KINH  MÂN  CÔI, CON  ĐƯỜNG  GIẢI  THOÁT  SINH  TỬ

Tháng mười hàng năm theo lịch phụng vụ của giáo hội được gọi là Tháng Mân Côi lấy cơ sở từ cuộc chiến thắng quân Hồi giáo tại vịnh Lepante ngày 07/10/1571. Với chiến thắng lẫy lừng ấy sở dĩ có được  là nhờ vào thần lực của Kinh Mân Côi. Bởi đó đức thánh cha Pio V đã cho tổ chức rước kiệu trọng thể và thành lập Lễ Đức Mẹ Chiến Thắng để ghi nhớ công ơn cao cả của Ngài !

Kinh Mân Côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium tức là hoa hồng. Như vậy, Tràng Chuỗi Mân Côi mang ý nghĩa là một  vòng hoa được kết bằng những bông hoa hồng để dâng kính Đức Mẹ. Bông hoa hồng này cũng chính là lời chào của sứ thần Gabriel: “ Kính chào Bà đầy ơn  phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà” ( Lc 1, 28 ).

Chúng ta vẫn xưng tụng Kinh Mân Côi là một mầu nhiệm và mầu nhiệm ấy là gì nếu chẳng phải là lời chào mở đâu Ơn Cứu Chuộc ? Tuy nhiên để có được Ơn Cứu Chuộc ấy, Dân Chúa cần trải qua một cuộc chiến đấu sống còn  đã được tiên báo giữa Người Nữ Maria và…rắn Sa Tan. Đức Chúa phán với con rắn: “ Ta sẽ lập giữa ngươi vá Người Nữ. Giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi Người Nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu ngươi, còn ngươi thì sẽ rình cắn gót chân Người” St 3, 15 ).

Người Nữ ám chỉ Đức Maria, điều ấy thiết nghĩ không có chi để bàn. Thế nhưng, sự thật thì….con rắn biểu trưng cho cái gì ? Đây là vấn đề hết sức quan trọng và cần  thấu triệt, nếu không sẽ không thể nhận ra bản chất của cuộc chiến giữa Đức Maria và rắn Sa Tan ?

Nên nhớ, cuộc chiến được Kinh Thánh tiên báo ấy chỉ diễn ra sau khi Nguyên Tổ đã phạm tội, nghe lời xúi giục của con rắn  cố tình …ăn trái  cây phân biệt thiện ác để rồi bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng: “ Đức Chúa phán với Eva: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về cây biết phân biệt thiện ác thì chớ hề ăn đến. Vì một mai ngươi ăn chắc là phải chết” ( St 2, 16 -17 ).

Cái chết do ăn ( phạm ) trái cây phân biệt  cố nhiên không phải là cái chết xác thân nhưng là tâm linh ( Linh Hồn ). Thế nhưng để hiểu tại sao phân biệt thiện ác lại đưa đến cái chết ấy, chúng ta cần nhận rqa trái cây phân biệt ấy chính là Ý Thức tức thức thứ sáu trong Duy Thức Học. Công năng của Ý Thức chủ về sự phân biệt ( So đo, tính toán, hơn thua, thiện ác v.v…).Đồng thời cũng chính là do nơi phân biệt ấy  mà đã hình thành nên một “ Cái Tôi” ( Bản Ngã ) sâu dày.

Cho rằng có một “ Cái Tôi”  độc lập tự tánh đó là sự mê lầm, điên đảo  người đời không ai tránh khỏi. Bởi đó cho nên Đức Ky Tô đã đưa ra lệnh truyền: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( lc 9, 23 ). Bỏ Mình, vác thập giá đối với tuyệt đại đa số là điều khó thể. Tuy nhiên còn có  một con đường khác chẳng những dễ dàng lại hết sức bảo đảm đó là con đường trẻ thơ: “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ ai chẳng nhận lấy Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào đó đâu” ( Lc 18, 17 ).

Nên như trẻ nhỏ có nghĩa cứ một mực đơn sơ  tin tưởng không còn thành kiến, chấp trước gì cả. Đức Mẹ truyền dạy  hãy siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi thì cứ thực hành đi, thế nào cũng có kết quả ! Dẫu vậy, thực tế hiện nay  cho thấy, để nên như trẻ nhỏ là điều chẳng mấy dễ dàng ! Giáo hội hiện nay nói chung và Kinh Mân Côi đã và đang bị khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân gây ra  chính là vì  người ta  không  muốn  làm…trẻ thơ  để làm người lớn bằng cách đổi mới, canh tân Kinh Mân Côi !!!

“ Trong nguồn gốc của nó, có nhiều lý do  nhưng có thể tập trung vào  trong hai đặc thái  sau đây: Thứ nhất là cuộc khủng hoảng của lời cầu nguyện sùng kính trầm trọng vì sự tục hóa và  các Chủ Thuyết Nhân Bản mới bị ý thức hóa. Thứ hai,  cuộc khủng hoảng lòng tôn sùng Mẹ Maria là bối cảnh  sống còn của Kinh Mân Côi. Cuộc khủng hoảng  còn đả thương trong cấu trúc của nó  là lời cầu nguyện  thầm trong trí và đọc lớn tiếng bên ngoài. Trong cái khó khăn của việc suy ngắm và trong sự từ chối việc lập đi lập lại một lời kinh  bị tố cáo là  máy móc vô hồn. Các khó khăn này có tầm nghiêm chỉnh của chúng và không  thể trả lời với các kiểu nói quen thuộc được” ( Nguồn Daobinhducme – Linh Tiến Khải – 26/8/2013 – Tổng kết ý nghĩa Kinh Mc trong tình hình giáo lý sùng mộ và việc canh tân KMC hiện nay ).

Qua sự trình bày ở đây cho thấy có hai nguyên nhân đưa đến khủng hoảng Kinh Mân Côi. Một là do nạn Tục Hóa hai là việc lập đi lập lại Kinh Kính Mừng. Với Tục Hóa hay còn gọi là Giải Thiêng ( De’sacralisation ) thì  thử hỏi còn chi là cầu nguyện nữa ? Người ta chỉ cầu chỉ xin một khi vẫn còn tin vào sự hiện hữu của một…đấng nào đó. Ngược lại không tin thì …cầu làm gì ? Đang khi đó cầu nguyện  bằng Kinh Mân Côi tức là xin Đức Mẹ cầu cùng Thiên Chúa, Đấng chưa ai từng thấy biết thay cho mình: “ Thánh Maria cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”

Lời cầu cổ xưa này đã có trước cả Kinh Mân Côi khi các tín hữu rước kiệu mừng sự thành công của CĐ Epheso. Thế nhưng lời cầu ấy trong thời Tục Hóa  khi con người không còn tin sự hiện hữu của Thiên Chúa  thì lời cầu ấy trở thành vô nghĩa và vì thế  cũng không lạ gì khi Kinh Mân Côi đã bị người ta  khinh chê, miệt thị:“ Ngày  nay Kinh Mai Khôi đã trở thành một Chuỗi Kinh nhàm chán và máy móc mà chỉ có các ông bà già cùng những người đạo đức  còn đọc để “ ăn mày ơn xá”Còn giới trẻ đặc biệt  là phía đàn ông con trai chẳng cảm thấy vui gì khi “ lần hột” ( Lm Thiện Cẩm O.P – Tb Cg&Dt số 977 ngày 25/9/1994 ).

Đàn ông, con trai để chỉ cho những con người thiên về lý trí ( Duy Lý ). Với những con người thiên về lý trí bất kể họ là linh mục hay giáo dân  chẳng những không mến chuộng mà còn ghét bỏ những ai còn thực hành kinh nguyện này bởi lẽ Kinh Mân Côi là đối trị của Duy Lý. Một đàng duy lý hướng ra ngoại giới để phân biệt. Một đàng Kinh Mân Côi  xoay cái Tâm trở vào bên trong để trở về Thực Tại cũng là Đấng Cha ở nơi mình.

Để trở về với Thực Tại bất sinh bất diệt ấy, Đức Ky Tô truyền dạy: “ Còn ngươi, khi cầu nguyện, hãy vào phòng kín đóng cửa lại mà cầu Cha ngươi và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6 ). Vào phòng kín đóng cửa lại, cần phải hiểu theo nghĩa…bóng. Phòng kín  ám chỉ cho tâm khảm  mỗi người. Còn cửa để chỉ cho sáu quan năng ( Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý ). Trong sáu quan năng ( Cửa ) ấy thì Ý là quan trọng bậc nhất. Tạo công hay tạo tội cũng đều do nó ( Công vi thủ, tội vi khôi ).

Ý Thức như đã biết đó chính là Thức thứ sáu trong Duy Thức đồng thời cũng là Tội Nguyên Tổ và cũng chính vì…tội này mà nguyên Tổ đã bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng: “ Vậy Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn rồi  đặt tại phía đông Vườn  Eden  các thần cherubim với lưỡi gươm chói lòa để giự con đường đi đến sự sống” ( St 3, 24 ).

Nếu cứ theo nghĩa mặt chữ ( Sens Litteral ) thì sẽ không hiểu tại sao Kinh Thánh lại nói sau khi ….ăn phải Trái Cấm, con người lại bị đuổi  ra khỏi Vườn Địa Đàng, thử hỏi có con người nào ở đây ? Thực sự thì ….con người  cần được hiểu như là Chúng Sinh. Lý do là vì sau khi nguyên tổ bị đuổi ra khỏi Vườn Địa Đàng,  Eva đã trở thành mẹ của chúng sinh: “ A Đam gọi vợ  là Eva vì bà là mẹ của chúng sinh” ( St 3, 20 ).

Chúng sinh theo nghĩa sâu xa nhất chính là một thứ Vọng Thức bên trong duyên theo bóng dáng  của vọng trần. Cả hai phối hợp với nhau mà sinh nên gọi là chúng sinh. Mỗi  một niệm dấy lên như vậy là một chúng sinh hay gọi là chúng tưởng…

Nếu Eva vì ăn Trái Cấm mà đã trở thành mẹ chúng sinh  thì Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội  lại là Eva Mới trong vai trò dẫn dắt chúng sinh  trên đường trở về  chốn cũ nơi xưa là Vườn Địa Đàng ( Tâm Vô Phân Biệt ). Chốn cũ nơi xưa ấy, Thiền Tông gọi là Bản Lai Diện Mục, bộ mặt xưa nay của mỗi người. Để trở về với bộ mặt xưa nay ấy, người Tu ( Hành Giả ) nhất định cần phải dứt trừ đi Tâm Phân Biệt.

Sau khi nhận được Y Bát từ ngũ tổ, Huệ Năng trẩy về phương nam, Huệ Minh đuổi theo có ý dành lại Y Bát  nhưng không được  bèn sụp lạy nói: Tôi vì pháp mà đến  chứ không phải vì Y . Huệ Năng bảo ông đã vì pháp mà đến thì nên dứt sạch các duyên, chớ sanh một niệm, tôi  sẽ  vì ông nói. Huệ Minh  im lặng giây lâu, Huệ Năng bảo: “ Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Chính khi ấy cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh ?” ( Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Hành Do ).

Chân lý vốn dĩ là một, không hề có sự khác biệt. Để trở về với Thực Tại, thiền tông  chủ trương dứt trừ Tâm Phân Biệt. Còn Đạo Công giáo với Kinh Mân Côi tuy hình thức có khác ( Dĩ Nhiên ) nhưng nội dung cũng không ngoài ý  ấy tức trở về với Đấng Cha trong chính mình ! Như trên đã nói Kinh Kính Mừng là lời chào của sứ thần  Gabriel mở đầu Ơn Cứu Độ. Thực hành Kinh Mân Côi  bằng cách lập đi lập lại Kinh Kính Mừng trong chánh niệm tỉnh thức đó chính là  để tiếp tục bước đi trên con đường về nơi Đất Hứa là Nước Thiên Đàng mai sau !

Thiên Đàng chính là miền Đất Hứa đồng thời cũng là niềm hy vọng của người Công giáo  chúng ta nhưng nếu đã là niềm hy vọng thì không thể…thấy được trong cõi đời hữu hạn này: “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải là sự hy vọng. Vì có ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy  thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25 ).

Đa phần người Công giáo ở đây ám chỉ những người ngoan đạo vẫn còn giữ thói quen đọc Kinh  Mân Côi  thì mục đích của việc làm ấy chỉ là để xin ơn này ơn kia cho bản thân hay gia đình. Điều này tuy cũng tốt nhưng thật ra không đáp ứng được lòng mong mỏi của Đức Mẹ là dẫn đưa chúng ta về Thiên Đàng như lời Ngài  hứa với thánh Đa Minh: “ Con cái trung thành với Kinh Mân Côi  sẽ được hưởng vinh quang trên trời” ( Lời hứa thứ mười ).

Theo tôi lời hứa của Đức Mẹ cho những ai siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi  được về Thiên Đàng là quan trọng nhất. Tại sao ? Bởi suy cho cùng  mục đích tối thượng của con người sống trên cõi dương gian này là gì nếu không phải là sau khi chết được về hưởng phúc  vinh  đời đời bên Chúa, Đức Mẹ và chư thần thánh ? Tài sản, chức quyền, danh vọng…ở đời chỉ là những thứ bọt bèo nào  giúp ích chi trong giây phút lâm chung bên bờ  vực tử sinh, sinh tử ?

Siêng năng đọc Kinh Mân Côi để xin ơn này ơn khác  nếu được thì tỏ lòng biết ơn, trái lại có khi còn mất đức tin cũng chẳng biết chừng ? Mặt khác nếu đọc Kinh Mân Côi mà chỉ có ý xin ơn này ơn khác thì không thể kiên trì trong cầu nguyện bởi vì mục đích sâu xa của việc cầu nguyện  nhất là với Kinh Mân Côi là để thoát ly sinh tử. Tại sao ? Bởi vì xét trong 15 ngắm  chứa đựng trong  ba mùa Vui Thương Mừng tất cả đều mang ý nguyện  siêu xuất thế gian như lời Đức Ky Tô đã dâng lời cầu nguyện với Chúa Cha: “ Con đã ban Đạo Cha cho họ mà thế gian ghét bỏ họ vì họ không thuộc về thế gian cũng như Con không thuộc về thế gian vậy” ( Ga 17, 14 ).

Người có đạo tức là người bước đi trên con đường tâm linh siêu xuất thế gian. Chỉ khi nào kiên trì, nhẫn nại theo đuổi con đường siêu xuất ấy  thì mới  có thể thoát vòng sinh tử để vào cõi sống bất  diệt ! Lại nữa, bước đi trên đường đạo cùng với  Tràng Chuỗi Mân Côi  chúng ta sẽ hưởng trọn niềm  phúc lạc mỗi ngày bởi như thánh Bonaventura đã  nói: “ Nếu ta chào Mẹ bằng  Kinh Kính Mừng, thì Mẹ Maria sẽ chào lại ta bằng vô vàn ơn phúc” ./.

Phùng  Văn  Hóa

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts