Ở Do thái, thời Chúa Giêsu, có rất nhiều vườn nho ở Galilê. Các chủ vườn nho thuê nhân công, đặc biệt là vào thời điểm thu hoạch. Những người thất nghiệp là phổ biến. Họ phải ra phố chợ ngồi chờ các chủ vườn nho đến thuê mướn họ làm việc công nhật. Việc này không khác mấy với “chợ người”, “chợ lao động” một số nơi ở Việt Nam ta nơi những người đã quá độ tuổi lao động, không còn sức trẻ, hoặc người lao động trẻ không nơi nào tuyển dụng, tụ tập ở đó để kiếm việc làm, ai thuê gì thì làm nấy, bất cứ công việc gì liên quan đến tay chân cần sức người, mọi lúc trong ngày. Dù công việc nặng nhọc nhưng mức thu nhập không bao nhiêu; dẫu sao đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với những người lao động này, giúp họ nuôi sống gia đình, con cái. Có khi họ chờ việc trọn buổi sáng nhưng vẫn không có người thuê, thậm chí vài ngày cũng không có ai đến thuê.
Vào thế kỷ thứ nhất, những người thất nghiệp như thế này thậm chí không bằng một người nô lệ vốn dĩ vẫn có được sự đảm bảo tối thiểu từ người chủ. Trong hoàn cảnh đó, không có việc làm đồng nghĩa với không có thức ăn cho gia đình. Những người đi tìm việc rõ ràng muốn làm việc vì họ đã chờ đợi từ sáng đến 5 giờ chiều. Nhưng cũng rõ ràng là trong đời thực, những người lao động nào không được thuê trước 5 giờ chiều có lẽ đã trở về nhà, chắc chắn không ai thuê nữa. Tuy nhiên đoạn Tin mừng cho thấy chủ vườn nho liên tục kiếm thêm công nhân, kể cả lúc 5 giờ chiều. Trong thực tế, thuê mướn người lao động như thế này chắc chắn không phải là cách làm ăn hiệu quả. Hành vi tuyển dụng của ông chủ vườn nho rất kỳ lạ.
Do đó, việc người gia chủ trong đoạn Tin mừng hôm nay tuyển thêm công nhân sau khi đã tuyển đủ số công nhân cần thiết vào sáng sớm không phải vì ông ta không thể tính toán trước được nhu cầu lao động của mình mà là ông ta cố ý muốn giúp “những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ” (Mt 20: 3) giảm bớt khó khăn cho họ và gia đình họ. Việc này được mô tả rất rõ ràng: ông trở đi trở lại nhiều lần, vào những khoảng giờ khác nhau, kể cả giờ thứ mười một, tức là năm giờ chiều theo cách tính giờ ngày nay, để kêu gọi những người chưa được ai thuê mướn vào làm vườn nho cho ông: “Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? ” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Trong cách tính giờ thời ấy, “khoảng giờ thứ ba” tức là 9 giờ sáng (câu 3), “khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín” tức là 12 giờ trưa và 3 giờ chiều (câu 5), và “khoảng giờ mười một” tức là 5 giờ chiều (câu 6). “Chiều đến” (câu 8) tương ứng với khoảng 6 giờ chiều. Nhóm cuối cùng được thuê chỉ làm việc một giờ trong khi nhóm đầu tiên được thuê đã làm việc khoảng 12 tiếng đồng hồ. Thế nhưng, tất cả đều lãnh được một quan tiền. Đây là số tiền mà mỗi công nhân được trả (câu 9) gọi là “lương cả ngày”. Một quan tiền tức là một denarius, là mức lương tiêu chuẩn cho một ngày công ở Palestine vào thế kỷ thứ nhất. Khoản tiền trả công này đúng với thỏa thuận của những người được thuê mướn từ tảng sáng: “đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền” (câu 2), nhưng lại là một món tiền xem ra vượt quá công sức những người thợ được thuê mướn vào những khoảng giờ muộn hơn, nhất là những người mãi đến năm giờ chiều mới bắt đầu làm việc: “Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền” (Mt 20: 8-10). Có điều gì đó xem ra thiếu công bằng! Chả thế mà “những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn…cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20: 10-12).
Vườn nho thường tượng trưng cho dân Israel: “Gốc nho này, Chúa bứng từ Aicập,
đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng, Chúa khẩn hoang bốn bề quang đãng, cho bén rễ sâu và lan rộng khắp nơi. Bóng um tùm phủ xanh đầu núi, cành sum sê rợp bá hương thần,
nhánh vươn dài tới phía đại dương, chồi mọc xa đến tận miền Sông Cả” (Tv 80:8-9); hoặc “Vườn nho của Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Giuđa. Ngài những mong họ sống công bình” (Isaia 5:1-7). Như vậy, cả “người đầu tiên” và “người cuối cùng” đều là những người thợ làm việc trong vườn nho của Chúa. Tất cả chúng ta, dù lãnh phép Thánh tẩy để gia nhập Hội thánh của Chúa ngay khi còn thơ bé hay mãi khi đã lớn lên, đều là môn đệ của Chúa. Mọi môn đệ đều bình đẳng trước mặt Chúa. Trong vườn nho Nước trời không có chỗ cho sự so bì, ganh tị, đố kị. Nếu chúng ta như những người thợ đầu tiên trong câu chuyện dụ ngôn này phản đối ông chủ vườn nho, là Thiên Chúa, đối xử với tất cả mọi người bình đẳng như nhau – cho đó là điều không công bằng – thì chúng ta thật dại dột, không khác gì chúng ta đang cầu xin Thiên Chúa xét xử công thẳng với mọi người thay vì vui lòng với ân huệ do lòng quảng đại của Ngài. Trong trường hợp đó tất cả chúng ta sẽ bị “đứng ngoài chợ” (câu 3), “suốt ngày không làm gì hết” (câu 6), “không ai mướn chúng tôi” (câu 7), – bị thất nghiệp và bị đói khát muôn đời.
Trong bối cảnh lịch sử xã hội Do thái thời Chúa Giêsu, những người đến sau với Nước trời là “những kẻ thu thuế và tội lỗi”. Trong phạm vi rộng hơn của lịch sử cứu rỗi, người ta có thể nghĩ về những người dân ngoại được nghe lời Chúa muộn hơn người Do Thái, về những người đến với đức tin trong những giai đoạn khác nhau của lịch sử Hội thánh hoặc ở những thời đại khác nhau, về những Kitô hữu có mức độ gắn bó và trung thành khác nhau với Tin mừng của Chúa. Nhưng tất cả những người được cứu độ đều quý giá như nhau trước mắt Thiên Chúa và được ban thưởng như nhau về hạnh phúc vĩnh cửu khi ở bên Chúa Kitô cùng tất cả những người được cứu độ, không quan trọng trước hay sau.
Người làm công lại phàn nàn về người tuyển dụng mình, người đem lại cho mình cơ hội làm ăn sinh sống. Hành vi này đã được mô tả 10 lần trong sách Dân số 14: 2-36, bằng những từ “lẩm bẩm, cằn nhằn, kêu trách, xuyên tạc, khinh thị, thách thức, nổi loạn, chống lại” khi “Tất cả con cái Israel đều kêu trách ông Môsê và ông Aharon” trong đồng vắng (Dân số 14:27 bản Bảy mươi). Thái độ này cũng tương tự như phản ứng của người con cả trong dụ ngôn đứa con hoang đàng: “Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15:28-30).
Có lẽ tôi cũng không khác dân Israel, và những người thợ làm vườn nho này, bao nhiêu! Tôi không bằng lòng coi mình là kẻ được Thiên Chúa ban cho nhiều ơn lành, nhưng lại cứ nghĩ rằng mình là kẻ đáng hưởng công sức lao nhọc của mình, thậm chí đáng được hơn rất nhiều so với những kẻ khác: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20: 12). Phải chăng tôi phản đối sự rộng lượng từ bi của Đấng đã không ban cho tôi nhiều ân huệ hơn những kẻ khác: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20: 13-15). Có bao giờ tôi sống trong tâm tình của Đấng là Người Cha đầy lòng từ bi nhân hậu, giàu tình thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Ngài chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên… Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm”? (Tv 145: 2-3, 17).
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 20 tháng 9 năm 2020 rằng: “Chúa luôn trả số tiền tối đa: Ngài không trả nửa chừng…Ngài trả cho mọi người số tiền tối đa. Trên thực tế, Thiên Chúa cư xử như thế này: Ngài không nhìn vào thời gian và kết quả, mà nhìn vào sự sẵn sàng, Ngài nhìn vào lòng quảng đại mà chúng ta dùng để phục vụ Ngài. Cách hành động của Ngài còn hơn cả công bằng, nghĩa là vượt xa sự công bằng và được thể hiện trong Ân Sủng. Mọi thứ đều là Ân sủng. Sự cứu rỗi của chúng ta là Ân Sủng. Sự thánh thiện của chúng ta là Ân Sủng. Khi ban cho chúng ta Ân Sủng, Ngài ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta đáng được. Và như vậy, những người lý luận bằng logic của con người, tức là logic của công đức có được nhờ sự vĩ đại của chính mình, từ vị trí đầu tiên, sẽ thấy mình ở vị trí cuối cùng… Chúng ta hãy nhớ ai là vị thánh được phong thánh đầu tiên trong Giáo hội: Kẻ trộm lành. Anh ta đã “đánh cắp” Thiên đàng vào phút cuối đời: đây là Ân sủng. Thiên Chúa là như vậy, ngay cả với chúng ta. Thay vào đó, những người tìm kiếm công đức của riêng mình đều thất bại; những ai khiêm nhường phó thác bản thân cho lòng thương xót của Chúa Cha – như Kẻ Trộm Lành – sẽ thấy mình đứng đầu” (www.popefrancishomilies.com).
Phêrô Phạm Văn Trung.