Trong xã hội ngày nay người ta rất quan tâm đến Thiền, ngay cả người Công giáo cũng vậy. Tuy nhiên để hiểu và áp dụng Thiền vào việc sống đạo của mình đó lại là một việc khác ! Ở đây có câu hỏi được đặt ra, thực sự Đạo Chúa có Thiền hay không và là loại Thiền nào ?
Để góp ý và phản bác lại cuốn “ Tìm Thiền Trong Đạo Chúa” của linh mục Nguyễn Văn Thư có người đưa ra những lập luận không đúng và đầy ác ý: “ Kinh Cựu Ước cho biết Chúa tạo dựng quả địa cầu này khoảng mười ngàn năm trước. Khoa học chứng minh quả đất đã có khoảng bốn tỷ rưỡi năm. Như vậy phải chăng có đến hai quả đất ? Một, rất non mới có mười ngàn năm do Chúa tạo. Quả đất thứ hai là bốn tỷ rưỡi năm do khoa học chứng minh…
…Vì nhận sai qủa đất và lầm Chúa là chủ tể của muôn loài nên chiến tranh ( Thánh chiến ), Tòa Án Dị Giáo ( Inquisition ) , Phong trào chiếm thuộc địa… đã gây biết bao đau thương khủng khiếp cho nhân loại kéo dài suốt 17 thế kỷ. Giáo hoàng Gioan Phao Lô II ngày 12/12/2000 cũng phải thiết lập bàn thờ xin nhân loại tha 7 núi tội đã gây ra…
…Tôi ôn lại vài điều như thế không phải là đi xa vấn đề nhưng để cho thấy nền văn hóa Ki Tô là thiếu hiền hòa, thiếu khoa học thì khó mà có Thiền của Chúa. Trong nhiều thế kỷ những ai có tư tưởng khác với Thánh Kinh hay bị nghi ngờ là ngoại giáo, Vatican chụp cho họ cái mũ phù thủy, dị giáo rồi họ bị giết bị đưa lên giàn hỏa rất man rợ…
…Nếu trong Cựu Ước có Thiền thì những hành động kinh khiếp này có thể không bao giờ xảy ra và chiến tranh cũng không bao giờ xảy đến cho nhân loại. Đó cũng là một trong các lý do chính để thấy Thiền chưa bao giờ có trong Đạo Chúa” ( Nguồn: Trang Nhà Quảng Đức – 24/2/2015 – Bùi Kha: Thiền trong Đạo Chúa ? ).
Cho rằng trong Đạo Chúa không thể có Thiền, lý do bởi vì đã có sai lầm trong quan niệm về việc tạo dựng: Trái đất thay vì khoa học chứng minh đã có từ 4 tỷ rưỡi năm thì nay Kinh Thánh lại nói mới có 10.000 năm ? Mặt khác Đạo Chúa trừ diệt những quan điểm khác với mình, nghi ngờ cho đó là lạc giáo là dị giáo và vì thế sẽ không bao giờ có thể chấp nhận được Thiền luôn nêu cao chủ trương phá chấp ?
Những kết án trên đây xem ra có vẻ …đúng nhưng đó không phải là sự thật hay nói đúng hơn đó chỉ là cách giải thích sai lầm về Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ) của thần học. Căn cứ vào những sai lầm của thần học để đánh giá Kinh Thánh rồi từ đó đưa ra nhận định Đạo Chúa không có Thiền thì thật là hàm hồ và cũng chẳng hiểu gì về Thiền ?
Phải thú thật rằng thần học trong bấy lâu nay đã mắc sai lầm trầm trọng trong việc giải nghĩa Sách Sáng Thế về tạo dựng trong đó Thiên Chúa được cho là Căn Nguyên Sinh Thành Vũ Trụ Vạn Vật. Chính vì vậy nên mới có câu định nghĩa của Kinh Viện Học về triết học thế này: “ Triết học là khoa học về vạn vật, lấy nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La philosophie est la science des choses par leurs causes supreme ).
Theo thần học thì cái gọi là Nguyên Nhân Tối Cao ấy chính là Đấng Tạo Hóa. Lấy Đấng Tạo Hóa để giải nghĩa toàn bộ việc sinh thành vũ trụ vạn vật đó gọi là Tri Thức Luận và Tri Thức Luận này bao gồm trong đó tất cả triết Hy Lạp từ Platon, Aristote cho đến St Thomas Aquino…
Với quan niệm Đấng Tạo Hóa như thế. thần học trong bao thế kỷ nay chỉ muốn chứng minh một điều là Thiên Chúa hiện hữu: “ Hơn nữa theo cơ cấu của lối trình bày thì cả năm chứng lý ( Quinque Viae ) của St Thomas đều giả thiết ở đằng sau những gì “hữu hình” thiết yếu phải có một cái gì “vô hình” làm nguyên nhân cho chúng mà thực tại của cái vô hình kia tức Thiên Chúa thiết yếu phải có không thể chối cãi được” ( L.T. Nghiêm – LSTHTP Q. 2 ).
Thần học có mặt là để chứng minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa, như vậy cho thấy rõ ràng Thiên Chúa đó là Thiên Chúa của triết học chứ không phải là Thiên Chúa của thực tại…Ngài Là ( Ego Sum Qui Sum – Xh 3, 14 ). Với Đấng Thiên Chúa Tự Hữu đó, Đức Ki Tô gọi là Đấng Cha, chỉ một mình Ngài biết: “ Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con và những ai Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Lc 10, 22 ).
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha, điều ấy thật rõ ràng không ai có thể phủ nhận thế nhưng tại sao thần học lại không công nhận ? Muốn biết điều này nhất thiết chúng ta cần liên hệ với Tội Nguyên Tổ và có thể nói đó là chìa khóa để mở cửa mọi chân lý Thánh Kinh. Ngược lại vì không biết bản chất của Tội Nguyên Tổ thế nên thần học đã bị…mắc bẫy trong chính những lập luận của mình ? : “ Nếu thực sự có một vấn đề trời tru đất diệt, không ai dám đề cập tới, không ai ưa đả động gì thì đó phải là vấn đề tội nguyên tổ ( Tội Tổ Tông Truyền ).Tin rằng Thiên Chúa đã trực tiếp dựng nên A Đam, Eva tức khắc đã phải đối đầu với cả một vấn đề hết sức rắc rối rồi. Còn tin rằng hai ông
bà nguyên tổ đã truyền lại cho con cháu về sau cả một tội trạng được coi như một câu giải đáp cho những tai họa khốn đốn đang dồn dập trút đổ xuống trên đầu nhân loại thì đó là chuyện còn quá đáng hơn nữa không thể nào chịu đựng được. Hễ cứ mạo hiểm trình bày vấn đề như thế là giáo lý viên sẽ đau đớn nắm chắc phần thất bại và không riêng gì giáo lý viên mà cả tính cách đáng tin của giáo hội và niềm tin vào Thiên Chúa là Cha của Đức Giê Su cũng chuốc lấy thảm họa nữa” ( Nguồn Conggiao. Info 08/6/2015 ).
Tại sao Tội Nguyên Tổ đối với thần học lại…gay cấn đến thế ? Xin thưa là vì người ta chẳng hề biết tội ấy là tội gì ? Đang khi đó Kinh Thánh nói rất tõ về tội này: “ Đức Chúa Giehova nói với Eva: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).
Điều tưởng như không có gì khó hiểu: Tội Nguyên Tổ chính là tội phân biệt thiện ác. Thế nhưng tại sao người ta lại cố tình không hiểu ? Đó là vì xưa nay thần học vốn là duy lý mà bản chất của nó là lý trí phân biệt. Thế nên, thay vì tội, thần học lại lấy đó làm nền tảng suy tư của mình tức nhận giặc làm con để rồi từ đó khiến Con Đường Trở Về của Đạo Chúa đã hoàn toàn bế tắc.
Đức Ki Tô mạc khải về Đấng Cha và kêu gọi con người trở về để được sống: “ Còn sự sống đời đời là nhận biết Cha, Đấng Chân Thần Duy Nhất cùng Giê Su Ki Tô mà Cha đã sai đến” ( Ga 17, 3 ). Nếu chúng ta có thể gạt bỏ tính chất hạn hẹp của ngôn ngữ thì có thể nói…nhận biết Cha, Đấng Chân Thần Duy Nhất ấy chính là giác ngộ Bản Tánh.
Bản Tánh là cái Tánh sẵn có, bất sinh bất diệt vốn ở nơi mỗi người. Bản Tánh ấy Phật giáo gọi là Phật Tánh, Lão Tử gọi là Đạo, còn thánh Phao Lô gọi là Thiên Chúa Tình Yêu ( 1Ga 4, 8 ). Để trở về với Bản Tánh bất sinh bất diệt ấy, Phật giáo chủ trương con đường Thiền Tông. Nhưng con đường Thiền này rât khó để theo, nó chỉ dành cho những người có căn tánh thượng thừa.
Chính bởi cái khó của con đường Thiền Tông này thế nên Phật giáo ngoài ra còn có Pháp Môn Niệm Phật vãng sanh Cực Lạc. Kinh Đại Tập nói:“ Thời mạt pháp, ức ức người tu hành khó có một người được giải thoát. Chỉ nương nơi Pháp Môn Niệm Phật mà được thoát khỏi luân hồi”.
Pháp môn Niệm Phật sở dĩ có thể dễ dàng thành tựu như thế là bởi áp dụng nguyên lý “ Vạn Pháp Duy Tâm Tạo”: Niệm ( Nhớ ) cái gì sẽ có cái đó. Nhớ Phật sẽ thành Phật. Tuy nhiên không phải chỉ trong Pháp Môn Niệm Phật mới áp dụng nguyên lý Duy Tâm Tạo mà ngay cả Thiền Tông cũng vậy: Tất cả là do cái việc Nhớ tức tỉnh thức.
Thiền là Tỉnh Thức và Tỉnh Thức tức là Thiền: “ Có lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo đến gặp Đức Phật và hỏi:
+ Nghe nói Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ, vậy phương pháp của Đạo Phật thế nào ?
+ Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm giặt, ăn ngủ…
+ Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu ? Ai lại chẳng đi đứng, nằm ngồi ?
+ Đặc biệt lắm chứ thưa ngài, khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi …chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm ngồi còn những người khác họ đi, đứng, nằm, ngồi nhưng họ không biết rằng họ đi đứng nằm ngồi…( Thiền sư Nhất Hạnh – Nẻo Vào Thiền Học ).
Nếu hiểu “ Biết” tức là Tỉnh Thức là Thiền thì Đạo Chúa hẳn nhiên là cũng có…Thiền. Về việc Tỉnh Thức, Đức Ki Tô nói: “ Vậy hãy tỉnh thức vì các ngươi không biết Chúa các ngươi đến nhằm lúc nào. Nhưng hãy biết điều này, nếu chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm đến thì tỉnh thức không để cho nó đào tường khoét vách nhà mình” ( Mt 24, 42 -43 ).
Khi nghe lời này, người Công giáo thường nghĩ rằng Chúa truyền dạy cần tỉnh thức trong Ngày Chúa đến tức Tận Thế mà không biết rằng sự tỉnh thức ấy phải diễn ra trong suốt cả cuộc đời bởi nếu không tỉnh thức hàng ngày thì làm sao có thể…tỉnh trong Ngày Tận Thế ? Con người ta sống là sống trong mê ( Không tỉnh thức ) mà bao lâu còn sống trong mê thì bấy lâu còn khổ !
Mục đích xuống thế của Đức Ki Tô là để rao giảng Sự Thật hầu cho những ai nhận ra Sự Thật ấy sẽ được giải thoát: “ Chúa Giê Su bèn phán với những người Do Thái đã tin Ngài rằng: Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta, các ngươi sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 -32 ).
Chúa không nói Ngài đến để giải thoát, bởi nếu Ngài đến để giải thoát thì lẽ ra cần giải thoát tất cả mới đúng lẽ công bằng ? Đằng này Chúa nói sự thật sẽ giải thoát có nghĩa nhờ Đức Ki Tô mỗi người cần tự giải thoát bằng cách sống trong sự thật Con Thiên Chúa ở nơi mình.
Trong ý nghĩa của sự giải thoát này, nhà Thiền có câu chuyện thật là ý nghĩa: Tổ Đạo Tín đến gặp tổ Tăng Xán xin ngài dạy cho pháp môn giải thoát. Tổ hỏi:
+ Ai trói buộc ngươi ?
+ Không ai trói buộc con hết !
Tổ nói: Vậy cần pháp môn giải thoát để làm gì ?. Ngay đó ngài Đạo Tín đại ngộ sụp lạy và theo tổ thờ làm thầy. Như vậy …Ngộ ở đây là Ngộ cái gì ? Đó là xưa nay mình tự trói buộc mình bằng những quan niệm, định kiến này nọ mà không biết rằng thực sự đó chỉ là những “Cái Tôi Tưởng” ( Le je pence ) trong mọi ý nghĩ, việc làm khiến cho con người bị vong thân tha hóa không bao giờ có thể thoát ra được !!!
“ Cái Tôi Tưởng” đặt cơ sở trên “ Cái Tôi” tức sự phân biệt thiện ác, cho đây là thiện kia là ác gây ra tình trạng mâu thuẫn đối nghịch lẫn nhau không bao giờ dứt. Thiền chủ trương Tịnh Lự tức là dứt bỏ đi tư tưởng phân biệt thiện ác ( Tội Nguyên Tổ ) để đi đến chỗ Hòa với thiên nhiên và với chính mình.
Hòa với chính mình cũng có nghĩa là nhận biết sự thật về mình một khi đã dứt bỏ được Tâm Phân Biệt. Bởi đó lục tổ Huệ Năng nói với thượng tọa Huệ Minh khi ông này chạy theo đòi giật lại áo pháp: “ Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác thì khi đó cái gì là bộ mặt xưa nay của thượng tọa Minh ?”
Mục đích của Thiền là để trở về với Bộ Mặt Xưa Nay ( Bản Lai Diện Mục ) của chính mình và Bộ Mặt Xưa Nay ấy theo Sách Sáng Thế chính là Vườn Địa Đàng còn theo Thánh Phao Lô đó là Thiên Chúa Tình Yêu. Trở về với Thiên Chúa Tình Yêu để nhận ra sự thật Con Thiên Chúa đó chính là …hòa với mình: “ Nhân đó chúng ta biết mình thuộc về sự thật và lòng chúng ta được an ổn trước mặt Ngài. Vì nếu lòng chúng ta cáo trách mình thì ĐCT lại còn lớn hơn lòng mình và biết hết mọi sự” ( 1Ga 3, 19 -20 ).
Con đường trở về với Thiên Chúa Tình Yêu chỉ có thể đạt được bằng cách dứt bỏ đi Tâm Phân Biệt. Thế nhưng điều này là rất khó nếu không có những phương tiện xảo diệu. Trong Đạo Chúa có nhiều phương tiện để cho ta có thể “Làm Hòa” với Chúa nhưng tựu chung có hai, một là Bí Tích Thánh Thể, hai là Kinh Mân Côi cũng gọi là Á Bí Tích.
Với cả hai Bí Tích này mục đích cũng là để cho ta có thể Nhớ đến Chúa hằng hữu ở trong ta. Trong Bữa Tiệc Ly Chúa nói với các tông đồ: Các con hãy làm việc này mà Nhớ đến Ta. Chính vì lẽ đó khi tham dự Thánh Lễ cả trong phần Phụng Vụ Lời Chúa cũng như Phụng Vụ Thánh Thể chúng ta cần hết lòng tỉnh thức tức là Thiền là Định.
Tiếp đến Kinh Mân Côi với cấu trúc đặc biệt của nó cũng là để có thể thực hành trong chánh niệm tỉnh thức vớ điều kiện là phải cố gắng siêng năng như lời Đức Mẹ hằng khuyên dạy. Có thực hành trong chánh niệm tỉnh thức như thế chúng ta mới có thể nhận biết vọng khởi và khi vọng khởi liền biết thì không còn vọng ( Mê ) nữa.
Bí tích Thánh Thể và Kinh Mân Côi là hai phương thế đem lại Sự Sống Đời Đời. Thế nhưng cả hai phương thế ấy trong thời Tục Hóa cao độ này đã và đang đi vào chỗ lụi tàn để chỉ còn là một thứ hình thức chiếu lệ. Bởi vậy, nói đến Thiền trong hoàn cảnh như vậy phải chăng chỉ là viển vông xa vời ? “ Các ngươi sẽ được rỗi là tại trở lại và yên nghỉ. Các ngươi sẽ được sức mạnh là tại yên lặng và trông cậy. Nhưng thực sự là các ngươi không muốn thế” ( Is 30, 15 )./.
Phùng Văn Hóa