THA THỨ NHƯ ĐÃ ĐƯỢC THIÊN CHÚA THA THỨ

Câu chuyện dụ ngôn hôm nay của Chúa Giêsu kể về: “Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách” (Mt 18: 23). Dụ ngôn không có gì khó hiểu đối với con người hiện đại chúng ta ngày nay. Chúng ta không lạ gì với việc vay vốn để làm ăn, nơi các ngân hàng, với các quỹ tín dụng, kể cả “tín dụng đen” hoặc thậm chí chúng ta là người có nhiều tiền nhàn rỗi để cho vay. Có vay có trả, vay ít trả ít, vay nhiều trả nhiều, tùy theo lãi suất thỏa thuận. Nhưng trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự trớ trêu cay nghiệt về một vị vua tha thứ nhiều nhưng kẻ được tha thứ nhiều lại không muốn tha thứ gì.

Có thể dụ ngôn nhắm đến nội bộ các môn đệ của Chúa Giêsu chứ không nhằm thử xem lối suy nghĩ thường tình của đám đông như thế nào. Hoặc có thể đó là câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi của Phêrô về bản chất của sự tha thứ: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (Mt 18: 21). Dù các lý do là gì đi nữa, dụ ngôn này khuyến khích chúng ta tha thứ cho nhau như chúng ta đã được tha thứ, bất kể bao nhiêu lần, không tính toán số lần, như não trạng của Phêrô, và của chúng ta ngày nay thường hay đong đếm: “Có phải bảy lần không?” Phêrô cố ý không nói tới con số 3, dù các Rábbi Do thái dạy tha tối đa 3 lần, vì theo họ con số 3 theo Sách thánh tượng trưng cho sự trọn vẹn, toàn bộ, hoàn hảo và sự trọng thể, những gì dành riêng cho Thiên Chúa. Tông đồ Phêrô thấm nhuần truyền thống này, nhưng ông lại nghĩ đến con số 7. Trong Kinh thánh, đó là một con số đẹp, cũng chỉ sự trọn vẹn, hoàn hảo, nên ông đã nâng số lần tha thứ lên tới con số 7. Có lẽ Phêrô nghĩ mình nói số 7, chứng tỏ lòng quảng đại của ông nhiều hơn tiêu chuẩn thông thường, thì Thầy Giêsu hẳn không thể thêm con số nào khác nữa, chỉ còn cách đồng ý và khen ngợi thôi. Nhưng không như Phêrô nghĩ, Chúa Giêsu đưa ra một con số không ai có thể tưởng ra được: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18: 22). Tất nhiên đừng ai vội làm ngay phép toán 70 lần × 7 = 490 lần! Một cách nào đó Chúa Giêsu đã viện dẫn lại bài ca của ông Laméc trong sách Sáng Thế: “Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi lần bảy” (Stk 4: 24), nhưng theo cách ngược lại, thay vì như ông Laméc trả thù kẻ xúc phạm mình 70 lần 7, thì Chúa mời gọi tha thứ 70 lần 7, nghĩa là: phải tha luôn luôn, không giới hạn số lần và tha vô điều kiện. Lý do để tha không phải vì kẻ có lỗi đã ăn năn sám hối, cũng chẳng phải để người bị xúc phạm có dịp bày tỏ lòng quảng đại của mình, nhưng chỉ vì Thiên Chúa đã đối xử cách từ bi nhân hậu và bao dung đối với hết mọi người, vốn đều là con nợ của Ngài.

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do Thái bị cai trị bởi đế chế Rôma, nên việc buôn bán trao đổi thương mại, kể cả tiền thuê mướn nhân công làm việc đều dựa trên hệ thống tiền tệ Rôma. Tiền công một ngày làm việc phổ thông là một denarius. Một nén vàng có giá trị bằng 5.475 denarius. Như vậy một người lao động thông thường ăn lương công nhật phải làm 15 năm mới có thể có được một nén vàng, dĩ nhiên với điều kiện người ấy không “tiêu xài” gì vào số tiền ấy! Vị vua trong dụ ngôn hôm nay của Chúa Giêsu có “một người nợ một vạn nén vàng” (Mt 18: 24). Tính ra người này phải làm việc không công 150.000 năm mới trả xong món nợ của mình. Cứ cho rằng mỗi người chúng ta sống tới 75 tuổi, thì mỗi người phải sống 2000 cuộc đời mới trả xong món nợ này. Theo cách nhìn của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đều là con nợ như thế của Thiên Chúa, Vị Vua của tất cả mọi người.

Tôi có thấy cách nhìn này quá đáng không, có đích đáng với tôi không? Không lẽ tôi mãi mãi phải mang một khối nợ không bao giờ có thể trả nổi? Kết luận duy nhất mà chúng ta có thể đưa ra là món nợ tội lỗi mà mỗi người mắc phải với Thiên Chúa tuyệt đối không thể giải quyết được. Nó quá lớn và nghiêm trọng đến nỗi người đã phạm tội không thể trả hết được. Chúng ta đều đã phạm tội, món nợ của chúng ta hoàn toàn không thể chuộc được bởi bất cứ ai hoặc bất cứ hành động nào, ngoại trừ cái chết của Chúa Kitô, “Đấng gánh tội trần gian” trả nợ thay cho chúng ta. Đây là khoản thanh toán duy nhất được Thiên Chúa Cha chấp nhận.

Chỉ khi thấy bản thân mình vô vọng như thế thì tôi mới cảm nhận được lòng thương xót bao la của Chúa mà thánh vịnh 103 trong đáp ca hôm nay diễn tả: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Ngài không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103: 9-12).

Đoạn Tin mừng hôm nay dưới hình thức dụ ngôn cũng tỏ rõ lòng thương xót vô biên của một Thiên Chúa “không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm…tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” nhưng “Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy:‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’  Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ” (Mt 18: 27).

Sự tha thứ trong dụ ngôn này dường như là một điều phóng khoáng phi lý quá đáng, nhưng chính vì thế lại quý giá vô ngần. Trong suy nghĩ ngược đời của nhà vua, là hình ảnh của Thiên Chúa, tội lỗi và nợ nần không là gì so với cuộc sống mới của tội nhân được tha thứ. Tội lỗi của chúng ta là những món nợ đối với Thiên Chúa mà chúng ta, những người mắc nợ, không thể trả được. Thiên Chúa sẵn sàng xóa sạch món nợ khổng lồ của chúng ta nếu chúng ta biết sấp mình khẩn nài trước mặt Ngài. Khi cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi cho mình, chúng ta thừa nhận rằng không có cách nào khác để loại bỏ tội lỗi ngoài sự hy sinh của Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá. Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ đóng đinh Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34), Ngài trở nên gương mẫu cho chúng ta noi theo.

Điều đó đòi buộc chúng ta tha thứ cho người khác. Thế nhưng nhiều khi chúng ta như kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc, lại cố bám vào 100 đồng tiền mà người khác nợ mình như quyền lợi to lớn phải đòi lại cho bằng được, coi 100 đồng tiền đó quý hơn mạng sống của một người khác, và chúng ta hung hăng “túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” (Mt 18: 28).

Khi chúng ta tha thứ cho người khác, Thiên Chúa nhìn thấy hình ảnh của Ngài phản chiếu trong chúng ta. Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải để cho hình ảnh tha thứ của Ngài bộc lộ ra qua chúng ta cho người khác, như bài đọc thứ nhất nói: “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài… Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc 27: 30; 28: 7).

Sự tha thứ trong Tin Mừng Mátthêu không chỉ là chuyện có qua có lại mà còn là bản chất của Nước trời. Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu bảo chúng ta hãy nói: “Xin tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi” (Mt 6:12). Lời cầu xin thứ năm trong Kinh Lạy Cha vọng lại trong bài học tha thứ của dụ ngôn hôm nay, có ý nói: Chúng ta phải tha thứ như Vua chúng ta đã tha thứ cho chúng ta.

Khi dạy các môn đệ cầu nguyện như thế, Chúa Giêsu cho họ thấy rằng họ không thể có được sự tha thứ nếu họ không tha thứ. “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15). Chúa Giêsu cho thấy để tha thứ, thì các môn đệ của Ngài, và chúng ta ngày nay, cần phải đi xa đến mức nào, vì sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta vượt quá sự xứng đáng và sự hiểu biết của chúng ta. Vì vậy, chúng ta là những người đã được tha thứ trước, phải tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta một cách nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Sự tha thứ là thể hiện cụ thể tình yêu thương lẫn nhau của chúng ta, đáp lại lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Sự tha thứ mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu, là điều mà Vua chúng ta mong đợi các thần dân của Ngài thực thi trong cách họ đối xử với nhau.

Chúng ta sẽ nhận được những gì mà chúng ta đã dâng hiến qua sự tha thứ. Nước trời chỉ dành cho những ai không sống cho cái tôi đầy tội lỗi nợ nần của riêng mình, nhưng sống cho Thiên Chúa, để yêu thương mọi người, không xét đoán, khinh dể bất cứ ai, như Thánh Phaolô nói trong bài đọc thứ hai: “Thật vậy, không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng như không ai chết cho chính mình. Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa; vì Chúa Kitô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết. Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em? Quả thế, tất cả chúng ta sẽ phải ra trước toà Thiên Chúa” (Rm 14, 7-9).

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts