“Có người bị phong hủi đến gặp Ngài, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1:40). Đây không phải là một lời cầu xin, mà là một lời tuyên xưng đức tin. Đúng vậy, đó là một hành động đức tin. Tuy nhiên đó cũng là một thách thức: “Nếu Ngài muốn” nghĩa là “Chỉ cần Ngài muốn là được.” Thật táo bạo, cả gan, như muốn hỏi: “Vậy Ngài có muốn chữa cho tôi lành sạch không?”
Theo Thánh Máccô, người phong hủi này gần như lao vào Chúa Giêsu, anh ta “đến gặp Chúa, quỳ xuống van xin.” Anh ta không chỉ mắc một căn bệnh truyền nhiễm và khủng khiếp mà còn bị ô uế về mặt nghi lễ như đã được truyền trong sách Lêvi: “Khi trên da thịt người nào phát ra nhọt, lác hoặc đốm, và cái đó trở thành vết thương phong hủi, thì người ta sẽ đưa người ấy đến với tư tế Aharon hoặc với một trong các tư tế, con của Aharon” (Bài đọc thứ nhất Lv 13: 2). Người phong hủi là biểu hiện của những hậu quả của tội lỗi. Do đó, theo luật của Thiên Chúa, người đó phải bị tách khỏi dân Israel: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13: 45-46). Người đó không còn phù hợp để cùng dân, vốn đã được thánh hiến cho Thiên Chúa, để thờ phụng Ngài là Đấng Thánh, không một chút ô uế, và: “Thật vậy, Ta là Chúa, Thiên Chúa của các ngươi; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh ; các ngươi đừng làm cho chính mình ra ô uế vì mọi loài vật nhỏ bò trên đất” (Lv 11:45). Thánh Máccô tiếp tục cho chúng ta biết những hậu quả đáng tiếc của phép lạ này đối với Chúa Giêsu. Ngài hẳn biết rõ những hậu quả này: “Ngài không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành” (Mc 1: 45). Vì thế Chúa Giêsu có lý do chính đáng để không làm điều Ngài được yêu cầu ở đây.
Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại hành động không ngại những hậu quả mà Ngài đã biết rõ như vậy? Chỉ riêng Thánh sử Máccô cho biết lý do. Thánh sử nói: “Ngài chạnh lòng thương” (Mc 1: 41). Và từ lòng trắc ẩn đó đã nảy sinh ra cử chỉ tuyệt vời này: Chúa Giêsu “giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi!” (Mc 1: 41). Chúng ta có thể tưởng tượng ra một sự im lặng đột ngột, những đôi mắt trợn ngược và những cái miệng há hốc phát ra những tiếng “Ồồồồ…!” thảng thốt của những người đứng xem. Ngài đã chủ tâm chạm vào người cùi, điều không ai khác dám làm, vì sợ lây bệnh và nhiễm ô uế.
Nhưng những đôi mắt và những cái miệng kia còn trợn ngược và há hốc hơn nữa khi thấy rõ ràng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch” (Mc 1: 42). Một lần nữa, Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài có thể chữa lành bằng một lời nói, bằng một cái đụng chạm. Ngài đã chấp nhận sự thách thức táo bạo mà người cùi đưa ra cho Ngài. Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài mang trong mình sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không bị ô uế bởi sự đụng chạm này như bất cứ con người nào khác. Trái lại, nhờ sự đụng chạm này, Ngài ban cho người cùi sự thanh sạch nơi thân xác, nhờ đó anh được quay trở lại với cộng đồng, tức là sự thanh sạch theo Lề Luật, để thờ phượng Thiên Chúa cùng với dân tộc của anh, nghĩa là nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không đến thế gian chỉ để chữa khỏi bệnh phong cùi. Ngày nay vẫn còn có những người phong cùi, không kém gì thời Chúa Giêsu, và vẫn còn có những người phải chịu vô số bệnh tật và đau khổ đủ loại khác. Thánh Máccô cũng nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu không muốn nổi tiếng là người làm phép lạ: “Ngài nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả” (Mc 1: 43-44). Sứ mệnh của Ngài còn lớn hơn thế nhiều. Những phúc lành mà Ngài đến để ban tặng còn lớn lao hơn nhiều; có phạm vi rộng lớn vô hạn.
Như người phong cùi trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đến gần Chúa Giêsu trong đức tin và đức cậy một cách đúng đắn, cầu xin Ngài giúp đỡ, trong những việc lớn cũng như việc nhỏ, vì biết rằng Ngài có quyền năng giúp đỡ chúng ta. Nhưng luôn luôn giống người cùi, chúng ta hãy thêm vào: “Nếu Ngài muốn”. Và chúng ta cần biết chấp nhận rằng trong khá nhiều trường hợp, ý muốn của Ngài không phải là chúng ta đạt được những gì chúng ta cầu xin.
Vậy ý muốn của Chúa dành cho chúng ta là gì? Đức tin của chúng ta cho chúng ta biết rằng động lực duy nhất đằng sau ý muốn của Thiên Chúa là tình yêu của Ngài, tình yêu thánh thiêng vô hạn: vì Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta vẫn cầu nguyện: xin cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời; điều này thực sự chỉ có lợi cho chúng ta mà thôi. Ý muốn cuối cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta là chúng ta được mãi mãi ở trong Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; rằng chúng ta được chia sẻ quyền làm Con của Ngài; rằng chúng ta thừa hưởng sự sống vĩnh cửu, của Ba Ngôi Thiên Chúa như Thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới…hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Ábba, Cha ơi! Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gal 4,4-6). Nhờ Chúa Giêsu, với Ngài và trong Ngài, chúng ta trở nên những con cái của Thiên Chúa: “Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta. Chúa toàn năng phán như vậy” (2 Cr 6,18). Và con đường dẫn tới phúc lành đó là việc chúng ta được thông phần vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô.
Đôi khi, ý muốn của Thiên Chúa là bây giờ chúng ta phải trải qua một phần sự đau khổ của Chúa Kitô để có được phúc lành đó. Và kinh nghiệm chung cho thấy rằng thông thường chúng ta không gặp được tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa nếu trước hết chúng ta không trải nghiệm sự túng thiếu, bất lực, bị tổn thương một cách tuyệt vọng. Và vì vậy, đôi khi việc chúng ta không được chữa lành là điều tốt, có một ý nghĩa thực sự.
“Chúa Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh.” Lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại bị thương tích, bệnh tật, sa ngã, tội lỗi được thể hiện qua việc nhập thể và các phép lạ, cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu. Qua nhân tính của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã đưa tay ra và chạm vào chúng ta, tất cả chúng ta. Đặc biệt qua trái tim con người của Chúa Giêsu, trái tim bị mũi giáo đâm thấu, chúng ta có thể tiếp xúc ngay với tình yêu vô hạn và vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Bàn tay dang rộng của Chúa Giêsu tiếp tục chạm vào chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Trên hết, và trực tiếp nhất, chúng ta được Chúa Giêsu đụng chạm khi lãnh nhận các bí tích của Giáo hội: bí tích giải tội và rước Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta cũng được Chúa Giêsu đụng chạm khi chúng ta đọc Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện; đọc Hạnh Các Thánh, các sách đạo đức… Đôi khi chúng ta được sử dụng như một khí cụ để Thiên Chúa chạm đến người khác khi chúng ta thực hành việc Thương Người có Mười Bốn Mối, để tâm giúp đỡ những anh chị em gặp khó khăn, thiếu thốn…
Cách đây 166 năm, vào ngày 11 tháng 2 năm 1858, thiếu nữ Bernadette 14 tuổi lần đầu tiên nhìn thấy Đức Mẹ trong hang đá Lộ Đức. Và từ ngày đó đến nay đám đông đổ về Lộ Đức. Nhiều người bệnh được chữa lành ở đó mà y khoa không thể giải thích được. Nhưng nhiều người bệnh đến Lộ Đức mà không được chữa khỏi. Họ vẫn đi, vì Lộ Đức là thánh địa. Ở đó mọi người được ơn hoán cải; họ thấy mình cầu nguyện dễ dàng và sốt sắng hơn; họ cảm nghiệm được phúc lành của Thiên Chúa và của Mẹ Maria ở đó một cách trực tiếp hơn. Lộ Đức hướng mọi người về thiên đàng một cách chắc chắn, và họ ra về với niềm phấn khởi và an ủi tràn trề.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con đừng thất vọng khi thấy rằng chúng con đã không được Chúa đáp lời giống như cách Chúa đã đáp lời người cùi. Xin giúp chúng con xác tín rằng dù không phải lúc nào Chúa cũng chữa lành những bệnh tật thể xác của chúng con, nhưng Chúa Giêsu đã ban cho chúng con sự chữa lành vĩ đại nhất – chữa lành khỏi tội lỗi. Chúng con tin cậy Chúa đồng hành cùng chúng con trong mọi đau khổ và sẽ làm những điều tốt lành nhất cho chúng con. Xin hãy chạm vào và thanh tẩy tâm hồn chúng con và biến nó nên giống như trái tim Chúa. Xin hãy chạm vào và thanh luyện tâm trí chúng con, để nó có thể hòa hợp với tâm trí của Chúa. Xin hãy chạm vào và thanh tẩy toàn bộ cuộc đời chúng con: để toàn bộ con người của chúng con có thể rộng mở hơn bao giờ hết đón nhận tình yêu của Chúa và đáp lại tình yêu đó, như Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10: 31).
Phêrô Phạm Văn Trung