MÔN ĐỆ VÔ DANH

“Ông đã thấy và đã tin!”.

Một tác giả viết, “Niềm tin nhỏ đưa linh hồn bạn lên thiên đàng, niềm tin lớn đưa thiên đàng xuống linh hồn bạn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hơn cả tác giả vô danh kia, Tin Mừng hôm nay cho thấy một điều gì đó ‘hơn cả thiên đàng’ mà người ‘môn đệ vô danh’ của Tin Mừng thứ tư có được! Thật bất ngờ, hai ngày sau lễ Giáng Sinh, chúng ta được nghe Phúc Âm đại lễ Phục Sinh; bởi lẽ, hôm nay, Giáo Hội kính nhớ một chứng nhân phục sinh, Gioan tông đồ, thánh sử.

Theo truyền thống, Gioan được đồng nhất với “môn đệ kia” trong Tin Mừng của mình. Môn đệ này thực sự không bao giờ được ‘nêu tên’ trong Tin Mừng thứ tư, ông luôn được gọi đơn giản là “người Chúa Giêsu yêu”; vậy mà, môn đệ này luôn là mẫu mực đáng cho chúng ta ao ước! Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu yêu Gioan hơn những người khác; Ngài đã nói với tất cả các môn đệ trong bữa Tiệc Ly, “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy yêu mến các con”. Tất cả, trong đó, có bạn và tôi! Dẫu vậy, Phúc Âm vẫn cho biết, ‘môn đệ vô danh’ này đã đáp lại tình yêu cách trọn vẹn hơn các môn đệ còn lại; bằng chứng là, đang khi tất cả bỏ chạy, môn đệ này vẫn ngoan cường đứng dưới chân thập giá với nhóm phụ nữ. Vì thế, ông vẫn là kiểu mẫu cho tất cả môn đệ mọi thời.

Tin Mừng cho biết, chính tình yêu tín trung đã cho phép ông linh cảm một điều gì đó về Thầy nhanh hơn những người khác. Chẳng hạn, cả Phêrô và ông nhìn thấy những dải vải gấp gọn trong ngôi mộ trống; tuy nhiên, chỉ với môn đệ này, “Ông đã thấy và đã tin!”. Môn đệ này nhận ra sự hiện diện của ‘một Ai đó’ ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’. Cũng thế, chúng ta hãy nhìn mọi sự bằng đôi mắt tín trung vốn cho phép nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục Sinh ngay trong những khoảng không đời mình, những khoảng không xám xịt, chẳng có hy vọng, chẳng có sự sống!

“Ông đã thấy và đã tin!”. Ông thấy gì? Thư thứ nhất của Gioan hôm nay trả lời, “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống”. Ôi, ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ máng cỏ, môn đệ này như sách Khải Huyền cho biết, là “chim phượng hoàng” chấp cánh bay cao lên tận mút cùng thời gian, mút cùng không gian để chiêm ngắm Ngôi Lời; ‘đàng sau những gì có thể nhìn thấy’ từ ngôi mộ trống, môn đệ này mời chúng ta tin nhận Chúa Phục Sinh! Đấng mà từ nguyên thuỷ, đã có; hằng ở với Cha; là Ánh Sáng và là Sự Sống! Đó là Giêsu, Đấng mà môn đệ này đã nghe, đã thấy, đã chạm đến; là Ngôi Lời mặc lấy xác phàm hèn yếu như chúng ta mà đại lễ Giáng Sinh mừng kính, cũng là Đấng Phục Sinh đang sống, đang hoạt động với Thánh Thần của Ngài trong Hội Thánh.

Anh Chị em,

“Ông đã thấy và đã tin!”. Sở dĩ ông tin; vì lẽ suốt cả cuộc đời, môn đệ này đã để những gì ông thấy, ông nghe từ Thầy mình đi vào tâm trí, đi vào con tim; từ đó, ông khám phá dần, Ngài là ai. Vì thế, môn đệ này đã trầm lắng dưới chân thập giá, bình tâm trong cơn khủng hoảng. Cũng thế, đầu mùa Giáng Sinh, khi cho con cái lắng nghe Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội muốn hỏi bạn và tôi, “Con thấy gì?”. Thấy nhân loại nhẫn tâm đẩy Con Thiên Chúa ra tận đồng vắng; thấy con người ác tâm treo Đấng Cứu Độ lên giá tội nhân! Đổi lại sự vô tâm, Giáo Hội mời chúng ta gẫm suy tình yêu của Gioan đối với Thầy; và còn hơn thế, chiêm ngắm tình yêu khôn lường của Thiên Chúa dành cho chính mình. Đúng thế, chỉ người ‘môn đệ vô danh’ mới biết trầm mình và dám trầm lắng để thấy Chúa đang nhìn, đang yêu; và niềm tin của Gioan đã kéo thiên đàng Giêsu xuống tận linh hồn ông!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, ước gì con cũng có một con tim yêu mến, một đức tin kiên cường như Gioan, người ‘môn đệ vô danh’; nhờ đó, thiên đàng cũng kéo xuống tận linh hồn con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts