(Lễ Kính Thánh Anrê Tông đồ 30-11)
Người trung gian được hiểu là người thứ ba ở giữa hai đối tác với vai trò chuyển tiếp hoặc làm cầu nối cho một quan hệ, một dịch vụ nào đó. Để thực sự làm người trung gian đúng nghĩa và hữu hiệu thì cần phải hiểu biết cả hai phía mà mình muốn làm trung gian và ít nhiều có chút tình với những người mà mình làm môi giới.
Trong thực tế đời thường có đó nhiều người trung gian vẫn biết rõ đối tác mình làm chiếc cầu nối cho một mối quan hệ chẳng hạn “ông mai, bà mối”. Tác nhân trung gian này xem ra có tấm lòng với những người mình làm trung gian nhưng vẫn còn hạn chế. Một hình thức không mấy đẹp của người trung gian đó là “cò”. Cũng làm trung gian nhưng các tay cò chỉ nhắm đến lợi nhuận là các “phết phẩy” là phần trăm hoa lợi sẽ thu được. Dĩ nhiên cái tình, tấm lòng của mấy anh chị cò này thỉnh thoảng cũng có nhưng chẳng đáng kể so với lợi nhuận muốn đạt. Và vẫn có đó nhiều anh chị cò tìm mọi cách để trục lợi “con mồi” cách nhẫn tâm vô tình.
Trong đức tin Kitô giáo thì Chúa Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại. Theo viễn kiến này thì hạn từ “hiểu biết” lại được hiểu theo nghĩa Thánh Kinh là một sự gắn bó thiết thân tự căn tính như hình ảnh nên một xương một thịt của nghĩa tình phu thê. Chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, do đó chúng ta nhìn nhận Người là Đấng Trung Gian duy nhất. Và chính Chúa Kitô cũng đã từng khẳng định sự thật này: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tông đồ Anrê, một người anh em của thánh Phêrô được các bản văn Tin mừng tường thuật như là người trung gian dù không đích thực như Đấng Trung Gian Duy Nhất nhưng có đó nhiều nét mô phỏng. Khi được thầy Gioan tẩy giả giới thiệu, Anrê và một bạn đồng môn khác đã đi theo Chúa Giêsu và ở lại với Người suốt ngày hôm ấy thì trước hết ông đã về giới thiệu cho Phêrô, anh mình rồi dẫn Phêrô đến gặp Chúa Giêsu. Nhờ sự trung gian này, Chúa Giêsu đã tìm được người đứng đầu cho Hội Thánh mà Người sẽ thiết lập (x.Ga 1,35-42). Không thương anh Phêrô và thiếu niềm tin vào Chúa Giêsu nhờ đã đi theo và ở lại với Người ngày hôm trước thì sẽ chẳng có việc trung gian của ngài Anrê (x.Ga 1,35-39).
Trong phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh và cá ra nhiều nuôi trên dưới mười ngàn người no nê thì chính Anrê đã biết có một em bé có mang theo năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ rồi dẫn em đến với Chúa Giêsu (x.Ga 6,1-15). Tình yêu, quyền lực và vinh quang của Thiên Chúa đã tỏ hiện. Chắc chắn Anrê không thuộc số người hay xua đuổi trẻ thơ (x.Mc 10,13-16). Phải gần gũi và hòa đồng với nhóm người không đáng kể tên này thì Anrê mới biết rõ là có em nhỏ mang theo năm chiếc bánh và hai con cá. Đã từng chứng kiến Thầy làm cho nước hóa thành rượu ngon tại Cana, đã chứng kiến việc Thầy chữa lành người bất toại ở hồ Bétsaiđa, nên dù có phân vân tính toán như Philipphê nhưng Anrê vẫn tin vào quyền năng của Thầy và đám đông hôm ấy đã hưởng ân lộc no nê.
Dịp Lễ Vượt qua, một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu, họ đến gặp Philiphê, Philiphê nói với Anrê và hai ông đã giới thiệu họ với Chúa Giêsu (x.Ga 12,20-22). Philipphê vốn cũng đã từng làm trung gian dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu thế mà lần này ông lại phải nhờ đến Anrê. Phải chăng Philipphê hiểu được khả năng trung gian của bạn đồng môn, Anrê? Chính nhờ hai vị trung gian này mà tính phổ quát của ơn cứu độ đã dần hé mở.
Dưới ánh sáng Lời mạc khải, chúng ta tin rằng ngoài tấm linh hồn là quà tặng Thiên Chúa ban trực tiếp cho từng người thì hầu hết các ân ban chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa đều qua trung gian. Thiên Chúa ban tấm thân xác này qua trung gian tổ tiên ông bà, nhất là cha mẹ chúng ta. Ngay cả ơn đức tin chúng ta cũng đón nhận từ Thiên Chúa qua trung gian mẹ cha và Giáo hội…Dĩ nhiên Thiên Chúa muốn chúng ta trở thành trung gian hữu ích để ơn lành của Người, ơn phần hồn, ơn phần xác, tuôn đổ xuống trên tha nhân.
Mong sao Kitô hữu chúng ta, cách riêng các mục tử trong Giáo Hội biết noi gương ngài tông đồ Anrê để làm trung gian cho tha nhân với Đấng Cứu Độ Giêsu Kitô một cách hết tình trong sự vô cầu vì xác tín rằng mình đã lãnh nhận cách nhưng không thì biết chia sẻ cách nhưng không (x.Mt 10,8b). Xin cho các đấng bậc có được chút tình với chiên trong đàn lẫn ngoài đàn, nhất là các con chiên đau yếu bệnh tật và xin cho chúng ta luôn vững tin vào Đấng đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để phục vụ con người đến hiến cả mạng sống của mình (x.Mt 20,28).
Hãy làm người trung gian, xin chớ mang kiếp “cò” ân lộc của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột