NHỮNG CHIẾC CHUÔNG NHÀ THỜ ĐẦU TIÊN

Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường nói với tôi rằng nếu tôi ngoan ngoãn trong mùa Vọng thánh thiện này, và dâng những hành động bác ái và vâng lời nhỏ bé của mình trong Mùa Vọng cho Chúa Hài Đồng để làm quà tặng vào ngày sinh nhật của Ngài, thì vào một lúc nào đó trong Mùa Vọng, tôi sẽ nghe thấy những tiếng chuông, lúc đầu rất nhỏ nhưng sau đó rõ ràng hơn, mà như mẹ tôi từng nói, đó là những tiếng chuông nhà thờ đầu tiên.

Đây là những chiếc chuông đeo quanh cổ con lừa nhỏ chở Đức Mẹ. Mẹ tôi giải thích rằng Đức Mẹ đã cưu mang Chúa Giêsu. Mẹ là đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì Chúa Kitô ngự trong Mẹ, nên Mẹ là “nhà thờ” đầu tiên. Và con lừa đeo những chiếc chuông, vì chở Đức Mẹ và rung chuông khi bước đi, nên đó là những chiếc chuông nhà thờ đầu tiên.

Vào khoảng tuần thứ hai của Mùa Vọng, mẹ tôi đeo một chiếc vòng tay nhỏ có gắn chuông leng keng. Khi bàn tay mẹ tôi cử động, tôi có thể nghe thấy những tiếng chuông leng keng, và tôi rất phấn khích khi liên tưởng những tiếng leng keng ấy là tiếng chuông của con lừa.

Khi còn nhỏ, trí tưởng tượng của tôi đã dựng nên rất nhiều câu chuyện nho nhỏ về chuyến đi của Đức Mẹ từ Nazareth đến Bethlehem – những câu chuyện mà tôi sẽ kể cho mẹ tôi nghe, và những câu chuyện này sẽ thúc đẩy tôi làm nhiều việc thiện và nhiều hy sinh hơn nữa, dù nho nhỏ thôi.

Vào tuần thứ ba Mùa Vọng, chiếc vòng tay kỳ diệu của mẹ tôi có thêm nhiều chuông hơn. Âm thanh ngày càng to hơn khi Giáng sinh đến gần. Thật tuyệt vời.

Anh trai tôi và tôi thường nghe những tiếng chuông ấy. Mẹ tôi đeo chuông quanh cổ tay trước tiên rồi đến đầu gối. Khi gần đến Giáng sinh, Mẹ đeo thêm nhiều chuông nữa. Chúng tôi thực sự phấn khích về những tiếng chuông ấy.

Tôi đã giới thiệu phong tục nhỏ này tại cộng đoàn giáo xứ nhỏ bé của chúng tôi. Trong Mùa Vọng, tôi đeo một loại vòng tay gắn những chiếc chuông nho nhỏ và có thể nghe thấy những tiếng leng keng khi tôi bước đi hoặc cử động, ở bất cứ đâu. Các thành viên trong gia đình tôi nói với tôi rằng những tiếng leng keng đó thúc giục họ suy ngẫm sâu xa hơn về ý nghĩa của Mùa Vọng, giống như đã thúc giục tôi khi tôi còn nhỏ.

Tại cộng đoàn giáo xứ, trong vài năm trở lại đây, chúng tôi đã bắt đầu tạo ra một bộ sưu tập các con lừa thu nhỏ – bằng gỗ, thủy tinh, gốm sứ, sợi len – bạn có thể thêm vào nhiều loại vật liệu khác. Và chúng tôi có một tuyển tập các thiệp Giáng sinh mà chúng tôi chọn ra từ nhiều thiệp chúng tôi nhận được, mô tả cảnh lừa trong máng cỏ.

Sự hiện diện của con lừa và con bò đực trong Kinh thánh tượng trưng cho các tiên tri báo trước Sự Nhập thể. Và cũng tượng trưng cho sự kiện rằng “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isaia 1:3). Vì vậy, bạn thấy đấy, tình yêu của tôi dành cho con lừa có một số nền tảng trong Sách Thánh và mang lại niềm vui lớn lao cho trái tim tôi.

Tôi chắc chắn rằng, khi còn nhỏ, Chúa Kitô đã cưỡi lừa nhiều lần. Và tất nhiên, khi đã là một người lớn, Chúa cũng cưỡi lừa. Trong Kinh thánh, chúng ta chỉ biết có hai lần: một là khi con lừa chở Đức Mẹ, mang thai Chúa, từ Nadarét đến Bêlem. Lần khác là khi con lừa chở Chúa Kitô vào thành Gêrusalem khi mọi người đặt cành lá cọ trước mặt Ngài, hoan hô Ngài là vua.

Lừa là loài động vật gì? Đó là loài vật chuyên chở nặng, loài động vật của người nghèo. Một lần nữa, sự nghèo khó được minh họa trong một loài động vật. Thiên Chúa đã chọn loài vật có vị trí khiêm nhường nhất trong số các loài súc vật, vì lừa bị coi là rất thấp kém. Chúa đang dạy chúng ta một bài học ở đây – một bài học về sự khiêm nhường, về sự nghèo khó và về sự giản dị.

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một con lừa mới sinh chưa? Vâng, mỗi con lừa đều có một cây thánh giá màu đen trên bộ lông xám của nó, một dấu hiệu đặc biệt dễ nhận thấy ngay sau khi nó được sinh ra từ bụng mẹ. Cây thánh giá đó trở nên mờ hơn khi con lừa trưởng thành, nhưng vẫn có thể nhìn thấy được. Tôi chia sẻ sự thật này với bạn để chúng ta mở lòng mình ra với tiếng chuông của con lừa đã chở Đức Mẹ và Chúa.

Hơi thở của lừa và bò làm ấm chuồng. Sự nghèo khó và khiêm nhường của con lừa mà Chúa đã chọn cũng nên là sự nghèo khó và khiêm nhường của chúng ta; và hơi thở của lừa và bò cũng nên là hơi thở của tình yêu thương của chúng ta, luôn sưởi ấm Chúa vốn hiện diện trong người bên cạnh chúng ta.

Con lừa chở Đức Mẹ và Chúa không có chỗ ở trong quán trọ. Cả Mẹ Maria, thánh Giuse, hay con lừa đều không có chỗ ở trong quán trọ. Các ngài đến ở trong một chuồng ngựa tồi tàn không được chuẩn bị tốt cho súc vật, chứ đừng nói đến làm nơi ở tử tế cho con người.

Vẫn còn hàng triệu người vô gia cư trên đường phố của chúng ta. Thật bi thảm. Với tư cách là môn đệ của Chúa, chúng ta phải rất cẩn trọng để không loại trừ bất kỳ ai khỏi nhà trọ của trái tim mình.

Chúng ta cầu xin cho trái tim, tâm hồn, đôi tai của chúng ta nghe rõ “tiếng chuông của con lừa”, không chỉ trong Mùa Vọng mà còn suốt cả năm. Bởi vì bất cứ ai có trái tim trong sáng và trẻ thơ sẽ nghe thấy tiếng chuông lừa reo vang suốt cuộc đời mình.

 

Phêrô Phạm Văn Trung

lược dịch từ https://www.catholicmom.com

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts