải khỏi những cuộc chiến đấu, nhưng khỏi tội lỗi của chúng ta. Chúng ta kiên nhẫn chờ đợi chiến thắng cuối cùng của Chúa Giêsu Kitô, nhưng giờ đây chúng ta sống cuộc đời mình trong hy vọng, và làm chứng cho niềm hy vọng đó như Gioan Tẩy giả.
Công việc của Gioan Tẩy giả luôn luôn là giới thiệu Chúa Giêsu. Đó cũng phải là công việc của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào Gioan Tiển Hô, chúng ta đang bỏ lỡ vấn đề: nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, là Đấng Cứu Độ. Trong Tin Mừng của chúng ta hôm nay, Gioan Tiển Hô giới thiệu Chúa một cách đặc biệt nhất. Hầu hết chúng ta sẽ có xu hướng trả lời câu hỏi “Bạn là ai?” với một câu trả lời mô tả chúng ta là ai. Chẳng mấy ai trả lời câu hỏi đó bằng cách mô tả mình không phải là ai.
Khi Gioan Tiển Hô được hỏi ông là ai, câu trả lời đầu tiên của ông là “Tôi không phải là Đấng Mêsia” (Ga 1: 20). Ông ý thức rằng danh tính của ông không phải là cái để mang lại danh dự và vinh quang cho chính mình. Danh tính đó là để phục vụ cho một sứ mạng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói… Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Ngài sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài” (Ga 1: 23, 26). Ông thấy mình chỉ là người giới thiệu Chúa Giêsu, vì Ngài mới Đấng mà muôn dân đang mong đợi: “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Ngài là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1: 34).
Trong Mùa Vọng này, chúng ta cầu nguyện để niềm vui của Chúa thể hiện rõ ràng trong trái tim và ngôi nhà của chúng ta. Xin Thần Khí của Thiên Chúa biến đổi những ngày trước Lễ Giáng Sinh thành thời gian chờ đợi thánh thiện; chuẩn bị tâm hồn, vui mừng chờ đợi và chào mừng sự xuất hiện của Vua chúng ta.
- Tôi có thực sự tin vào Chúa Giêsu Kitô là vị cứu tinh của tôi không?
- Tôi có thể kiên nhẫn và thể hiện sự kiên nhẫn đó không?
- Làm thế nào tôi có thể đem sự chữa lành của Chúa Giêsu vào trần thế?
Phêrô Phạm Văn Trung.