Khi đến địa hạt Sê sa rê Philip, Chúa Giê Su hỏi các tông đồ: “ Người ta nói Con Người là ai ? Họ thưa: Người thì nói là Gioan Baptit, kẻ thì nói Ê li. Kẻ khác lại nói Giê rê mi hay một tiên tri nào đó” ( Mt 16, 13 -14 ) Hẳn là Chúa Giê Su không hài lòng vế nhận định đó nên Ngài hỏi tiếp: “ Còn các ngươi thì nói Ta là ai ?” ( Mt 16, 15 )
Sở dĩ Chúa Giê Su đặt câu hỏi và cần có câu trả lời bởi vì điều đó sẽ đem lại sự sống đời đời: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha tức chân thần duy nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ). Trong việc nhận biết này mặc dù ta thấy Chúa Giê Su nói có hai đối tượng cần nhận biết, một là Đấng Cha, hai là Chúa Giê Su ki Tô. Thế nhưng tuy hai mà vẫn là một, tuy một mà vẫn là hai. Tại sao ?
Bởi vì Chúa Giê Su đến để mạc khải về Cha: “ Chẳng ai từng thấy biết ĐCT bao giờ, duy Con Độc Sanh đã giãi bày ( Mạc Khải ) Cha” ( Ga 1, 18 ). Chúa Giê Su mạc khải Đấng Cha bởi vì Ngài đã thấy biết về Cha, còn phàm nhân chúng ta thì không: “ Các ngươi chẳng từng biết Ngài nhưng Ta biết Ngài. Nếu Ta nói rằng Ta không biết Ngài thì Ta cũng sẽ nói dối như các ngươi. Song Ta biết Ngài cũng giữ đạo Ngài” ( Ga 8, 55 ).
Vì vô minh điên đảo, con người không thể nhận biết về Đấng Cha nhưng nếu chúng ta nhận biết được Đức Giê Su Ki Tô thì cũng sẽ nhận biết được Cha. Chúa nói với Philip “ Ví bằng các ngươi đã biết Ta thì cũng sẽ biết Cha Ta. Từ nay các ngươi đã biết Ngài cũng đã thấy Ngài” Nghe vậy, tông đồ này vẫn chưa hiểu nên thưa với Chúa: “ Xin Thầy chỉ Cha cho chúng tôi thì đủ rồi” Chúa phán: “ Philip ơi, Ta ở với các ngươi lâu chừng này mà ngươi há chưa biết Ta sao ? Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha, sao ngươi lại nói xin chỉ Cha cho chúng tôi ? ( Ga 17, 8 -9 ).
Trong câu nói của Chúa: “ Ai thấy Ta là thấy Cha” thì…thấy ở đây không phải là thấy bằng con mắt xác thịt nhưng là con mắt tâm linh. Các môn đệ Chúa đã sống gần gũi với Chúa trong ba năm trường nhưng quả thật vẫn chưa biết Chúa như đích thật Ngài Là.
Các tông đồ đã không nhận biết Chúa hay nói đúng hơn là đã …hiểu lầm về Ngài. Sau cái chết cực kỳ bi thảm của Chúa Giê Su, các môn đệ kể cả các tông đồ đã tan tác, kẻ thì trở về với nghề chài lưới, người thì về quê lánh nạn v.v… Chúa Ki Tô Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường về Em Mau, Ngài làm bộ hỏi: “ Đang khi đàm luận và hỏi han nhau thì chính Chúa Giê Su đến gần cùng đi với họ nhưng mắt họ bị che nên không nhận biết Người.Ngài phán cùng họ rằng: Các ông nói chuyện chi với nhau trong khi đi đường vậy ? Họ dừng lại bộ buồn bực lắm. Một trong hai người tên là Cô leoba đáp rằng: Có phải chỉ một mình ông là khách kiều cư tại Gierusalem mà không hay việc đã xảy ra tại đó mấy ngày nay sao ? Ngài hỏi: Việc gì. Họ đáp: Việc Giê Su người Nazareth vốn là một tiên tri có quyền năng trong việc làm và lời nói trước mắt ĐCT và cả dân chúng. Thế mà các thầy tế lễ cả cùng các quan quyền ta đã nộp Ngài để xử tử và đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Nhưng chúng tôi đã hy vọng chính Ngài sẽ chuộc dân Itsraen” ( Cv 12, 15 -21 )
Sẽ…chuộc dân Itsraen có nghĩa cứu người Do Thái khỏi ách nô lệ La Mã. Đây là sự hiểu lầm không những của hai môn đệ ấy mà của các tông đồ khi họ tụ họp nhau trước khi Chúa Ki Tô Phục Sinh về trời. Họ hỏi Ngài:“ Thưa Chúa có phải này là lúc Ngài khôi phục nhà Itsraen hay không ? ( Cv 1, 8 ).
Một khi các môn đệ theo Chúa, gần gũi với Chúa như thế mà còn chưa hiểu gì về Ngài huống chi người Do Thái ? Họ vẫn thắc mắc về Chúa Giê Su nhưng đó là do một đàng họ tưởng Chúa Giê Su là Đấng Messia mà cha ông vẫn mong đợi, đàng khác lại không thoát khỏi cái nhìn bằng con mắt xác thịt “ Khi nghe Chúa Giê Su nói Ngài là Bánh từ trời xuống thì họ xầm xì với nhau đó chẳng phải là Giê Su là con ông thợ mộc mà cha mẹ người chúng ta đều biết đó ư, mà làm sao nay người lại nói Ta từ trời xuống ?” ( Ga 6, 41 -42 ).
Cái lầm của các tông đồ là nghĩ Chúa Giê Su là Đấng đến để giải cứu dân Itsraen khỏi ách nô lệ La Mã còn dân chúng thì cho rằng họ biết rõ thân thế Ngài là con bác thợ mộc Giu Se. Không những chỉ những cái nhìn mang tính…xác thịt như thế sẽ không bao giờ có thể nhận thức chân thật về Chúa Giê Su mà ngay cả với lý trí cũng vậy.
Thần học vốn dĩ là duy lý thế nên từ ngàn xưa đến nay vẫn chưa bao giờ nhận biết Chúa Giê Su Đấng Cứu Độ và điều đó đã tạo nên những cuộc khủng hoảng triền miên trong giáo hội. Nếu các tông đồ xưa kia khi chưa có ơn CTT đã lầm về Chúa cho rằng Ngài có sứ mạng cứu thoát dân Itsraen thì nay thần học lại vướng phải một quan niệm hết sức tai hại xoay quanh vấn đề có hay không Chúa Giê Su là…Đấng Thần Linh Tạo Hóa !!! ???
Phái Dưỡng Tử Thuyết ( Adoptianisme ) chối bỏ thần tính Đức Giê Su. Nhiều người theo thuyết này cho rằng Thiên Chúa duy nhất không có con. Nhóm khác lại cho rằng Thiên Chúa đã chọn một con người và đã biến đổi con người ấy trở nên thần linh trong phép rửa ở sông Gióc Đan !
Phái Ngộ Đạo Thuyết ( Gnosticisme ) dù công nhận Đức Mẹ thụ thai Chúa Giê Su bởi quyền năng CTT vẫn chỉ coi Chúa Giê Su như một con người. Sự kết hợp giữa…ông Giê Su và Đức Ki Tô trong phép rửa ở sông Gióc Đan chỉ là tạm thời. Đức Ki Tô rời bỏ ông Giê Su trước cuộc tử nạn !
Phái Ảo Thân Thuyết ( Docetisme ) không chấp nhận nhân tính đích thực của Chúa Giê Su. Họ cho rằng nhân tính của Ngài không phải là thân xác đích thực mà là một loại xác thiêng liêng có vẻ bên ngoài là thân xác giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính như là sự đau khổ.
Phái Nhất Chủ Thuyết ( Monarchianisme ) không tin Ba Ngôi Thiên Chúa và triệt để bênh vực độc thần giáo, không chấp nhận một ngôi vị Thiên Chúa riêng biệt nơi Đức Giê Su. Mọi hành vi ủa Đức Giê Su Ki Tô kể cả khổ nạn và sự chết đều được gán cho Chúa Cha…
Phái Ario cho rằng Chúa Cha là Đấng tuyệt đối siêu việt hơn Chúa Con. Chúa Con thấp hơn Chúa Cha về bản tính, uy quyền và vinh quang. Chúa Con được gọi là Thiên Chúa thực ra là một vị thần thấp hơn. Thiên Chúa thật là Đấng Duy Nhất tuyệt đối. Ngoài Ngài ra bất cứ thực tại nào cũng chỉ là tạo vật được dựng nên từ hư vô…
Trái với những luận điểm nêu trên, Phái Apolinaire muốn triệt để bênh vực sự duy nhất của Đức Ki Tô và bảo vệ sự thánh thiện tuyệt đối của Ngài về phương diện hữu thể cũng như về phương diện luân lý. Phái này cho rằng Ngôi Lời đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Ki Tô là Ngôi Lời thần linh nhập thể nghĩa là ở trong thân xác con người ( Logos enssarkos, Verbe Incarne’ ).
Với phái Apolinair tuy còn nhiều mâu thuẫn, bất cập nhưng nó phần nào ảnh hưởng đến quan niệm Chúa Giê Su là Đâng Thiên Chúa Nhập Thể hiện nay. Tuy nhiên quan niệm này hoàn toàn trái ngược với lý trí con người đến nỗi không sao có thể chấp nhận: “ Chúa Giê Su vừa là Tạo Hóa vừa là tạo vật, vừa là đấng dựng nên vừa là người được dựng nên là điều không thể hiểu đối với lý trí loài người chúng ta. Chính vì thế giáo phụ Tertulien đã thốt ra những lời táo bạo:“ Tôi tin vì không thể tin được” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc: Suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể theo lược đồ Chalcedoine ).
Tuyên xưng đức tin là tin vào sự chân thật của Lời Chúa chứ không phải là tin vào những điều không thể tin khi cho rằng Chúa Giê Su vừa là Tạo Hóa vừa là con người. Lý do không thể tin một điều vô lý như thế bởi vì chính Chúa Cha đã làm chứng Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa. “ Khi chịu phép rửa rồi Chúa Giê Su liền lên khỏi nước. Kìa các tầng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh ngự xuống dưới hình chim bồ câu đậu trên Ngài và có tiếng từ trời phán: Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” ( Mt 3, 16 -17 ).
Với lời chứng ấy cho thấy Chúa Giê Su đích thực là Con Thiên Chúa không thể hiểu cách nào khác. Chúa Giê Su là Con Thiên Chúa và Ngài đã nhiều lần xác nhận với người Do Thái về chân lý đó nhưng chính điều ấy đã khiến cho Ngài bị căm ghét và cuối cùng thì giết bỏ. “ Vừa rạng sáng, các tưởng lão và các thầy tế lễ cả, luật sĩ đều họp lại và dẫn Chúa Giê Su vào Nhà Công Hội của họ rồi nói rằng: Nếu ngươi là Đấng Ki Tô thì hãy nói cho chúng ta đi. Ngài đáp: Nếu Ta nói hẳn các ngươi cũng chẳng tin. Còn nếu Ta hỏi các ngươi thì các ngươi cũng chẳng trả lời nhưng rồi đây các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu quyền năng của ĐCT. Ai nấy đều hỏi rằng: Vậy ngươi là Con ĐCT sao ? Ngài đáp đúng như các ngươi nói, phải Ta đây. Họ bèn đồng thanh nói: Chúng ta còn cần chứng cớ gì nữa ? Vì chính chúng ta đã nghe từ miệng ngươi rồi” ( Lc 22, 66 -71 )
Chúa Giê Su luôn nhận mình là Con, còn Thiên Chúa là Đấng Cha của mình và Ngài hết lòng tuân phục Thánh Ý Cha: “ Ta không thể tự mình làm gì được, Ta nghe thế nào thì xét đoán thể ấy và sự xét đoán của Ta là công bình vì Ta chẳng tìm ý riêng Ta nhưng tìm ý của Đấng đã sai Ta. Nếu Ta tự làm chứng cho mình thì chứng ấy không thật. Có đấng khác làm chứng cho Ta và Ta biết rằng chứng của Đấng ấy làm chứng cho Ta là thật” ( Ga 5, 30 -32 ).
Tước vị Con Thiên Chúa cũng gọi là Đấng Ki Tô, Đấng được xức dầu mang sứ mạng Cứu Nhân Độ Thế và việc Cứu Độ này có mục đích để cho con người nhận biết Thiên Chúa là Cha và như thế tất cả đều là con của Ngài. Đúng thật là con nhưng chỉ vì vô minh che lấp nên đã không thể nhận biết Thiên Chúa quả thật là Đấng Cha của mình để rồi phải trôi lăn mãi trong vòng sinh tử, tử sinh.
Chúa Giê Su Ki Tô mạc khải về Đấng Cha. Điều ấy đã được chính Ngài xác nhận nhưng tại sao thần học lại cứ khăng khăng chối bỏ ? Lý do là vì người ta đã dựa vào bản dịch Tin Mừng Thánh Gioan cho rằng Chúa Giê Su chính là Ngôi Lời:“ Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời là Thiên Chúa” ( Ga 1, 1 )
Trong bản dịch của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ ( 1994 ) đã sử dụng danh từ Ngôi Lời tức Logos trong triết Hy Lạp. Logos là một hình thức của Lý Trí thế nên thần học ảnh hưởng bởi triết Hy Lạp được gọi là Thần học Duy Lý. Theo thần học này thì Chúa Giê Su chính là Đấng Thần Linh Tạo Hóa: “ Nhờ Ngôi Lời vạn vật được tạo thành và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” ( Ga 1, 2 -3 ).
Do ảnh hưởng của Duy Lý đã thâm nhập giáo hội ngay trong những thế kỷ đầu thế nên ảnh hưởng của nó trong việc giải nghĩa Sách Sáng Thế là không tránh khỏi và từ đó Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu ( Deus Abconsditus ) chưa ai từng thấy biết đã bị thay thế bởi Logos được gán cho Chúa Giê Su, Ngôi Lời !!!
Thay thế Đấng Thiên Chúa Ẩn Giấu chưa ai từng thấy biết bằng…Logos, như vậy thần học đã hoàn toàn phủ nhận công cuộc Rao Giảng Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô. Đang khi đó việc rao giảng Tin Mừng như chính Chúa Giê Su xác nhận đó là sứ mạng cốt yếu của Ngài: “ Vừa rạng ngày Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm theo kịp và muốn giữ Ngài ở lại nhưng Ngài nói: Ta còn cần phải ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho các thành thị khác vì cốt tại việc ấy mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43 ).
Phủ nhận sứ mạng của Đức Ki Tô, điều ấy cũng có nghĩa là đã hoàn toàn bác bỏ Tin Mừng Nước Trời của Đức Ki Tô để thay thế bằng Tin Mừng về Đức Ki Tô. Giữa Tin Mừng của Đức Ki Tô và Tin Mừng về Đức Ki Tô có sự khác biệt lớn lao thế này. Tin Mừng của Đức Ki Tô rao giảng là Tin Mừng về Nước Trời mầu nhiệm nội tại: “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giê Su Nước Trời chừng nào đến thì Ngài đáp: Nước Trời không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói đây này hay đó kia. Vì này Nước Trời ở trong ( lòng ) các ngươi” ( Lc 17, 20 -21 ).
Nước Trời không thể nói: Đây này hay đó kia vì chưng đó là Thực Tại Tâm siêu việt cả không gian lẫn thời gian. Đang khi đó Nước Trời mà thần học chủ trương là…Nước Trời Tục Hóa: “ Vậy Nước Thiên Chúa mà Đức Giê Su rao giảng không phải là một thực thể ở trên trời nhưng là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Nó được biểu thị bằng một ngôi nhà hay một đô thị có tường thành bao quanh” ( Đgm Phao Lô Bùi Văn Đọc và các LM khác – Đức Ki Tô Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi ).
Thần học chủ trương Nước Trời…Tục Hóa đó là tình trạng tương lai ở thế gian khi người nghèo hết nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bức. Đây chẳng phải là một thứ Thế Giới Đại Đồng mà người CS trước đây…vẽ ra nhưng nay đã bị thực tế đánh đổ, chẳng lòe bịp được ai. Nhưng oái oăm thay, cái Thế Giới Đại Đồng còn khoác một cái vỏ triết học gọi là Cánh Chung Luận Mác Xit và hiện nay vẫn còn có người đăng đàn rao giảng ?
Thử hỏi cho đến bao giờ nhân loại mới đi đến tình trạng người nghèo không còn nghèo, người bị áp bức không còn bị áp bưc ? Cõi thế gian này từ sau khi Nguyên Tổ phạm tội đã trở thành…chốn khách đày không cách chi thoát khỏi thân phận Sinh, Lão, Bệnh, Tử.
Với quan niệm Nước Trời…Tục Hóa như thế làm sao đức tin tôn giáo có thể tồn tại bởi vì tâm linh tôn giáo chính là niềm hy vọng vượt khỏi thế giới hiện tượng nhưng lại chẳng ở đâu xa ngoài bản tâm mình: “ Chỉ có một thân thể, một Thánh Linh cũng như trong sự kêu gọi mình mà anh em đã được gọi đến một hy vọng, một Chúa, một đức tin một phép rửa một ĐCT là Cha mọi người. Ngài vượt trên mọi người, suốt qua mọi người và ở trong mọi người” ( Ep 4, 4 -46 ).
Chỉ có một thân thể đó là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô và chính trong Thân Mầu Nhiệm ( Ga 15, 1 -6 ) ấy chúng ta mới có được niềm hy vọng. Niềm hy vọng ấy không hão huyền bởi đó là một Thực Tại Tâm mà Đức Ki Tô tôn kính, xưng tụng là Đấng Cha nội tại… Ngài suốt qua mọi người và ở trong mọi người…
Thiên Chúa là Đấng…nội tại trong chúng ta nhưng vì vô minh che lấp nên chúng ta không nhận biết. Giờ đây nhờ Đức Ki Tô mạc khải mà chúng ta tin và cố gắng tuân giữ các giới răn hầu trở về với Ngài: “ Ai có các giới răn của Ta và giữ lấy. Ấy là kẻ thương yêu Ta còn ai thương yêu Ta sẽ được Cha Ta thương yêu lại. Ta cũng thương yêu người và tỏ mình Ta cho người” ( Ga 14, 21 )./.
Phùng Văn Hóa