“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”.
Đạo diễn Walt Disney sẽ không nương tay cắt bỏ bất cứ thứ gì cản trở tiến độ của một chuyện phim! Khi cuốn phim cuộc đời của bạn được trình chiếu, nó có tuyệt vời không? Rất nhiều ‘điều tốt’ bạn cần cắt bỏ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’. Điều quan trọng là ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’, thánh ý Thiên Chúa có vẹn toàn không?
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa đại lễ Giáng Sinh mời gọi chúng ta lần theo chiều kích sâu thẳm ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy’ qua câu chuyện Bêlem; từ đó, thúc giục chúng ta cung chiêm một điều gì đó sâu sắc hơn, trầm lắng hơn! Bởi lẽ, thật lạ lùng, Tin Mừng hôm nay không nói đến thiên thần, mục đồng, bò lừa; thậm chí Maria, Giuse! Tại sao nó được chọn đọc?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa cốt lõi của câu chuyện Giáng Sinh. Đứa trẻ bơ vơ, hèn yếu trong máng cỏ kia là ai? Tại sao thế giới lại ồn ào đến thế về sự ra đời của nó? Thưa vì đứa trẻ ấy là Ngôi Lời của Thiên Chúa, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời… và Ngôi Lời là Thiên Chúa”; “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta!”. Hãy gẫm suy những lời đặc biệt này và lùi lại ‘đằng sau những gì có thể nhìn thấy!’. Kìa, Thiên Chúa mặc khải chính Ngài qua Giêsu, Ngôi Lời! Thiên Chúa không chỉ truyền đạt mà còn hoạt động. Vì thế, Giêsu là Lời tác thành, Lời biến đổi và là Lời cứu độ!
Để dễ hiểu, bạn có thể nghĩ đến ‘lời’ của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine; ‘lời’ của Shakespeare trong Hamlet; hoặc ‘lời’ của Beethoven trong Bản Giao Hưởng số 5! Tất cả những ‘lời’ này không chỉ thể hiện ý tưởng của tác giả mà còn tác động mạnh mẽ trong việc ‘biến đổi’ chúng ta. Vì thế, qua Ngôi Lời, mọi vật hiện hữu và được biến đổi.
Lời đã đến, đã đi vào thế giới cách trọn vẹn. Theo Gioan, “thế giới” có hai nghĩa! Trước hết, là hành tinh của chúng ta và tất cả những gì trong đó; nó còn là ‘thế giới’ bên trong mỗi người, vốn bị lôi cuốn vào tất cả những gì xấu xa, tiêu cực, hạ cấp và mất nhân tính. Lời đã đi vào hai thế giới đó! Không sống ngoài rìa, nhưng ngay ở giữa; Lời bị đàm tiếu là “lui tới với các tội nhân và tệ hơn, ăn uống với họ”. Những điều này được nói trong câu chuyện Bêlem bằng một ngôn ngữ hình tượng! Thư Do Thái xác nhận, “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Thánh Tử là Ngôi Lời, là Giêsu, bản sao hoàn hảo của chính Thiên Chúa.
Anh Chị em,
“Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta!”. Chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu, nghe Ngài nói, nhìn việc Ngài làm… chúng ta chiêm ngắm, sờ đụng và lắng nghe Thiên Chúa. Vì thế, đàng sau máng cỏ là một thông điệp yêu thương: Vì yêu con người, Thiên Chúa làm người; đi vào thế giới con người, ôm lấy nó, giải thoát nó khỏi những nô lệ của áp bức, đói khát, vô gia cư, tội lỗi, sợ hãi, giận dữ, phẫn uất, hận thù và cô đơn… Quan trọng hơn, bạn và tôi được mời gọi cộng tác với Ngài, bằng cách mời Ngài đi vào cuộc sống mình và cuộc sống người khác; hầu cắt bỏ những gì ‘tưởng là tốt’ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’. Thật ý nghĩa, tầm nhìn của Isaia, viễn cảnh mà tác giả Thánh Vịnh đáp ca nhìn thấy, “Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta!”.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, thế gian nói với con những điều ‘tưởng là tốt’, cho con dám cắt bỏ để dọn đường cho ‘những điều tốt hơn’ mà Giêsu, Ngôi Lời, không ngừng ngỏ với con!”, Amen.
(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)