Sau khi nói về những xung đột trong Đền thờ giữa Chúa Giêsu và “các thượng tế và kỳ mục trong dân” (Mt 21: 23-27), Thánh Mátthêu mô tả thái độ cương quyết của Chúa Giêsu khi Ngài tiếp tục kể cho người Pharisêu những dụ ngôn về hai người con được người cha sai đi làm vườn nho, về những tá điền sát nhân, về tiệc cưới. Qua đó Chúa Giêsu kết luận: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21: 31) hoặc: “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21: 43) và: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng” (Mt 22: 8-9). Những người Pharisêu hẳn nhiên hiểu rất rõ Chúa Giêsu đang nói về họ, vì thế họ tìm cách làm mất uy tín của Ngài, và cuối cùng là loại bỏ Ngài: “Nghe những dụ ngôn Ngài kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài nói về họ. Họ tìm cách bắt Ngài, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một ngôn sứ” (Mt 21: 45-46).
Để đối mặt với Chúa Giêsu, những người Pharisêu đã liên kết với kẻ thù của họ, những người thuộc phe Hêrôđê: “Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê” (Mt 22: 16).
Người Pharisêu tượng trưng cho sự trong sạch về tôn giáo. Họ nhấn mạnh vào việc tuân thủ tuyệt đối Lề Luật của Môsê. Trên thực tế, họ đã tạo ra toàn bộ quy tắc sống như một phương tiện để bảo vệ những người Do Thái trung thành với Luật Môsê, không bao giờ vi phạm Lề Luật, mà họ gọi là “hàng rào chung quanh Kinh Torah”. Trong khi đó, phe Hêrôđê lại xây dựng quyền lực của mình dựa trên sự chiếm đóng của người La Mã. Được đặt theo tên của vua Hêrôđê Cả, nhóm người này được người La Mã lập ra để cai trị dân với danh nghĩa Rôma và bắt tay với những người bảo trợ trong giới thượng lưu ở Rôma. Không giống như những người Pharisêu vốn làm việc với người La Mã để giữ gìn lợi ích của người Do Thái, những người thuộc phe Hêrôđê khoác lên mình cái vỏ thực hành tôn giáo của cha ông để biện minh cho lợi ích riêng tư của mình với cái cớ: “Người La Mã mong muốn như vậy, đâu còn cách nào khác ngoài tuân theo”.
Tuy nhiên, những người Pharisêu sai các môn đồ của mình, liên kết với những người phe Hêrôđê, đến vặn hỏi Chúa Giêsu, không chỉ vì muốn tránh sự đối đầu trực tiếp có thể dẫn đến thất bại như đã xảy ra nhiều lần trước. Việc kết bè kết cánh này chủ yếu còn để gài Chúa Giêsu rơi vào cái bẫy đã được toan tính kỹ lưỡng của họ. Với hy vọng Chúa Giêsu ít cảnh giác, các người này đã đưa ra những lời tâng bốc Chúa, theo đúng kế sách đã dự trù trước, khi nói rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” (Mt 22: 16). Họ thừa nhận Chúa Giêsu là một Bậc Thầy, nhưng thật ra là để gây áp lực buộc Ngài phải trả lời câu hỏi này: “Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22: 17). Nếu Vị Rabbi lưu động này nói “Có” thì chắc chắn Ngài sẽ đánh mất uy thế của Ngài trước mặt dân chúng vốn ghét Rôma và lâu nay coi Ngài là Bậc Thầy. Mọi lời rao giảng của Ngài chỉ còn là những lời nói của “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11: 19) và hành động của Ngài đúng là “dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mt 9: 34) như lâu nay họ vẫn quy kết. Nếu Ngài nói “Không” thì những người phe Hêrôđê có mặt sẽ làm nhân chứng tại chỗ cho phe Pharisêu: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xêda, lại còn xưng mình là Mêsia, là Vua nữa” (Lc 23; 2) như họ sẽ tố cáo Ngài sau này trước tổng trấn Philatô.
“Chúa Giêsu biết họ có ác ý” (Mt 22: 18), Ngài nói: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!” (Mt 22: 18) và yêu cầu họ: “Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!” (Mt 22: 19). Ngài hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” (Mt 22: 20). Họ trả lời: “Của Xêda”. Chúa Giêsu trả lời: “Vậy của Xêda hãy trả cho Xêda”. Ngài muốn nói rằng: là công dân, chúng ta có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và đóng các khoản thuế bắt buộc. Nhưng Ngài tiếp tục “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22: 21), nghĩa là chúng ta mang hình ảnh của Thiên Chúa và việc dâng bản thân mình lại cho Thiên Chúa là điều thích đáng vì Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta và tất cả chúng ta đều là những thụ tạo thuộc về Ngài: “Ngươi sẽ không có thần khác trước nhan Ta. Ngươi sẽ không tạc tượng thần, tạc hình vật gì nơi trời bên trên, nơi đất bên dưới hay trong nước bên dưới đất. Ngươi sẽ không thờ lạy chúng, và phụng sự chúng” (Đnl 5: 7-8)
Những người Pharisêu cố ép Chúa Giêsu phải lựa chọn hoặc nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của trần thế hoặc vâng theo giới răn thờ phụng Thiên Chúa. Câu trả lời của Ngài đã lật ngược tình thế, biến câu hỏi nhằm gài bẫy Ngài, thành lời chất vấn ngược lại chính họ. Lời chất vấn đó buộc họ phải đưa ra lựa chọn ưu tiên.
Chúa Giêsu không ở đây để khiến thế giới của chúng ta rơi vào tình thế đối kháng giữa nghĩa vụ tham gia và đóng góp bảo vệ trật tự công bằng trong cộng đồng xã hội con người, và bổn phận đối với Thiên Chúa, là chuẩn mực tối cao của lương tâm mà mọi người cần phải tuân theo. Thay vào đó, Ngài trả lời và thừa nhận trách nhiệm của nhà nước, cũng như nghĩa vụ của chúng ta đối với nhà nước ấy, nhưng khẳng định rằng người ta phải dành cho Thiên Chúa vị trí cao nhất trong cuộc đời mình, như tiên tri Đaniel đã nói: “Hãy nghe, hỡi Israel, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa duy nhất. Ngươi sẽ yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết sức lực ngươi” (Đnl 6: 4), và đúng như tiên tri Isaia nói trong bài đọc thứ nhất: “Ta là Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.Ta là Chúa, không còn chúa nào khác” (Is 45: 5-6). Những đồng xu và hình tượng có hình Xêda có thể thuộc về ông ấy, nhưng mỗi chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa vì mang trong mình hình ảnh của Ngài: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình,Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Stk 1: 27). Chúng ta không thuộc về bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai khác. Chúng ta thậm chí không thuộc về chính mình. Toàn bộ con người chúng ta thuộc về Thiên Chúa, với tất cả tài năng, sở thích, thời gian và của cải: “Hãy xem trời và các tầng trời, trái đất và mọi sự trên mặt đất đều thuộc về Chúa là Thiên Chúa các ngươi” (Đnl 10; 14).
Chúa Giêsu đã buộc những người Pharisêu, những người thuộc phe Hêrôđê, và cả chúng ta ngày nay, phải đối mặt với sự lựa chọn: Thờ phượng Thiên Chúa hay coi quyền lực thế trần là thần thánh? Chúa Giêsu đã phá vỡ tư tưởng của cả hai nhóm bằng một câu trả lời duy nhất: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Chính phủ là cần thiết, thuế có thể là cần thiết, và mọi quốc gia đều có một loại Xêda mà người dân nhiều khi cần đối đầu. Tuy nhiên, hãy trả cho Xêda đó bất cứ điều gì đến hạn, và đừng lẫn lộn với những gì thuộc về Thiên Chúa. Thờ phượng Thiên Chúa và thực thi nghĩa vụ công bằng xã hội không loại trừ nhau. Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, can dự vào cuộc sống con người là để mang lại sự sống dồi dào và toàn diện: thể chất, linh hồn, cá nhân, xã hội: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10: 10). Vì vậy, bỏ bê trách nhiệm cá nhân trong cuộc sống cụ thể hàng ngày đối với các thực tại của cộng đồng xã hội, nơi mình đang sinh sống thực tế là đi ngược lại với lời khuyên của Thánh Phaolô: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2: 1-2).
Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy dâng cho Chúa mọi sự, nhưng hãy trả cho Xêda quyền của ông ta. Nói cách khác, tích cực tham gia vào nền văn hóa đương thời vì lợi ích chung là điều đáng khích lệ. Bằng cách này, sự tham gia của chúng ta trở thành một hành động bác ái Kitô giáo và có thể trở thành một phương tiện loan truyền sứ điệp tình thương của Thiên Chúa.
Sự tham gia bắt đầu từ trách nhiệm cá nhân trong gia đình, trong công việc và trong hội thánh địa phương, giáo xứ, giáo họ, hội đoàn, khu xóm, xưởng thợ, trường học, bệnh viện… của chúng ta. Về phần mình, chính phủ và các tổ chức xã hội nên khuyến khích và tạo lập các quy chế để người dân phục vụ công ích. Nhờ vậy, những người gặp khó khăn, thiếu thốn, khuyết tật, kém may mắn… và toàn xã hội ngày càng hy vọng được thụ hưởng một cuộc sống xứng với phẩm giá con người và con cái của Thiên Chúa. Việc tham gia xây dựng lợi ích chung là một hành vi luân lý và đạo đức nhằm khẳng định phẩm giá của mỗi con người. Ngay cả trong những hoàn cảnh cấp thiết, hành động chống lại sự áp bức của các chính phủ hoặc các tổ chức xã hội, nếu xảy ra, vẫn phải lấy lợi ích chung làm quan trọng. Thiên Chúa, ban cho chúng ta quyền tự do hành động trong cuộc sống cá nhân cũng như trong cộng đồng. Tuy nhiên, sự tự do đó đi kèm với trách nhiệm: hành động vì lợi ích chung của mọi người.
Chúng ta đã thực thi trách nhiệm cá nhân và tham gia vào đời sống công cộng vì lợi ích chung như thế nào? Những trách nhiệm đó đã giúp chúng ta trưởng thành như thế nào, có quy hướng về Thiên Chúa và biểu lộ đức ái Kitô giáo với những người chung quanh không? Hơn nữa liệu tự do cá nhân có cản trở lợi ích chung không, có khuyến khích những hành động vị tha không? Chúng ta hãy cầu nguyện cho có nhiều hành động vị tha hơn, theo lời khuyên bảo của Thánh Phaolô trong bài đọc thứ nhất: “Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em” (1 Tx: 4-5).
Phêrô Phạm Văn Trung.