ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ SOI CHIẾU MỌI DÂN TỘC

Theo Thánh Mátthêu, trong khi rao giảng Nước trời, Chúa Giêsu khẳng định khuôn phép cũ của Cựu ước luôn có hiệu lực: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17), hay chính xác hơn, giao ước xưa kia của Thiên Chúa chủ yếu hướng về Israel, dân riêng của Ngài.

Một điểm nhấn mạnh chính trong Tin mừng Mátthêu là Chúa Giêsu, là Đấng Mêsia mà Cựu ước tiên báo. Theo quan điểm Kitô giáo của Mátthêu, lời dạy của Chúa Giêsu mang đến cho Sách Ngũ Kinh Torah của Do thái giáo sự trọn vẹn, ý nghĩa và tầm quan trọng đầy đủ của nó, đến từng chấm từng phẩy: “Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5, 18-19). Trong suốt sách Tin mừng của mình, Mátthêu thường hay viết “ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (1: 22), “vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng” (2: 5), “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ” (2: 15), “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ” (2: 17), “để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng” (2: 23), “chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới” (3:3), “Vì đã có lời chép rằng” (4: 10),v.v… Nơi Mátthêu 2:1-12 mà chúng ta đang đọc, nhà tiên tri được trích dẫn là Mikha: “Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mikha 5: 1). Cách viết này là để chứng minh những điều được tiên báo trong Sách thánh Do Thái (Cựu Ước) đang được thực hiện nơi Chúa Giêsu.

Nhưng khi Chúa Giêsu đã chịu chết và phục sinh, ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban phát cho mọi người, chính vì thế Tin Mừng Mátthêu kết luận với lệnh truyền vang dội cho cộng đoàn sau Phục Sinh là hãy đi giảng dạy muôn dân: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28, 19). Vì vậy, theo thánh Mátthêu, việc rao truyền Tin mừng của Hội Thánh cho Dân Ngoại không phải là chuyện tình cờ của lịch sử mà là một hành vi thực hiện ý định của Thiên Chúa thích hợp cho thời đại Cánh chung, khi mà Ơn Cứu Độ được coi là tất yếu mở ra cho mọi dân tộc. Thực ra, ngay khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói đến và thực hiện điều này, như trong Mátthêu chương 15 câu 21-28: “Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan,ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! ” Nhưng Ngài không đáp lại một lời. Ngài đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Ngài rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! ” Ngài đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Chúa Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.” Mặc dù, Chúa Giêsu thực hiện sứ mạng của mình chủ yếu nơi dân Do Thái, theo như lời Kinh thánh. Tuy nhiên, Ngài không từ chối thực thi tình yêu của Ngài đối với dân ngoại, nhất là khi họ tin tưởng vào Ngài. Chúa Giêsu đã đến với nhiều người dân ngoại như ông đại đội trưởng ngoại giáo trong Mátthêu chương 8 cậu 5-13: “Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời.” Trong chương 24 câu 14 thánh Mátthêu cho thấy Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng: “Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng.”

Do đó, Tin mừng Mátthêu đặc biệt ý thức về bản chất phổ quát, “công giáo” của Kitô giáo. Cuộc đời, lời rao giảng cùng các việc làm của Chúa Giêsu đã thực hiện không còn bị giới hạn trong các cộng đồng người Do Thái. Trong đoạn 2: 1-12 này, được chọn cho ngày lễ Hiển linh hôm nay, thánh Mátthêu nhấn mạnh rằng sự ra đời của Chúa Giêsu, Đấng Mêsia, có ý nghĩa vượt ra ngoài vị trí địa lý của “Bêlem, miền Giuđê”, của văn hóa “dân Do thái”, của tôn giáo tại “Giêrusalem”, và bối cảnh chính trị “Vua Hêrôđê trị vì” (Mt 2:1-3).

Ngay sau gia phả của Chúa Giêsu (Mt 1:1-17), nhằm nhấn mạnh nguồn gốc Do Thái và bằng chứng Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, là Đấng Mêsia, thánh Mátthêu lại kể về chuyến viếng thăm của các nhà chiêm tinh, có thể đến từ Ả Rập hoặc Mesopotamia – phía đông Giuđêa – hoặc thậm chí xa hơn. Được coi là “những nhà thông thái dân ngoại”, vì họ biết những bí ẩn của tự nhiên, nhưng việc Mátthêu kể về họ: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài” (Mt 2:1-12) đối trọng với ý hướng tập trung vào dân Israel. Thánh Mátthêu cho thấy sự ra đời và sứ mạng của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa phổ quát, vượt ra khỏi phạm vi Do thái giáo.

Tâm điểm của ngày Lễ Hiển Linh trong Giáo hội Công giáo, vốn được cử hành vào ngày Chúa nhật đầu tiên sau ngày đầu năm, theo lịch phụng vụ Công giáo Rôma và một số Giáo hội Kitô giáo khác, là thuật ngữ “epiphany – hiển linh” dùng để chỉ sự tỏ hiện của thần linh, được sử dụng trong cả bối cảnh Kitô giáo và các tôn giáo khác.

Để tạo nên trình thuật hấp dẫn này về các vị Hiền sĩ đến từ Phương đông, nơi mặt trời tỏ rạng báo hiệu một ngày mới, thánh Mátthêu đã sử dụng cách diễn tả đầy chất thơ: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông” (Mt 2: 2) như chất thơ của ngôn sứ Isaia mà chúng ta đọc trong Bài Đọc Thứ Nhất:

Đứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi.

Vinh quang của Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi.

Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân;

còn trên ngươi Chúa như bình minh chiếu toả,

vinh quang Ngài xuất hiện trên ngươi

(Isaia 60: 1-3)

và trong Thánh Vịnh 72, dùng làm Đáp Ca:

Tâu Thượng Đế, xin ban quyền bính Ngài cho vị Tân Vương,

trao công lý Ngài vào tay Thái Tử,

để Tân Vương xét xử dân Ngài theo công lý,

và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn…

Dân vùng sa mạc khúm núm quy hàng,

tất cả đối phương nhục nhằn cắn cỏ.

Từ Tácsít và hải đảo xa xăm,

hàng vương giả sẽ về triều cống.

Cả những vua Ả rập, Xơ va,

cũng đều tới tiến dâng lễ vật.

Mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng,

muôn dân nước thảy đều phụng sự

(Tv 72: 1-2; 9-1).

Các vị Hiền sĩ từ phương Đông, đại diện cho các dân nước trên thế giới, đã nhận thấy nơi Chúa Giêsu câu trả lời cho việc tìm kiếm và thực hiện ước mong của họ. Các vị Hiền sĩ – vốn là những người khôn ngoan thuộc dân ngoại phương xa – nhận ra dấu hiệu trên trời cao báo hiệu một điều quan trọng, một cơ hội chỉ có một lần trong đời đáng để đầu tư thời gian và sức lực để nắm bắt. Đây không phải là lần duy nhất Mátthêu nói với chúng ta một điều như thế này, ngài nói ở một chỗ khác: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13:44-46). Các vị Hiền sĩ thừa nhận Đấng Mêsia là vua, đáng để họ tôn kính và tự hiến, và họ vui mừng khôn xiết khi tìm thấy Ngài: “Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Ngài. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2: 10-11).

Chúng ta thời nay, những người tin theo Chúa Giêsu Kitô, cũng cần trở nên những người khôn ngoan lên đường tìm kiếm Đấng có thể đem lại câu trả lời cho khát vọng sâu xa của mỗi chúng ta: ý nghĩa của cuộc sống đời này và niềm hy vọng đạt được sự sống hạnh phúc đích thật đời sau. Chỉ sau khi như các nhà chiêm tinh: “Trông thấy … mừng rỡ vô cùng….sấp mình thờ lạy… dâng tiến” (Mt 2: 10-11), đến lượt mình,  chúng ta mới có thể trở nên ánh sao “dẫn đường đến tận nơi Hài Nhi ở” (Mt 2: 9) cho tất cả những ai khác, bất kể sắc tộc, mầu da, ngôn ngữ. Những gặp gỡ như thế phải là mẫu mực làm phong phú thêm sự đại diện của nhiều dân tộc từ nhiều nền văn hóa đa dạng trong Thành đô của Thiên Chúa: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi” (Isaia 60: 3-4).

Vào ngày Lễ Hiển Linh này, Giáo hội muốn nói với con cái mình và mọi người rằng Ánh Sao Sáng Cứu độ, là Chúa Giêsu Kitô, chiếu soi tất cả mọi con người, mọi dân nước, là sự mặc khải của chính Thiên Chúa dưới hình dạng con người – một sự mặc khải dành cho toàn thế giới.

Các nhà thông thái đến với Chúa Giêsu Hài đồng và dâng cho Ngài những món quà của họ, chúng ta cũng đến với Ngài. Có lẽ không khó để dâng cho Ngài “vàng bạc” của chúng ta – những gì chúng ta biết là có giá trị trong chính chúng ta. Nhưng chúng ta cũng đừng quên dâng lên Ngài “một dược” của chúng ta – là những bóng tối tội lỗi trong thân phận sa ngã của con người chúng ta để: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài” (Rm 6: 8) và đừng để chúng ngăn cản chúng ta đến với Ánh Sáng. Chúa Kitô đón nhận thói hư tật xấu của chúng ta cũng như đón nhận những tính tốt của chúng ta. Cuối cùng chúng ta dâng lên Ngài “nhũ hương” là những lời cầu nguyện với tất cả con người của chúng ta. Chúa Hài đồng chào đón các vị Hiền sĩ và chấp nhận những món quà của họ, Ngài cũng chào đón và ôm lấy chúng ta với tất cả những gì chúng ta yêu mến và tất cả những gì tốt đẹp trong thuần phong mỹ tục của cộng đồng xã hội chúng ta.

Việc các nhà thông thái: “đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2: 12) cũng là điều đáng suy nghĩ. Ngoài việc họ muốn tránh khỏi Hêrôđê, “đi lối khác mà về” còn có nghĩa thay đổi hướng đi, thay đổi những suy nghĩ và cung cách sống, định hướng lại lẽ sống. Cuộc gặp gỡ với Chúa Hài đồng, Đấng Mêsia, có tạo ra điều gì khác biệt trong cuộc sống của tôi không?

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts