Ngày tháng tiếp tục xoay vần, thời tiết bắt đầu thay đổi, những ngày lễ hội mừng Năm mới trôi xa hơn vào quá khứ.
Tất cả đều là dấu hiệu Mùa Chay đang đến gần. Mùa Chay là một trong năm mùa của lịch phụng vụ Công giáo, cùng với Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh , Mùa Phục Sinh và Mùa Thường Niên.
Mùa Chay lấy cảm hứng từ 40 ngày Chúa Giêsu ở trong sa mạc. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết rằng sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đã ăn chay trong sa mạc và sau đó bị ma quỷ cám dỗ. Ngài chống lại những cám dỗ này và sau đó đến Galilê để bắt đầu sứ vụ công khai của mình: “Quỷ lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Ngài thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi .” Chúa Giêsu liền nói: “Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Ngài mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Ngài” (Mt 4: 8-11).
Mùa Chay diễn ra trước lễ Phục sinh và là một thời kỳ long trọng tập trung vào việc cầu nguyện, ăn chay và bố thí. Mặc dù Mùa Chay thường gắn liền với đức tin Công giáo, nhưng nhiều Kitô hữu – bao gồm cả Tin lành và Chính thống giáo – vẫn tuân giữ Mùa Chay.
Không có thời gian nào tốt hơn để gắn kết lại và đào sâu đức tin của mình hơn là Mùa Chay. Trong thời gian này, chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa hơn nhằm chuẩn bị cử hành sự sống lại của Chúa Kitô vào Lễ Phục Sinh trong vui mừng.
Thứ Tư Lễ Tro là ngày đầu tiên của Mùa Chay. Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro rơi vào ngày 22 tháng 2 năm 2023. Thứ Tư Lễ Tro luôn luôn rơi vào sáu tuần rưỡi trước Lễ Phục Sinh, bắt đầu Mùa Chay nhằm chuẩn bị cho Sự Phục Sinh của Chúa Kitô vào Chúa Nhật Phục Sinh.
Thứ Tư Lễ Tro có từ thế kỷ 11. Tuy nhiên, truyền thống xức tro thậm chí còn có nguồn gốc sớm hơn – từ phong tục cổ xưa của người Do Thái là mặc vải gai và đổ tro lên người như một dấu hiệu của sự sám hối.
Kinh thánh không nêu chi tiết rõ ràng về ngày đầu tiên của Mùa Chay này, nhưng có nhiều trường hợp về hành động ăn năn này trong Cựu Ước, chẳng hạn như Gióp 16:15: “Tôi khoác lên da khô của mình tấm áo vải thô, lại vùi trán tôi trong bụi đất.” (Gióp 16:15).
Và trong Tân Ước, chẳng hạn như Luca 10:13: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi” (Luca 10:13).
Trong nhiều truyền thống tôn giáo, tro biểu thị cho cái chết của cơ thể con người chúng ta. Sáng thế ký 3:19 cho chúng ta biết: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
Trong Giáo hội Thiên chúa giáo sơ khai, việc đền tội công khai cho những người phạm tội bao gồm đổ tro trên đầu và mặc áo vải gai. Khi Giáo hội lớn mạnh và phát triển, thực hành này giảm bớt.
Truyền thống lâu đời này – công khai nhìn nhận mình là tội nhân đang đi tìm sự đổi mới với Thiên Chúa – cuối cùng đã biến thành điều mà ngày nay chúng ta gọi là Thứ Tư Lễ Tro, ngày đầu tiên của Mùa Chay.
- Tro lấy từ đâu?
Chúa Nhật Lễ Lá là Chúa Nhật trước Lễ Phục Sinh. Lễ Lá tượng trưng cho việc Chúa Kitô trở lại Giêrusalem sau 40 ngày trong sa mạc. Theo truyền thống Công giáo, chúng ta nhận lá cọ hoặc lá dừa đã được làm phép để giữ lại trong Thánh lễ và mang về nhà. Những lá còn sót lại từ Chúa Nhật Lễ Lá sau đó được đốt và để dành cho mùa Chay tiếp theo. Vì vậy, tro của năm nay là của Chúa Nhật Lễ Lá năm 2022.
- Tro để làm gì?
Thường thì tro được xức trên trán theo hình Dấu Thánh Giá. Tương tự như rước lễ trong Thánh lễ, bạn thường tiến về phía bàn thờ để được xức tro. Linh mục hay thừa tác viên sẽ dùng tro làm Dấu Thánh Giá trên trán bạn và nói một trong hai điều sau:
“Hãy nhớ rằng mình là bụi tro, và sẽ trở về với bụi tro” hoặc “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
- Tro tượng trưng cho điều gì?
Tro tượng trưng cho cái chết của chúng ta. Tro là một lời nhắc nhở cụ thể rằng thể xác chúng ta sẽ mục nát, nhưng linh hồn của chúng ta sẽ tiếp tục sống trong cuộc sống vĩnh cửu. Dấu Thánh giá bằng tro có nghĩa là chúng ta đang thực hiện một cam kết – rằng chúng ta đang thực hiện Mùa Chay như một mùa cầu nguyện và sám hối, để chính mình chết đi. Điều đó cũng mô tả tình trạng con người của chúng ta: bị hư hỏng và cần được sửa chữa; chúng ta là tội nhân và cần được cứu chuộc. Quan trọng nhất, Dấu Thánh giá bằng tro cho chúng ta biết rằng, với tư cách là những người theo Chúa Giêsu Kitô, chúng ta phải vác thập giá của mình.
- Thứ Tư Lễ Tro có phải là Ngày Lễ buộc của Công giáo không?
Thứ Tư Lễ Tro không phải là Ngày Lễ buộc đối với người Công giáo La Mã, nhưng việc nhận tro trên trán là một thông lệ phổ biến nơi những Kitô hữu để bắt đầu hành trình Mùa Chay của họ. Hầu hết các giáo xứ Công giáo đều cử hành Thánh lễ Thứ Tư Lễ Tro, và ở một số nơi, có thể nhận tro mà không cần tham dự Thánh lễ.
- Tôi có cần phải là người Công giáo để nhận tro không? Bạn không cần phải là người Công giáo để nhận tro vào Thứ Tư Lễ Tro. Một số truyền thống khác trong Kitô giáo cũng chia sẻ hành động thống hối này.
- Tại sao Thứ Tư Lễ Tro lại quan trọng?
Là ngày đầu tiên của Mùa Chay, Thứ Tư Lễ Tro thức tỉnh chúng ta về việc Chúa Giêsu vào sa mạc trước khi chịu chết. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Một cách quan phòng, Mùa Chay đến để thức tỉnh chúng ta khỏi tình trạng uể oải.” Tuy nhiên, trước lễ Phục sinh, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn cho sự Phục sinh của Ngài. Chúng ta bắt đầu mùa chuẩn bị tâm hồn cho lễ Phục sinh bằng cách nhận ra sự tan nát của mình và nhu cầu hoán cải, hướng tâm hồn về với Chúa.
- Ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro.
Chỉ có hai ngày bắt buộc ăn chay và kiêng thịt trong Giáo hội Công giáo: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Người Công giáo cũng được khuyến khích kiêng thịt vào mỗi thứ Sáu trong Mùa Chay.
- Tại sao người Công giáo ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro?
Ăn chay là một dấu hiệu của sự ăn năn và giúp chúng ta thể hiện tinh thần khao khát Chúa Kitô, Đấng đã nhịn ăn trong sa mạc bốn mươi ngày trước cái chết và sự Phục sinh của Ngài.
- Yêu cầu về độ tuổi
Giáo hội Công giáo yêu cầu các thành viên có năng lực từ 18 đến 59 tuổi phải ăn chay vào Thứ Tư Lễ Tro. Nghĩa vụ kiêng thịt áp dụng cho những người từ 14 tuổi trở lên.
- Giữ chay
Ăn chay cho phép một bữa ăn đầy đủ và hai bữa ăn ít, hai bữa ít này kết hợp lại không bằng một bữa ăn đầy đủ, cùng với việc kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro. Những người có nhu cầu thể chất đặc biệt được miễn trừ.
Trong một số tình huống nhất định, các giám mục có thể đưa ra một sự miễn chuẩn chính thức, cho phép người Công giáo ăn thịt. Điều này đã xảy ra ở một số giáo phận trong đợt bùng phát đầu tiên của Covid-19.
Trong khi hầu hết người Công giáo đều quen thuộc với việc “kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu” trong Mùa Chay, thì việc ăn chay và kiêng thịt là những thực hành quan trọng trong suốt Mùa Chay. Giữ chay còn có nghĩa là từ bỏ những thứ như buôn chuyện “ngồi lê đôi mách”, đi uống cà phê “tán gẫu” ở các quán xá hoặc từ bỏ những khoảng thời gian nghe nhạc trong ngày và thay thế bằng việc đọc kinh thánh và cầu nguyện. Cầu nguyện làm sâu sắc thêm mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa trong Mùa Chay và đem lại ý nghĩa cho việc ăn chay của chúng ta và tăng cường việc bố thí của chúng ta.
Những lời cầu nguyện Thứ Tư Lễ Tro
Thứ Tư Lễ Tro, là ngày đầu tiên của Mùa Chay, là thời điểm tuyệt vời để Kitô hữu bắt đầu cam kết cầu nguyện lại. Những lời cầu nguyện vào Thứ Tư Lễ Tro có thể bao gồm việc lần chuỗi Mân Côi, đọc và suy ngẫm Lời Chúa hoặc bắt đầu bằng những lời cầu nguyện Mùa Chay cho năm 2023. Dưới đây là một số lời cầu nguyện dễ dàng mà bạn có thể sử dụng để cảm thấy được liên kết với Chúa trong Mùa Chay năm nay:
“Lạy Chúa, xin ánh sáng của Ngài hướng dẫn ngày sống của con, và tinh thần của Ngài mang lại cho con sự bình an. Amen.”
“Lạy Chúa, xin cho sự hy sinh của con ngày hôm nay (nêu rõ sự hy sinh trong Mùa Chay của Chúa) nhắc nhở con về sự phụ thuộc của con vào Ngài để nhận được tất cả những phúc lành mà con được hưởng. Amen.”
“Hôm nay xin Chúa ban cho con liên kết với tất cả anh chị em của con trên khắp thế giới đang đau khổ. Xin cho chúng con được hiệp nhất trong tình yêu của Chúa, và xin cho con làm việc để xây dựng Nước Chúa trên trần thế này.”
“Lạy Cha trên trời, con thành tâm xin lỗi Chúa vì những khoảnh khắc con đã quên Chúa trong ngày hôm nay. Con cầu xin Chúa tha thứ cho con và ban sức mạnh cho con để làm theo tiếng mời gọi của Chúa tốt hơn vào ngày mai. Amen.”
“Lạy Chúa, hôm nay con xin dâng (tên người mà bạn muốn cầu nguyện cho) lên cho Chúa. Con xin Chúa chúc lành dồi dào cho họ hôm nay và trong suốt Mùa Chay. Amen.”
“Lạy Chúa Giêsu, con xin tín thác mọi sự nơi Chúa, xin Chúa lo liệu mọi sự cho con. Amen.”
Ngoài việc ăn chay và tham dự Thánh lễ hoặc nghi thức xức tro, bạn có thể tuân giữ Thứ Tư Lễ Tro qua việc cầu nguyện và bố thí – hai trụ cột khác của việc thực hành Mùa Chay. Việc bố thí nhắc nhở chúng ta về lời mời gọi phục vụ của Chúa Giêsu và liên kết chúng ta trong tình liên đới với những anh chị em đang túng thiếu.
Khi cầu nguyện, hãy để tâm lắng nghe Tin Mừng hàng ngày hoặc ghi chép lại những suy niệm và tâm tình trong tâm hồn của mình để phân định những gì chúng ta muốn tập chú vào mối tương quan của chúng ta với Chúa Kitô trong Mùa Chay này. Mùa Chay có thể là thời gian vô cùng bổ ích cho đời sống đức tin của chúng ta. Chúng ta hãy tận dụng một cách có ý nghĩa nhất thời gian Mùa Chay này mà chúng ta sắp bước vào.
Phêrô Phạm Văn Trung
dịch và tổng hợp từ https://hallow.com/