CHINH PHỤC NỖI SỢ HÃI

Tôi tin rằng một trong những lý do khiến đại dịch Covid -19 gây tổn thương nặng nề cho xã hội của chúng ta là chúng ta đang sống trong một nền văn hóa bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi cái chết. Sợ chết là điều ai cũng cảm thấy, bởi vì cái chết dường như là kẻ thù tồi tệ nhất của cuộc sống con người. Kinh Thánh nói rõ rằng cái chết không nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho loài người. Sự chết đến thế gian do hậu quả của tội lỗi. Khi ai đó chết, ta cảm thấy có điều gì đó không đúng vì chết là một sự sai trái.

Chúng ta có linh hồn vĩnh cửu. Mối tương quan bạn bè và tình cảm mà chúng ta hình thành với nhau trong cuộc đời này sẽ kéo dài mãi mãi. Theo cách này, cái chết đi ngược lại bản tính của chúng ta, và việc sợ hãi cái chết là điều tự nhiên. Thật vậy, trong tất cả các thế kỷ tồn tại của con người, mặc dù đã vận dụng tất cả sự khéo léo tốt nhất của con người, có hai vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết được: tội lỗi và sự chết. Đây chính là những vấn đề mà Chúa Giêsu Kitô đã đến để cứu chúng ta thoát khỏi.

Tam Nhật Vượt Qua của Lễ Phục Sinh, mà chúng ta cử hành hàng năm, có điều gì đó nói lên nỗi sợ chết này. Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự chết bằng cách chiến thắng tội lỗi. Khi chúng ta ăn năn tội lỗi của mình và được tháp nhập vào Chúa Kitô qua phép rửa, Thánh Phaolô nói rằng chúng ta “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Chúa Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao?” (Rm 6:3). Điều này có nghĩa là ảnh hưởng của cái chết và sự phục sinh của Ngài, sự giải thoát khỏi tội lỗi và sự sống phục sinh, được chia sẻ với chúng ta. Vì điều này, cái chết đã mất quyền lực đối với chúng ta. Chúng ta cũng có thể tuyên bố như Thánh Phaolô đã tuyên bố với người Côrintô: “Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1Cr 15,54-55).

Sự thật này thay đổi mọi thứ đối với chúng ta với tư cách là Kitô hữu. Điều đó có nghĩa là chúng ta không còn sống trong nỗi sợ chết nữa, nhưng được tự do hoàn toàn hiến dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa. Điều này không dẫn đến sự coi thường ân huệ sự sống, nhưng hoàn toàn ngược lại. Nó làm cho cuộc sống tràn đầy ý nghĩa sâu sắc và cho chúng ta can đảm để có thể đối mặt với sự dữ mà vẫn đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Sự can đảm này tràn ngập trong lòng các thánh và cho phép các ngài liều mình vì người khác.

Tôi yêu thích tấm gương của Thánh Đamiêng ở Molokai, đôi khi được gọi là “Linh mục Phong Cùi”. Thánh Đamiêng tình nguyện làm linh mục cho người cùi trên đảo Molokai, dù biết rằng mình sẽ không bao giờ có thể quay trở lại. Ngài sẽ chết ở đó với những người phong. Khi được hỏi làm thế nào ngài có đủ can đảm để làm điều này, ngài nói: “Chính ký ức về việc nằm dưới tấm khăn tang hai mươi lăm năm trước – ngày tôi tuyên khấn – đã khiến tôi dũng cảm đối mặt với nguy cơ mắc phải căn bệnh khủng khiếp này, thực hiện bổn phận của mình ở đây và cố gắng chết đi cho bản thân mình nhiều hơn… bệnh tật càng tiến triển, tôi càng thấy mình mãn nguyện và hạnh phúc.”

Cộng đoàn tu trì của Thánh Đamiêng có truyền thống – ngày nay vẫn còn được nhiều tu sĩ Biển Đức và những tu sĩ khác thực hiện – khi một vị linh mục tuyên khấn, vị này nằm sấp mặt trên sàn nhà nguyện trong khi người ta đọc kinh cầu các thánh, một chiếc khăn tang sẽ phủ lên vị này như một biểu tượng chết đi cho trần thế. Thánh Đamiêng đã thoát khỏi nỗi sợ chết vì ngài đã hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa khi ngài tuyên khấn.

Quan điểm đích thực của Kitô hữu là tội lỗi là một sự dữ còn xấu xa hơn cả sự chết. Như Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10:28). Đây là lý do tại sao các vị tử đạo đã hy sinh mạng sống của họ: các ngài thà chết chứ không phạm tội chối bỏ Chúa Kitô.

Vậy làm thế nào để chúng ta đối phó với nỗi sợ hãi tự nhiên đối với cái chết, hoặc với bất cứ nỗi sợ hãi tự nhiên nào của chúng ta? Tôi thích câu nói của Joseph Pieper, triết gia người Đức ở thế kỷ 20, đã viết rất hay về nhân đức. Ông ấy nói, “Lòng can đảm là nỗi sợ hãi cất lên lời cầu nguyện của mình.” Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, các thánh cũng có những nỗi sợ hãi, dường như ngay cả Chúa Giêsu trong nhân tính của mình cũng run sợ trước thập giá. Điều quan trọng là nỗi sợ hãi không ngăn cản chúng ta làm theo ý Chúa. Chúng ta càng lớn lên trong mối liên hệ hàng ngày với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, thì chúng ta càng phó thác những nỗi sợ hãi trong lòng cho Ngài, Ngài càng đổ đầy chúng ta bằng tình yêu của Ngài và điều này càng cho chúng ta can đảm để làm bất cứ điều gì Ngài yêu cầu, ngay cả khi đối mặt với nỗi sợ chết. Như thánh Phaolô nói: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Chúa Kitô Giêsu” (Phil 4: 6-7).

Cách đây vài năm, một trong những điều tôi nhận thấy trong Kinh thánh là mỗi khi Thiên Chúa kêu gọi ai đó trong Kinh thánh thì Ngài nói: “Đừng sợ”. Cho dù đó là Abraham, Môsê, các tiên tri, Mẹ Maria hay Thánh Phêrô, dường như Thiên Chúa bảo mọi người đừng sợ vì Ngài luôn kêu gọi chúng ta làm nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ mình có thể làm được. Vì vậy, sợ hãi sẽ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, đức tin thay đổi điều này.

Đức tin cho chúng ta sự hiểu biết “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8: 35, 38-39). Càng lớn lên trong đức tin, chúng ta càng ít bị nỗi sợ hãi, thậm chí nỗi sợ chết, chi phối. Rồi thì, chúng ta có thể can đảm hiến tặng cuộc sống của mình bằng bất cứ cách nào mà Thiên Chúa yêu cầu.

Sau đây là một vài câu Kinh Thánh giúp thắng vượt nỗi sợ hãi:

  1. “Đừng sợ hãi: có Ta ở với ngươi.

Đừng nhớn nhác: Ta là Thiên Chúa của ngươi.

Ta cho ngươi vững mạnh,

Ta lại còn trợ giúp với tay hữu toàn thắng của Ta”

(Is 41: 10).

  1. “Nhà Aharon, hãy tin cậy Chúa,

chính Chúa độ trì, làm thuẫn đỡ khiên che”

(Tv 113b: 10).

  1. “Anh em đừng sợ chúng, vì chính Chúa, Thiên Chúa của anh em, chiến đấu cho anh em” (Đnl 3: 22).
  2. “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,

tôi còn sợ người nào?

Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi,

tôi khiếp gì ai nữa?”

(Tv 27: 1).

  1. “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”

(Gn 14: 27).

 

Tác giả: Andrew Cozzens

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

từ https://thecatholicspirit.com.

Chia sẻ Bài này:

Related posts