Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, mà chúng ta cử hành vào ngày 15 tháng 8, không chỉ là một phần bổ sung hay thêm vào của Công giáo đối với các nguyên tắc cơ bản của đức tin. Đó là một giáo huấn cực kỳ quan trọng có nguồn gốc sâu xa trong Kinh thánh và liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Ý nghĩa của Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời dựa vào 8 lý do sau:
- Chúng ta sẽ dự phần vào sự phục sinh của Chúa Kitô
Cốt lõi đức tin của chúng ta là niềm tin, dựa trên các lời tường thuật trong Kinh thánh, rằng Chúa Kitô đã phục sinh từ cõi chết về thể xác và lên trời, trong hình hài thể lý. Sự kiện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời xác nhận rằng sự đảo ngược phi thường của cái chết này không chỉ giới hạn ở Chúa Kitô. Nếu Mẹ Maria kết thúc cuộc sống trên Thiên Đàng, cả hồn lẫn xác, thì chúng ta, những người chia sẻ nhân tính của Mẹ, cũng vậy.
- Hy vọng của chúng ta là sự sống lại của thân xác
Toàn bộ luận điểm của tín điều nhấn mạnh vào việc thân xác của Đức Maria lên trời. Nếu không thì sẽ không cần đến tín điều đó. Nói rằng linh hồn của Đức Maria đã lên thiên đàng vào cuối cuộc đời trần gian của Mẹ là xác nhận rằng không có gì khác so với những gì xảy ra với mọi người khác đã chết trong tình trạng ân sủng. Tất nhiên, những người không phải là thánh sẽ phải dừng lại trong luyện ngục trước khi bước vào sự viên mãn của thiên đàng, nhưng tổng thể vẫn là đúng.
Việc lên trời của Mẹ Maria nhắc nhở chúng ta rằng sự cứu rỗi là toàn diện. Thiên Chúa không chỉ cứu một nửa chúng ta. Thiên Chúa không chỉ kéo linh hồn ra khỏi vỏ của một cơ thể tội lỗi. Chúng ta được cứu độ với toàn thể nhân tính, thể xác và linh hồn. Đức Giáo Hoàng Piô XII đưa ra lập luận này trong định tín của Ngài: “Chúng tôi công bố, tuyên xưng và định tín giáo lý đã được Thiên Chúa mạc khải này: Đức Maria trọn đời đồng trinh, Mẹ Vô nhiễm của Thiên Chúa, sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, đã được đưa lên trời hiển vinh cả xác cả hồn”. [1]
- Thiên đàng dành cho những vị thánh
Một trong những điểm đặc biệt của Cựu Ước – ít nhất là theo quan điểm của chúng ta – là không có một khái niệm rõ ràng về thiên đàng. Khi con người chết, kể cả những người công chính, họ kết thúc ở Sheol, là từ ngữ Do thái nhằm chỉ thế giới ngầm tăm tối, tương đương với Hades trong tiếng Hy Lạp. Dân Israel xưa đã hiểu rằng có một đền thờ trên trời mà Thiên Chúa trị vì. Điều này được miêu tả rất đẹp trong thị kiến của Isaia. Nhưng họ không nhất thiết coi thiên đàng là điểm đến của các thánh nhân. Hênóc, Êlia và Môsê là những trường hợp ngoại lệ.
Sự kiện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm sáng tỏ và xác nhận rằng thiên đàng của Tân Ước là nơi các thánh cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa. Đức Mẹ là người đầu tiên bước vào quyền năng của Giao ước mới. (Chúng ta không thể chắc chắn rằng Người Trộm Lành đã bay thẳng lên thiên đàng hay không). Bằng một cách nào đó, Đức Maria đã mở rộng thiên đàng cho các thánh còn lại, giống như Mẹ đã mở rộng trái đất cho sự hiện diện trọn vẹn của Thiên Chúa Nhập Thể.
- Sự đảo ngược cuối cùng của sự sa ngã
Giáo hội dạy rằng Mẹ Maria chia sẻ vận mạng của Chúa Kitô. Điều này dựa trên vai trò của Mẹ là Eva đối với Adam mới, điều này có thể thấy rõ trong lời tiên tri của Simeon và sự hiện diện của Mẹ khi Chúa Kitô bị đóng đinh. Việc Mẹ Maria lên thiên đàng là sự đảo ngược chung cuộc của sự dữ phát sinh từ tội lỗi và cái chết do Sự sa ngã gây ra.
- Con người không được dự liệu ở một mình
Làm người là sống trong mối tương quan với người khác. Đây là một trong những điều đầu tiên Kinh thánh dạy về con người. Trong Vườn Địa Đàng, Adam ở trong thiên đàng, có lẽ không thiếu thứ gì, kể cả sự bầu bạn với các thụ tạo khác, nhưng việc ở “một mình” là “không tốt” cho Adam. Vì vậy, Thiên Chúa đã tạo ra Eva. Chúa Kitô, hoàn toàn là con người, “cần” sự đồng hành hoàn hảo của một con người khác, đặc biệt là trên thiên đàng, như nhà thần học Matthew Levering đã chỉ ra trong cuốn sách của ông về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chúa Kitô không phải là một vị cứu tinh đơn độc. Trong thần tính của Ngài, Ngài vui hưởng sự hiệp thông của Ba Ngôi. Trong nhân tính của mình, từ trên thiên đàng Ngài ngự trị cùng với Mẹ của Ngài.
- Việc tôn kính Mẹ Maria lấy Chúa Kitô làm trung tâm
Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời có nghĩa là không có xương hoặc mộ của Đức Mẹ để người ta tôn kính. Không như những lời buộc tội của Tin lành, điều này có nghĩa là việc tôn kính Đức Mẹ đặc biệt tập trung vào Chúa Kitô. Nhờ sự lên trời, người ta không thể nghĩ đến Mẹ mà không nghĩ đến việc Mẹ ở trong sự hiện diện trọn vẹn của Chúa Kitô trên Thiên Đàng.
- Mẹ Maria có vị trí đặc biệt để giúp đỡ chúng ta
Theo Thánh Tôma Aquinô, mặc dù các linh hồn trên thiên đàng không bị lấy mất đi sự chiêm ngắm Thiên Chúa nhưng họ bị hạn chế phần nào do không có thể xác. Thánh nhân giải thích rằng những linh hồn không có thể xác ở trong một trạng thái không tự nhiên, thiếu sự hoàn hảo và không có hạnh phúc viên mãn. Ngay cả thị kiến hạnh phúc cũng bị ảnh hưởng một cách nào đó. Theo thánh Tôma Aquinô, mặc dù Thiên Chúa nhìn qua con mắt của trí tuệ, nhưng các linh hồn cần có thể xác để nhìn thấy vinh quang của Ngài được phản chiếu trong các thụ tạo vật. Việc Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời đảm bảo rằng Mẹ không có những hạn chế này.
Việc Mẹ có được thân xác của mình thì đặc biệt quan trọng đối với Mẹ vì đó là nguồn gốc của rất nhiều quyền năng của Mẹ: khi Nhập Thể, Thiên Chúa đã lấy xác thịt từ Mẹ và chính qua thân xác Mẹ mà Ngài đã được sinh ra. Kết quả của điều này là Mẹ Maria có mọi thứ mà Mẹ cần để nhìn thấy những vấn đề của chúng ta – cũng như tiềm năng nên thánh của chúng ta – và để giúp chúng ta lớn lên thành những Chúa Kitô bé nhỏ.
- Vẻ đẹp của Mẹ Maria là hoàn hảo
Một hàm ý nữa của điều vừa được trình bày ở trên là vẻ đẹp của Mẹ Maria trên thiên đàng là hoàn hảo. Mẹ không phải là một thứ hồn lìa khỏi xác. Mẹ không phải là một thứ hồn bay lượn trên thiên đàng. Vẻ đẹp vốn đã được kết hôn với Chúa Thánh Thần nay sống trong sự viên mãn của Mẹ trên thiên đàng, như thị kiến trong Khải huyền cho chúng ta thấy rất rõ: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12: 1). Đây là một lý do mà Giáo hội tôn kính Mẹ Maria hơn tất cả các thánh khác.
Tác giả: Stephen Beale, catholicexchange.com.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.
[1] Chú thích của người dịch: Đức Giáo hoàng Piô XII đã công bố trong Tông hiến Munificentissimus Deus – Thiên Chúa vô cùng đại lượng – ngày 1.11.1950: “pronuntiamus, declaramus et definimus divinitus revelatum dogma esse: Immaculatam Deiparam semper Virginem Mariam, expleto terrestris vitae cursu, fuisse corpore et anima ad caelestem gloriam assumptam.”