Trong thư thứ I gửi Timôthê 6:16, thánh Phaolô viết: “Chỉ mình Ngài là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy.” Tác giả mô tả Chúa Giêsu đang ở trong “ánh sáng siêu phàm” “Đấng không một người nào đã thấy”, “không thể thấy”.
Khi nói “ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” thánh Phaolô muốn nói gì?
Cụm từ này sẽ làm chúng ta ngạc nhiên vì một trong những sứ điệp chính yếu của toàn bộ Tân Ước là Thiên Chúa đã trở nên gần gũi với con người và chúng ta có thể gặp được Ngài qua Chúa Giêsu Kitô: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1: 23) và “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1: 14). Trong Chúa Giêsu, Lời Thiên Chúa đã trở nên xác thịt – trở nên thấy được, hữu hình và do đó có thể tiếp cận được: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”(Ga 1:14), “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết.” (Gioan 1:18) và: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1:1).
Thánh Phaolô không sử dụng thuật ngữ “Ngôi Lời”, ngài dùng chữ “Thánh Tử” để nói rằng: “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới, tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Ngài và cho Ngài. Ngài có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Ngài. Ngài cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Ngài là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Ngài đứng hàng đầu. Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Ngài, cũng như muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình” (Côlôsê 1:15-20).
Cụm từ “ánh sáng siêu phàm” này trong thư 1 Timôthê nói đến mối tương quan rộng lớn hơn:
“Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Chúa Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước toà tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho anh: hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Chúa Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi, là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Ngài là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Ngài danh dự và uy quyền đến muôn đời. Amen” (1Timôthê 6: 13-16).
Chúng ta nhận ra rằng “ánh sáng siêu phàm” này chỉ ra sự sáng chói của Thiên Chúa, chói lọi đến mức lóa mắt. Chúng ta như thấy mình đang chìm trong tối tăm mịt mùng thì có một ánh sáng chói chang chiếu vào: “Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xuất hiện… Ngài là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tim 6:16). Thánh Gioan có một cách diễn tả tương tự: “Đây là lời loan báo của Chúa Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Ngài, không có một chút bóng tối nào” (1Ga 1: 5). Nói cách khác, Ngài là Thiên Chúa mà bản chất của Ngài chúng ta không thể hiểu tường tận được, nếu như chính Ngài không tự mặc khải ra cho phàm nhân chúng ta: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa….Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Ngài, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Ngài, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1: 1,9,14)
Clive Staples Lewis, trong “Bốn mối tình” (The Four Loves) đã viết: “Chúng ta không thể nhìn thấy ánh sáng, mặc dù nhờ ánh sáng, chúng ta có thể nhìn thấy mọi vật. Mặt trời chiếu sáng mọi thứ nhưng bản thân nó không ai có thể nhìn thấy được. Người khiêm hạ nhất trong chúng ta, trong tình trạng Ân Sủng, có thể có một số “hiểu biết do quen thuộc” (connaitre), một số “cảm nếm” được chính Tình Yêu; nhưng con người ngay cả ở mức độ thánh thiện và thông minh cao nhất của mình cũng không có “kiến thức” (savoir) trực tiếp về Bản thể tối thượng – chỉ có những phép loại suy. Những lời phát biểu về Thiên Chúa là phép ngoại suy từ kiến thức về những thứ khác mà sự soi sáng thiêng liêng cho phép chúng ta biết”. [1]
Nhìn vào mặt trời, vốn là thứ sáng nhất mà chúng ta có thể thấy, chúng ta sẽ bị chìm vào bóng tối mù mịt. Đây cũng là một chủ đề mà nhiều Giáo phụ trong Giáo hội cảm thấy xúc động khi suy tư về nó. Ví dụ, Dionysius Areopagite đề cập đến “Bóng tối thần thánh” trong một lời cầu nguyện đầy cảm xúc được tìm thấy trong cuốn “Thần học Huyền nhiệm”:
- “Lạy Ba Ngôi siêu phàm, Thần Tính trên tất cả mọi bản tính, mọi kiến thức và sự thiện hảo; Hướng dẫn mọi Kitô hữu đến Sự Khôn Ngoan Thần Linh; xin hướng dẫn con đường của chúng con đến đỉnh cao nhất của tri thức huyền nhiệm của Chúa, khôn dò nhất, chói ngời nhất và được tôn vinh nhất, nơi những mầu nhiệm thuần khiết, tuyệt đối và bất biến được che khuất trong sự chói lòa tăm tối của sự lặng im mầu nhiệm, sáng chói hơn tất cả mọi sáng chói cùng với Bóng tối mãnh liệt, và bổ sung cho trí tuệ mù quáng của chúng con bằng sự ngay thẳng vinh quang, hoàn toàn không thể cảm nhận và không thể nhìn thấy, vượt qua mọi vẻ đẹp.” [2]
Tương tự như vậy, Thánh Grêgôriô Nyssê đã nói về bóng tối chói lọi:
“Môsê tiến lại gần đám mây đen, nơi Thiên Chúa đang ngự” (Xuất Hành 20:21). Môsê bước vào bóng tối và ở đó ông nhìn thấy Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là gì?
Câu chuyện này dường như mâu thuẫn với câu chuyện về sự tỏ hiện đầu tiên. Lúc đó, Thiên Chúa xuất hiện trong ánh sáng, nhưng bây giờ Ngài xuất hiện trong bóng tối… Bản văn dạy chúng ta rằng hiểu biết tôn giáo trước tiên được trải nghiệm như ánh sáng. Tất cả những gì trái ngược với tôn giáo đều được coi là bóng tối, và bóng tối tan biến khi chúng ta nhận được ánh sáng. Nhưng khi tâm trí càng tiến tới…, khi tâm trí đạt được sự hiểu biết về các thực tại và tiếp cận với sự chiêm nghiệm, thì nó càng thấy rõ rằng bản tính Thiên Chúa là không thể thấy được. Bỏ lại đằng sau tất cả những dáng vẻ bên ngoài, không chỉ những dáng vẻ cảm nhận được bằng giác quan mà cả những gì trí tuệ dường như nhìn thấy, nó ngày càng chìm sâu hơn vào bên trong chính mình, cho đến khi bằng nỗ lực tâm linh, trí tuệ thâm nhập vào cái vô hình và cái không thể biết được, và ở đó nó nhìn thấy Thiên Chúa. Đây mới là hiểu biết thực sự về những gì được tìm kiếm. Đây mới là thấy, vốn hệ tại trong việc không thấy, bởi vì cái được tìm kiếm thì siêu việt mọi kiến thức, bị ngăn cách mọi phía bởi mầu nhiệm tuyệt đối, giống như một loại bóng tối. Đây là lý do tại sao vị chiêm niệm Gioan, là người đã thâm nhập vào bóng tối chói lọi này, nói rằng chưa từng có ai nhìn thấy Chúa, tuyên bố bằng sự phủ định này rằng bản tính Thiên Chúa không chỉ nằm ngoài tầm với của con người mà còn ngoài tầm với của mọi bản tính lý trí. Và vì vậy, khi Môsê đã tiến bộ về hiểu biết, ông tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy Chúa trong bóng tối, hay nói cách khác là ông nhận ra rằng về cơ bản Thần tính là điều vượt qua mọi kiến thức và không trí óc nào có thể hiểu được…Lời Thiên Chúa ngay từ đầu đã cấm không được ví Thiên Chúa với bất cứ thứ gì mà con người biết đến, vì mọi khái niệm xuất phát từ một hình ảnh dễ hiểu nào đó đều tạo thành một vị thần ngẫu tượng và không thể công bố Thiên Chúa.” [3]
Sau này một nhà văn thời trung cổ tên là Theophylact, viết rằng, “Mặt trời không thể tiếp cận được do độ sáng quá mức của nó. Nếu người ta không thể nhìn thẳng vào mặt trời, vốn chỉ là một phần nhỏ của sự sáng tạo, vì sức nóng và sức mạnh quá mức của nó, thì con người phàm trần càng không thể nhìn chằm chằm vào vinh quang không thể diễn tả được của Thiên Chúa.” [4]
Còn thánh Gioan Kim khẩu (Chrysostom) thì lại hỏi… “Vậy thì chính Thiên Chúa có phải là một Ánh sáng không, và có một Ánh sáng nào khác mà Ngài ngự trong đó không? Vậy thì Ngài có bị giới hạn bởi địa điểm không? Đừng nghĩ như vậy. Qua cách diễn tả này Bản tính Thiên Chúa được mô tả là không thể hiểu thấu được. Vì vậy, thánh Gioan nói về Thiên Chúa, theo cách tốt nhất mà ngài có thể. Hãy nhìn xem, làm thế nào miệng lưỡi có thể thốt ra được điều gì đó vĩ đại mà nó không có năng lực để làm như vậy?” [5]
Người ta cũng nghĩ đến ý niệm liên quan đến đêm tối linh hồn được Thánh Gioan Thánh Giá nói đến:
“Giữa lòng đêm được chúc phúc,
Trong bí mật – vì không ai nhìn thấy
Và cả tôi cũng chẳng thấy gì –
Không ánh sáng, không người dẫn lối,
Ngoài ánh đèn đang cháy trong tim” [6]
Trong thần học, có hai cách thế chính để nhận biết Thiên Chúa: cách khẳng định và cách phủ định – nói lên điều không phải là Ngài. Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa hơn đôi chút theo cách phủ định này. Đây là con đường của bóng tối. Ánh sáng nơi Thiên Chúa ngự trị không chỉ không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc không thể nắm bắt được bằng trí tuệ của con người, mà còn là thứ mà chúng ta thậm chí không thể tới gần. Đó là ngọn lửa chói lòa trên đỉnh núi mà chúng ta không thể leo tới gần.
Làm thế nào để chúng ta dung hòa điều này với thông điệp tổng thể của Tân Ước?
Đầu tiên, điểm mấu chốt là mặc dù Thiên Cúa đã biểu lộ chính Ngài trong Chúa Giêsu Kitô, nhưng Thiên Chúa, tự bản chất, Ngài vẫn siêu việt chúng ta. Thiên Chúa không ngừng là Thiên Chúa khi Ngài Nhập thể.
Thứ đến, mặc dù đối với chúng ta Ngài là Đấng không thể tới gần được, nhưng Ngài lại có thể đến gần chúng ta. Điều này đạt được nhờ Chúa Giêsu Kitô. Thư gửi tín hữu Hípri đưa ra một lời tường thuật tuyệt vời về cách Chúa Giêsu Kitô làm cho chúng ta có thể đến gần được Thiên Chúa:
“Anh em đã chẳng tới một quả núi sờ thấy được, có lửa đang cháy, mây mù, bóng tối và giông tố, có tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm, khiến những kẻ nghe phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa, vì họ không chịu nổi mệnh lệnh sau đây: Ngay cả thú vật đụng đến núi, cũng phải bị ném đá. Cảnh tượng hãi hùng đến mức ông Môsê phải nói: Tôi kinh hoàng và run rẩy! Nhưng anh em đã tới núi Xion, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, dự đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa, là những kẻ đã được ghi tên trên trời. Anh em đã tới cùng Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi người, đến với linh hồn những người công chính đã được nên hoàn thiện. Anh em đã tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Chúa Giêsu và được máu của Ngài rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel.” (Hípri 12: 18-24).
Đó là mục đích của việc Chúa Giêsu Sự Nhập Thể, sứ mạng của Ngài là làm cho Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, kết hiệp điều không thể kết hiệp, Thiên Chúa và con người. Nhờ Chúa Giêsu, Ánh Sáng Thần Linh đã trở nên có thể tiếp cận được, điều này thật lôi cuốn. Nhưng sẽ chính xác hơn nếu nói rằng nhờ Chúa Giêsu, Ánh Sáng Thần Linh đã đến gần chúng ta: “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng ; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Is 9: 1) và: “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1: 9).
Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về Tin mừng Gioan chương 12: 46: “Tôi là ánh sáng đến thế gian, để tất cả những ai tin vào tôi thì không ở lại trong bóng tối”, ngài đưa ra cho chúng ta một giải thích thiết thực: “Sứ mệnh của Chúa Giêsu là mang ánh sáng. Và sứ mệnh của các tông đồ là mang ánh sáng của Chúa Giêsu. Chúa cứu chúng ta khỏi bóng tối mà chúng ta có trong cõi lòng, khỏi bóng tối của cuộc sống hàng ngày, của đời sống xã hội, của đời sống chính trị, của đời sống quốc gia và quốc tế.” [7]
Đức Phanxicô nói Chúa Giêsu mô tả với Nicôđêmô chính Ngài là “ánh sáng”, đối lập với bóng tối (Ga 3: 9-21). Đức Thánh Cha nói: “Việc Chúa Giêsu đến thế gian dẫn đến một sự lựa chọn, ai chọn bóng tối sẽ bị phán xét kết án, ai chọn ánh sáng sẽ được cứu rỗi.” Ngài lưu ý, sự phán xét là kết quả của sự lựa chọn tự do của chúng ta: “Kẻ làm điều ác tìm bóng tối; ai tìm kiếm chân lý, tức là ai làm điều thiện, thì đến với ánh sáng.” Chúng ta được mời gọi “đón ánh sáng vào lương tâm của chúng ta để mở lòng chúng ta đón nhận tình yêu vô biên của Thiên Chúa, đón nhận lòng thương xót đầy dịu dàng và tốt lành của Ngài.” [8]
Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] https://www.logos.com/grow/c-s-lewis-quotes-on-love-life-god-and-more/
[2] http://esoteric.msu.edu/VolumeII/MysticalTheology.html
[3] Gregory of Nyssa (335 – sau 394 ): Cuộc đời của Môsê, 2.162-66; Giờ kinh chiều Đan viện, Thứ Sáu Tuần thứ Hai Mùa Chay, Năm 2.
[4] Theophylact gửi cho Autolycus, chú giải Tv 04: 2; 1 Ga 1: 5; 1 Tim 6.
[5] Bài giảng về thư I Timôthê 6:13-16: Các Giáo phụ trong và sau Công đồng Nixê. Quyển XIII.
[6] Trích Trong Thánh Thi – Gioan Thánh Giá – NT Vĩnh An dịch. https://dongcatminh.org/dem-tam-toi/
[7] Thánh lễ thứ Tư, ngày 06 thánh 5 năm 2020, tại nhà nguyện Casa Santa Marta, Thành phố Vatican.
[8] Buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 3 năm 2021.