HY VỌNG VÀ NIỀM VUI TỪ NGÔI LỜI THIÊN CHÚA

 1. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1: 14)

 a. Lời là một mầu nhiệm

Hôm nay, chúng ta được trao ban một mầu nhiệm. Mầu nhiệm của “Lời”. Đó là một ngôn ngữ vừa che giấu và đồng thời lại biểu lộ. Ngôn ngữ đó giới thiệu Chúa Giêsu cho chúng ta như là “Ngôi Lời”. Ngài là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm và hằng hữu, từ “Lúc khởi đầu, Ngài vẫn hướng về Thiên Chúa” (Ga 1: 2). Đoạn văn này tiếp tục nói rằng Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta.

Thuật ngữ “Lời” dành cho Chúa Giêsu trong đoạn này là cách dịch của từ “Logos” trong tiếng Hy Lạp. Logos có nghĩa là “kế hoạch”, “lý lẽ”, “lôgic”. Logos cũng có thể được hiểu là lời được nói ra. Trong đoạn văn này, logos đặc biệt mặc khải cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa “đã lên tiếng” từ cõi đời đời về kế hoạch cứu độ của Ngài và sự khôn ngoan vốn đã lên tiếng này là một Ngôi vị. Ngôi vị này là người Con Thần linh của Thiên Chúa. Do đó, khi Chúa Con “lên tiếng nói” và khi Chúa Con được Chúa Cha “nói lên”, thì mọi sự trở nên hiện hữu: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1: 3).

Điều đó có lẽ khá khó hiểu. Thực vậy, đây là một phần của vấn đề. Vấn đề là phần mở đầu này của sách Tin mừng Gioan mặc khải cho chúng ta thấy rằng hành động của Thiên Chúa tạo dựng muôn vật và cuối cùng hoàn thành sự khôn ngoan của Ngài qua sự Nhập thể, Người Con trở nên xác thịt, là một kế hoạch huyền nhiệm vượt xa những gì chúng ta có thể hiểu biết hoặc thăm dò được.

Chúng ta nên xem ngôn ngữ mầu nhiệm này tự nó là một tuyên bố về chính nó. Tuyên bố là thế này: Hãy tìm hiểu mầu nhiệm, nhưng hãy biết rằng mầu nhiệm Giáng sinh và Sáng tạo vượt ra khỏi hiểu biết của loài người. Tuy nhiên, hãy tìm cách hiểu và lĩnh hội.

 b. Lời nay trở thành người phàm đem lại hy vọng và niềm vui lớn lao.

Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1: 14) xác định cho mọi người ở mọi nơi mọi thời đại rằng Thiên Chúa đã mặc lấy nhân tính xác thịt qua Chúa Giêsu, Đấng là một với Thiên Chúa đời đời. Thiên Chúa vốn là Đấng hoàn toàn công bình, thánh thiện, Vua trị vì vũ trụ, vô hạn, yêu thương và hiện diện ở khắp mọi nơi – nay mặc lấy thân phận phàm nhân nơi con người Giêsu, là Thiên Chúa và là con người sống giữa chúng ta,: “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). “Ngôi Lời trở nên xác thịt” không chỉ có nghĩa là Chúa Giêsu hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người mà còn ngụ ý rằng Chúa Giêsu đã ứng nghiệm tất cả các lời tiên tri trong Cựu Ước. Tiên tri Mikha nói: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Ngài có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mikha 5: 1) hoặc tiên tri Isaia nói: “Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Isaia 7: 14) và chính thánh Gioan viết: “Ông Gioan làm chứng về Ngài, ông tuyên bố: “Đây là Đấng mà tôi đã nói: Ngài đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1: 15). Đây không chỉ là tin vui cho mùa Giáng sinh. Đây là tin vui cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Giáng sinh nên là một thời gian của niềm vui và mừng lễ lớn lao. Đó phải là thời gian mà chúng ta suy ngẫm về sự sinh ra của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta nên đọc câu chuyện Giáng Sinh này, đừng bỏ điều đó qua một bên, nhưng hãy suy ngẫm ít ra cho đến khi mùa Giáng sinh kết thúc. Nhưng khi chúng ta làm tất cả những điều đó, chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng Lễ Giáng Sinh là một mầu nhiệm đức tin vĩ đại.

Hôm nay, với những lời của Thánh Gioan. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời …” “Ngôi Lời là Thiên Chúa …” “Ngôi Lời đã trở nên người phàm…” bản thân chúng ta nhận ra rằng mình không hiểu hết mầu nhiệm này! Vì vậy, chúng ta hãy xin Ngôi Lời Vĩnh Cửu kéo chúng ta vào một hiểu biết ngày càng sâu xa hơn. Chúa Giêsu là Ngôi Lời Hằng Hữu của Chúa Cha, đã đến ở giữa chúng ta và làm cho nơi cư ngụ vĩnh cửu của Chúa hiện diện nơi cuộc đời con người. Chúng ta cảm tạ Chúa vì mầu nhiệm Giáng Sinh vĩ đại này mà hôm nay chúng ta cử hành với niềm vui và lòng biết ơn lớn lao, cũng như với một cảm thức về mầu nhiệm, để luôn nhận ra rằng mỗi người sẽ không bao giờ hiểu biết đầy đủ về mầu nhiệm Giáng Sinh. Vì thế, hãy xin cho mầu nhiệm này lôi kéo chúng ta mỗi ngày đến gần Chúa hơn để có thể yêu mến Chúa sâu xa hơn, là Thiên Chúa hằng hữu của chúng ta. [1]

 2. Ánh sáng không được đón nhận.

 a. Chúa KitôChúa

Thánh Gioan đã viết Tin Mừng của mình vào cuối cuộc đời lâu dài của mình. Ngài nhắn gửi Tin mừng này chủ yếu tới những người có gốc gác chịu ảnh hưởng Hy Lạp (người Hy Lạp ngoại giáo), và chỉ sau đó mới là những người Do Thái đồng bào của ngài. Nhưng khi gọi Chúa Giêsu là “Ngôi Lời Thiên Chúa làm người”, thánh Gioan sử dụng một thuật ngữ gây sốc cho cả hai loại độc giả đó.

Đối với người Hy Lạp thời Hy Lạp cổ đại, “Logos”, ở đây được dịch là “Lời”, ám chỉ một nguyên tắc thống nhất vốn liên kết mọi thứ với nhau và sắp xếp trật tự trong toàn bộ vũ trụ. Vào thời điểm Thánh Gioan đang viết sách Tin mừng, các triết gia Hy Lạp đã phát triển các quy tắc hành xử tinh vi mà họ hy vọng có thể giúp họ tiếp xúc được với lực thống nhất này. Tương tự như vậy, đối với não trạng của người Do Thái, “Lời Chúa” bao hàm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thường được nhân cách hóa trong Cựu Ước, thông báo và hướng dẫn tất cả các công việc của Ngài, bao gồm cả việc sáng tạo và duy trì vũ trụ.

Thánh Gioan bao gồm cả hai khía cạnh này vào việc sử dụng thuật ngữ “Ngôi Lời” này để quy về Chúa Kitô, nhưng ngài đã sửa chữa và nâng cao hai khía cạnh đó bằng cách thêm hai khía cạnh bổ sung. Khi cho thấy rằng qua Ngôi Lời “muôn vật được tạo thành”, ngài cho thấy rằng khái niệm Logos của người Hy Lạp đã bỏ sót điểm mấu chốt: sự thống nhất của vũ trụ, trật tự, vẻ đẹp và vinh quang của vũ trụ đó, không được rút ra từ một sức mạnh nào đó bên trong chính nó, mà từ một Thiên Chúa siêu việt, cá vị, sáng tạo. Sau đó, khi khẳng định rằng “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm”, ngài thách thức những người anh em Do Thái của mình mở rộng quan niệm của họ về Đấng Mêsia từ một vị vua đơn thuần con người thành chính Thiên Chúa mang lấy bản tính con người.

Trong năm phụng vụ, Giáo Hội đem đến cho chúng ta tiểu sử gói ghém chặt chẽ này của Đấng Cứu Độ chúng ta vào ngày lễ Giáng Sinh, để chúng ta có thể kinh ngạc khi nhìn thấy tất cả quyền năng và uy nghi vô biên của Thiên Chúa được bọc trong một vài tấm tã lót, đang ngủ phó thác trong cánh tay của mẹ ngài: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thực sự và con người thực sự, khe khẽ bước vào cuộc đời nhân thế để cùng bước đi với chúng ta. Đây thực sự là một Thiên Chúa cao cả, xứng đáng với lời ca ngợi chân thành và sự tôn thờ thầm lặng của chúng ta: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 14).

 b. Chúa Kitô là Thầy dạy

Hang đá nhỏ ở Bêlem, nơi Ngôi Lời Thiên Chúa lần đầu tiên trở nên hữu hình, là suối nguồn tuôn trào lời giảng dạy của Chúa Kitô. Tuy nhiên, hôm nay, Thánh Gioan thu hút sự chú ý của chúng ta đến một bài học ít lãng mạn hơn, nhưng lại khó chịu hơn mà chúng ta thường làm ngơ. Chúa Giêsu Kitô đến với những người đã được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, nhưng họ “không biết Ngài”. Ngài đến với những người đã nhận được sự chuẩn bị hàng thế kỷ qua Giao ước cũ, nhưng họ không chấp nhận Ngài: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1: 10-11).

Lịch sử nhân loại là một cuộc đấu tranh kịch tính của những nỗ lực của con người để khám phá ý nghĩa của cuộc sống. Lịch sử đó kể lại cuộc tìm kiếm trật tự, thịnh vượng và hạnh phúc lâu dài hầu như không thành công nhưng luôn đầy say mê. Có lẽ chúng ta dễ nghĩ rằng khi chính Thiên Chúa quyết định cư ngụ giữa chúng ta để cho chúng ta câu trả lời và chỉ đường cho chúng ta, thì chúng ta sẽ chào đón Ngài một cách háo hức và vui vẻ. Thực tế không phải như vậy, vì câu trả lời đó không phù hợp với các phạm trù suy nghĩ và hành động của chúng ta, hơn nữa lại là con đường dẫn ra khỏi vùng an toàn theo ước muốn riêng của chúng ta, và do đó, nhiều người đã quay lưng lại với Đấng Cứu Độ. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ bám vào bóng tối và chạy trốn ánh sáng, và Thánh Gioan dạy chúng ta rằng vượt qua cám dỗ này có thể khó hơn chúng ta nghĩ: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3: 19-20).

Thiên Chúa sẽ không áp đặt sự cứu độ lên chúng ta. Chúa Kitô không đến để mang thiên đàng đến thế gian, nhưng để dẫn dắt những ai chấp nhận Ngài từ thế gian đến thiên đàng: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Ngài, thì Ngài cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa… Từ nguồn sung mãn của Ngài, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1: 12, 16). 

Kitô giáo tôn trọng quyền tự do của con người – điều này hoàn toàn hợp lý, vì luật pháp trong Vương quốc của Chúa Kitô là tình yêu đích thực, là sự hoàn thành trọn vẹn tính chất riêng biệt của con người. Thánh Phaolô nói: “Quả thật, anh em biết Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”  (2 Co 8: 9).

 c. Chúa Kitô là Người Bạn

Nhiều người phàn nàn rằng Chúa Giêsu chưa tỏ mình ra cho họ đủ rõ ràng, chưa đủ mạnh mẽ để thuyết phục mọi người tin và theo Ngài. Nhưng họ không hiểu được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa vốn dịu dàng, gắn kết mọi người lại trong Vương quốc của Ngài. Chúng ta có bao giờ bật đèn sáng lên sau khi ở trong phòng tối một thời gian dài chưa? Việc đó chắc chắn làm tổn thương đôi mắt của chúng ta. Nếu Thiên Chúa đến với loài người đúng như Ngài là, Thiên Chúa sẽ làm con người mù mắt. Lúc đó con người sẽ quy phục, nhưng chỉ vì sợ hãi và đau đớn. Thiên Chúa đã không tạo dựng ra con người để bị như thế. Thiên Chúa đã tạo dựng ra con người để sống trong tình bạn của Ngài. Tất cả những gì Thiên Chúa làm là để giành lại tình bạn mà tội lỗi đã phá hủy. Vì vậy, Thiên Chúa đã đến gặp con người ngay tại nơi con người đang ở, ngay giữa cuộc sống bình thường của con người. Thiên Chúa đến sống giữa con. Người Và thông qua Giáo hội của Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm điều tương tự trong mọi thế hệ trên khắp thế giới. Sự hiện diện của Thiên Chúa là tươi sáng nhưng mềm mại, giống như đèn Giáng sinh, bởi vì Ngài biết rằng tâm hồn con người bị tổn thương và nhạy cảm: “Khi lên bờ, Ngài thấy một đám đông; Ngài thương xót họ, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt; và Ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Máccô 6:34). Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, số 22 tuyên bố, “Con Thiên Chúa […] đã làm việc với bàn tay con người, suy nghĩ với khối óc con người, hành động theo sự lựa chọn của con người, và được yêu thương bằng trái tim con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở thành một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, trừ tội lỗi. 

 d. Chúa Kitô trong cuộc đời tôi

Tất cả những gì hiện hữu đã đến từ Chúa. Chính Chúa là Đấng đã tạo ra và duy trì mọi phân tử, mọi hạt hạ nguyên tử, mọi thiên hà, mọi hoạt động của vũ trụ bao la, đẹp đẽ và khó hiểu này. Chính Chúa đã tạo ra tôi, là Đấng đã gọi tôi bằng chính tên của tôi. Chúa đã chịu đau khổ trên thập giá để cứu chuộc tôi khỏi tội lỗi. Chúa đã lên trời dọn chỗ cho tôi. Chúa đã đến với tôi cách khiêm nhường và âm thầm trong bí tích Thánh Thể.

Chúa đến để ban cho tôi sự sống viên mãn mà mọi trái tim đều khao khát, nhưng không phải trái tim nào cũng sẵn sàng đón nhận sự sống đó. Chính tôi cũng quá thường xuyên cưỡng chống lại những lời gợi ý đón nhận ân sủng của Chúa.

Lạy Ngôi Lời giáng sinh làm người, xin giúp con mạnh mẽ để làm điều đúng và chống lại cám dỗ. Xin giúp con bước theo Chúa, trở thành sứ giả của Chúa cho mọi người trong đời con. Chúa thật dịu dàng với con. Chúa luôn tha thứ; Chúa luôn khuyến khích; Chúa luôn chờ đợi với sự kiên nhẫn vô hạn. Con tạ ơn Chúa. Xin làm cho con giống Chúa hơn. Xin làm cho con trở thành ánh sáng của Chúa và sự tốt lành của Chúa cho mọi người chung quanh con, thu hút mọi người đến với Chúa, dù họ có thể ở rất xa, như ngôi sao ở Bêlem đã thu hút các nhà thông thái. Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa. [2]

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

[1] https://catholicreadings.org

[2] https://catholicexchange.com

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts